Đảng Cộng sản Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ dịch SARS

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang phải đối mặt với quyết định chính trị đầy thách thức: hoặc thừa nhận rằng dịch Coronavirus đang ngoài tầm kiểm soát và hủy bỏ sự kiện chính trị lớn nhất trong năm nay; hoặc là đưa 3.000 nhà lập pháp đến Bắc Kinh trong tháng tới và đối mặt với sự phẫn nộ của cộng đồng về việc xử lý dịch bệnh của chính phủ.

ĐCSTQ đang bị chỉ trích nặng nề vì sự độc đoán trong công tác kiểm duyệt của mình. Sự việc này được “phơi bày” trong suốt thời gian dịch virus bùng phát, cũng như qua các biện pháp kiểm soát xã hội khác dưới thời ông Tập Cận Bình. Ông Tập lên nắm quyền lãnh đạo ĐCSTQ từ năm 2012 và là người tích lũy được nhiều quyền lực chính trị hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ thời Mao Trạch Đông.

Giờ đây, dịch bệnh mới mang tên COVID-19 đã trở thành cuộc khủng hoảng lớn nhất mà ĐCSTQ phải đối mặt, kể từ khi Trung Quốc xuất hiện một dịch bệnh bí ẩn vào năm 2002-2003, sau đó được xác định là dịch bệnh SARS, hay Hội chứng Hô hấp Cấp tính.

Dịch SARS đã giết chết gần 800 người, dẫn đến việc Bắc Kinh bị cáo buộc gây nguy hiểm cho cộng đồng trong việc che giấu căn bệnh, mục đích là để tránh làm gián đoạn quá trình chuyển đổi lãnh đạo của Đảng.

Hai đứa trẻ Trung Quốc đeo chai nhựa bảo vệ tự chế tạm thời trong khi chờ đợi để làm thủ tục lên chuyến bay tại Sân bay Thủ đô Bắc Kinh, Bắc Kinh, vào ngày 30 tháng 1 năm 2020. (Kevin Frayer / Getty Images)

Mặc dù vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Tập gặp phải thách thức nghiêm trọng đối với vị trí của mình, sự phẫn nộ của quần chúng có thể là “cái cớ” tốt cho các đối thủ chính trị trong ĐCSTQ chống lại sự cai trị chuyên quyền của ông.

Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi ở London cho biết: “Về lâu dài, tôi nghĩ rằng điều đó sẽ gây tổn hại cho ông ấy”.

Ông Tsang nhận định rằng trong tình hình hiện tại, ngay cả những nhân vật trong ĐCSTQ, những người có thể khá vui mừng khi thấy ông Tập suy yếu, cũng cảm thấy bắt buộc phải “tập hợp” lại quanh ông Tập để cùng chống đỡ với vô vàn sức ép đang bủa vây, đe dọa sự tồn vong của ĐCSTQ.

Tsang nói: “Họ sẽ không mạo hiểm cho phép một cuộc khủng hoảng như thế này phá hủy uy tín của ĐCSTQ”.

“Hoành tráng nhưng bất lực” là cụm từ có thể được dùng để miêu tả về Đại hội Dân tộc Quốc gia, sẽ khai mạc vào ngày 5 tháng 3 năm nay. Đại hội này thường sẽ tán thành các kế hoạch phúc lợi xã hội và kinh tế của ĐCSTQ. Thủ tướng và các bộ trưởng nội các sẽ tổ chức họp báo riêng, trong khi các đại biểu tham gia vào các cuộc họp nhóm và hội thảo với các phóng viên nước ngoài.

Ông Willy Lam, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Hong Kong, cho biết: “Các lãnh đạo Đảng lo lắng rằng các đại biểu có thể trút giận và tỏ ra thất vọng”.

