Cuộc biểu tình ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn đã trở thành cuộc thảm sát đẫm máu như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ba thập kỷ đã trôi đi kể từ khi cuộc biểu tình ôn hòa vì dân chủ ở Bắc Kinh đi vào lịch sử như một cuộc thảm sát đẫm máu. Giờ đây Trung Quốc tiếp tục đàn áp lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát này.

“Thiên An Môn” có nghĩa là “Cổng Thiên đường Hòa bình”, nhưng vào năm 1989, tại đây đã chứng kiến những cảnh tượng không hòa bình. Đầu năm 1989, tại quảng trường Thiên An Môn đã diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ phi bạo lực. Nhưng vào ngày 3 và 4/6/1989, quảng trường này đã trở nên hỗn loạn và chết chóc khi quân đội Trung Quốc dùng xe tăng đè nát người dân vô tội, và cho đến nay số người bị tàn sát vẫn còn là ẩn số. Đã 30 năm trôi qua kể từ ngày lịch sử đó, Trung Quốc vẫn không thừa nhận cũng như chưa bao giờ xin lỗi về vụ thảm sát đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn.

Phong trào phản kháng bắt đầu sau cái chết của ông Hồ Diệu Bang, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thời bấy giờ, người đã nỗ lực cải cách tự do cho nền chính trị Trung Quốc, và bị phế truất khỏi ĐCSTQ vì sự cảm thông và khoan dung với phong trào dân chủ của sinh viên. Sau cái chết của ông, vào ngày 15/4/1989, hàng ngàn sinh viên đã đổ về Quảng trường Thiên An Môn để mặc niệm. Họ bắt đầu yêu cầu cải cách dân chủ, bao gồm chấm dứt kiểm duyệt báo chí và hạn chế quyền tự do hội họp.

Trong nhiều tuần sau đó, quảng trường Thiên An Môn đã chứng kiến những cuộc biểu tình của hàng triệu người dân. Trước tình hình biểu tình không ngừng gia tăng, cuối tháng 5/1989, Trung Quốc đã áp đặt thiết quân luật và trục xuất các phóng viên Phương Tây. Sau đó, vào đêm 3/6/1989, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã được lệnh tiến vào quảng trường.

Ngày 4/6/1989, 200 nghìn binh sĩ và hơn 100 xe tăng đã tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn và nổ súng. Theo hồi ức của hai phóng viên ảnh, những người cho đến nay vẫn còn bị ám ảnh bởi vụ thảm sát: Quân đội sử dụng lưỡi lê, gậy và súng trường nạp đạn tự động để áp đảo cuộc biểu tình, bất chấp sự kháng cự của sinh viên và người dân.

Thế giới phương Tây đã biết về vụ thảm sát từ những hình ảnh và các báo cáo bí mật. Trong số đó có video và hình ảnh về Tank Man, một người đàn ông Trung Quốc không rõ danh tính đã đứng chặn đoàn xe tăng tiến vào quảng trường vào ngày 5/6/1989. Mặc dù hình ảnh của người đàn ông này trở thành biểu tượng của sự phản kháng, nhưng số phận của anh vẫn là một ẩn số.

Mức độ thảm sát cho đến nay cũng là một ẩn số. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng có 200 người thiệt mạng; còn các lãnh đạo sinh viên cho biết số người thiệt mạng có thể lên tới 3.400 người. Vào năm 2017, Vương quốc Anh đã phát hành một đường dây ngoại giao bí mật, trong đó một nhà ngoại giao của Anh đã nhận được một tài liệu bị rò rỉ từ cơ quan hành chính của Trung Quốc cho thấy số lượng người chết trong cuộc thảm sát Thiên An Môn là ít nhất 10 ngàn người. Khoảng 1.600 người đã bị bắt; Miêu Đức Thuận (Miao Deshun) được cho là tù nhân cuối cùng được trả tự do vào năm 2016 sau 27 năm ngồi tù.

