Dịch “viêm phổi lạ” đang bùng phát tại Vũ Hán - Nhìn lại bài học về sự che giấu dịch SARS tại Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiện nay, trong nền kinh tế toàn cầu, những nỗ lực che giấu các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm vì sợ các hậu quả xã hội, kinh tế, chính trị hoặc các hậu quả khác chỉ là đường mòn dẫn đến những tương lai thảm khốc…

Dịch SARS - Hãy cùng nhìn lại

Cuối năm 2002 đến 2003, thế giới xôn xao về một "căn bệnh lạ" gọi là Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS), gây ra bởi một chủng Coronavirus mới chưa từng được biết đến trước đó.

Các trường hợp đầu tiên được biết đến xảy ra ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, vào tháng 11 và 12 của năm 2002. Cuối tháng 02/2003, một bác sĩ đang trong giai đoạn ủ bệnh SARS đã đi từ thủ phủ tỉnh Quảng Châu đến đặc khu Hồng Kông của Trung Quốc, và ở lại khách sạn.

Bố trí tầng 9 của khách sạn Metropole, nơi xảy ra sự kiện lan rộng của hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) tại Hồng Kông, 2003 (CDC)

Tại đó, virus đã được truyền từ vị bác sĩ sang khách du lịch ở cùng khách sạn và cả những người dân địa phương. Họ đã mang phơi nhiễm bệnh sang các tỉnh khác của Trung Quốc; và mang bệnh trở về quốc gia mình tại Việt Nam, Singapore, Canada, và Đài Loan... Sau đó, SARS đã lây lan ra toàn thế giới.

Đối tượng nguy cơ cao nhất là những người tiếp xúc gần với người bệnh bao gồm: nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh, người thân, người có tiếp xúc gần khác.

Chỉ trong vòng 8 tháng, từ ngày 01/12/2002 đến 31/07/2003, trên toàn thế giới đã có: 8096 ca mắc bệnh và 774 người tử vong.

Các nước có tỷ lệ mắc bệnh/tử vong cao gồm có: Trung Quốc (5327/349) - 6,6%, Hồng Kông (1755/299) - 17%, Đài Loan (346/37) - 10,7%, Canada (251/43) - 17,1%, Singapore (238/33) - 13,9%, Việt Nam (63/5) - 7,9%.

Sau dịch SARS, các chuyên gia y tế của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng như các chuyên gia y tế trên thế giới đã phân tích các lỗ hổng trong vấn đề phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này. Đồng thời họ cũng đánh giá những mặt tích cực đã đạt được trong trận chiến đó.

Bản đồ minh họa các khu vực trên khắp thế giới bởi sự bùng phát của dịch SARS vào 2002-2003...(Strickla/Wikipedia)

Những bài học tích cực

Việt Nam là quốc gia báo cáo ca nhiễm SARS đầu tiên, cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới được WHO công nhận khống chế thành công dịch SARS trong vòng 2 tháng, kể từ ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội).

Bài học ở Việt Nam là sự nhanh nhạy khi đã nghi ngờ ca bệnh nặng bất thường, và ngay lập tức liên hệ với chuyên gia của WHO để điều tra nguyên nhân, từ đó báo cáo ca nhiễm SARS đầu tiên. Ca này tử vong ở nước ngoài sau khi đã để lại ổ dịch SARS tại bệnh viện.

Chính phủ Việt Nam ngay lập tức thực hiện các biện pháp bảo vệ cộng đồng:

  • Phối hợp với WHO để nhận được sự hỗ trợ về thông tin về dịch bệnh, phương tiện phòng chống dịch và điều trị các trường hợp nặng (khẩu trang, đồ bảo hộ, máy thở…);
  • Bệnh viện Việt Pháp hoàn toàn được cách ly giúp ổ bệnh không phát tán ra cộng đồng.

Về phía WHO, ngay khi được báo cáo các trường hợp tại Hồng Kông, Việt Nam, và một số quốc gia khác, WHO đã nhanh chóng kích hoạt mạng lưới cảnh báo và đáp ứng dịch bệnh toàn cầu (GOARN).

  • Một mặt họ gửi các đội chuyên gia và các trang thiết bị đặc biệt để kiểm soát dịch đến các nước có liên quan để hỗ trợ;
  • Mặt khác, họ thiết lập một mạng lưới 11 phòng thí nghiệm hàng đầu được kết nối bởi một trang web an toàn chung. Mạng lưới này hoạt động suốt ngày đêm với các cuộc họp từ xa hàng ngày; để xác định tác nhân gây bệnh SARS và để phát triển một xét nghiệm chẩn đoán chính xác và đáng tin cậy.

Chỉ một tháng sau đó, tác nhân gây dịch SARS đã được xác định và được giải trình tự RNA ngay. Đó là một chủng Coronavirus mới, được đặt tên là SARS-CoV.

SARS-CoV, chủng Virus Corona từng gây ám ảnh cho người dân toàn cầu... (CDC)

Những lỗ hổng đáng tiếc – Sự che giấu dịch bệnh của Trung Quốc

Ngày 16/12/2002, Trung Quốc đã phát hiện ca nhiễm SARS đầu tiên. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế và cả công dân Trung Quốc đều không được thông báo về dịch bệnh. Tin đồn dần loang ra đã gieo rắc nỗi sợ hãi và thúc đẩy đầu cơ trong nước.