Ông Lam nhận định rằng nhiều khả năng là Đại hội lần này sẽ có sự “kiểm duyệt gắt gao” để đảm bảo các đại biểu đang tức giận không có cơ hội nói chuyện với các phóng viên, trong trường hợp cuộc họp vẫn tiếp tục diễn ra. Nếu cuộc họp bị hoãn lại thì đây là lần đầu tiên việc này xảy ra kể từ Cách mạng Văn hóa cực đoan giai đoạn 1966-1976.

Ông Ts Tsang đưa ra nhận định rằng ĐCSTQ có thể hoãn tổ chức cuộc họp tới tháng 5/2020 hoặc muộn hơn, với hy vọng dịch bệnh có thể chấm dứt, để sự kiện này được tổ chức “mà không khơi gợi lại hình ảnh rằng họ đã bỏ mặc những người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như thế nào”.

Ngoài ra, Bắc Kinh đã đi đầu trong việc thiết lập các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để chống lại việc lây nhiễm bệnh. Họ đã cách ly các thành phố với tổng số 60 triệu người, không khuyến khích người dân đi lại và tụ tập công cộng trên toàn quốc. Công tác cách ly này đã khiến cho hoạt động kinh doanh bị gián đoạn và nền kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề.

Bên cạnh đó, ĐCSTQ đã sử dụng quyền kiểm soát của mình đối với các phương tiện truyền thông và đối với việc kiểm duyệt phát tán thông tin, để dập tắt những lời chỉ trích trên mạng xã hội WeChat và các phương tiện truyền thông xã hội khác.

Tuy nhiên, thậm chí cả những người trong hàng ngũ của ĐCSTQ cũng đang bất bình về sự cai trị độc đoán của ông Tập Cận Bình, không chỉ với sự kiểm duyệt này, mà còn đối với vấn đề Biển Đông, cũng như các vấn đề nước ngoài khác đang khiến mối quan hệ với các nước láng giềng Trung Quốc ngày một căng thẳng.

Trong một bài tiểu luận có tiêu đề “Những người bất bình đã vượt qua nỗi sợ hãi”, ông Xu Zhangrun, một giáo sư luật ở Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh đã chỉ trích ĐCSTQ về “việc ra phán quyết thông qua ‘chủ nghĩa toàn trị dữ liệu lớn’ (nhà nước áp đặt chế độ chuyên chế đối với tài sản thông tin có khối lượng dữ liệu lớn) và khủng bố WeChat”.

Trong bài tiểu luận đăng trên China Digital Times, một trang web ở California, ông Xu Zhangrun đã viết: “Nền chính trị bị tham nhũng và chế độ này đã ‘cạn kiệt’ về mặt đạo đức”.

Năm ngoái, ông Xu đã bị Đại học Thanh Hoa đình chỉ chức vụ và bị điều tra vì chỉ trích quyết định của ĐCSTQ năm 2018, đối với việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch khỏi hiến pháp Trung Quốc nhằm cho phép ông Tập tại vị vô thời hạn.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện nay, trong tháng 2 này, Đảng cũng phải đối mặt với sự giận dữ từ công chúng sau cái chết của Lý Văn Lượng - một bác sĩ ở Vũ Hán. Bác sĩ Lý từng bị cảnh sát triệu tập và khiển trách vào tháng 12/2019 vì đưa ra cảnh báo sớm về virus.

Chính quyền địa phương bị buộc tội vì không cho phép các bác sĩ nói về sự bùng phát dịch bệnh, với mục đích là để tránh làm lu mờ sự kiện chính trị lớn của tỉnh Hồ Bắc - cuộc họp lập pháp để chuẩn bị cho Đại hội Dân tộc Quốc gia.

Nhiều bình luận để lại trên tài khoản blog của bác sĩ Lý đã cáo buộc chính quyền Vũ Hán coi trọng chính trị hơn sự an toàn của dân chúng.

Các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã cố gắng chuyển hướng sự tức giận, khi cho phép người dùng các phương tiện truyền thông nhà nước và phương tiện truyền thông xã hội chỉ trích các quan chức địa phương Vũ Hán.

