ĐCS Trung Quốc chính trị hoá và phá huỷ ‘lễ hội ngoại lai' Giáng sinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lễ hội Giáng sinh bị ĐCS Trung Quốc cho là "ngoại lai" và dựa vào lý do này để phá vỡ một ngày lễ thiêng liêng của người công giáo. Khái niệm "ngoại lai" không rõ có mở rộng sang các tôn giáo khác như Phật giáo (từ Ấn Độ) hay học thuyết Marx (từ Nga) hay không?

Đảng Cộng sản Trung Quốc là một đảng toàn trị vì nó đòi hỏi người dân phải nghe lời tuyệt đối. Bất kỳ nhóm, tổ chức, hay trường phái luân lý nào của người dân Trung Quốc đều phải phù hợp với sự cai trị của nó. Đương nhiên bao gồm tất cả các tôn giáo (kể cả Cơ đốc giáo) và ngày lễ Giáng sinh thiêng liêng của tôn giáo này.

Vào tháng 12/2021, Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lời kêu gọi về việc “Hán hóa tôn giáo” tại một hội nghị về các vấn đề tôn giáo. Trên thực tế, yêu cầu này nhắm vào việc các nhà lãnh đạo tôn giáo phải phục tùng tuyệt đối ĐCS Trung Quốc (gồm cả những người theo đạo Cơ đốc).

Ông Tập yêu cầu “phát triển lý thuyết tôn giáo về chủ nghĩa xã hội mang đặc tính Trung Quốc, phù hợp với chính sách cơ bản của Đảng về vấn đề tôn giáo và duy trì nguyên tắc các tôn giáo ở Trung Quốc phải mang định hướng của Trung Quốc”. Như vậy, yêu cầu này không có chỗ cho ông già Noel.

Theo tờ Independent, “Một số quan chức Trung Quốc đã cố gắng đánh lạc hướng người dân vào dịp Giáng sinh bằng cách khuyến khích việc chúc mừng sinh nhật của Mao Trạch Đông - cựu lãnh đạo và cũng là kiến ​​trúc sư của thể chế Trung Quốc hiện đại, sinh ngày 26/12/1893 và qua đời ở tuổi 82”.

Năm 2019, các quan chức ở Lâm Nghi (tỉnh Sơn Đông) đã đặt một chiếc bánh sinh nhật cho Mao dưới chân bức tượng của ông trong một ngôi đền vào ngày Giáng sinh.

Thật khó có thể hình dung “Ông già Noel Mao” ở Lâm Nghi có tác động như thế nào đến hàng triệu người muốn ăn mừng một buổi lễ Giáng sinh chân chính. Nhưng hiệu lệnh có đó rồi, rất to và rõ ràng đối với những người trung thành với ĐCS Trung Quốc: chúc mừng Mao chứ không phải ông già Noel.

Việc những người theo đạo Cơ đốc thoát khỏi lưới sắt của ĐCS Trung Quốc dễ dàng hơn nhiều so với người Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công, và người Tây Tạng - những người đang hứng chịu một cuộc diệt chủng theo đúng nghĩa của Liên Hiệp Quốc, những người có niềm tin vào Chúa ngày càng bị đàn áp ở Trung Quốc. Các nhà thờ Cơ đốc giáo bị phá bỏ, các lãnh đạo Cơ đốc giáo buộc phải nhận lệnh từ Bắc Kinh, và kể từ 2018, ngay cả việc tổ chức lễ Giáng sinh cũng bị chính quyền địa phương ngăn cản.

Ngày 24/12/2021, một bài báo có tiêu đề “Trung Quốc hủy bỏ Giáng sinh: tại sao ông già Noel không đến với trẻ em Trung Quốc”, của nhà báo Jane Cai trên tờ South China Morning Post, cho thấy bằng chứng mới nhất về cuộc đàn áp Cơ đốc giáo đang diễn ra ở Trung Quốc. Và có rất nhiều người theo đạo Cơ đốc đã bị bắt bớ.

Theo ước tính, có khoảng 84 triệu người theo đạo Tin lành và 21 triệu người Công giáo ở Trung Quốc (chiếm khoảng 7,5% dân số). Tuy nhiên, những người trẻ thuộc mọi tôn giáo, kể cả những người vô thần, đã tham gia nhiều hơn vào việc ăn mừng Giáng sinh từ những năm 90. Theo nhà báo Cai của tờ South China Morning Post, Giáng sinh là một lễ hội vui vẻ và phù hợp với giới trẻ để họ “mua sắm, hẹn hò, trượt băng, và tiệc tùng”.

