Đài Loan không phải Ukraine: Những bất lợi nếu Bắc Kinh khai chiến (Kỳ 4)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nói rằng: "Đài Loan có chuyện, Nhật Bản có chuyện. Nhật Bản có chuyện, Hoa Kỳ có chuyện". Đài Loan với Nhật Bản như 'môi với răng', mà môi hở thì răng lạnh.

Xem lại: Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3

Miếng mồi béo bở

Trung Quốc muốn củng cố vị thế thống trị của mình với tư cách là một siêu cường toàn cầu. Họ đã xuất bản một sách trắng (một thuật ngữ được sử dụng cho một báo cáo của chính phủ hoặc hướng dẫn có thẩm quyền) được gọi là Câu hỏi về Đài Loan và sự thống nhất của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới.

Trong đó, Trung Quốc nói việc thống nhất với Đài Loan là cách duy nhất để: "... ngăn chặn các âm mưu của các thế lực bên ngoài nhằm kiềm chế Trung Quốc, và bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của đất nước chúng ta".

Tư tưởng này cho thấy chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan hơn nữa.

Vị trí địa lý của Đài Loan có thể giúp Bắc Kinh thiết lập các căn cứ xa hơn ở Thái Bình Dương, mở rộng phạm vi quân sự của Trung Quốc và đe dọa các quốc gia trong khu vực. Quan trọng hơn, với vị trí địa lý như vậy, việc kiểm soát Đài Loan sẽ phá vỡ khái niệm an ninh địa lý của Hoa Kỳ được gọi là "chiến lược chuỗi đảo"; là hàng rào các đảo chắn giữa Trung Quốc đại lục và biển Tây Thái Bình Dương.

Theo Viện Các vấn đề Quốc tế Australia, nếu Trung Quốc kiểm soát Đài Loan thì nước này có thể kiểm soát các tuyến vận tải biển chính của châu Á. Đây sẽ tuyến đường mang lại khối tiền bạc khổng lồ cho chế độ Bắc Kinh đang ngập trong nợ nần. Chưa kể, kiểm soát được tuyến vận tải chính của Châu Á, kèm thêm Biển Đông, Trung Quốc tha hồ mặc cả với thế giới còn lại về vị thế chính trị, về việc buộc thế giới phải xóa bỏ lịch sử đàn áp đẫm máu dân Trung Quốc trong suốt 100 tồn tại của chế độ này.

Về tiền bạc, tổng sản phẩm quốc nội của Đài Loan là gần 790 tỷ USD vào năm 2021, theo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ tháng 4. Mặc dù số liệu này nhạt nhoà so với 17,5 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, nhưng sách trắng nêu bật những lợi thế kinh tế của việc giành lại Đài Loan:

"Đài Loan tự hào có mức tăng trưởng kinh tế cao, các ngành công nghiệp mang đặc trưng địa phương đặc biệt và hoạt động ngoại thương mạnh mẽ”. Sách trắng khẳng định: "Nền kinh tế của họ [Đài Loan] bổ sung rất cao cho nền kinh tế của đại lục".

Nền kinh tế Đài Loan cực kỳ quan trọng đối với thế giới. Một phần lớn thiết bị điện tử - chẳng hạn như điện thoại, máy tính xách tay, đồng hồ và máy chơi game - được cung cấp bởi chip máy tính đến từ Đài Loan.

Năm 2021, 65% sản lượng chip máy tính toàn cầu là ở Đài Loan và một công ty Đài Loan, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) chiếm hơn một nửa thị phần thế giới.

Đài Loan không phải Ukraine: Những bất lợi nếu Bắc Kinh khai chiến (Kỳ 4)
Logo của nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới là TSMC tại trụ sở hãng này ở Tân Trúc, Đài Loan, 29/01/2021. (Sam Yeh / AFP, qua Getty Images)

Nếu Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan thành công, họ có thể kiểm soát một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất thế giới này.

Thêm một lý do quan trọng nữa, có lẽ quan trọng hơn cả vị trí địa lý và kinh tế, việc xung đột với Đài Loan sẽ củng cố sự tồn tại hợp pháp của ĐCSTQ khi thể chế này không thể che giấu các thảm họa kinh tế, thất bại cơ cấu tất yếu sau hàng thập kỷ thi hành các chính sách đi ngược lại nguyên lý của vũ trụ, phá tan nền tảng đạo đức Thần truyền, huỷ hoại triệt để nền văn minh 5.000 năm.

Ông Tập tự xưng là người theo Mao. Rất có thể, ông Tập đang học tập những gì Mao đã làm trong lịch sử.

Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1958 là một ví dụ điển hình. Thời điểm đó, Mao cần tạo ra sự hỗ trợ cho Đại nhảy vọt và làm chệch hướng những lời chỉ trích về tăng trưởng kinh tế yếu kém. Để khuấy động, lôi kéo dư luận khỏi các thất bại, tội ác trong đại lục, Mao chiếm các đảo do Đài Loan kiểm soát và đe dọa xâm lược đất nước này cho đến khi bị vũ khí hạt nhân của Mỹ kiềm chế.

Ông Tập, có lẽ, cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính tồi tệ nhất trong vài thập kỷ qua. Chưa kể, cuộc cách mạng công nghệ kèm theo ⅕ người trẻ đang thất nghiệp có thể khiến hệ thống tường lửa tẩy não của Bắc Kinh không còn hiệu quả. Ông Tập cần một sự kiện nào đó khuấy đảo chủ nghĩa dân tộc, định hướng dư luận và các mối quan tâm của người Trung Quốc khỏi các thất bại kinh tế hiện tại cũng như các tội ác của quá khứ.

Đài Loan có thể là một mục tiêu hấp dẫn. Hiện tại, Trung Quốc đã bắt đầu các cuộc tập trận vượt biển bắn đạn thật gần Đài Loan.

Nhưng Đài Loan không phải Ukraine…

Vị trí địa chính trị của Đài Loan quan trọng với an ninh của Mỹ, Nhật - Ukraine không quá quan trọng với NATO

Eo biển Đài Loan là tuyến đường hàng hải quốc tế có tầm quan trọng với không chỉ Đài Loan mà các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Úc và Liên minh Châu Âu. Việc giữ gìn eo biển Đài Loan hòa bình và ổn định, là tuyến hàng hải tự do quốc tế là rất quan trọng để duy trì tự do và rộng mở của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Do đó, giữ gìn bình yên cho Đài Loan không chỉ là trách nhiệm của Đài Loan mà các quốc gia được hưởng lợi đều góp phần vào trong đó.

Ông Shinzo Abe, cựu Thủ tướng Nhật Bản, công khai khẳng định: “Tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản”. Điều này đồng nghĩa với việc nếu Trung Quốc khai chiến ở Đài Loan thì Mỹ cũng sẽ vào cuộc. Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, được Nhật Bản và Mỹ đã ký kết vào năm 1952 và sửa đổi vào năm 1960, xác định rằng bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ tồn tại trong chính quyền lãnh thổ của Nhật Bản sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và an toàn của chính các quốc gia tương ứng. Điều này đòi hỏi có sự hành động từ hai nước để đảm bảo sự an toàn chung.

Nếu xét về phía Mỹ, eo biển Đài Loan cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì vị thế cường quốc số một thế giới của Mỹ. Sau 10 năm kể từ khi củng cố xong lãnh thổ phía tây, Mỹ đã xây dựng xong con đường hàng hải từ Mỹ, qua Thái Bình Dương vào Châu Á và thành công đặt dấu ấn, căn cứ quân sự của họ trên các hòn đảo trọng yếu nhất trên vành đai Thái Bình Dương.

