Đáp trả G7 và NATO, Bắc Kinh điều động 28 máy bay quân sự quấy rối Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hôm 15/6, 28 máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm nhập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) Tây Nam của quốc đảo này.

Kể từ lúc Đài Loan bắt đầu báo cáo về các hoạt động của không quân Trung Quốc tại vùng ADIZ của quốc đảo này vào năm ngoái, đây là vụ xâm nhập hằng ngày lớn nhất của máy bay Trung Quốc cả về quy mô lẫn chủng loại.

Theo mục “Cập nhật động thái quân sự” trên trang web Bộ Quốc phòng Đài Loan, 28 máy bay quân sự này gồm: 1 máy bay tác chiến chống tàu ngầm Y-8 ASW; 4 máy bay ném bom phản lực H-6; 1 máy bay vận tải quân sự Y-8 EW; 2 máy bay cảnh báo và điều khiển sớm trên không KJ-500 AEW&C; 14 tiêm kích J-16; và 6 tiêm kích J-11.

Đài Bắc đã cử quân đội tuần tra trên không tới ứng phó, đưa ra cảnh báo vô tuyến, và triển khai hệ thống tên lửa phòng không để giám sát hoạt động của đối phương.

Theo VOA, hành động quân sự của Trung Quốc diễn ra sau khi các nhà lãnh đạo của G7 (nhóm 7 nước có nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ) ra tuyên bố chung hôm Chủ nhật (13/6) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra thông cáo chung vào thứ Hai (14/6).

Tuyên bố chung của G7 đã chính thức lên án Trung Quốc về các vấn đề như: lao động cưỡng bức, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng, tự do ở Hong Kong, v.v. và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Sau đó, 30 quốc gia thành viên NATO ra thông cáo chung, tuyên bố rằng “tham vọng công khai và hành vi độc đoán của Bắc Kinh gây ra thách thức có hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc”, theo Vision Times.

NATO cũng cảnh báo rằng, họ lo ngại về "chính sách cưỡng bức" của Trung Quốc - dường như ám chỉ đến việc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương - và việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân, cũng như "thường xuyên thiếu tính minh bạch và sử dụng thông tin sai lệch" của nước này.

Đây là lần đầu tiên NATO - liên minh quân sự vốn có truyền thống tập trung vào Nga, tuyên bố rằng họ cần phải đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Phản ứng của Trung Quốc

Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ trước tuyên bố chung của G7. Hôm 15/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã cáo buộc 7 quốc gia công nghiệp cố tình can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

"Các vấn đề liên quan đến Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc và không cho phép bất kỳ thế lực bên ngoài nào can thiệp. Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, quyết tâm này kiên định không lay chuyển", ông Triệu tuyên bố.

Đại sứ quán Trung Quốc tại London nói rằng, những đề cập như vậy đến Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan đã bóp méo sự thật và phơi bày "ý đồ thâm độc của một số quốc gia như Hoa Kỳ, v.v.". Đại sứ quán nói thêm: "Danh tiếng của Trung Quốc quyết không thể bị phỉ báng".

Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh Châu Âu cũng đã đưa ra một tuyên bố đáp lại Thông cáo của NATO vào tối thứ Hai, nói rằng đây là sự tiếp nối tư duy Chiến tranh Lạnh và quấy phá tâm lý theo chính trị nhóm của NATO.

Đông Phương (t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Đáp trả G7 và NATO, Bắc Kinh điều động 28 máy bay quân sự quấy rối Đài Loan