ĐCSTQ đã phải đối mặt với sự chỉ trích tương tự như hồi dịch SARS. Vào tháng 11/2002, các trường hợp đầu tiên nhiễm SARS đã được báo cáo, nhưng ĐCSTQ lại nói rằng căn bệnh này đã được kiểm soát.

Đảng đã không tuyên bố một trường hợp khẩn cấp nào cho đến sau khi Giang Trạch Dân trao quyền chủ tịch cho Hồ Cẩm Đào vào tháng 3 năm 2003, trong một cuộc chuyển đổi quyền lực chính trị 10 năm một lần của ĐCSTQ.

Ông Tập đã tích lũy được quyền lực rất lớn sau khi được bổ nhiệm làm tổng bí thư vào năm 2012, và trở thành lãnh đạo trọn đời. Ông Tập đã đảm nhận vị trí lãnh đạo của quân đội, đồng thời tự bổ nhiệm mình vào vị trí lãnh đạo các cơ quan của đảng để giám sát cải cách kinh tế và các vấn đề quan trọng khác. Các đối thủ chính trị của ông trở thành “bù nhìn”, bao gồm cả nhân vật số 2 của đảng, Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đeo khẩu trang đứng trước cổng Thiên An Môn vào ngày 26 tháng 1 năm 2020 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Betsy Joles / Getty Images)

Các thế hệ lãnh đạo trước đây chỉ dựa trên sự đồng thuận giữa các thành viên của vòng tròn quyền lực nội bộ của ĐCSTQ là Ủy ban Thường vụ. Quyền lực của ông Tập cho thấy một sự đổi khác với hai thế hệ lãnh đạo trước đó.

Điều này đã cho phép ông Tập đẩy mạnh các kế hoạch đầy tham vọng, bao gồm kế hoạch hàng tỷ USD “Một Vành đai, Một Con đường” (viết tắt là OBOR, hay còn gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường), nhằm mở rộng thương mại khi xây dựng các cảng, đường sắt và cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại khác xuyên qua châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Tuy nhiên, việc này cũng không mang lại sự dễ dàng hơn cho ông Tập trước chỉ trích lớn từ dư luận về tình hình dịch bệnh. Tuần này, ông đã “phá vỡ sự im lặng kéo dài” với công chúng bằng cách đến thăm một khu phố ở Bắc Kinh, nơi có khoảng 340 trường hợp nhiễm virus.

Cá nhân ông Tập bị “gắn” với hàng loạt vấn đề “nhức nhối”, từ cuộc chiến thuế quan của Bắc Kinh với Washington, quan hệ “gai góc” với Đài Loan - một quốc gia tự trị mà ĐCSTQ tuyên bố là lãnh thổ của mình, đến cuộc phản đối dân chủ ở Hong Kong và việc giam giữ hàng loạt người dân tộc thiểu số Hồi giáo ở vùng Tân Cương ở phía Tây Bắc, Trung Quốc.

Ông Tập đã cố gắng “giữ khoảng cách” giữa bản thân với sự bùng phát dịch virus gần đây, bằng cách bổ nhiệm thủ tướng Lý Khắc Cường vào vị trí đứng đầu nhóm lãnh đạo Đảng phụ trách công tác chống dịch bệnh vào ngày 26 tháng 1.

Ngay hôm sau ngày được “bổ nhiệm”, ông Lý đã bay đến Vũ Hán, gặp gỡ các bác sĩ và y tá và đến thăm một siêu thị.

Ông Willy Lam, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Hong Kong, cho biết: “Điều này có vẻ giống như một âm mưu nhằm đổ lỗi cho ông Lý Khắc Cường nếu việc chống lại dịch bệnh tiến triển không thỏa đáng”.

Mộc Trà, Thủy Tiên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đảng Cộng sản Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ dịch SARS