Trong bản đồ của Thái Bình Dương, điểm cuối cùng của con đường tiến vào Châu Á của Mỹ chính là vành đai đảo Đài Loan - Nhật Bản.

Đảo Đài Loan nằm ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương, tọa lạc giữa quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và quần đảo Philippines, tách rời khỏi lục địa Á-Âu đồng thời có đường biên giới trên biển giáp với Trung Quốc đại lục thông qua eo biển Đài Loan.

Việc đi qua eo biển Đài Loan góp phần rất lớn cho sự mở rộng của Hải quân Hoa Kỳ, giúp Mỹ duy trì chiến lược dẫn đầu của họ. Đến thời điểm hiện tại, không có quốc gia nào khác có thể cạnh tranh với Mỹ trong khu vực này.

Với vị trí như vậy, sự độc lập dân chủ của Đài Loan đóng vai trò quan trọng trong con đường tiến vào Châu Á và tăng năng lực kiểm soát quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương Trong trường hợp Trung Quốc thống nhất với Đài Loan, lúc đó, Đài Loan sẽ là vị trí đắc địa để đặt căn cứ quân sự hải quân, làm bàn đạp thâu tóm các tham vọng quyền lực xa hơn ở Thái Bình Dương của Trung Quốc. Tham vọng này đã được Trung Quốc xây dựng và phát triển trong suốt hai mươi năm qua. Hải quân của Trung Quốc là khu vực được ĐCSTQ không tiếc tiền để đầu tư (hơn cả lục quân và không quân).

Nhưng nhìn vào vị trí địa lý hiện tại của Trung Quốc, Đài Loan và quần đảo Nhật bản đang giam cầm Trung Quốc, ngăn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra Thái Bình Dương. Trung Quốc gọi đây là ‘vạn lý trường thành ngược’.

Kỳ 4: Đài Loan không phải Ukraine: Những bất lợi mà Bắc Kinh sẽ phải đối mặt
Một số chiến lược gia gọi chuỗi đảo ở Đông Á (trong đó có Đài Loan) là “Vạn lý trường thành ngược”. Các sĩ quan và chiến lược gia hải quân của Trung Quốc coi Trung Quốc như bị “đóng hộp” bởi chuỗi quần đảo này. Nhưng Trung Quốc đã thành công thò chân cáo vào quốc đảo Kiribati , phá tan lợi thế chiến lược của Mỹ ở Thái Bình dương (Ảnh: NTDVN)

Phá bỏ được vành đai bó buộc này, Trung Quốc có lợi ích to lớn cho các tàu ngầm của Trung Quốc, vốn là trụ cột của hải quân nước này. Từ Đài Loan, họ có thể nhanh chóng tiến vào vùng nước sâu không thể bị phát hiện và có thể tiến đến bờ biển phía Tây Hoa Kỳ để thị uy và đe dọa Hoa Kỳ.

Cả hai yếu tố này, đặc biệt được kết hợp với nhau, cho thấy rằng Đài Loan là quan trọng đối với Hoa Kỳ.

Trước sự uy hiếp ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng đã lên kế hoạch cho trường hợp khẩn cấp ở Đài Loan. Trong suốt hơn 15 năm qua, lực lượng thủy quân lục chiến và những quân nhân tại ngũ của Mỹ cũng thường xuyên đến thực thi nhiệm vụ ở Đài Loan, ngoài ra còn có những lính thủy quân “đóng quân vĩnh viễn” tại Đài Loan. Nhân viên của Lầu Năm Góc cũng đến thăm Đài Loan mỗi năm, trong đó một số người đã đào tạo kỹ năng quân sự cho quân đội nước này.

Sự khác biệt về vị trí địa lý là lý do tại sao Mỹ sẽ tham chiến nếu Trung Quốc thống nhất Đài Loan nhưng Mỹ chỉ hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, mặc dù hai quốc gia này là những quốc gia nhỏ bé với dân số tương ứng 23 triệu và 44 triệu. Sự độc lập của Đài Loan ảnh hưởng trực tiếp tới sự thống trị của Mỹ nhưng Ukraine thì không.

