Đàm phán cấp cao Mỹ-Trung: Trung Quốc ép Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sáng ngày 26/7, tại cuộc họp giữa hai người đồng cấp ở Thiên Tân, Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong nói với Thứ trưởng Wendy Sherman rằng Washington coi Trung Quốc là 'kẻ thù tưởng tượng' và “kêu gọi Washington hãy thay đổi cách suy nghĩ sai lệch và chính sách nguy hiểm với Bắc Kinh”, Nikkei Asia đưa tin.

Thứ Hai ngày 26/7, tại cuộc họp với Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman tại Thiên Tân, các quan chức Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Huawei Technologies và ngừng các hành động khác nhắm vào Bắc Kinh, theo Nikkei Asia.

Thứ trưởng Sherman đã nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị sau cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong.

Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với báo giới rằng, Bắc Kinh đưa ra một danh sách thúc giục Washington hủy bỏ vô điều kiện các hạn chế thị thực đối với các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và thân nhân của họ, ngừng đàn áp các công ty Trung Quốc, ngừng quấy rối sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài, ngừng tấn công Viện Khổng Tử, xóa đăng ký của các phương tiện truyền thông Trung Quốc với tư cách là đặc vụ nước ngoài hoặc cơ quan đại diện nước ngoài và hủy bỏ việc dẫn độ [Giám đốc tài chính Huawei] Mạnh Vãn Châu, v.v., Nikkei Asia cho hay.

Bà Sherman bày tỏ với Ngoại trưởng Vương Nghị những quan ngại về vấn đề vi phạm nhân quyền, bao gồm cả cuộc đàn áp chống dân chủ của Bắc Kinh ở Hong Kong; nạn diệt chủng và tội ác chống lại loài người đang diễn ra ở Tân Cương; ngược đãi nhân quyền ở Tây Tạng; và việc hạn chế quyền tiếp cận truyền thông và tự do báo chí, theo Bản tin của Bộ Ngoại giao. "Bà Sherman cũng nói về những quan ngại của Hoa kỳ về hành vi của Bắc Kinh trong lĩnh vực không gian mạng; qua eo biển Đài Loan; và ở khu vực biển Đông và Hoa Đông".

Bà Sherman chỉ ra việc Trung Quốc không sẵn lòng hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới WHO để cho phép điều tra giai đoạn hai về nguồn gốc của COVID-19 trên đất nước này, bản tin cho biết.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong nói với Thứ trưởng Sherman rằng, mối quan hệ song phương đang đi vào bế tắc và phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng vì một số người Mỹ coi Trung Quốc là "kẻ thù tưởng tượng", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Theo kế hoạch, cuối tháng Tám, Nhà Trắng sẽ công bố một báo cáo về nguồn gốc của đại dịch Viêm phổi Vũ Hán. Giới chức lãnh đạo ĐCSTQ cho rằng, điều này sẽ làm khó cho việc giải quyết sớm mỗi quan hệ căng thẳng hiện tại giữa hai nước.

Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ kêu gọi của cộng đồng quốc tế buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch. Coronavirus ban đầu được phát hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Tuy nhiên, dự đoán báo cáo tháng Tám về nguồn gốc đại dịch của Hoa Kỳ sẽ nhắm vào Trung Quốc, Bắc Kinh quyết định không tìm kiếm một giọng điệu hòa giải trong các cuộc gặp với Thứ trưởng Sherman ở Thiên tân.

Tiếp cận thị trường Trung Quốc là một vấn đề khó khăn khác bà Sherman đề cập trong cuộc họp. Hôm Chủ nhật ngày 25/7, bà đã tweet một hình ảnh bà tổ chức một cuộc thảo luận trực tuyến với các thành viên của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ về những thách thức mà họ phải đối mặt tại thị trường Trung Quốc. Bà viết: “Chính quyền Biden-Harris đang thúc đẩy một sân chơi bình đẳng cho các công ty Mỹ ở Trung Quốc".

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 tại Ý vào tháng Mười, phía Trung Quốc vẫn duy trì lập trường thận trọng về việc đồng ý với các cuộc đàm phán về vấn đề này.

Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn thấy quan hệ song phương xấu đi hơn nữa. Sự thất vọng đang dâng cao trong giới tinh hoa của Đảng Cộng sản về tình trạng bế tắc ngoại giao kéo dài, theo đó ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh và cơ hội cho con cái của họ sang Mỹ học tập.

Theo BBC đưa tin, Chuyến thăm Mỹ - Trung đang được nhiều người coi là bước chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng các quan chức cho biết, điều này không được thảo luận trong cuộc hội đàm kéo dài khoảng 4 giờ hôm thứ Hai ngày 26/7.

Căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung gần đây đã ở mức độ cao

Tuần trước, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số cá nhân và tổ chức của Mỹ, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Thương mại Wibur Ross.

Các quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Biden cảnh báo cộng đồng doanh nghiệp của họ không nên hoạt động ở Hong Kong.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Đàm phán cấp cao Mỹ-Trung: Trung Quốc ép Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt