Chính quyền Trung Quốc cấm người dân '7 điều không được nói'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ khi trở về với Trung Quốc đại lục, người dân Hong Kong đã từng ngày bị mất dần quyền tự do cá nhân. Đối với chế độ độc tài như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tự do tư tưởng là điều quá nguy hiểm. Vì vậy, nó phải bị hạn chế.

Dưới thời Hitler, Đức Quốc xã từng đốt kinh sách và đàn áp người Do Thái. Cơ quan Mật vụ Gestapo của Đức Quốc xã từng dùng bàn tay sắt để áp chế công dân của mình. Tuy nhiên người dân Đức, đặc biệt là tầng lớp trí thức, vẫn thích nghe nhạc, thưởng thức văn học cổ điển, và thực tế đời sống tinh thần của họ chưa bị xáo trộn quá nghiêm trọng.

Vào thời Stalin của Liên Xô, ngay cả trong những cuộc thanh trừng chính trị, giới trí thức vẫn có một khoảng không gian riêng nhất định, và họ vẫn có được một chút không gian tự do tinh thần dù ít ỏi trong các lĩnh vực văn học, âm nhạc và nghệ thuật khác nhau.

Tuy nhiên, trong thời kỳ đại Cách mạng Văn hóa, giới trí thức lẫn người dân Trung Quốc hầu như không có một không gian riêng cho mình. Môi trường sống nghèo nàn và đời sống tinh thần luôn bị khủng bố luôn là một vấn đề lớn đối với họ. Đối với những người theo tôn giáo, họ thường phải trốn lên những ngọn đồi hoặc ruộng đồng bỏ hoang để thực hiện các nghi lễ đức tin của mình.

Trong những năm gần đây, dưới thời Tập Cận Bình, đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc lại có chiều hướng xấu đi. Vào tháng 5/2013, có thông tin cho rằng các trường cao đẳng và đại học tại Trung Quốc có quy định "7 điều không được nói".

Cái gọi là "7 điều không được nói" là chỉ về những việc không được thảo luận bao gồm các giá trị phổ quát, tự do báo chí, xã hội dân sự, quyền công dân, những sai lầm lịch sử của ĐCSTQ, những khái niệm về giai cấp tư sản, và độc lập tư pháp. Đây là 7 điều cấm kỵ mà ĐCSTQ không cho phép người dân của nó được “quyền” nghĩ đến.

Thực hiện văn bản số 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng các nơi như Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Bộ Giáo dục, "7 điều không được nói" được áp dụng trong việc nâng cao công tác tư tưởng, chính trị của sinh viên trong các trường cao đẳng, đại học. Điều này cho thấy chính quyền Tập Cận Bình đang tích cực thúc đẩy chính sách kiểm soát tư tưởng chặt chẽ, đặc biệt là đối với sinh viên đại học.

Việc kiểm duyệt sách báo trong nước cũng được thắt chặt trong những năm gần đây. Nếu tác giả nào bị liệt vào “thành phần” tư tưởng không “đúng đắn” về mặt chính trị, thì các tác phẩm của người đó sẽ bị loại ra khỏi các hiệu sách, và các ca sĩ cũng vậy, ĐCSTQ sẽ trừng phạt không cho họ được biểu diễn trên sân khấu cũng như trên sóng truyền hình Trung Quốc. Loại kiểm duyệt này rõ ràng đã gây áp lực đối với các tác giả, ca sĩ... và là một loại kiểm duyệt ý thức hệ đối với công chúng.

Lý Tịnh
Theo rfa.org



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Trung Quốc cấm người dân '7 điều không được nói'