Ukraine có biên giới với các nước thành viên NATO là Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania. Nếu Nga đe dọa một trong những nước này, Mỹ - cùng với Pháp, Đức, Anh và phần còn lại của liên minh NATO gồm 30 thành viên - sẽ phải đáp trả theo Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Việc Mỹ tham gia vào cuộc xung đột có khả năng dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn cầu. Trung tướng Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling, một nhà phân tích quân sự và an ninh quốc gia của CNN đã lý giải sự kiện này như sau: “Chìa khóa của ngoại giao là hạn chế khả năng xảy ra chiến tranh”. Ông nói thêm: “Nếu NATO hoặc Mỹ cử binh sĩ đến Ukraine để giúp họ chống lại người Nga, động lực sẽ chuyển sang một cuộc xung đột đa quốc gia với những tác động tiềm tàng trên toàn cầu do tình trạng sức mạnh hạt nhân của cả Mỹ và Nga. Vì vậy, Mỹ và NATO - và các quốc gia khác trên thế giới - đang cố gắng tác động đến sự thành công của Ukraine và sự thất bại của Nga bằng cách cung cấp các hình thức hỗ trợ khác”.

Khác với Ukraine, Đài Loan dành hàng thập kỷ để tự cường về quân sự, vũ khí

Kể từ năm 1979, khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan và Đạo luật Quan hệ Đài Loan được ký kết, Chính phủ Hoa Kỳ được yêu cầu cung cấp vũ khí có tính chất phòng thủ cho Đài Loan.

TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 23/5 nói, tổng giá trị các hợp đồng vũ khí Mỹ cam kết với Đài Loan đã vượt qua con số hơn 70 tỷ USD, nhiều thỏa thuận trong số này đang được thực hiện.

“Doanh số bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan đang không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Tổng giá trị của các thỏa thuận đã vượt quá 70 tỷ USD", ông Uông Văn Bân nói.

Kỳ 4: Đài Loan không phải Ukraine: Những bất lợi mà Bắc Kinh sẽ phải đối mặt
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân phát biểu tại cuộc họp giao ban Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 9/11/2020. (Ảnh: Greg Baker/ Getty Images)

Từ khi chính phủ ông Trump nhậm chức vào tháng 01/2017, vào tháng 06 cùng năm đã tuyên bố bán gói vũ khí quân sự đầu tiên cho Đài Loan, trong 3 năm rưỡi qua, chính phủ ông Trump đã phê duyệt tổng cộng 11 gói vũ khí quân sự, bao gồm máy bay chiến đấu F-16V, máy bay không người lái… Trong khi đó, trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Joe Biden đã ký kết 4 thương vụ mua bán vũ khí với Đài Loan với con số tổng cộng lên đến trên 1 tỷ USD.

Mặc dù ngày càng có nhiều lo ngại về một cuộc xâm lược có thể xảy ra, nhưng khung thời gian của bất kỳ hành động quân sự nào - và ý định thực sự của Trung Quốc - vẫn là chủ đề của cuộc tranh luận gay gắt.

Sự lo lắng ngày càng tăng về một cuộc xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc đang định hình lại cách suy nghĩ của Washington và Đài Bắc về việc bảo vệ đất nước.

Trong hơn một thập kỷ, Washington đã cố gắng thuyết phục Đài Loan “cứng rắn” hơn trước cuộc xâm lược của Trung Quốc. Nhưng quân đội nước này vẫn lập kế hoạch với giả định rằng họ có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị hoặc có thể không phải đối phó với một cuộc xâm lược toàn diện.

