ĐCSTQ trực tiếp chỉ đạo việc che đậy đại dịch và thương chiến Mỹ - Trung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trực tiếp chỉ đạo các cơ quan ngôn luận, bao gồm Tân Hoa Xã, cách thức đưa tin các vấn đề được ĐCSTQ cho là nhạy cảm như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

The Epoch Times mới đây đã có được các tài liệu nội bộ do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành, tiết lộ các chỉ thị trực tiếp từ chính quyền này cho các cơ quan ngôn luận, bao gồm Tân Hoa Xã, về cách thức đưa tin các vấn đề được ĐCSTQ cho là nhạy cảm như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Thư cảnh cáo của Cục Công an Vũ Hán. (Nguồn ảnh: Public Domain)

Chỉ thị truyền thông trong tháng Một: Che đậy sự thật về đại dịch

Các tài liệu được chia sẻ từ một nguồn đáng tin cậy, cho thấy ĐCSTQ đã ban hành ít nhất 90 chỉ thị trong tháng 1/2020.

Hai chỉ thị đầu tiên được ban hành vào ngày 2/1, trong đó một chỉ thị về đưa tin đại dịch viêm phổi Vũ Hán và một chỉ thị về đưa tin cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Chỉ thị đầu tiên có ghi: “Liên quan đến dịch bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, khi đưa tin, các phòng ban có thẩm quyền đưa tin sẽ bị theo dõi”.

Vào thời điểm đó, một số lượng lớn ca nhiễm bệnh đã xuất hiện ở Vũ Hán.

Vào ngày 30/12/2019, bác sĩ Lý Văn Lượng đã đăng các tin trên ứng dụng WeChat về 7 trường hợp được xác nhận mắc bệnh viêm phổi giống SARS, bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam. Bác sĩ Lý cũng cho biết, các bệnh nhân nhiễm bệnh tại bệnh viện nơi ông làm việc đã được cách ly tại phòng cấp cứu.

Đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp) bùng phát từ năm 2002 đến năm 2003 đã khiến hơn 8.000 người mắc bệnh và hàng trăm người tử vong trên toàn thế giới.

Vào ngày 31/12, trong một cuộc họp, chính quyền thành phố Vũ Hán cho biết, không có bằng chứng nào về việc virus Corona Vũ Hán có thể lây truyền từ người sang người.

Sau khi chỉ thị về đưa tin đại dịch được ban hành vào ngày 2/1/2020, vào ngày 3/1, bác sĩ Lý Văn Lượng đã bị cảnh sát thành phố Vũ Hán bắt giữ và thẩm vấn cũng như đe dọa để bác sĩ không tiếp tục thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội.

Trong một bộ tài liệu khác được ban hành vào ngày 4/1 và ngày 6/1, Ban Tuyên giáo Trung ương ĐCSTQ đã nhắc lại chỉ thị ban hành ngày 2/1, trong đó, nghiêm cấm bất kỳ việc “trích dẫn hay đăng lại tin tức từ truyền thông nước ngoài”, cũng như “bất kỳ tin tức nào [liên quan đến dịch bệnh] SARS 2003”.

Tất cả các chỉ thị từ Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra trước ngày 20/1 đều tập trung vào việc cấm tất cả thông tin về dịch bệnh mà chính quyền không “phê chuẩn”, đồng thời tránh gây sự chú ý.

Vào ngày 20/1, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra bình luận công khai đầu tiên về ứng phó dịch viêm phổi Vũ Hán. Ngay lập tức, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành một chỉ thị mới cho phép công khai rộng rãi các biện pháp ứng phó bệnh dịch của chính quyền.

Ngày 22/1, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành một chỉ thị về hạn chế các nhà báo đến Vũ Hán.

Kể từ thời điểm sau ngày 26/1, một loạt các chỉ thị được ban hành để nghiêm cấm việc đăng lại bất kỳ thông tin nào về dịch bệnh từ truyền thông nước ngoài và yêu cầu đưa các thông tin sao cho tạo dựng hình ảnh tích cực về ĐCSTQ trong mắt cộng đồng quốc tế.

