Dùng vaccine ngừa Covid-19 làm ‘mồi nhử’, ĐCS Trung Quốc có âm mưu gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nổi tiếng thế giới với chiêu trò “hạ độc” bằng virus Corona Vũ Hán, sau đó “cứu vớt” thế giới bằng tài trợ… khẩu trang, giờ đây với “thuốc giải độc” - vaccine “made in china”, chính quyền này đang muốn “bổn cũ soạn lại”?

Indonesia, Malaysia và Philippines đã được Trung Quốc hứa giúp đỡ về vaccine ngừa dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, mặc dù các thỏa thuận giữa Bắc Kinh với các nước này hầu như không được công bố, theo báo Wall Street Journal (WSJ).

Dùng vaccine lôi kéo các nước trong vấn đề Biển Đông

Trong một "nỗ lực lôi kéo trong vô vọng", tờ thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Bắc Kinh cho rằng trong bối cảnh đại dịch như hiện tại, các nước chỉ quan tâm tới vaccine và Trung Quốc có đủ tiềm lực cho việc đó.

Theo một báo cáo, Bắc Kinh đang cố gắng củng cố các mối quan hệ chiến lược căng thẳng, bằng cách “nhử mồi” các nước muốn tiếp cận sớm với vaccine ngừa dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cho Philippines rằng nước này sẽ được ưu tiên tiếp cận vaccine; và Sinovac Biotech Ltd., một công ty tư nhân của Trung Quốc, sẽ hợp tác với Brazil và Indonesia để sản xuất hàng trăm triệu liều cho họ, theo WSJ đưa tin vào thứ Hai (ngày 17/8).

Bộ Quốc phòng Philippines đã thông báo rằng theo lệnh của ông Duterte, Philippines sẽ không tập trận với bất kỳ nước nào trên Biển Đông, ngoại trừ trong vùng biển của Philippines.

Trong bài viết ngày 18/8, WSJ cảnh báo Trung Quốc đang biến vấn đề nhân đạo và y tế thành công cụ thúc đẩy chính sách đối ngoại, bao gồm cả việc tìm kiếm sự ủng hộ cho các yêu sách vô lý trên Biển Đông.

Vào đầu tháng 8/2020, Ngoại trưởng Malaysia đã cố gắng thúc đẩy về vấn đề vaccine này với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

“Cả hai đều đang tìm cách tăng cường quan hệ với Malaysia trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông", WSJ nhận định.

Ngoài ra, tập đoàn Sinovac của Trung Quốc đã ký một thỏa thuận cho phép Indonesia sản xuất vaccine ngừa Covid-19 ở nước này nhưng không hé lộ chi tiết.

Cuộc chiến vaccine

Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận với Pakistan - một trong những đồng minh thân cận nhất của mình, để cho phép Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc tiến hành các thử nghiệm lâm sàng tại nước này, đổi lấy việc Pakistan sẽ nhận các liều vaccine để phân phối cho khoảng 1/5 trong tổng số 220 triệu dân của nước này.

Trong số sáu loại “ứng cử viên” vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, các công ty nhà nước và tư nhân của Trung Quốc có liên quan đến ba loại, ba công ty còn lại là các công ty ở Mỹ, Anh và Đức, theo tin từ Tổ chức Y tế Thế giới.

Giám đốc y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Thomas J. Bollyky cho biết việc cung cấp vaccine sẽ bị hạn chế hơn so với việc cung cấp khẩu trang trong giai đoạn sản xuất ban đầu.

“Nó sẽ ở một cấp độ khác. Đó là lý do tại sao chủ nghĩa dân tộc về vaccine bắt đầu bùng phát”, ông nói.

Nhiều nghi vấn được đặt ra xoay quanh tuyên bố của Nga rằng họ đã phát triển thành công một loại vaccine Covid-19, nhưng Moscow cho biết có tới 20 quốc gia đã liên hệ để yêu cầu quyền tiếp cận vaccine.

John J. Donnelly, hiệu trưởng của Vaccinology Consulting LLC có trụ sở tại California, nói với Tạp chí Phố Wall: “Họ sẽ mất mặt nếu vaccine không có phản ứng tốt, hoặc nếu có vấn đề về an toàn sau này, hoặc nếu các công ty không thể cung cấp như đã hứa”.

Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, Anthony Fauci, đã đưa ra cảnh báo tại phiên họp Quốc hội vào tháng này: “Tôi hy vọng rằng Trung Quốc và Nga thực sự đang thử nghiệm vaccine trước khi họ tiêm nó cho bất kỳ đối tượng nào. Bởi vì tuyên bố vaccine đã sẵn sàng để phân phối trước khi tiến hành thử nghiệm, theo tôi, là có vấn đề”.

Lê Minh



BÀI CHỌN LỌC

Dùng vaccine ngừa Covid-19 làm ‘mồi nhử’, ĐCS Trung Quốc có âm mưu gì?