Nhiều chuyên gia quốc phòng Đài Loan coi đó là tình huống xấu nhất nhưng họ lo ngại quân đội Trung Quốc có những động thái hiếu chiến, chẳng hạn như Bắc Kinh thường xuyên tập trận trên không và trên biển gần Đài Loan, chiến tranh thông tin hoặc thậm chí có thể phong tỏa đường biển, có thể làm suy yếu quyết tâm kháng cự của của quốc gia này. Do đó, Đài Bắc cũng muốn duy trì các khả năng quân sự cần thiết để chống lại những động thái đó, chẳng hạn như tàu nổi, máy bay chiến đấu hiện đại và máy bay cảnh báo sớm.

Nhưng giờ đây, khi Mỹ ngày càng tập trung vào mối đe dọa xâm lược trong thời gian gần, họ đang buộc Đài Bắc phải ra tay.

Mỹ đã bắt đầu từ chối yêu cầu của Đài Loan về các loại vũ khí lớn như trực thăng tác chiến chống tàu ngầm, thứ mà họ tin rằng có thể nhanh chóng bị phá hủy bởi vì một cuộc tấn công của Trung Quốc và gây nên sự hao phí của quá nhiều tài nguyên quý giá. Thay vào đó, Mỹ đang thúc đẩy tăng cường tập trung vào các loại vũ khí nhỏ, tương đối rẻ và có thể sống sót như tên lửa di động, vốn chỉ được sử dụng để chống lại âm mưu xâm lược và chiếm đóng của Trung Quốc.

Các quan chức cấp cao cho biết chính phủ của tổng thống Thái Anh Văn hiện đang tập trung vào việc tăng cường phòng thủ và năng lực phản vệ để chống lại cuộc tấn công của Trung Quốc. Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương đã cam kết kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự cơ bản từ bốn tháng hiện tại lên một năm, cũng như tăng ngân sách quân sự, cho đến nay chỉ ở mức trung bình 2% tổng sản phẩm quốc nội.

Thuyền trưởng Hải quân đã nghỉ hưu: Trung Quốc đang chuẩn bị rất nghiêm túc cho cuộc xâm lược Đài Loan.
Xe tăng CM-11 bắn đại bác trong cuộc diễn tập quân sự bắn đạn thật ở quận Pingtung, miền nam Đài Loan, vào ngày 09/07/2022. (Ảnh của SAM YEH / AFP qua Getty Images)

Bên cạnh đó, Đài Loan được cho là âm thầm phát triển tên lửa Vân Phong sau cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan vào năm 1996 (nổ ra sau một loạt vụ thử tên lửa của Trung Quốc). Trong một bài phát biểu mới đây, Chủ tịch Viện lập pháp Đài Loan Du Tích Khôn tuyên bố rằng tên lửa hành trình siêu thanh Vân Phong của vùng lãnh thổ này tự phát triển có khả năng bắn tới Bắc Kinh. Ông Du kêu gọi chính quyền đại lục cân nhắc kỹ trước khi tấn công Đài Loan, nhắc nhở rằng Đài Bắc sẽ không ngần ngại sử dụng tên lửa hành trình Vân Phong. Đài Loan cũng đang xúc tiến để sản xuất hàng loạt loại tên lửa này.

Các chính sách đang được xem xét bao gồm cải cách nhanh hơn và dứt khoát hơn đối với lực lượng dự bị hạn chế của Đài Loan; xây dựng hệ thống điện và liên lạc phân tán, thứ mà các cuộc tấn công mạng và tên lửa của Trung Quốc không thể đánh bật được; làm cứng các hệ thống chỉ huy và điều khiển; lập kế hoạch tiếp tế hàng hóa cơ bản trong thời chiến; và phân công trách nhiệm hành chính cho phòng thủ dân sự. Quan chức cấp cao cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là sẵn sàng từ năm 2025 đến năm 2027”.

Khác với Ukraine, Đài Loan đoàn kết và lấy Hong Kong làm bài học

Có một sự thật rằng người dân Đài Loan đoàn kết và đồng lòng hướng tới nền dân chủ. Đó cũng là lý do tại sao vị tổng thống nữ hào kiệt Thái Anh Văn lại có thể tái đắc cử trong nhiệm kỳ thứ hai 2020-2024.

