Đưa tin Trung Quốc thoát nghèo là giả, phóng viên nước ngoài bị tấn công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Môi trường cho các kênh truyền thông nước ngoài ở Trung Quốc ngày càng xấu đi. Gần đây, quan chức chính quyền ở thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu nói rằng, một quan chức địa phương đã được cấp trên khen thưởng vì tố cáo phóng viên nước ngoài đưa tin tiêu cực, bôi nhọ “thành tựu xóa đói giảm nghèo” của địa phương này.

Nhiều kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc như CNS, CCTV đưa tin rằng, ngày 9/10, tài khoản WeChat chính thức của Ban Tuyên giáo Thành ủy Tất Tiết đã đăng một bài viết cho biết, nhiều quan chức địa phương được khen ngợi vì báo cáo những manh mối quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Trong đó, năm nay một quan chức đã tố cáo "kênh truyền thông chống Trung Quốc ở nước ngoài" khi liên tục "phỏng vấn phi pháp" ở thành phố Tất Tiết và đưa tin tiêu cực về công cuộc “xóa đói giảm nghèo” ở địa phương. Quan chức này sau đó đã nhận được “Biểu dương tinh thần và Phần thưởng vật chất” từ Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ và Phòng An ninh Quốc gia tỉnh Quý Châu.

Bài viết này không nêu rõ tên của kênh truyền thông nước ngoài liên quan.

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ liên tiếp xử lý nhiều vụ án liên quan đến “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và phương Tây, môi trường đưa tin của các phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc đại lục cũng ngày càng thắt chặt hơn. Nhiều phóng viên nước ngoài bị Bắc Kinh cáo buộc gây nguy hại đến an ninh quốc gia khi thực hiện các cuộc phỏng vấn.

Liên quan đến việc phóng viên nước ngoài đến Tất Tiết, Quý Châu, kênh truyền thông chính thức của Thượng Hải Guancha News đưa tin hôm 10/10 rằng, kênh truyền thông Mỹ National Public Radio (NPR) đã cử phóng viên người Hoa kiều Emily Feng đến "thăm" thành phố Tất Tiết vào tháng 4 năm nay. Bài báo nói rằng, trong khi đưa tin, phóng viên Hoa kiều này đã cố tình chọn ra một số phát biểu của người dân, nhằm "bôi nhọ thành tựu xóa đói giảm nghèo của đất nước chúng ta".

Guancha News sau đó đã “điên cuồng tấn công” nhà báo Emily Feng. Ngoài NPR, Guancha News còn liệt kê hàng loạt các kênh truyền thông từng "bôi nhọ thành tựu xóa đói giảm nghèo” của Trung Quốc như New York Times, AP, The Washington Post, BBC, CNN và AFP, v.v.

Sau đó, kênh truyền thông này đăng các bài báo ca ngợi công cuộc xóa đói giảm nghèo của ĐCSTQ.

CCTV “phơi bày” gian lận xóa đói giảm nghèo

Ngày 25/2 năm nay, ông Tập Cận Bình tuyên bố đã đạt được "toàn thắng" trong cuộc chiến “xóa đói giảm nghèo”, nói rằng đây là một “kỳ tích tại nhân gian” được tạo ra dưới sự lãnh đạo của ông. Trong ngày kỷ niệm 100 thành lập ĐCSTQ 1/7 năm nay, ông Tập cũng nói rằng Trung Quốc đã xây dựng một xã hội khá giả toàn diện. Tuy nhiên, điều này đều bị ngoại giới và người dân nghi ngờ, ngay cả cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ là CCTV cũng xác nhận điểm này.

Ngày 24/4 năm nay, CCTV đã phơi bày vụ làm giả "xoá đói giảm nghèo" ở huyện Lạc Nam, tỉnh Thiểm Tây. Huyện này tuyên bố thoát nghèo vào tháng 2/2020.

Trong bài báo, đối tượng “thoát nghèo” ở thị trấn Linh Khẩu, huyện Lạc Nam, tỉnh Thiểm Tây cho biết, để đối phó cấp trên kiểm tra và nghiệm thu, các cán bộ liên quan đã tập trung tất cả những hộ dân cần được hỗ trợ trong các thôn đến điểm tái định cư. Tuy nhiên, khu tái định cư thậm chí còn không được đấu nối nước, sau khi nghiệm thu thì không ai quan tâm đến cuộc sống của những hộ dân này nữa.

Người dân trong thôn cho biết, do hầu hết lao động trong thôn đều đã đi làm nên họ phải bỏ tiền ra nhờ người kéo nước, rồi trữ nước vào giếng, 1 mét khối nước có giá trên 50 nhân dân tệ (khoảng 176 nghìn VNĐ).

Sau khi bê bối gian lận xóa đói giảm nghèo bị vạch trần, chính quyền Thiểm Tây ngay lập tức “bác bỏ tin đồn”.

"Thoát nghèo" kiểu Trung Quốc

The Epoch Times đưa tin trước đó rằng, theo tiêu chuẩn xóa đói giảm nghèo do ĐCSTQ đặt ra, một cá nhân có thu nhập hàng năm 4.000 nhân dân tệ (khoảng 14,1 triệu VNĐ) thì được coi là “thoát nghèo”.

Tuy nhiên, theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2018, "Chi phí sinh hoạt hàng ngày của một người dưới 5,5 USD (khoảng 125 nghìn VNĐ)" được liệt vào ngưỡng nghèo, dưới 3,2 USD và 1,9 USD được liệt vào ngưỡng cực kỳ nghèo.

Dựa trên tiêu chí tối thiểu ngưỡng cực kỳ nghèo là 1,9 USD, thì chi phí sinh hoạt hàng năm cũng cần 693,5 USD, tương đương 4.500 nhân dân tệ (khoảng 15,8 triệu VNĐ), vẫn vượt mức thoát nghèo mà ĐCSTQ đặt ra khoảng 12%.

Vào cuối tháng 5/2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết trong cuộc họp báo tại Lưỡng hội rằng, 600 triệu người Trung Quốc có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu VNĐ). Tuyên bố này được đông đảo ngoại giới cho là lời giải thích cho sự thất bại của ĐCSTQ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Mai Hạ

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đưa tin Trung Quốc thoát nghèo là giả, phóng viên nước ngoài bị tấn công