Ngày 11/02/2003, khi dịp Tết truyền thống đã qua và cách ca bệnh đầu tiên 2 tháng, WHO nhận được báo cáo "đầu tiên" từ Bộ Y tế Trung Quốc về căn bệnh mới, được đặt tên là Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS). Lúc này, Quảng Đông đã có 305 ca mắc bệnh, 05 người đã tử vong.

Tuy nhiên, ngày 18/02/2003, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc lại công bố Chlamydia là nguyên nhân gây bệnh, và đưa ra chỉ đạo cho các bệnh viện điều trị dựa trên điều này.

Hai tháng sau, các phương tiện truyền thông chính thức của Chính phủ báo cáo các trường hợp mắc bệnh gia tăng, nhưng vẫn khẳng định dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát.

Hai tháng sau, các phương tiện truyền thông chính thức của Chính phủ báo cáo các trường hợp mắc bệnh gia tăng, nhưng vẫn khẳng định dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát...

Trước đó, ngày 24/03/2003, các nhà khoa học thuộc CDC Hồng Kông và Hoa Kỳ tuyên bố về một loại Coronavirus mới đã được phân lập từ các mẫu bệnh phẩm, và đề xuất đây là tác nhân gây bệnh.

Chính phủ Trung Quốc và CDC Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định Chlamydia là nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Bất kỳ tiếng nói bất đồng nào đều bị "bịt miệng" thông qua thủ tục yêu cầu: phát hiện được phải báo cáo cho Bộ Y tế.

Ngày 16/04/2003, WHO tuyên bố chủng Coronavirus mới được xác định chính là tác nhân gây bệnh ra bệnh SARS - dựa trên nguyên tắc Koch.

Ngày 20/04/2003, cuối cùng chính phủ Trung Quốc cũng đã tuân thủ các yêu cầu báo cáo đầy đủ, chính xác, và kịp thời về các trường hợp của bệnh SARS; trước đó rất ít thông tin được chia sẻ với WHO.

Báo cáo của chính phủ Trung Quốc cho biết đã có 339 trường hợp được xác nhận mắc bệnh, 402 trường hợp nghi ngờ bị SARS đã xảy ra tại Bắc Kinh. Thông tin này trái ngược với tuyên bố của Bộ trưởng Y tế Trương Văn Khang chỉ vài ngày trước đó, với 22 trường hợp được xác nhận bị nhiễm SARS.

WHO cho rằng khi che giấu dịch SARS, chính phủ Trung Quốc đã:

    • Đánh mất uy tín của mình trước cộng đồng quốc tế;
    • Làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước;
    • Làm mất đi nhiều sinh mạng;
    • Gây hoảng loạn trong cộng đồng;
    • Tiềm ẩn nguy cơ mất kiểm soát chủ quyền lãnh thổ;
    • Ngoài ra, vụ dịch bệnh này còn gây thiệt hại cho an ninh y tế và nền kinh tế của nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới.
Một lần nữa tại Trung Quốc, chủng Coronavirus đang trên đà lây lan ra khắp toàn cầu... (Google Maps)

Một lần nữa tại Vũ Hán, Trung Quốc với Coronavirus

Ngày 19/01 vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã báo cáo thêm 01 ca tử vong do bệnh phổi virus, đồng thời thông báo thêm 136 ca bệnh mới, nâng tổng số người mắc bệnh lên "trên 200 ca".

Ngày 17/01, theo báo cáo của Hội đồng nghiên cứu Phân tích bệnh truyền nhiễm toàn cầu - thuộc Đại học Hoàng gia Luân Đôn, con số ước tính là 1723 người hiện có thể đã mắc bệnh tại Vũ Hán, Trung Quốc…

Kết quả trên được tính toán dựa trên số ca lây nhiễm bệnh ở ngoài Trung Quốc, số lượng du khách lưu thông tại sân bay Vũ Hán, số hành khách quốc tế "cất cánh" hàng ngày tại địa phương, và khoảng thời gian trước khi phát hiện ra các trường hợp lây nhiễm quốc tế.

Ứng phó chủng Coronavirus mới tại Việt Nam

Ngày 14/01 tại Việt Nam, sân bay Quốc tế Đà Nẵng đã phát hiện 02 trường hợp có biểu hiện sốt qua máy đo thân nhiệt từ xa. Cả 02 trường hợp này đều là cư dân tại Vũ Hán và được cách ly để theo dõi. Sau khi xét nghiệm âm tính với Coronavirus, họ đã được xuất viện để trở về Trung Quốc.

Ngày 15/01/2020, Bộ Y tế đã mở cuộc họp khẩn để bàn về biện pháp phòng chống dịch viêm phổi cấp - gây ra do chủng Coronavirus mới. Bộ Y tế đã thiết lập hệ thống cập nhật thông tin thông qua Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam và yêu cầu tăng cường việc giám sát tại các cửa khẩu và sân bay - kết hợp với máy đo thân nhiệt từ xa để kiểm tra tình trạng sức khỏe của tất cả các du khách nhập cảnh từ Vũ Hán.

Tài liệu tham khảo
  1. Role of China in the Quest to Define and Control Severe Acute Respiratory Syndrome;
  2. A brief historical overview of emerging infectious disease response in China and the need for a One Health approach in future responses;
  3. SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome);Summary of probable SARS cases with onset of illness from 1 November 2002 to 31 July 2003;
  4. Severe acute respiratory syndrome (SARS): a review of the history, epidemiology, prevention, and concerns for the future.

Thùy Trang (tổng hợp)
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Dịch “viêm phổi lạ” đang bùng phát tại Vũ Hán - Nhìn lại bài học về sự che giấu dịch SARS tại Trung Quốc