“Bất kể bạn đã bỏ phiếu như thế nào, bằng việc tham gia cuộc bầu cử này, bạn đã đưa các giá trị dân chủ vào thực tiễn. Với mỗi cuộc bầu cử tổng thống, Đài Loan đang cho thế giới thấy chúng ta trân trọng các giá trị dân chủ tự do của mình như thế nào và chúng ta trân trọng đất nước mình, Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan, ra sao”, bà Thái Anh Văn phát biểu sau khi tái đắc cử thành công.

Vào thời điểm ấy, cuộc bầu cử được xem như một cuộc trưng cầu dân ý về việc Đài Loan có nên theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với chế độ Bắc Kinh hay không khi ĐCSTQ luôn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, bất chấp việc đây là một hòn đảo tự trị với chính phủ được bầu cử dân chủ có quân đội và tiền tệ riêng. Cùng lúc đó, nhiều cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đang diễn ra ở Hồng Kông, được đánh dấu bằng sự bất mãn ngày càng tăng của dân chúng với chế độ Bắc Kinh khi ĐCSTQ siết chặt gọng kìm lên xứ cảng thơm. Điều này càng củng cố vững chắc hơn cho quyết định đi theo dân chủ của bà Thái Văn Anh và những người dân đây đã đặt trọn niềm tin vào bà.

Theo truyền thống, Đảng Dân Tiến ủng hộ độc lập, hoàn toàn thoát khỏi Trung Quốc đại lục, mặc dù bà Thái cho biết bà muốn duy trì hiện trạng hiện tại với đại lục. Trong khi đó, Quốc Dân Đảng ủng hộ mối quan hệ thân thiện hơn với đại lục.

Đối với việc trị quốc, bà Thái có quan điểm thống nhất và xuyên suốt: chính trị dân chủ phải hợp lý nhưng cũng phải chú ý đến dân ý; mỗi một cuộc trưng cầu là để xác minh mức độ chấp nhận của người dân đối với chủ trương ​​và niềm tin của đảng. Khi phát hiện dân ý thay đổi thì đảng Dân chủ Tiến bộ càng nên chú ý hơn.

Bà Thái nói, chúng ta có thể thấy rằng những gì chúng ta nghĩ là đúng 100% vào thời điểm đó, nhưng bây giờ chúng ta có thể không có hơn một nửa sự ủng hộ. Chúng ta phải đối mặt với tình huống này và nói với xã hội rằng sự kiên trì của chúng ta là đúng.

Đài Loan không phải Ukraine: Những bất lợi nếu Bắc Kinh khai chiến (Kỳ 4)
Vào ngày 03/08, Tổng thống Thái Anh Văn của Trung Hoa Dân Quốc đã tiếp phái đoàn của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. (Ảnh: Getty Images)

Sự kiên trì và bền bỉ của bà và 23 triệu người dân của mình đã đạt được những kết quả nhất định. Mặc dù ở gần Trung Quốc, Đài Loan đã vượt qua dịch bệnh với số rất ít người tử vong. Đồng thời hòn đảo này còn gửi các gói viện trợ thiết bị y tế đến khắp thế giới. Đây rõ là cái tát vào mặt Bắc Kinh khi cho đến tận hôm nay, năm 2022, Bắc Kinh vẫn còn đang miệt mài chống dịch với các cuộc phong thành tại khắp các địa phương trên toàn quốc.

