Đấu đá nội bộ: Ai đang ở trong tầm ngắm của ông Tập Cận Bình?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước thềm Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bầu không khí ở Trung Nam Hải càng trở nên kỳ quái hơn. Phiên họp dự kiến diễn ra từ ngày 26-29/10 và kết cục ai đi ai ở đang là vấn đề được ngoại giới quan tâm nhất.

Cách đây vài ngày, kênh truyền thông của ĐCSTQ ở nước ngoài đã đăng bài viết điểm danh nhiều ‘ông lớn’ sẽ "thất thủ" tại Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Trung Quốc. Một số học giả đã phân tích rằng, cuộc đấu đá nội bộ của Trung Nam Hải đã được đặt lên bàn cân, và rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ theo gương ông Mao Trạch Đông và tạo ra một "sự kiện Lâm Bưu 913" [1] mới.

Kể từ năm 2020, chính quyền Trung Quốc rơi vào tình thế ngày càng nguy cấp, trong ngoài đều khốn đốn. Có nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra như đại dịch lây lan, kinh tế suy thoái, thất bại ngoại giao và sự bao vây của cộng đồng quốc tế đã làm tổn hại đến lợi ích của các băng phái trong nội bộ ĐCSTQ, cuộc đấu đá ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Gần đây, Duowei News - một kênh truyền thông của ĐCSTQ ở nước ngoài có trụ sở chính tại Bắc Kinh, đã đăng một bài báo có tiêu đề "Sự trỗi dậy và sụp đổ của các ông lớn trong ĐCSTQ tại Phiên họp toàn thể lần thứ năm" để kể về các cuộc đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ.

Bài báo đề cập rằng, Phiên họp toàn thể lần thứ năm của ĐCSTQ luôn là một dấu mốc quan trọng cho việc sắp xếp nhân sự. Trong lịch sử Ban chấp hành Trung ương các khóa của ĐCSTQ, đã có ít nhất 8 lần điều chỉnh nhân sự ở Phiên họp toàn thể lần thứ năm, và điều này đã thay đổi số phận của nhiều lãnh đạo ĐCSTQ. Ví dụ các sự việc như ông Mao Trạch Đông lần đầu tiên trở thành ủy viên Bộ Chính trị, cựu lãnh đạo Hoa Quốc Phong mất quyền, cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình nghỉ hưu và ông Giang Trạch Dân lên thay, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Trần Hy Đồng rớt đài, ông Tập Cận Bình trở thành người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào, v.v. đều xảy ra trong Phiên họp toàn thể lần thứ năm.

Có nhà phân tích cho rằng, kết hợp với tình hình chính trị ở Trung Nam Hải trong những tháng gần đây, bài báo của Duowei News không chỉ đơn giản là ôn lại lịch sử mà có thể ngụ ý rằng tại Phiên họp toàn thể lần thứ năm sắp tới, sẽ có các ông lớn thất thủ. Mượn chuyện xưa để nói chuyện nay luôn là phương thức phổ biến được các kênh truyền thông của ĐCSTQ áp dụng.

Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 ​​được tổ chức từ ngày 26-29/10. Dự kiến, có ít nhất 204 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương sẽ tới Bắc Kinh tham dự cuộc họp, và 168 ủy viên dự khuyết khác cũng sẽ tham dự.

Có nhà bình luận nói rằng, cuộc tranh giành quyền lực giữa các lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ là điều không thể tránh khỏi, và lần này dường như xoay quanh Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Cuộc đấu tranh nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc lần này dường như đang xoay quanh ông Vương Kỳ Sơn và ông Lý Khắc Cường. (Feng Li / Getty Images)
Cuộc đấu tranh nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc lần này dường như đang xoay quanh ông Vương Kỳ Sơn và ông Lý Khắc Cường. (Feng Li / Getty Images)

Vương Kỳ Sơn gặp rắc rối?

Vừa bước sang ngày thứ hai của tháng Mười, ông Đổng Hồng - Chuyên viên Thanh tra (cấp Thứ trưởng) của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đã bị Ủy ban này bắt giữ điều tra. Cấp trên trực tiếp của ông ta là Vương Kỳ Sơn - một đồng minh cũ của ông Tập Cận Bình.

Trước ông Đổng Hồng, trùm bất động sản Nhậm Chí Cường - bạn thân của ông Vương Kỳ Sơn đã bị kết án 18 năm tù vào ngày 22/9 vì đăng bài báo chỉ trích ông Tập Cận Bình là "gã hề bị lột trần mà vẫn đòi làm hoàng đế" vào tháng Ba năm nay.