Nhưng chế độ khắc nghiệt của ĐCS Trung Quốc lại khinh miệt Giáng sinh. Biên tập Ahmed Aboudouh của tờ Independent cho biết, ĐCS Trung Quốc gọi Giáng sinh là “thuốc phiện tinh thần của Tây phương” và “Lễ hội của sự nhục nhã”.

South China Morning Post cũng cho rằng tâm lý chống Giáng sinh ngày càng tăng ở Trung Quốc là do “chủ nghĩa dân tộc gia tăng, một hậu quả của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ” do Tổng thống Donald Trump khởi xướng vào 2018.

Tờ Independent cũng cho biết về căng thẳng quân sự và luật nhân quyền thời gian gần đây. Chẳng hạn như đạo luật ban hành ngày 23/12 của Mỹ về việc cấm nhập khẩu hàng hóa từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ đã công nhận rằng những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, đến từ Tân Cương, đang bị diệt chủng.

Kể từ 2018, South China Morning Post cho biết “chính quyền địa phương từ Hà Bắc (phía Bắc Trung Quốc) đến Quý Châu và Quảng Tây (phía Nam) đã ban hành lệnh cấm trang trí xa hoa và tụ tập với quy mô lớn để ăn mừng Giáng sinh”.

Tờ báo cho biết các trung tâm mua sắm và cửa hàng phải luôn kiểm soát đồ trang trí Giáng sinh và các chương trình khuyến mãi. “Các trường học và đại học trên toàn quốc đã được các cơ quan giáo dục chỉ thị không tổ chức các ‘lễ hội phương Tây’”.

Ví dụ, một trường tiểu học ở Thượng Hải có quy định không tổ chức bất kỳ ngày lễ nào không phải của Trung Quốc, kể cả Giáng sinh năm nay.

“Đó là quy tắc được các cơ quan quản lý giáo dục nhấn mạnh rất nhiều trong những năm gần đây”, một giáo viên chia sẻ với South China Morning Post, “Chúng tôi được thông báo rằng bất kỳ giáo viên nào bị phát hiện vi phạm [nội quy] sẽ bị trừng phạt”.

Phụ huynh cũng cảm thấy áp lực không kém. Một công chức ở Bắc Kinh nói với tờ South China Morning Post rằng “năm nay anh ấy sẽ không mua cây thông Noel cho hai cô con gái để ‘tránh gặp phải rắc rối’”.

Anh này cũng cho biết, "Mặc dù tôi rất thích trang trí cây thông với các con nhưng sẽ không tổ chức lễ Giáng sinh nữa vì quan điểm chính trị".

Các bộ phim tuyên truyền của Trung Quốc cũng ngăn cản việc tổ chức lễ Giáng sinh. Theo tờ South China Morning Post vào năm 2021, một bộ phim có tên "Trận chiến hồ Trường Tân" có doanh thu cao nhất ở Trung Quốc với 874 triệu USD, miêu tả những người lính Trung Quốc dũng cảm và kiên cường ở Hàn Quốc chiến đấu với những người Mỹ lười biếng và tàn ác đang háo hức trở về nhà vào dịp Giáng sinh.

Đạo lý của câu chuyện áp đặt đối với những ngày lễ: không nên ăn mừng bất kỳ ngày lễ nào xuất phát từ phương Tây, đặc biệt là lễ Giáng sinh.

Bị xúc phạm và xúi giục bởi bộ phim, hàng nghìn người dùng mạng xã hội đã phát động một chiến dịch trực tuyến phản đối Giáng sinh, cũng như phản đối bất kỳ người Trung Quốc nào chia sẻ ảnh mừng Giáng sinh.

“Các thông cáo của ĐCS Trung Quốc đã cấm các đảng viên, các cơ quan chính phủ và thậm chí các trường đại học vào bất kỳ hoạt động ăn mừng Giáng sinh, các khẩu hiệu kêu gọi công dân tẩy chay Giáng sinh thì tràn lan trên các mạng xã hội,” tờ Independent cho biết.

