ĐCS Trung Quốc 'đánh địa chủ phiên bản 2.0', ba năm qua 'quốc hữu hóa' 100 doanh nghiệp tư nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ra sức cướp bóc của cải tư nhân. Truyền thông Nhật Bản tiết lộ rằng, chính quyền Trung Quốc đã "hạ độc thủ" khoảng 100 công ty tư nhân trong ba năm qua.

Trong thời gian gần đây, ông chủ của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã liên tiếp xảy ra chuyện, từ việc Ant Group của Jack Ma đột ngột ngừng niêm yết, đến vụ bắt giữ doanh nhân Hà Bắc Tôn Đại Ngọ (Sun Dayu) cùng các Giám đốc điều hành, và mới đây nhất là vụ bắt giữ ông Dương Tông Nghĩa (Yang Zongyi) - người từng là doanh nhân giàu có nhất Nam Kinh. Một số doanh nhân đại lục tiết lộ, cảnh sát ở nhiều nơi đang truy bắt các doanh nhân giàu có, và động thái này của nhà chức trách khiến các ông chủ doanh nghiệp tư nhân hoảng sợ. Dư luận cho rằng, tình hình này cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang chỉnh đốn, thậm chí “thu gặt” các doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nhân Dương Tông Nghĩa và Công ty Fuxin

Cảnh sát thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ra thông báo vào ngày 17/11, cho biết ông Dương Tông Nghĩa, người kiểm soát thực tế của Công ty Quản lý Tài sản và Của cải Fuxin Giang Tô (sau đây gọi tắt là "Công ty Fuxin"), đã bị bắt. Sở Công an thành phố Nam Kinh đã “áp dụng các biện pháp cưỡng chế" để bắt giữ ông Dương và một số Giám đốc điều hành cấp cao của công ty này như ông Hạ Vệ Quốc (Xia Weiguo), v.v. Cảnh sát cáo buộc Công ty Fuxin đã "dùng lợi nhuận cao làm mồi nhử để hút tiền từ các đối tượng không xác định trong xã hội, và bị nghi phạm tội kêu gọi đầu tư một cách bất hợp pháp".

Ông Dương Tông Nghĩa, người kiểm soát thực tế của Công ty Quản lý Tài sản và Của cải Fuxin Giang Tô. (Ảnh trên mạng)
Ông Dương Tông Nghĩa, người kiểm soát thực tế của Công ty Quản lý Tài sản và Của cải Fuxin Giang Tô. (Ảnh trên mạng)

Điều đáng nói là ông Dương cũng chính là người sáng lập và Chủ tịch hội đồng quản trị của doanh nghiệp nổi tiếng Fuzhong Group ở Nam Kinh. Vì vậy, tin tức này đã thu hút sự chú ý rộng rãi.

Vào năm 2019, Fuzhong Group đã được xếp hạng 72 trong số 500 công ty hàng đầu ở Trung Quốc trong bảng xếp hạng doanh nghiệp do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Toàn Trung Quốc (ACFIC) - cơ quan chính thức của ĐCSTQ công bố. Trước đó, chính quyền Nam Kinh đã trao tặng chức vị Ủy viên Thường vụ Hiệp thương Chính trị thành phố Nam Kinh và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Tổng hợp Giang Tô cho ông Dương.

Theo báo cáo từ kênh truyền thông cá nhân, sau khi ông Dương bị bắt giữ hình sự, cơ quan chức năng đã khống chế trụ sở chính của Fuzhong Group.

Cựu cảnh sát thành phố Đại Liên Lưu Hiểu Bân (Liu Xiaobin) cho biết, chiến dịch truy bắt các ông chủ doanh nghiệp tư nhân hiện nay là thực hiện theo chỉ thị của cấp trên: bắt người để vơ vét tài sản.

Ông Lưu nói rằng: "Giống như mô hình công tư hợp doanh (trước đó doanh nghiệp là của tư nhân và sau thì do Nhà nước và chủ xí nghiệp cũ chung nhau kinh doanh) trước kia, chính là mang tiền của các nhà tư bản sung công quỹ nhà nước, thực ra là đặt tiền vào tay ĐCSTQ. Hiện giờ không phải là do ĐCSTQ đang phải đối mặt với những rắc rối kinh tế cả trong và ngoài nước nên nó liền đi hạ thủ với các doanh nghiệp tư nhân sao? Bắt các ông chủ doanh nghiệp chính là vì đống tài sản của họ”.

Doanh nhân lương tri Tôn Đại Ngọ và Tập đoàn Hebei Dawu

Trước khi xảy ra vụ bắt giữ ông Dương Tông Nghĩa, ông Tôn Đại Ngọ - Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Hebei Dawu và hơn 20 Giám đốc điều hành đã bị bắt hôm 11/11 vì xảy ra tranh chấp với doanh nghiệp nhà nước, 28 công ty con của Tập đoàn Dawu đã bị tiếp quản.

