Tổ chức báo chí: ĐCSTQ cần trả tự do cho 11 người cung cấp ảnh đại dịch COVID-19 cho The Epoch Times

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhóm vận động báo chí đang kêu gọi trả tự do cho 11 công dân Trung Quốc bị giam giữ, sau khi họ cung cấp những bức ảnh cho thấy những ngày đầu của đại dịch COVID-19 cho ấn bản tiếng Trung của hãng tin The Epoch Times.

11 người đều là các học viên của pháp môn tu luyện Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một môn tu luyện tinh thần đã bị chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp nặng nề trong nhiều thập kỷ. Những học viên này đã bị giam trong một trung tâm giam giữ ở Trung Quốc để chờ xét xử trong hơn một năm, kể từ khi bị bắt vào tháng Bảy năm ngoái.

Các nhà chức trách Bắc Kinh ban đầu cáo buộc họ "sử dụng môn phái dị giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật", một cáo buộc mà ĐCSTQ thường áp dụng để bắt bớ các học viên pháp môn này, cũng như các tín đồ Trung Quốc của các tôn giáo khác, theo luật sư của các học viên Pháp Luân Công. Theo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cơ quan công tố hàng đầu của chế độ Trung Quốc, hành vi phạm tội có thể phải chịu án phạt tù chung thân.

Vụ bắt giữ diễn ra ở Bắc Kinh vào ngày 19/7/2020, một ngày trước lễ kỷ niệm 21 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công do ĐCSTQ gây ra.

Bên cạnh đức tin của những người bị bắt giữ, dường như nguyên nhân khiến các nhà chức trách ĐCSTQ tức giận là vì những nỗ lực của các học viên nhằm công khai các bức ảnh và thông tin trong những ngày đầu bùng phát đại dịch virus Corona Vũ Hán - COVID-19 và các hạn chế phong tỏa ở Trung Quốc.

Luật sư Xie Yanyi là một trong những luật sư bào chữa liên quan đến vụ án. Trong một bức thư ngỏ ngày 23/8 gửi nhà chức trách, luật sư Xie cho biết, bản cáo trạng hồi tháng Tư đã buộc tội những người bị giam giữ “chụp ảnh và tải chúng lên các trang web ở nước ngoài trong khoảng thời gian từ tháng Hai đến tháng Sáu năm 2020”. Theo ông Xie, cáo trạng cũng buộc tội nhóm này tổ chức tụ tập tại nơi ở của họ.

Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (Committee to Protect Journalists) đã trích dẫn một người quen thuộc với vụ việc cho biết, 11 người này bị truy tố vì đã gửi tài liệu cho hãng tin The Epoch Times. Ủy ban này là một nhóm ủng hộ tự do báo chí có trụ sở tại New York, Mỹ.

Trong một tuyên bố ngày 24/8, điều phối viên chương trình châu Á của nhóm là ông Steven Butler cho biết: “[ĐCSTQ] cần ngừng cố gắng ngăn cản công dân của mình báo cáo tin tức và phát hành các bức ảnh về các lệnh giới nghiêm COVID-19 của họ".

Một học sinh đi ngang qua cảnh sát và quan chức khi em đi đến một trường trung học ở Bắc Kinh vào ngày 27/4/2020. (Greg Baker / AFP qua Getty Images)
Một học sinh đi ngang qua cảnh sát và quan chức khi em đi đến một trường trung học ở Bắc Kinh vào ngày 27/4/2020. (Greg Baker / AFP qua Getty Images)

Ông nhấn mạnh: “11 người bị bắt vì gửi ảnh và thông tin cho The Epoch Times nên được phóng thích khỏi trại giam ngay lập tức, với mọi cáo buộc đều được hủy bỏ”.

Người phát ngôn của The Epoch Times bày tỏ lo ngại về sự an toàn của các học viên này.

Người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành vi vi phạm tự do báo chí này".

Bà Xu Na là một trong những học viên bị giam giữ; bà là một nhà thơ và họa sĩ tự do ở tuổi 50. Bà đã mất chồng vì cuộc bức hại của ĐCSTQ từ hơn một thập kỷ trước, sau khi cả 2 người bị bắt giữ vì đức tin của họ chỉ vài tháng trước khi diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, theo trang web Minghui. Đây là trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ, chuyên lưu trữ tài liệu về chiến dịch của ĐCSTQ chống lại Pháp Luân Công.

Chồng của bà Xu là một nhạc sĩ dân gian Trung Quốc. Ông bị tra tấn đến chết trong vòng chưa đầy 2 tuần sau khi bị giam giữ, ra đi ở tuổi 42. Bản thân bà Xu không được phép tham dự đám tang của chồng mình.