Biên tập Aboudouh của tờ Independent đưa dẫn chứng tại thành phố Hành Dương ở tỉnh Hồ Nam, nơi mà chính quyền vào 2018 đã cấm bất kỳ hoạt động mua bán hàng hóa Giáng sinh nào gây tắc nghẽn đường phố. Năm 2017, chính quyền này đã cảnh báo các quan chức ĐCS Trung Quốc không được tổ chức lễ Giáng sinh, thay vào đó, khuyến khích quảng bá văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Thư chính quyền gửi các Đảng viên viết "Các đảng viên phải tuân theo niềm tin của chủ nghĩa cộng sản và không được tôn thờ một cách mù quáng thuốc phiện tinh thần của phương Tây".

Trong một cuộc biểu tình chống Giáng sinh, các sinh viên đại học mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc cầm biểu ngữ “Hãy chống lại lễ Giáng sinh, người Trung Quốc không nên tổ chức lễ hội nước ngoài” ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc vào 24/12/2014. (Ảnh Getty Images)

Nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc rất ủng hộ lễ Giáng sinh nhưng nay buộc phải từ bỏ lễ hội thiêng liêng này.

“Tôi không thấy có sự liên đới nào giữa lễ hội Giáng sinh với tinh thần yêu nước”, anh công chức nói trên ở Bắc Kinh trao đổi với South China Morning Post. “Tôi nghĩ hầu hết người dân Trung Quốc ăn mừng ngày lễ này với mục đích giải trí thôi. Tuy nhiên ngày nay người ta rất dễ bị phán xét về mặt chính trị. Và vì lý do an toàn, tôi buộc phải bỏ qua lễ Giáng sinh dù sẽ khiến các con tôi thất vọng”.

Trong một xã hội mà tôn giáo và nhà nước bị tách biệt về mặt hiến pháp, như nước Mỹ, thì đúng là không có mối liên hệ nào giữa Giáng sinh và lòng yêu nước. Người theo Cơ đốc giáo cũng có thể là người yêu nước hoặc không vậy.

Nhưng điều này dường như chưa hợp lý ở Trung Quốc cho lắm, vì ĐCS Trung Quốc có mục tiêu thay thế tôn giáo chân chính bằng hệ tư tưởng chính trị của riêng nó. Do đó, nó không chấp nhận bất cứ đối thủ cạnh tranh nào, ngoài những tôn giáo đã tự phong bế chính mình thông qua sự phục tùng tôn ti của ĐCS Trung Quốc.

Như Mao đã nói, quyền lực chính trị phát triển từ nòng súng. Khi khẩu súng đó chĩa về phía ông già Noel, thì không có chuyện đa dạng tôn giáo.

Người dân Trung Quốc đang bị buộc phải lựa chọn giữa niềm tin vào đường lối của Đảng hay Đạo Cơ đốc. Chỉ một trong hai mà thôi. Nếu chọn Đảng, họ phải từ bỏ Giáng sinh để thể hiện sự phục tùng tuyệt đối vào chính quyền Bắc Kinh. Còn nếu chọn việc ăn mừng Giáng sinh một cách nghèo nàn nhất về mặt tinh thần thì sẽ không chỉ gặp rắc rối mà còn tệ hơn thế. Cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công, và người Tây Tạng là những ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, bất chấp mọi đe dọa đối với những người theo đạo Cơ đốc, tinh thần Giáng sinh vẫn đang rộn ràng tại Trung Quốc. Theo Independent, “người ta vẫn thấy cây thông, đèn đuốc, và đồ trang trí tô điểm tại những nơi công cộng và trung tâm mua sắm ở các thành phố lớn kể cả Thượng Hải”.

Không hiểu, khái niệm ‘ngoại lai’ - một khái niệm tiêu cực mà ĐCS Trung Quốc muốn tẩy chay - có lan sang các học thuyết kinh tế, tư tưởng chính trị hay không? Học thuyết Marx mà Trung Quốc đang tôn thờ là một học thuyết kinh tế, nó chính xác là một tư tưởng ngoại lai và xuất hiện ở Trung Quốc còn muộn hơn cả Giáng Sinh, nó cũng không có mối quan hệ gì với nền văn hoá 5,000 năm Trung Hoa.

Tiêu Tiêu

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

ĐCS Trung Quốc chính trị hoá và phá huỷ ‘lễ hội ngoại lai' Giáng sinh