Trước nữa thì còn có thân tín của ông Vương Kỳ Sơn là ông Tưởng Siêu Lương - Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc, cũng bị cách chức vì để dịch bệnh mất kiểm soát và bà Hồ Thư Lập - người sáng lập tạp chí Caixin, người có quan hệ mật thiết với ông Vương Kỳ Sơn, cũng bị kiểm duyệt và cảnh cáo vì phơi bày sự thật về dịch bệnh.

Ông Tập Cận Bình dường như không còn “hạ thủ lưu tình” với ông Vương Kỳ Sơn nữa.

Ông Vương là Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương trong nhiệm kỳ 5 năm đầu của ông Tập Cận Bình. Ông Tập đã mượn tay ông Vương và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương để dọn sạch những người bất đồng chính kiến ​​và đối thủ chính trị, giành lại quyền lực trong đảng, chính phủ và quân đội, và bước lên địa vị “Tập hạch tâm" - tức là Ủy ban Trung ương ĐCSTQ với đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt.

Sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ, quyền lực tập trung trong tay ông Tập Cận Bình đạt đến đỉnh điểm, và ông Vương Kỳ Sơn bị gạt sang một bên. Hiện nay, những người xung quanh ông Vương lần lượt xảy ra chuyện và các nhà phân tích đều cho rằng: Ông Vương Kỳ Sơn có thể thực sự đang gặp rắc rối.

Các nhà phân tích đều cho rằng: Ông Vương Kỳ Sơn có thể thực sự đang gặp rắc rối. (Feng Li / Getty Images)
Các nhà phân tích đều cho rằng: Ông Vương Kỳ Sơn có thể thực sự đang gặp rắc rối. (Feng Li / Getty Images)

Liệu ông Tập Cận Bình có tạo ra một "sự kiện Lâm Bưu" mới?

Ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, đã viết một bài phân tích nói rằng, trong nhiệm kỳ 5 năm đầu của ông Tập, hai ông Tập và Vương đã hợp tác rất chặt chẽ với nhau. Ông Vương giúp ông Tập củng cố quyền lực, đến mức được gọi là “Thể chế Tập - Vương". Còn hiện nay thì Tập - Vương đã trở mặt, ông Tập có ý định hạ bệ Vương Kỳ Sơn. Chỉ cần ông ta đùn đẩy trách nhiệm cho ông Vương về chiến dịch chống tham nhũng trước kia - chiến dịch đã đắc tội với nhiều lãnh đạo trong đảng, là đủ để mượn tay phái Giang (Giang Trạch Dân) để đánh hạ ông Vương.

Ông Trần cho rằng, việc ông Vương Kỳ Sơn hỗ trợ ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống tham nhũng quả thực đã làm mất lòng rất nhiều lãnh đạo đảng và gây thù chuốc oán vô số. Đặc biệt là phái Giang hận ông Vương thấu xương. Trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương dưới thời ông Vương Kỳ Sơn từng mô tả ông Tăng Khánh Hồng (nhân vật số 2 trong phái Giang) là "Khánh Thân vương" của triều đại nhà Thanh, suýt chút nữa đã đưa Tăng vào nhà tù Tần Thành [2]. Ông Tăng Khánh Hồng có thể nuốt trôi mối thù này không?

Ông Trần Phá Không phân tích rằng, nếu ông Tập Cận Bình thực sự lợi dụng phái Giang để đánh bại ông Vương Kỳ Sơn, thì đó sẽ là đỉnh điểm của cuộc tranh giành quyền lực cấp cao hiện nay của ĐCSTQ. Nhưng một khi điều này xảy ra, nó sẽ gây chấn động cả trong và ngoài nước, vì nó không kém gì vụ cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông đã bức ép Lâm Bưu bỏ trốn và tạo ra “Sự cố ngày 13 tháng 9”. Nói cách khác, đánh đổ Vương là "sự kiện Lâm Bưu" trong thời đại Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình sắp tạo ra một "sự kiện Lâm Bưu" mới? (Feng Li / Getty Images)
Ông Tập Cận Bình sắp tạo ra một "sự kiện Lâm Bưu" mới? (Feng Li / Getty Images)

Lý Khắc Cường bị kiện lên tòa

Không chỉ ông Vương Kỳ Sơn mà dường như ông Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng gặp khó khăn.