Hình ảnh thời thơ ấu của ông Yu Zhou và bà Xu Na. (Minghui.org)
Hình ảnh thời thơ ấu của ông Yu Zhou và bà Xu Na. (Minghui.org)

Một trong những luật sư đại diện cho bà Xu là ông Liang Xiaojun trước đó đã lưu ý rằng, một số người khác cùng phải đối mặt với bản án này vẫn đang ở độ tuổi 20.

Trong một bài đăng trên Twitter vào tháng Tư, luật sư Liang đã viết: “Và tất cả những điều này [xảy ra] chỉ vì [họ đã] ghi lại những khoảnh khắc bình thường nhất trên đường phố Bắc Kinh trong đại dịch. Đất nước kiểu gì thế này!”.

Một thẩm phán đã chặn không cho luật sư khác của bà Xu là ông Xie đứng ra bào chữa cho thân chủ của mình, bất chấp các cuộc đàm phán liên tục của ông với họ. Ông mô tả hiện tượng này là “sự lạm quyền rõ ràng” từ phía các quan chức ĐCSTQ.

Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 24/8, ông Xie nói: “Họ sợ người dân nói lên sự thật”.

Vị luật sư khẳng định các cáo buộc này đã được bịa đặt ra. Ông nói, bất kể đức tin của những người bị giam giữ, việc công dân chụp những bức ảnh liên quan đến đợt bùng phát đại dịch COVID-19 kinh hoàng và đưa chúng lên mạng vẫn nằm “trong ranh giới pháp lý”.

Chính quyền Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ thông tin liên quan đến đại dịch virus Corona Vũ Hán, trong nỗ lực ngăn chặn bất kỳ tin tức nào bất lợi cho ĐCSTQ, chẳng hạn như số liệu chính xác về số người chết, ảnh hưởng của các chính sách phong tỏa chặt chẽ của họ và thông tin về hoạt động của phòng thí nghiệm Vũ Hán. Phòng thí nghiệm này hiện là trung tâm của lý thuyết virus Corona Vũ Hán có nguồn gốc từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm.

Một sĩ quan cảnh sát đi qua các bảng hiệu của các nhà hoạt động nhân quyền bị giam giữ ghim trên hàng rào của văn phòng liên lạc Trung Quốc tại Hồng Kông vào ngày 19/2/2020. (Ảnh của ISAAC LAURENCE / AFP qua Getty Images)
Một sĩ quan cảnh sát đi qua các bảng hiệu của các nhà hoạt động nhân quyền bị giam giữ ghim trên hàng rào của văn phòng liên lạc Trung Quốc tại Hồng Kông vào ngày 19/2/2020. (Ảnh của ISAAC LAURENCE / AFP qua Getty Images)

Những công dân Trung Quốc đã tìm cách chuyển tiếp thông tin không bị chính quyền kiểm duyệt liên quan đến đại dịch, kể từ khi virus Corona Vũ Hán xuất hiện ở miền Trung Trung Quốc vào cuối năm 2019. Những người này đều đã phải đối mặt với sự trừng phạt.

Ví dụ điển hình là câu chuyện về bác sĩ Lý Văn Lượng. Anh là một bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi ở Vũ Hán đã lên tiếng cảnh báo các đồng nghiệp y tế của mình về các ca nhiễm bệnh “giống SARS”, trong một ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc vào tháng 12/2019. Tại thời điểm đó, các nhà chức trách của ĐCSTQ gọi căn bệnh này là “bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân”. Sau đó, anh đã bị cảnh sát thuộc chế độ Trung Quốc khiển trách và rồi đã qua đời vì bị nhiễm chính chủng loại virus này.

Nhà báo tự phát Zhang Zhan hiện đang thụ án 4 năm sau khi đưa tin về dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ Vũ Hán. Cân nặng của cô đã giảm xuống dưới 90 pound (dưới 40kg) do tuyệt thực kéo dài để phản đối bản án của mình.

Luật sư Xie nêu vấn đề: “Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ người dân của mình. Nếu các vị, với tư cách là chính phủ, không tiết lộ đủ thông tin để đáp ứng nhu cầu của công chúng, thì làm sao các vị có thể cấm công dân thu thập thông tin đó và chia sẻ nó để bảo vệ chính họ?”.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Tổ chức báo chí: ĐCSTQ cần trả tự do cho 11 người cung cấp ảnh đại dịch COVID-19 cho The Epoch Times