ĐCS Trung Quốc thúc đẩy Mặt trận Thống nhất để tác động đến các nền dân chủ phương Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tăng cường nỗ lực gây ảnh hưởng đến các cộng đồng Trung Quốc ở nước ngoài và hệ thống chính trị trên toàn thế giới; và các nước dân chủ nên giải quyết các chiến dịch này bằng những biện pháp cứng rắn, theo một báo cáo mới.

Theo báo cáo tháng Sáu của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất - một đơn vị trực thuộc ĐCSTQ, đã điều phối hàng ngàn nhóm để thực hiện các hoạt động ảnh hưởng chính trị nước ngoài, đàn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.

Báo cáo này cho biết, các sáng kiến tác động chính trị của đơn vị này nhắm vào giới tinh hoa nước ngoài, bao gồm các chính trị gia và giám đốc điều hành doanh nghiệp, và những hoạt động này thông thường sẽ diễn ra trong bí mật. Các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài cũng là mục tiêu chính, vì ĐCSTQ muốn tìm kiếm những người đồng ý hợp tác với chính quyền này, và kiểm soát các nhóm cộng đồng, các hiệp hội doanh nghiệp và cả các phương tiện truyền thông bằng tiếng Trung.

Theo bản báo cáo: “Thành công của mặt trận thống nhất là giúp tổ chức những bữa tiệc giữa các cộng đồng của người dân gốc Trung Quốc với cộng đồng xã hội nơi họ sinh sống, mở rộng sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với các kênh kết nối của các cộng đồng này để [có thể] đại diện và huy động”.

Mặt trận Thống nhất cũng điều hành China News Service, một trong những hãng thông tấn lớn nhất của ĐCSTQ, có nhiệm vụ truyền bá những tuyên truyền của ĐCSTQ đến cộng đồng người Hoa. Họ cũng đã thành lập các tổ chức ý tưởng, trong khi các cá nhân Trung Quốc có quan hệ với các cơ quan trực thuộc mặt trận thống nhất đã tài trợ cho nghiên cứu tại các tổ chức ý tưởng của phương Tây.

Alex Joske, tác giả của báo cáo, nói rằng các hoạt động của Mặt trận Thống nhất ở nước ngoài tương đồng với “việc xuất khẩu hệ thống chính trị của ĐCSTQ”.

Báo cáo này cũng cho biết, những nỗ lực của mặt trận này đã “làm suy yếu sự gắn kết xã hội, làm trầm trọng thêm căng thẳng chủng tộc, ảnh hưởng đến chính trị, gây tổn hại đến tính toàn vẹn của truyền thông, tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp và gia tăng chuyển giao công nghệ không giám sát”.

Hoa Kỳ

Một thành phần quan trọng của hệ thống mặt trận thống nhất Trung Quốc liên quan đến “các nỗ lực chuyển giao công nghệ hợp pháp và bất hợp pháp” của chính quyền Bắc Kinh, theo bản báo cáo.

ĐCSTQ sẽ thành lập hoặc hợp tác với “các hiệp hội chuyên nghiệp gồm các thành viên trong các trường đại học, cơ quan chính phủ và các công ty tư nhân”, đồng thời thuê các nhà khoa học ở nước ngoài theo các chương trình tuyển dụng do nhà nước Trung Quốc tài trợ như “Kế hoạch Ngàn Nhân tài”.

Các nhà chuyên gia thể hiện quan ngại rằng nếu Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới do người Trung Quốc đứng đầu, Bắc Kinh sẽ có thể truy cập vào kho lưu trữ tài sản trí tuệ và bí mật lớn nhất thế giới.
Các nhà chuyên gia thể hiện quan ngại rằng nếu Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới do người Trung Quốc đứng đầu, Bắc Kinh sẽ có thể truy cập vào kho lưu trữ tài sản trí tuệ và bí mật lớn nhất thế giới.

Bắc Kinh đã triển khai “Kế hoạch Ngàn Nhân tài” kể từ năm 2008 để ráo riết tuyển dụng các nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ đầy triển vọng từ nước ngoài đến làm việc tại Trung Quốc.

Nhiều giáo sư ở Hoa Kỳ đã bị truy tố vì không tiết lộ sự tham gia của họ trong “Kế hoạch Ngàn Nhân tài”, bao gồm cả những người ở Đại học Emory, Đại học Kansas và Đại học Harvard. Một số người tham gia “Kế hoạch Ngàn Nhân tài” đã bị buộc tội trong các vụ đánh cắp tài sản trí tuệ.

Các tổ chức cho người Hoa ở nước ngoài, như Hiệp hội học giả trở về phương Tây (WRSA), cũng tham gia vào các nỗ lực tuyển dụng này.

WRSA được chỉ đạo bởi Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất và có một bộ phận chuyên tuyển dụng các chuyên gia ở nước ngoài cho chương trình Ngàn Nhân tài. WRSA có chi nhánh tại 15 quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Theo tờ Nhân dân Nhật báo trực thuộc ĐCSTQ, chi nhánh tuyển dụng của mặt trận này đã được thành lập vào tháng 1/2011.

