Quan chức ngoại giao đào thoát: Ông Tập sẽ thôn tính Đài Loan để củng cố địa vị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), cựu lãnh sự chính trị của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, Úc, cho biết hôm 28/6, chính quyền Bắc Kinh đã kiểm soát hoàn toàn Hong Kong, bước tiếp theo của Tập Cận Bình là thôn tính Đài Loan để củng cố cho việc tái nhiệm vô thời hạn của ông ta.

Ông Trần Dụng Lâm là cựu quan chức ngoại giao của ĐCSTQ. Vào giữa những năm 1990, ông tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Bắc Kinh và sau đó làm việc tại Vụ Bắc Mỹ và Châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông được cử đến Tổng lãnh sự quán ở Sydney năm 2001 và được được chính phủ Úc cho phép tị nạn chính trị vào năm 2005. Ông đang định cư tại Sydney.

Tờ Australian Financial Review (AFR) đưa tin ngày 28/6, ông Trần chỉ ra rằng khi sức mạnh quốc gia của Trung Quốc tăng lên, và nhân lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ, ông Tập lại càng dồn lực thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc và mở rộng sự ảnh hưởng của ĐCSTQ ra toàn cầu. Vì vậy, bước tiếp theo của ông ta tất nhiên là bắt tay vào thôn tính Đài Loan.

Ông cũng nhận lời phỏng vấn qua điện thoại với phóng viên của Hãng thông tấn Trung ương (CNA) ngày hôm nay (28/6). Cựu quan chức chỉ ra rằng, sở dĩ ĐCSTQ cần khẩn cấp thôn tính Đài Loan, chủ yếu là vì ông Tập Cận Bình phải có được lý do chính đáng cho việc tái cử vô thời hạn.

Học theo cựu lãnh đạo để củng cố địa vị?

Ông giải thích rằng, nhìn lại lịch sử và logic của ĐCSTQ, vì Mao Trạch Đông có chiến công nên tính chính danh khi làm lãnh đạo của ông ta vô cùng chắc chắn. Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, đến thời Đặng Tiểu Bình nắm quyền, Đặng phát động cuộc chiến tranh Trung - Việt để lập chiến công và củng cố địa vị.

Ông Trần chỉ ra rằng, Tập Cận Bình chưa có chiến tích quân sự nào, nhưng ông ta có ý định tái đắc cử vô thời hạn, vì vậy, Tập Cận Bình cần khẩn trương gây chiến với Đài Loan.

CNA cho biết, ông Trần nói rằng vào thời ông Đặng Tiểu Bình, ĐCSTQ theo đuổi đường lối "che giấu năng lực, ẩn mình chờ thời cơ" và "có một mức độ linh hoạt nhất định" về thủ đoạn và thời gian thống nhất Đài Loan; nhưng khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, sự linh hoạt đối với Đài Loan đã biến mất.

Cựu quan chức nói với hai tờ báo trên rằng, mặc dù ông Tập cần phải lập chiến công để mở đường cho việc cai trị suốt đời, nhưng trước khi quyết định sử dụng vũ lực, chính quyền này vẫn lo ngại về thái độ và phản ứng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Bắc Kinh chấn chỉnh Hong Kong cho Đài Loan xem

Chính sách "một quốc gia, hai chế độ" trước kia ở Hong Kong là bản mẫu "cố ý tạo ra cho Đài Loan thấy" cách thống nhất trong hòa bình. Ông Trần nói rằng, vì ông Tập Cận Bình không cần bản mẫu này, nên Hong Kong cũng ngừng thực hiện “một quốc gia, hai chế độ”, và ĐCSTQ đã toàn quyền kiểm soát Hong Kong.

Theo AFR, ông Trần chỉ ra rằng "một quốc gia, hai chế độ" của Hong Kong đã một đi không trở lại kể từ khi ĐCSTQ cưỡng chế thông qua "Luật An ninh Quốc gia Hong Kong" tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc vào năm ngoái.

ĐCSTQ thâm nhập Úc để thu thập tin tình báo

Ông Trần nói với phóng viên CNA rằng, ông ước tính quy mô thâm nhập Đài Loan của ĐCSTQ “hoàn toàn lớn hơn nhiều so với Úc, hàng chục lần, hàng trăm lần”.

AFR cũng đề cập rằng, ông Trần ước tính có ít nhất 1.000 người hiện đang thâm nhập Úc và nằm dưới sự chỉ huy của ĐCSTQ để thu thập thông tin tình báo.

Vấn đề Canberra bị nước ngoài thâm nhập chính trị đã trở thành tâm điểm của dư luận Úc. Để giải quyết vấn đề này, Quốc hội Úc đã thông qua “Đạo luật Gián điệp và can thiệp nước ngoài” (National Security Legislation Amendment (Espionage and Foreign Interference) Act) và “Đạo luật Xác minh ảnh hưởng của nước ngoài” (Foreign Influence Transparency Scheme) vào năm 2018.

Daily Telegraph của Sydney và Herald Sun của Melbourne đưa tin vào ngày 27/6 rằng, Bộ Quốc phòng Úc có kế hoạch tái cơ cấu các lực lượng đặc biệt để đối phó với "chiến tranh phi truyền thống" của các đặc vụ nước ngoài.

AFR cho biết, ngày 1/7 năm nay đánh dấu 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ. Sydney ban đầu đã lên lịch biểu tình chống lại chính quyền ĐCSTQ vào ngày hôm đó, nhưng do dịch bệnh lan rộng và chính phủ ra lệnh đóng cửa thành phố, nên cuộc biểu tình đành phải hủy bỏ.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức ngoại giao đào thoát: Ông Tập sẽ thôn tính Đài Loan để củng cố địa vị