Theo các tài liệu mà The Epoch Times có được, Ban Tuyên giáo Trung ương ĐCSTQ ban hành ít nhất 18 chỉ thị cho các kênh truyền thông về đưa tin liên quan đến dịch viêm phổi Vũ Hán.

Chỉ thị truyền thông trong tháng Một: Giảm nhẹ mức độ về thương chiến Mỹ - Trung

Trong số các chỉ thị được ban hành vào tháng Một, có 9 chỉ thị về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Vào ngày 2/1, các kênh truyền thông thuộc ĐCSTQ đã được cảnh báo không được tự ý đăng lại bất kỳ bài viết nào liên quan đến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung “giai đoạn 1” được ký vào ngày 15/1.

ĐCSTQ và Hoa Kỳ đã đạt thỏa thuận giai đoạn đầu tiên cho hiệp định thương mại vào tháng 12/2019.

Tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh vào ngày 9/1/2020, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến Washington từ ngày 13/1 đến ngày 15/1 để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Hoa Kỳ. Cùng ngày họp báo, một chỉ thị cho truyền thông đã được ban hành, trong đó cảnh báo không được đăng bất kỳ bài viết nào chưa được phê chuẩn. Chỉ thị tương tự được ban hành lại vào ngày hôm sau.

Vào ngày Phó Thủ tướng Lưu Hạc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Ban Tuyên giáo Trung ương ĐCSTQ ban hành nhiều chỉ thị cụ thể để tiếp tục “tăng cường kiểm duyệt trực tuyến” và “xác định bất kỳ thông tin độc hại nào cho thấy [chế độ ĐCSTQ] xóa bỏ hoặc làm nhiễu các thông tin được cho là có hại cho hệ thống và chính quyền [ĐCSTQ]”.

Chỉ thị tuyên thông trong tháng Hai: Giữ im lặng về việc thu mua khẩu trang từ khắp nơi trên thế giới

Các tài liệu cho thấy có 89 chỉ thị được ban hành trong tháng Hai, trong đó có 50 chỉ thị liên quan đến đại dịch.

Trong số các chỉ thị về đại dịch, 3 chỉ thị được ban hành vào ngày 3/2, ngày 5/2 và ngày 12/2 xác nhận và yêu cầu truyền thông đưa tin rằng chính quyền Trung Quốc thu mua và tích trữ vật tư y tế từ toàn cầu để dùng trong điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 hoặc để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Chỉ thị ban hành vào ngày 3/2, yêu cầu “không được đưa tin về việc chúng ta huy động việc mua đồ bảo hộ từ khắp nơi trên thế giới".

Chỉ thị ban hành vào ngày 5/2, lặp lại nội dung trong chỉ thị ngày 3/2, trong đó, nêu rõ: “ngăn chặn sự can thiệp vào việc mua sắm ở nước ngoài của chúng ta".

Chỉ thị ban hành vào ngày 12/2, nhấn mạnh: “Không được đưa tin về việc huy động mua vật tư từ khắp thế giới, tránh gây ra dư luận từ các nước liên quan và gây nhiễu cho việc mua sắm ở nước ngoài [của chúng ta]".

Virus Corona Vũ Hán lây lan ra khắp thế giới từ tháng Ba.

Theo dữ liệu hải quan chính thức của Trung Quốc, từ ngày 24/1 đến ngày 29/2, nước này đã nhập khẩu 2,46 tỷ chiếc khẩu trang và bộ thiết bị bảo vệ khác, trong số đó có 2,02 tỷ chiếc khẩu trang.

Vào ngày 6/4, Cố vấn Thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro cho biết, trong những ngày đầu khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, khi thế giới vẫn chưa biết gì về sự nguy hiểm của virus này, Trung Quốc đã thu mua khẩu trang phẫu thuật từ khắp nơi trên thế giới.

Ông Navarro nói với Fox News: “Họ đã che giấu mối nguy hiểm với thế giới trong khi người dân Trung Quốc tiếp tục bay đến khắp các nơi trên thế giới gieo rắc virus cho thế giới”.