Tổ chức này xem việc tuyển dụng là một ưu tiên quan trọng. Vào tháng 4/2018, Chen Zhu, chủ tịch của WRSA, đã nói trong một cuộc họp tại Bắc Kinh rằng điều quan trọng đối với tổ chức này là phải trở thành một “ngân hàng tài năng” cho Trung Quốc. Ông Chen cũng cho biết đây là chìa khóa để tiếp tục củng cố “hướng dẫn chính trị” đối với những người đi du học, như một phần trong nhiệm vụ thực hiện chính sách của Mặt trận Thống nhất.

ASPI cũng nhấn mạnh một vụ án hình sự ở Hoa Kỳ liên quan đến Mặt trận Thống nhất. Vụ án liên quan đến Yang Chunlai, một công dân Hoa Kỳ và là cựu kỹ sư tại công ty thị trường toàn cầu CME Group có trụ sở tại Chicago, đã bị kết án ăn cắp bí mật thương mại vào năm 2015.

Ông Yang bắt đầu làm việc cho CME vào năm 2000. Từ năm 2010 đến 2011, ông đã tải xuống hơn 10.000 tập tin máy tính của mã nguồn CME - loại mã nguồn tạo nên một phần đáng kể của nền tảng giao dịch điện tử Globex. Ông ấy đã chuyển các tập tin vào ổ cứng cá nhân của mình.

Ông Yang cùng hai đối tác kinh doanh giấu tên đã lên kế hoạch thành lập một doanh nghiệp có tên là Công ty công nghệ phần mềm trao đổi tương lai Tongmei tại Trung Quốc. Công ty của ông Yang đã lên kế hoạch cung cấp công nghệ cho Sàn giao dịch Trương Gia Cảng, một thị trường giao dịch điện tử hóa học ở Trung Quốc. Việc này có thể giúp tăng khối lượng giao dịch của công ty. Trương Gia Cảng là một thành phố ở ven biển Trung Quốc, thuộc tỉnh Giang Tô.

Ông ấy đã nhận tội vào tháng 9/2012 và bị kết án 4 năm quản chế vào năm 2015.

Ông Yang cũng là cựu chủ tịch của Hiệp hội các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc (ACSE) tại Hoa Kỳ. Được thành lập tại Chicago vào năm 1992, hiệp hội này có các thành viên ở hơn 20 tiểu bang.

Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố đệ đơn kiện hai thành viên tổ chức tin tặc thuộc Bộ An ninh quốc gia của ĐCSTQ. Hai công dân Trung Quốc đã bị buộc tội xâm nhập các nhà cung cấp dịch vụ đám mây toàn cầu và đánh cắp tài sản trí tuệ và thông tin bí mật của nhiều doanh nghiệp thương mại. (NICHOLAS KAMM/ AFP)

Theo báo cáo của ASPI, tổ chức ACSE này thường xuyên có các buổi gặp mặt với các quan chức của Mặt trận Thống nhất.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Yang cũng từng phục vụ trong một Ủy ban Cố vấn tại Văn phòng các Vấn đề Trung Quốc ở nước ngoài. Ban đầu, ủy ban này là một cơ quan thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, hiện tại nó là một văn phòng thuộc Mặt trận Thống nhất sau khi tái cấu trúc thể chế vào năm 2018.

Năm 2006, ông Yang đến thăm Bắc Kinh để tham gia khóa đào tạo cho “các nhà lãnh đạo trẻ người Trung Quốc ở nước ngoài”. Ở đó, ông đã gặp một phái đoàn tuyển dụng đầu tư và tài năng từ một chính quyền quận của Trung Quốc, theo báo cáo.

“Ông ấy đã đánh cắp mã nguồn và gửi một số trong số đó cho chính quyền quận, để giúp phát triển doanh nghiệp mà ông thành lập trong khu thương mại tự do của quận”, ASPI cho biết.

Bản báo cáo của ASPI đề nghị các chính phủ nghiên cứu và phát triển năng lực để tìm hiểu rõ các hoạt động của Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ và đưa ra các chính sách cấp cao để chống lại sự can thiệp của nước ngoài.

ASPI cũng đề nghị các chính phủ làm việc với các trường đại học để phát triển các biện pháp ứng phó đối với tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ trong khuôn viên trường của họ. Các quan chức nhà nước không nên hợp pháp hóa các nhóm mặt trận thống nhất, thay vào đó hãy hỗ trợ các nhóm cộng đồng Trung Quốc độc lập trong cộng đồng người nhập cư nói chung.

Viện này cũng gợi ý rằng các đại diện ở hải ngoại của Trung Quốc nên bị từ chối thị thực hoặc bị trục xuất khỏi các nước.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

ĐCS Trung Quốc thúc đẩy Mặt trận Thống nhất để tác động đến các nền dân chủ phương Tây