ĐCS Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ thông tin dịch bệnh viêm phổi, bắt 325 người trong 6 ngày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn che giấu tình hình, dẫn đến dịch bệnh tiếp tục lây lan ra toàn quốc và ngày càng nghiêm trọng. Người dân Trung Quốc phẫn nộ đã lên tiếng lên án ĐCSTQ bạo ngược, đồng thời đưa tin sự thật về dịch bệnh trên mạng. Điều này làm cho ĐCSTQ rất sợ hãi, tăng cường thắt chặt ngôn luận và bắt giữ một số lượng lớn dân mạng...

Dịch bệnh vượt ngoài kiểm soát, người Trung Quốc phẫn nộ

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã hoàn toàn mất kiểm soát. Ngày 6 tháng 2, các chính quyền địa phương của ĐCSTQ, bao gồm Hồ Bắc, Liêu Ninh và Giang Tây, đã tiến hành phong tỏa toàn tỉnh. 65 thành phố bao gồm Vũ Hán, Hoàng Cương, Hàm Ninh, Xích Bích, Hiếu Cảm, Hoàng Thạch, Kinh Môn, Nghi Xương... của tỉnh Hồ Bắc; Ôn Châu, Hàng Châu, Nhạc Thanh, Ninh Ba của tỉnh Chiết Giang; Nam Kinh, Từ Châu, Nam Thông của tỉnh Giang Tô; Phúc Châu của tỉnh Phúc Kiến, Cảnh Đức Trấn của tỉnh Giang Tây... đã bị phong tỏa.

ĐCSTQ đã che giấu dịch bệnh khi nó bắt đầu bùng phát vào đầu tháng 12 năm ngoái. Chính quyền tuyên bố những thông tin không trung thực rằng virus nCoV là "có thể phòng ngừa và kiểm soát được", và không có hiện tượng "lây nhiễm từ người này sang người khác". Họ còn tạo ra một cảnh tượng thanh bình: ca hát, nhảy múa, nhưng sau đó liền áp dụng cách làm cực đoan như phong tỏa thành phố, tỉnh thành trên diện rộng, không chỉ khiến người dân khốn khổ không thể cất lên tiếng nói, mà tính mạng của họ còn bị đe dọa.

Đối mặt với mối đe dọa chết người của dịch bệnh, dân mạng Trung Quốc đã tới tấp đưa tin tình hình thực sự của dịch bệnh trên phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người Trung Quốc đã lên án sự chuyên chế bạo ngược của ĐCSTQ.

Ví dụ, Hứa Chương Nhuận, cựu giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, đã lên án sự "bại hoại đạo đức" của chính thể ĐCSTQ, chỉ vì tư lợi bản thân Đảng, nhằm "bảo vệ giang sơn" của Đảng mà đưa hàng trăm triệu người vào thảm cảnh nước sôi lửa bỏng, khiến cho "nhân họa lớn hơn thiên tai, khi sự đồi bại đạo đức của chính thể phơi bày ra hết như thế này, nó đã bộc lộ điểm yếu về thể chế chưa từng có".

Ông Hứa Chương Nhuận nói rằng sự tức giận của người dân đã bùng phát như một ngọn núi lửa phun trào, và người dân giận dữ mà không còn sợ hãi nữa. Sự suy tàn của ĐCSTQ đã hiển hiện và quá trình đếm ngược đã bắt đầu.

ĐCSTQ đã bắt giữ hơn 300 người trong 6 ngày

Đối mặt với sự giận dữ của người dân, ĐCSTQ bắt đầu đàn áp và thắt chặt ngôn luận trên diện rộng, và bắt giữ cư dân mạng một cách điên cuồng nhằm ngăn chặn lan truyền thông tin sự thật của dịch bệnh.

"Nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc" - một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Washington, đã tiết lộ rằng trong vòng một tuần từ 22 tháng 1 đến 28 tháng 1, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 325 công dân Trung Quốc.

Theo dữ liệu được công bố, hầu hết những người Trung Quốc này bị gắn mác là: "lan truyền tin đồn", "tạo ra sự hoảng loạn" hoặc "hư cấu sự thật gây rối loạn trật tự công cộng", và bị trừng phạt bằng cách giam giữ hành chính, phạt tiền hoặc giáo dục.

Một phụ nữ họ Cao 34 tuổi ở Thiên Tân, đã bị giam giữ năm ngày từ ngày 25 tháng 1. Cô bị ĐCSTQ buộc tội "thổi phồng số lượng viêm phổi bị nhiễm Coronavirus trong thành phố và trong toàn quốc", và truyền bá "tin giả" trên WeChat.

Một phụ nữ họ Vi ở huyện Long Lâm, Quảng Tây, đã đăng trên Weibo về tính xác thực của số liệu chính thức của ĐCSTQ. Cô ấy nói: "Ở Bách Sắc chỉ có một (trường hợp nhiễm bệnh) sao? Tại sao mẹ tôi nói rằng có hai người ở Long Lâm?". Vì vậy cô đã bị quy là tạo tin đồn, và bị cảnh sát của ĐCSTQ răn đe giáo huấn.