Năm chỉ thị đã được ban hành vào ngày 6/2 và 7/2 liên quan đến cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, do bị nhiễm bệnh từ một bệnh nhân. Ban Tuyên giáo đã ra lệnh “không được đưa tin” về cái chết của ông và yêu cầu các cơ quan truyền thông chỉ có thể “đăng lại các thông tin đã được phê chuẩn”. Chỉ thị này cũng cấm sử dụng cụm từ “người tố cáo”.

Ngoài ra, Ban Tuyên giáo cũng ban hành chỉ thị coi nhẹ “các thông tin tiêu cực” từ các công dân Trung Quốc sống ở Nga và Malaysia đang không được trở về nước. Vào thời điểm đó, giới chức đã kiểm soát biên giới nghiêm ngặt để ngăn chặn các trường hợp lây nhiễm viêm phổi Vũ Hán từ bên ngoài.

Hơn 50 chỉ thị liên quan đến đại dịch được ban hành trong tháng Hai, hầu hết trong số những chỉ thị đó là để hướng dẫn các cơ quan truyền thông kiểm duyệt thông tin được cho là gây hại cho ĐCSTQ hoặc lọc các thông tin từ truyền thông nước ngoài đưa tin về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc.

Chỉ thị truyền thông trong tháng Ba: Duy trì sự ổn định

Trong 10 ngày đầu tháng Ba, có 46 chỉ thị, 34 trong số đó liên quan đến đại dịch.

Một chỉ thị ban hành vào ngày 1/3 cấm các kênh truyền thông đưa tin về việc phân tích dữ liệu của cư dân Vũ Hán, các mô hình đi lại trong giai đoạn đầu khi dịch bùng phát.

Vào ngày 2/3, bốn chỉ thị đã được ban hành, trong đó cấm mọi thông tin hoặc bình luận về cách thức phòng chống dịch của Bắc Kinh. Các chỉ thị này được ban hành sau khi một cựu tù nhân được xác nhận là nhiễm viêm phổi Vũ Hán, nhưng lại được phép đến Bắc Kinh vào ngày 22/2 sau khi ra tù ở Vũ Hán.

Vào ngày 10/3, tờ Nhân Dân Nhật báo đã phỏng vấn bác sĩ Ai Fen ở Vũ Hán. Bác sĩ Ai Fen là giám đốc khoa cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Cô là một trong những người đầu tiên thông tin về căn bệnh bí ẩn lây lan ở Vũ Hán.

Vào ngày bài phỏng vấn được đăng, một chỉ thị đã được ban hành, yêu cầu các kênh truyền thông gỡ bỏ bài phỏng vấn và xóa tất cả thông tin có liên quan đến bác sĩ Ai Fen.

Vào ngày 3/3, một chỉ thị được ban hành, yêu cầu các kênh truyền thông chỉ được đăng tải lại các thông tin đã được phê chuẩn về các trường hợp nhiễm viêm phổi Vũ Hán bị tử vong tại các viện dưỡng lão và bệnh viện tâm thần, không được sử dụng các thông tin từ nước ngoài hoặc báo cáo của tổ chức phi chính phủ (NGO).

Vào ngày 5/3, một chỉ thị được ban hành, yêu cầu các kênh truyền thông xóa tất cả thông tin về một bệnh nhân được cho là đã hồi phục.

Ngoài ra, một số chỉ thị cho truyền thông được ban hành trong tháng Ba, yêu cầu các kênh truyền thông không được đưa tin, thổi phồng hoặc công khai đại dịch ở Nga và Iran. Hai nước này được coi là đồng minh chính trị của ĐCSTQ.

Ban Tuyên giáo Trung ương ĐCSTQ do ông Vương Hỗ Ninh chỉ đạo trực tiếp. Đây là một trong những quan chức cấp cao của ĐCSTQ và là thành viên của cơ quan ra quyết định cao nhất của ĐCSTQ, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ trực tiếp chỉ đạo việc che đậy đại dịch và thương chiến Mỹ - Trung