Ông Tôn Đại Ngọ (Sun Dawu), Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Hebei Dawu. (Ảnh NTDTV tổng hợp)
Ông Tôn Đại Ngọ (Sun Dawu), Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Hebei Dawu. (Ảnh NTDTV tổng hợp)

Ông Tôn Đại Ngọ, 66 tuổi, là một doanh nhân huyền thoại có tiếng và được lòng người dân. Ông có khối tài sản hàng tỷ nhân dân tệ, nhưng lại có một cuộc sống thanh bần, không biệt thự, không xe riêng, sống trong khu tập thể.

Thông tin công khai cho biết, Tập đoàn Hebei Dawu được thành lập năm 1984. Khởi đầu từ việc chăn nuôi 1.000 con gà và 50 con lợn trên một bãi cát hoang vắng, sau hơn 30 năm miệt mài làm việc, Tập đoàn này đã trở thành doanh nghiệp chủ chốt trong kinh doanh công nghiệp hóa nền nông nghiệp của tỉnh.

Tới nay, Tập đoàn Dawu đã phát triển thêm hàng chục doanh nghiệp như Khu nghỉ dưỡng Suối nước nóng Dawu, chuỗi trường học Dawu, Bệnh viện Dawu, Cơ sở chăn nuôi Dawu, v.v. Công ăn việc làm và đời sống của người dân ở các khu vực xung quanh đều dựa vào Tập đoàn Dawu. Tập đoàn này có hơn 9.000 nhân viên, tài sản cố định 2 tỷ nhân dân tệ và giá trị sản lượng hàng năm hơn 3 tỷ nhân dân tệ.

Ông Tôn từng tuyên bố công khai rằng, Tập đoàn Dawu “không lấy lợi nhuận làm mục đích, mà lấy sự phát triển làm mục tiêu và sự thịnh vượng chung làm đích đến”.

Một đoạn video lan truyền trên Twitter cho thấy ông Tôn tuyên bố rõ ràng rằng, Bệnh viện Dawu không được phép kiếm tiền, bệnh viện mà kiếm tiền là điều đáng xấu hổ và cần phải cung cấp cho người dân những dịch vụ y tế tốt nhất.

Nguồn tin trong giới truyền thông tiết lộ rằng, hành động cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí của ông Tôn đã khiến chính quyền địa phương và các bệnh viện do chính phủ điều hành đứng ngồi không yên. Các chuyên gia từ một số bệnh viện nổi tiếng ở Bắc Kinh vì cảm động trước nhân cách của ông Tôn nên đã tình nguyện làm bác sĩ tại Bệnh viện Dawu sau khi nghỉ hưu.

Nguồn tin nội bộ tiết lộ rằng, việc bắt giữ ông Tôn Đại Ngọ có thể là do các quan chức cấp cao của Hà Bắc chỉ thị. Vào tháng Tám năm nay, các nhân viên của Tập đoàn Dawu và của Nông trường Quốc doanh Bảo Định đã xảy ra tranh chấp về vấn đề đất đai. Vào thời điểm đó, hơn 30 người đã bị bắt và bị ngược đãi tại đồn cảnh sát. Sau đó, Tập đoàn Dawu đã tổ chức một cuộc họp nhân viên để công khai phản đối sự đàn áp của chính phủ.

Bà Vương Thụy Cầm (Wang Ruiqin), một doanh nhân tư nhân hiểu rõ về ông Tôn và sống lưu vong ở Hoa Kỳ, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, bà từng tham gia các cuộc họp của nhóm nghiên cứu doanh nghiệp tư nhân với ông Tôn và mô tả ông là một người chu đáo và có trách nhiệm.

"Doanh nghiệp của anh có quy mô quá lớn và có thể là mối đe dọa đối với chính phủ. Đối với ĐCSTQ mà nói thì điều này là không thể chấp nhận được. Đồng thời, người chủ doanh nghiệp lại quan tâm hơn đến tương lai của đất nước và quan tâm đến các vấn đề chính trị hiện tại, đây cũng là điều không thể chấp nhận được (đối với chính phủ). Chỉ cần anh quan tâm đến các vấn đề chính trị hiện tại, anh sẽ có quan điểm khác với ĐCSTQ, anh sẽ là nhân tố gây mất đoàn kết, không phải là người theo đảng, vậy thì (chính quyền) sẽ hạn chế, thậm chí đàn áp anh", bà Vương nhận định.

Jack Ma và Ant Group

Còn trước đó nữa là kế hoạch niêm yết của Ant Group, một công ty con của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, bất ngờ bị đình chỉ. Ban đầu Ant Group dự kiến ​​niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải vào ngày 5/11 năm nay. Tuy nhiên, hai ngày trước khi niêm yết, nó bất ngờ bị các cơ quan quản lý tài chính của ĐCSTQ “tuýt còi”. Jack Ma và một số Chủ quản cấp cao của Ant Group đã liên tiếp bị chính phủ Trung Quốc ‘gọi lên nói chuyện’.