Vào ngày 7/10, trang mạng "Quan sát dân sinh" đưa tin rằng, 56 nông dân bị mất đất ở Khu Mới Phố Đông, Thượng Hải đã đệ đơn kiện lên Tòa án Trung cấp Bắc Kinh, bị đơn là Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Theo báo cáo, 56 nguyên đơn có một khu nhà hợp pháp rộng hơn 10.500 m2 và mỗi ngôi nhà riêng của họ rộng hơn 1.100 m2, đã bị chính quyền phá dỡ. Họ yêu cầu tòa thụ lý vụ việc bị chiếm dụng nhà cửa này và bồi thường cho đương sự.

Theo ngoại giới phân tích, dưới sự quản lý và kiểm soát chặt chẽ của ĐCSTQ, đây chắc chắn không phải là một vụ dân kiện quan chức đơn giản. 56 nông dân này đã bảo vệ quyền lợi của mình trong 27 năm, cho đến trước Phiên họp toàn thể lần thứ năm của ĐCSTQ, họ bất ngờ kiện ông Lý Khắc Cường ra tòa. Nguyên nhân đằng sau có khả năng liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực ở Trung Nam Hải.

Mọi người đều biết, mâu thuẫn giữa ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường đã được công khai từ lâu. Kể từ khi virus Viêm phổi Vũ Hán bùng phát, ông Lý không ngừng "phát ngôn chống đối" ông Tập, bao gồm tiết lộ rằng 600 triệu người Trung Quốc chỉ có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ, thúc đẩy nền kinh tế hàng rong, hay nói về cải cách và mở cửa, tiết lộ khó khăn kinh tế trong nước, đề cập đến việc “tiêu dùng ứ tắc”, thực trạng tìm việc làm và khoảng cách công nghệ, v.v.

Việc ông Lý Khắc Cường tiết lộ những sự thật trên đã khiến chính quyền của ông Tập Cận Bình vô cùng lúng túng và tức giận. Có thông tin cho rằng, ông Tập Cận Bình liên tục yêu cầu ông Lý "giữ vững lập trường" trong các cuộc họp của đảng.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, nhận xét của ông Lý Khắc Cường giống như việc cựu lãnh đạo Lưu Thiếu Kỳ nói ra sự thật về Nạn đói lớn kéo dài 3 năm ở Trung Quốc là "3 phần do thiên tai và 7 phần do con người gây ra", khiến ông Mao Trạch Đông bất ngờ rơi vào thế bị động. Mọi người đều biết số phận của ông Lưu Thiếu Kỳ [3], và tương lai của ông Lý Khắc Cường cũng thật đáng lo ngại.

[1] "Sự kiện Lâm Bưu 913": Lâm Bưu là Phó Chủ tịch ĐCSTQ nhiệm kỳ 1985-1971, là thân tín được Mao Trạch Đông dìu dắt và đặt làm người kế nhiệm nhưng mối quan hệ Mao - Lâm xấu đi do có thông tin Lâm lên kế hoạch mưu sát và đảo chính Mao Trạch Đông. Sáng sớm ngày 13/9/1971, Lâm Bưu và 8 người khác đã lên máy bay để chạy trốn, cuối cùng máy bay bị rơi tại Mông Cổ, toàn bộ 9 người đều tử vong. Đến nay sự kiện này vẫn chưa được làm sáng tỏ.

[2] Nhà tù Tần Thành: là một nhà tù của Trung Quốc được canh gác cẩn mật, tọa lạc tại Xương Bình, Bắc Kinh. Đây là nhà tù duy nhất thuộc Bộ Công an, các nhà tù còn lại do Bộ Tư pháp quản lý. Phần lớn số phạm nhân là tù nhân chính trị và hiện nay đây là nơi giam giữ những nhân vật cấp cao đã ngã ngựa của chính quyền Trung Quốc. Ví dụ Bạc Hy Lai và vợ là Cốc Khai Lai được cho là bị giam giữ tại đây.

[3] Lưu Thiếu Kỳ: Nguyên Chủ tịch nước Trung Quốc, vì phản đối chính sách của Mao Trạch Đông mà bị thất thế, sau bị bắt giam vào đấu tố trong thời Đại Cách mạng Văn hóa.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Đấu đá nội bộ: Ai đang ở trong tầm ngắm của ông Tập Cận Bình?