“Người ta còn bảo hòn đảo tài nguyên hạn hẹp với số dân có 23 triệu người thì làm được trò trống gì trong nền kinh tế toàn cầu. Vậy mà nay chúng tôi đã trở thành đối tác kinh tế đứng thứ 11 trong số các đối tác lớn nhất của Hoa Kỳ”. Đây là bằng chứng rõ rệt về phát triển kinh tế của Đài Loan được bà Thái Văn Anh chia sẻ trong một bài diễn thuyết xuất sắc tại Đại học Columbia, Mỹ vào ngày 12/07/2019. Không chỉ thế, sự kết hợp và phát triển về mặt thương mại của Đài Loan và Hoa Kỳ hứa hẹn sẽ còn phát triển hơn nữa nhờ Đạo luật Khoa học và CHIPS vừa được tổng thống Joe Biden ký.

Nhờ những sự đồng thuận và ủng hộ của người dân, chính quyền dân chủ tại Đài Loan đang có những bước đi vững chãi và mạnh mẽ về tương lai. Sự đoàn kết của người dân Đài Loan khó để phá vỡ.

Hướng mắt về phía cuộc chiến Nga - Ukraine lúc nào cũng nóng bỏng, sục sôi từ đầu năm nay, Ukraine cũng là một tiểu quốc bị sự lăm le xâm chiếm của đại quốc Nga láng giềng. Chiến thắng “long trời lở đất” của Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử năm 2019 đã đánh dấu một bước ngoặt thay đổi trong cuộc sống của vị tổng thống chỉ vừa mới gia nhập sân chơi chính trị và cả của người dân Ukraine.

Thời điểm đó, ông Volodymyr Zelensky đã chiến thắng nhờ lời thề trịnh trọng và mạnh mẽ rằng ông sẽ giải quyết triệt để xung đột giữa chính quyền Ukraine với các phiến quân do Nga hậu thuẫn ở phía đông cũng như mạnh tay với tham nhũng.

Nhưng Ukraine và chính quyền của tổng thống Zelensky không làm được những gì đã hứa thì cuộc chiến tranh với Nga đã xảy ra.

Ukraine không có tự cường về kinh tế lẫn quân sự, vũ khí và chế tài. Ukraine không có bất cứ lợi thế nào. Họ đơn giản là phụ thuộc vào sự phẫn nộ của phương Tây và Mỹ với Nga mà thôi. Và thực tế chiến tranh cho thấy, Ukraine đang thực hiện một cuộc chiến uỷ nhiệm với cái giá đắt đỏ cho Mỹ và phương Tây; những quốc gia mà, ngoài tình cảm, không cảm thấy rằng Ukraine là vùng đất không thể mất.

Điều gì sẽ xảy ra với Ukraine khi Châu Âu đang chìm trong khủng hoảng năng lượng và các cuộc biểu tình đang có xu hướng chặn lại dòng tiền, vũ khí mà chính phủ ủng hộ cho Ukraine? Sự phụ thuộc luôn khiến chúng ta trở nên yếu thế; điều này không ngoại lệ dù đó là Ukraine nơi đang nhận được tất cả sự đồng cảm của thế giới còn lại.

Trước chiến tranh, trong nước Ukraine, tình trạng 2 tỉnh đòi độc lập chưa xử lý được như chính phủ hứa. Xung đột ở hai tỉnh đòi ly khai này tăng cường bởi phe cực hữu ở Ukraine thù ghét người Nga. Việc tấn công và muốn loại bỏ người Nga khỏi cộng đồng của phe cực hữu không được xoa dịu bởi chính phủ đã thúc đẩy mâu thuẫn, xung đột.

Thêm vào đó, cuộc chiến chống tham nhũng của tổng thống Ukraine Zelensky hoàn toàn thất bại. Một quốc gia nội loạn từ bên trong, suy yếu từ bên trong khiến Ukraine yếu nhược hơn.

Đài Loan không phải kẻ yếu nhược dễ bắt nạt như Ukraine, Trung Quốc dù lớn chưa phải cường quốc như Nga. Sự khác biệt này là rất lớn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Minh Đăng



BÀI CHỌN LỌC

Đài Loan không phải Ukraine: Những bất lợi nếu Bắc Kinh khai chiến (Kỳ 4)