Cô Trần, một phụ nữ từ huyện Huệ An, Phúc Kiến, viết trong một nhóm WeChat rằng: báo cáo của chính quyền là sai, là để xoa dịu công chúng. Thực tế, gần 20.000 người đã chết ở Vũ Hán, và người thân của cô đang làm việc tại Vũ Hán. Sau đó, cô bị kết tội tạo tin đồn và bị cảnh sát răn đe giáo huấn.

Anh Tiêu ở huyện An Nhạc vào ngày 22 tháng 1 cho biết trong nhóm QQ rằng: "Loại vi-rút mới này có phần hung dữ. Chúng tôi đã phát hiện các ca bệnh ở cả Tứ Xuyên và Trùng Khánh, và gần đây chúng tôi đã đi các nơi để thực hiện các biện pháp phòng hộ"; "Huyện đã có 1 người chết"; "Bệnh viện đã che giấu tin tức và chưa báo cáo lên trên". Sau đó, anh đã bị cảnh sát xử lý.

Anh Đặng ở huyện Đức Cách, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị tạm giữ hành chính vào ngày 25 tháng 1 vì đăng tình hình dịch bệnh bằng tiếng Tây Tạng: "13 người ở làng Cung Á, huyện Đức Cách, châu Cam Tư bị lây nhiễm từ một người Hán", vì vậy anh đã bị chính quyền bắt giữ.

Một người đàn ông ở huyện Tu Thủy, Giang Tây viết trong một nhóm WeChat vào ngày 30 tháng 1 rằng: "Chỗ chúng tôi hình như có 4 người chết". Anh nghi ngờ số liệu của chính quyền, đồng thời nói rằng: "Giang Tây có ít nhất 10 người chết". Sau đó anh bị giam giữ năm ngày.

Một người ở Quý Dương tên là Nhan Mỗ Chương cũng đã bị giam giữ 5 ngày từ ngày 2 tháng 2 vì đăng một tin nhắn trên Weibo rằng: "Đông Đông nói với tôi rằng: khu Hoa Quả Viên V ở Quý Dương đã phát hiện ra một trường hợp viêm phổi ngày hôm nay và đã được xe cứu thương đưa đi".

Ngoài ra, ĐCSTQ cũng đã kêu gọi nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc gần đây để ngăn không cho báo cáo sự thật về tình hình dịch bệnh. Ví dụ, một số lượng lớn người nhiễm bệnh ở Vũ Hán đang ở trong tình trạng để mặc sống chết vì không đủ vật tư y tế. Rất nhiều người trong số đó đến chết mà vẫn chưa được chẩn đoán xác nhận và hoàn toàn không được đưa vào thống kê của chính quyền.

ĐCSTQ càng bắt giữ cho thấy tình hình càng nghiêm trọng

Đài Tiếng nói nước Đức trích lời ông Phan Gia Vĩ (Pan Jiawei), nhà nghiên cứu Trung Quốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói rằng: Việc đàn áp tự do ngôn luận của chính phủ Trung Quốc là như thường lệ, để đảm bảo rằng tin tức về việc họ xử lý dịch bệnh không thích đáng sẽ không được lan truyền trên Internet, vì nó ảnh hưởng đến tính hợp pháp của chính quyền ĐCSTQ.

Ông Phan Gia Vĩ cho biết, trong hình kiểm soát thông tin quy mô lớn của chính phủ Trung Quốc liên quan đến Coronavirus, cộng đồng quốc tế phải dựa vào truyền thông quốc tế, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia y tế quốc tế để theo dõi thông tin liên quan về dịch bệnh. Như vậy cộng đồng quốc tế mới có thể có được thông tin chính xác nhất để chống lại dịch bệnh Coronavirus bùng phát.

Nhà hoạt động nhân quyền của Trung Quốc là Hồ Giai (Hu Jia) nói với Đài Tiếng nói nước Đức rằng: sự bùng phát của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến lợi ích thiết thân của nhiều người Trung Quốc, và đã cho người Trung Quốc một bài học, "thực sự sẽ khiến một số người Trung Quốc tích tụ bất mãn trong lòng".

Vào ngày 5/2, Đài Á Châu Tự do đã dẫn lời ông Wang, người điều hành Trung tâm Kiểm kê Văn tự ngục Trung Quốc hoạt động trên Twitter, nói rằng: Đảng Cộng sản Trung Quốc càng kiểm soát ngôn luận và thông tin thì sẽ càng làm tăng sự hoảng loạn của công chúng, điều này không có lợi cho việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Bởi vì người Trung Quốc đã quen với việc nghĩ rằng nếu chính quyền ĐCSTQ muốn bịt miệng, kiểm soát, điều đó có nghĩa là tình hình rất nghiêm trọng.

Đại Minh (biên dịch)
Theo epochtimes.com.



BÀI CHỌN LỌC

ĐCS Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ thông tin dịch bệnh viêm phổi, bắt 325 người trong 6 ngày