ĐCS Trung Quốc gây sức ép để thế giới phải im lặng trước những vi phạm nhân quyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những nỗ lực tăng cường của chính quyền Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự giám sát toàn cầu đối với các hành vi vi phạm nhân quyền đang là mối đe dọa của hệ thống quốc tế, các nhà hoạt động nhân quyền cho biết vào ngày 14 tháng 1.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền của thế giới, đã cho biết chính quyền Trung Quốc đang thực hiện “cuộc đàn áp quy mô và tàn bạo nhất trong nhiều thập kỷ qua”. Đồng thời, ở nước ngoài, Bắc Kinh đang sử dụng “cú đấm” kinh tế để bịt miệng các nhà phê bình và tăng cường kiểm duyệt đối với thế giới.

Ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành của HRW, viết trong Báo cáo nhân quyền 2019 được công bố ngày 14 tháng 1, 2020:

“Không một chính phủ nào lại sử dụng hệ thống chính trị với sức mạnh và quyết tâm như vậy để chà đạp lên các tiêu chuẩn và thể chế nhân quyền quốc tế, những điều mà khiến họ phải chịu trách nhiệm”.

Ông Roth đã trải nghiệm chính điều này khi bị từ chối nhập cảnh vào Hồng Kông vào ngày 12 tháng 1, 2020 nơi ông sẽ tổ chức cuộc họp báo về Báo cáo nhân quyền 2019. Hồng Kông đang rầm rộ các cuộc biểu tình vì dân chủ chống lại sự xâm lấn gia tăng của chính quyền Trung Quốc vào quyền tự do và tự trị của thành phố.

“Tôi đã từng hy vọng sẽ làm sáng tỏ hành động tấn công sâu rộng của Bắc Kinh vào những nỗ lực bảo vệ nhân quyền quốc tế,” ông Ruth nói trong một tuyên bố ngày 12 tháng 1, 2019. “Việc từ chối cho phép tôi vào Hồng Kông là một bằng chứng rõ ràng”.

Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 14 tháng 1, 2019 đã từ chối bình luận về trường hợp của ông Roth. Tuy nhiên, trước đó, ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chính quyền Trung Quốc đã tham gia vào việc quyết định cấm nhập cảnh của ông Roth.“Cho phép và từ chối nhập cảnh là quyền chủ quyền của Trung Quốc”.

Ông Cảnh cũng thừa nhận việc từ chối nhập cảnh đối với ông Roth là do Tổ chức Nhân quyền đã ủng hộ người biểu tình ở Hồng Kông. Ông cáo buộc tổ chức này đã kích động bạo lực và thực hiện các hoạt động ly khai.

Ông Roth, đã bác bỏ lời giải thích của ông Cảnh trong cuộc họp báo ngày 14 tháng 1 tại Liên Hợp Quốc ở New York. Ông nói cáo buộc của ông Cảnh là “vô lý” và “thật lố bịch khi cho rằng các đồng nghiệp của tôi và tôi có khả năng huy động một triệu người hoặc nhiều hơn nữa liên tục xuống đường phố trong sáu tháng qua”.

Chính quyền Trung Quốc luôn luôn quy chụp cho các cuộc biểu tình là do các thế lực thù địch nước ngoài kích động và hậu thuẫn.

“Chính phủ Trung Quốc rất sợ hãi phải thừa nhận mong muốn chân chính của người Hồng Kông đối với nền dân chủ trên lãnh thổ do họ cai trị. Vì nếu họ thừa nhận rằng đây là một khao khát tự nhiên, xuất phát từ nội tâm của chính người dân Hồng Kông, chứ không phải là những gì họ tuyên bố là sự xúi giục của nước ngoài, thì những gì đang xảy ra ở Hồng Kông có thể lan tỏa sang đại lục - và điều đó thực sự là điều khủng khiếp”, ông Roth nói.

Tháng 12/2019, Bắc Kinh công bố lệnh trừng phạt đối với tổ chức HRW và các tổ chức phi lợi nhuận khác có trụ sở tại Hoa Kỳ để trả đũa Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, ủng hộ phong trào phản kháng và đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông có liên quan đến hành động lạm dụng nhân quyền.

Trong một chương nói về Hồng Kông, Báo cáo Nhân quyền 2019 của HRW cho biết cảnh sát Hồng Kông đã sử dụng “lực lượng quá mức” để đàn áp người biểu tình, bao gồm cả “đánh đập người biểu tình đã bị ngã vốn không còn khả năng chống đỡ”. Báo cáo cũng cho biết cảnh sát ngày càng hạn chế “quyền tự do hội họp” trong thành phố.

Còn ở đại lục, chính quyền vẫn tiếp tục đàn áp các tôn giáo và nhóm dân tộc thiểu số, các nhà báo, thẩm phán và các nhà hoạt động xã hội độc lập.

Báo cáo cũng lưu ý, chính quyền cộng sản đã phá hoại các thể chế quốc tế được thiết lập để bảo vệ nhân quyền. Tại Liên Hợp Quốc, họ sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn các biện pháp hỗ trợ của toàn thế giới đối với các nhóm bị đàn áp. Họ cũng ngăn chặn các nhóm quốc tế tới Trung Quốc để tiến hành kiểm tra độc lập tình trạng nhân quyền.

Báo cáo cũng cho biết Bắc Kinh sử dụng quyền truy cập vào thị trường Trung Quốc làm đòn bẩy để đe dọa các công ty chỉ trích chính quyền. Ví dụ, một bình luận trên Twitter của Tổng giám đốc đội bóng rổ Houston Rockets ủng hộ người biểu tình Hồng Kông vào tháng 10 năm ngoái đã khiến tất cả các nhà tài trợ Trung Quốc của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA) rút khỏi quan hệ đối tác với Trung Quốc.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

ĐCS Trung Quốc gây sức ép để thế giới phải im lặng trước những vi phạm nhân quyền