Người dân Bắc Kinh kiểm tra bên trong của một trong số hơn 20 xe tăng bọc thép bị người biểu tình đốt cháy để ngăn chặn quân đội di chuyển vào Quảng trường Thiên An Môn 4/6/1989. Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương khi binh lính di chuyển trên Quảng trường Thiên An Môn trong một cuộc đàn áp bạo lực để chấm dứt 6 tuần biểu tình của sinh viên, được gọi là phong trào Mùa xuân Bắc Kinh. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, 5 năm sau khi nghiền nát phong trào dân chủ Trung Quốc, "hàng ngàn" tù nhân vẫn ở trong tù. (Ảnh của MANUEL CENETA / AFP qua Getty Images)
Người dân Bắc Kinh kiểm tra bên trong của một trong số hơn 20 xe tăng bọc thép bị người biểu tình đốt cháy để ngăn chặn quân đội di chuyển vào Quảng trường Thiên An Môn 4/6/1989. Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương khi binh lính di chuyển trên Quảng trường Thiên An Môn trong một cuộc đàn áp bạo lực để chấm dứt 6 tuần biểu tình của sinh viên, được gọi là phong trào Mùa xuân Bắc Kinh. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, 5 năm sau khi nghiền nát phong trào dân chủ Trung Quốc, "hàng ngàn" tù nhân vẫn ở trong tù. (Ảnh của MANUEL CENETA / AFP qua Getty Images)

Con số người chết chính xác có thể sẽ không bao giờ được đưa ra ánh sáng. Chính phủ Trung Quốc hầu như không thừa nhận các sự kiện; một khi họ đã làm thì sẽ che giấu hành động của mình đến cùng. Mặc dù Đại sảnh Quảng trường Thiên An Môn đã được chính thức đưa vào danh sách các di sản kiến ​​trúc Trung Quốc được bảo tồn, nhưng ít ai ở Trung Quốc biết được những sự kiện lịch sử đã diễn ra ở đó.

Một bảo tàng về cuộc thảm sát đã được dựng lên ở Hong Kong. Tuy nhiên bảo tàng này đã nhiều lần bị đóng cửa và bị phá hoại; nhiều du khách Trung Quốc khi đến thăm bảo tàng này mới được biết về các cuộc biểu tình năm 1989. Ryan Krull, phóng viên của The Atlantic cho biết, nhiều người trong số những du khách Trung Quốc này đôi khi còn từ chối tin vào sự thật,. Ryan viết: “Việc Bắc Kinh từ chối thừa nhận các sự kiện ngày 4/6/1989 đã tạo ra một khoảng trống để cấp thị trường cho thông tin sai lệch, sự vô cảm và chủ nghĩa xét lại được phép lưu hành”. Đồng thời, Trung Quốc tích cực kiểm duyệt hầu hết các đề cập trực tuyến về cuộc thảm sát. Chỉ có Hong Kong và Ma Cao mới được phép công khai tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát.

Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn đã mở ra một cửa sổ hy vọng rằng Trung Quốc có thể cải tiến một hệ thống dân chủ hơn. Ma Jian, một nhà viết truyện người Trung Quốc tại London đã tham gia vào cuộc biểu tình và hồi tưởng lại: “Có một cảm giác phấn khích rằng sau nhiều thập kỷ của chế độ độc tài chuyên chế, người dân Trung Quốc đã lấy lại can đảm để kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của họ và cố gắng thay đổi số phận của đất nước Trung Hoa. Tất cả mọi người tham gia cuộc biểu tình ngày hôm đó đều là nạn nhân của vụ thảm sát, cho dù họ mất mạng vào ngày 4/6/1989 hay còn sống sót, thì lý tưởng của họ đã bị bẻ gãy và tâm hồn họ hằn sâu sự sợ hãi”.

Nhiều người Hong Kong đến nhà thờ để kỷ niệm 31 năm sự kiện thảm sát Thiên An Môn năm 1989 (Ảnh: DALE DE LA REY/AFP via Getty Images)

Đã 31 năm trôi qua, giờ đây, Trung Quốc đã cấm người dân Hong Kong tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát đẫm máu ở Quảng trường Thiên An Môn. Đây là lần đầu tiên lễ thắp nến tưởng niệm hàng năm bị cấm kể từ khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc. Mặc dù lý do chính thức cho lệnh cấm là để ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ coi đây là một nỗ lực nhằm dẹp tan cuộc biểu tình ôn hòa của người dân Hong Kong trước sự siết chặt của ĐCSTQ đối với nền tự do của đặc khu này.

Tuy nhiên, theo BBC, hàng ngàn người Hong Kong đã thắp nến cầu nguyện. Ba thập kỷ sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, lễ tưởng niệm những gì đã xảy ra ở Thiên An Môn đã trở thành một hình thức phản kháng riêng của những con người khát khao dân chủ cho đất nước Trung Quốc.

Nguyên Hương

Theo National Geographic



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc biểu tình ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn đã trở thành cuộc thảm sát đẫm máu như thế nào?