ĐCSTQ bố trí 600 trạm tuyển dụng khắp toàn cầu, kế hoạch 'ngàn người tài' chỉ là phần nổi của tảng băng chìm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong nhiều năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dùng mức lương cao để dụ dỗ các nhân tài khoa học kỹ thuật ở nước ngoài ăn cắp công nghệ, và “Kế hoạch ngàn người tài” của nó đã trở thành mục tiêu tấn công chính của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một báo cáo nghiên cứu gần đây của Úc tiết lộ rằng, ĐCSTQ đã thiết lập ít nhất 600 trạm tuyển dụng trên khắp thế giới, mức độ phức tạp của mạng lưới tuyển dụng của nó vượt xa những ước tính trước đây của các nước phương Tây.

Hôm 20/8, Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã công bố một bản báo cáo do nhà phân tích Alex Joske của Viện viết. Báo cáo tiết lộ rằng, ĐCSTQ đã bắt đầu thành lập các trạm tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài ngay từ năm 2006 hoặc thậm chí là từ trước đó. Tốc độ phát triển của các trạm tuyển dụng đã tăng đáng kể trong hai năm qua, chỉ riêng năm 2018 đã tăng 115 người.

Hiện tại, ĐCSTQ có hơn 600 trạm tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài. Trong số đó, số lượng trạm tuyển dụng ở Hoa Kỳ là lớn nhất, với 146 trạm. Tiếp theo là Đức, Úc, Anh, Canada, Nhật Bản và Pháp, v.v.

Báo cáo cho biết, với mỗi lần dẫn dụ thành công một nhân tài hải ngoại, các trạm tuyển dụng này có thể nhận được khoản thù lao lên tới 200.000 nhân dân tệ từ Trung ương ĐCSTQ hoặc chính quyền địa phương, và nhận được 150.000 nhân dân tệ kinh phí hoạt động mỗi năm.

Báo cáo tiết lộ rằng, các trạm tuyển dụng thường được điều hành bởi các tổ chức bản địa nước ngoài, bao gồm hội đồng hương, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, hội cựu sinh viên, các công ty giáo dục và chuyển giao công nghệ cũng như Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA)… Các tổ chức này thường ký hợp đồng với phía Trung Quốc trong vài năm.

Một số tổ chức hợp tác này được thành lập với sự hỗ trợ của các cơ quan như Cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề chuyên gia nước ngoài (SAFEA) và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, v.v. Học viện Khổng Tử Dublin ở Ireland được cho là cũng có chức năng tuyển dụng nhân tài.

Theo báo cáo, quân đội ĐCSTQ cũng sử dụng mạng lưới tuyển dụng nhân tài này để thu hút nhân tài ở nước ngoài. Một số công ty Trung Quốc cũng đang thiết lập các trạm tuyển dụng ở nước ngoài.

Trong kế hoạch tuyển dụng nhân tài của ĐCSTQ, "Dự án Ngàn người tài" vì quá rầm rộ nên đã thu hút sự chú ý rộng rãi trong công tác chống gián điệp kinh tế của các nước phương Tây và trở thành mục tiêu điều tra chính của FBI Hoa Kỳ. Vì lý do này, ĐCSTQ đã ra lệnh xóa bỏ cụm từ "Kế hoạch Ngàn người tài" khỏi Internet, yêu cầu các tổ chức áp dụng các phương pháp tuyển dụng bí mật hơn.

Báo cáo trên đặc biệt nhấn mạnh rằng, hoạt động tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài của chính quyền địa phương các cấp của ĐCSTQ thường bị xem nhẹ. Nhưng trên thực tế, các hoạt động tuyển dụng cấp địa phương của ĐCSTQ chiếm hơn 80% tổng số các dự án nhân tài ở nước ngoài, và số lượng các nhà khoa học ở nước ngoài bị dẫn dụ cấp địa phương gấp 7 lần các dự án cấp quốc gia.

Báo cáo trích dẫn ví dụ, cựu nhân viên người Mỹ gốc Hoa của Công ty Tesla Inc. là ông Tào Quang Thực (Cao Guangzhi) đã bị công ty này khởi kiện vào tháng 3/2019, vì đã hợp tác với ba người bạn để thành lập "Hiệp hội Tiến sĩ Ôn Châu Hoa Kỳ" để giúp Ủy ban Mặt trận thành phố Ôn Châu của ĐCSTQ tuyển dụng nhân tài ở Hoa Kỳ. Hiệp hội này đã thu hút hơn 100 thành viên “ưu tú” cho Ôn Châu trong vòng vài năm qua, bao gồm Lâm Kiến Hải (Lin Jianhai), cựu Tổng thư ký của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các kỹ sư từ các công ty như Google, Amazon, IBM, Motorola…, các học giả Đại học Harvard và Yale, cùng 6 nhân viên chính phủ Mỹ.

Tại Hoa Kỳ, việc tham gia vào các chương trình tài năng nước ngoài không phải là bất hợp pháp, nhưng theo quy định, người tham gia phải tiết lộ mối liên hệ này khi xin ngân sách cho các chương trình do người nộp thuế Hoa Kỳ tài trợ. Chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc rằng, chương trình tuyển dụng nhân tài của ĐCSTQ thường khuyến khích người tham gia ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ. Có một số nhà khoa học trong khi làm việc trong các cơ quan nghiên cứu khoa học của Hoa Kỳ, họ cũng thành lập "phòng thí nghiệm mô phỏng" ở Trung Quốc để chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của Hoa Kỳ cho Trung Quốc.

Trong hai năm qua, nhiều học giả người Mỹ gốc Hoa tham gia vào chương trình tuyển dụng nhân tài của ĐCSTQ đã bị FBI điều tra, bị chủ sa thải hoặc thậm chí bị truy tố và kết án.

Đông Phương
Theo NTDTV

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ bố trí 600 trạm tuyển dụng khắp toàn cầu, kế hoạch 'ngàn người tài' chỉ là phần nổi của tảng băng chìm