Jack Ma, Giám đốc điều hành của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, phát biểu trong chuyến thăm của mình tại hội chợ khởi nghiệp và đổi mới Vivatech, ở Paris vào ngày 16 tháng 5 năm 2019. (Ảnh của Philippe LOPEZ / AFP / Getty Images)
Jack Ma, Giám đốc điều hành của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, phát biểu trong chuyến thăm của mình tại hội chợ khởi nghiệp và đổi mới Vivatech, ở Paris vào ngày 16 tháng 5 năm 2019. (Ảnh của Philippe LOPEZ / AFP / Getty Images)

Ông Đổng Quảng Bình (Dong Guangping), một nhà hoạt động công ích dân chủ ở Đại lục, cho biết công an Đại lục thích xử lý các vụ án kinh tế loại này nhất, nó không những có thể mang lại thu nhập dồi dào cho tài chính địa phương, mà công an còn có thể nhận được khoản hoa hồng hậu hĩnh. Vì vậy, đối với những chủ doanh nghiệp tư nhân không vâng lời, họ làm mọi cách để tìm lỗi và bắt người.

Ông Đổng nói: "Một điều nữa là những lời nói của Jack Ma thực sự đã đắc tội với chế độ ĐCSTQ và toàn bộ thể chế tinh anh của nó. ĐCSTQ sẽ không bao giờ cho phép chuyện như vậy xảy ra. Tôi để anh làm ăn phát tài lớn rồi, bây giờ anh lại phản đối tôi, nói những lời gây bất lợi cho tôi, đương nhiên sẽ phải trị anh”.

Trước sự việc này, tờ The Wall Street Journal đưa tin vào ngày 13/11 rằng, việc đình chỉ niêm yết của Ant Group chỉ là một trong những trường hợp chính quyền ĐCSTQ kiểm soát các công ty tư nhân. Ngày hôm sau (14/11), tờ Nikkei của Nhật Bản cũng đăng bài nói rằng kể từ năm 2018, khoảng 100 công ty tư nhân ở Trung Quốc đã bị ĐCSTQ "quốc hữu hóa".

Theo Nikkei, có khoảng 20 công ty tư nhân Trung Quốc bị chính quyền Trung Quốc "quốc hữu hóa" vào năm 2018, khoảng 30 công ty trong năm 2019 và 51 công ty trong năm nay. Nói cách khác, trong vòng 3 năm qua, khoảng 100 công ty tư nhân đã bị chính quyền Trung Quốc "hạ độc thủ”.

Hôm 14/11, tờ Nikkei của Nhật đăng bài nói rằng kể từ năm 2018, khoảng 100 công ty tư nhân ở Trung Quốc đã bị ĐCSTQ "quốc hữu hóa". Ảnh minh họa. (4711018 / Pixabay)
Hôm 14/11, tờ Nikkei của Nhật đăng bài nói rằng kể từ năm 2018, khoảng 100 công ty tư nhân ở Trung Quốc đã bị ĐCSTQ "quốc hữu hóa". Ảnh minh họa. (4711018 / Pixabay)

Bài báo chỉ ra rằng, do trong những năm gần đây ĐCSTQ liên tục đàn áp các công ty tư nhân, nên lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các công ty niêm yết tại Trung Quốc đã giảm đáng kể, từ 13% trong năm 2010 giảm xuống còn 7% trong năm 2019.

Bài báo tiết lộ rằng, một trong những thủ đoạn phổ biến mà chính quyền ĐCSTQ sử dụng để thâm nhập vào các công ty tư nhân là đầu tư vốn để tăng cường kiểm soát các công ty này.

Ví dụ, vào giữa tháng Chín năm nay, Quỹ Luoyang Guohong do chính quyền thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam hỗ trợ đã mua 20% cổ phần của công ty công nghệ Saimo Technology Trung Quốc, từ đó Quỹ này có được 30% quyền biểu quyết. Vậy nên, giờ đây người kiểm soát thực tế của Saimo Technology là Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản thuộc Sở hữu Nhà nước tỉnh Hà Nam.

Bài báo đặc biệt chỉ ra rằng, các công ty và lĩnh vực mang ý nghĩa chiến lược quan trọng như chất bán dẫn, năng lượng gió, dược phẩm... cũng bị chính quyền ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Ví dụ, hơn 60% vốn cổ phần của SMIC nằm trong tay một quỹ do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.

Còn đối với các công ty có khoản vốn lớn như Ant Group, do không thể kiểm soát bằng cách mua cổ phần nên chính quyền sẽ tăng cường giám sát, thậm chí trực tiếp ngăn chặn kế hoạch niêm yết.

Cư dân mạng gọi động thái này của chính quyền Trung Quốc là “đánh địa chủ, phân ruộng đất phiên bản 2.0” và rằng “bản chất của ‘nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc’ chính là các anh phụ trách tạo ra của cải, còn chính phủ sẽ phụ trách phân phối, nếu không nghe lời thì sẽ trị thẳng tay!”.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

ĐCS Trung Quốc 'đánh địa chủ phiên bản 2.0', ba năm qua 'quốc hữu hóa' 100 doanh nghiệp tư nhân