Được thả sau 27 năm tù oan, người đàn ông Trung Quốc vẫn sống trong sợ hãi, lo âu từng ngày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau 27 năm đi tù oan, sáng ngày 2/9, ông Trương Ngọc Hoàn cùng người nhà và luật sư đã đến Tòa án tối cao tỉnh Giang Tây để nộp “Đơn yêu cầu nhà nước bồi thường”, khoản yêu cầu bồi thường là hơn 22,34 triệu nhân dân tệ (khoảng 76,7 tỷ VND). Ông cho biết, sau khi trở về nhà ông vẫn sống trong nỗi sợ hãi thường hằng, những cơn ác mộng cũng kéo đến mỗi ngày.

Theo kênh truyền thông đại lục Red Star News đưa tin, ông Trương Ngọc Hoàn là một người dân ở làng Trương Gia, huyện Tiến Hiền thuộc thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây. Ông bị kết án oan vì tội cố ý giết trẻ em vào 27 năm trước. Sau nhiều năm kêu oan, cuối cùng ông cũng được chứng minh vô tội và được thả hôm 4/8 vừa qua.

Hôm 2/9, ông Trương đã trình “Đơn yêu cầu nhà nước bồi thường” lên Tòa án Nhân dân cấp cao tỉnh Giang Tây và yêu cầu bồi thường các khoản như sau: 10,17 triệu nhân dân tệ (khoảng 35 tỷ VND) cho hành vi xâm phạm quyền tự do cá nhân; 1 triệu nhân dân tệ (hơn 3 tỷ VND) vì bị xâm phạm quyền được chăm sóc sức khỏe và chi phí điều trị sau này; 10,17 triệu nhân dân tệ (khoảng 35 tỷ VND) cho thiệt hại về tinh thần và 1 triệu nhân dân tệ cho các khoản phí chi tiêu khác cho việc khiếu nại của các thành viên trong gia đình ông suốt 27 năm qua (như phí giao thông, liên lạc, ăn ở, tài liệu và phí thất nghiệp, v.v.), tổng cộng là hơn 22,34 nhân dân tệ (khoảng 76,7 tỷ VND).

Ngoài ra, ông Trương Ngọc Hoàn cũng yêu cầu Tòa án cấp cao thành phố Giang Tây công khai xin lỗi ông trên các kênh truyền thông của nhà nước và cấp tỉnh thành phố, khôi phục danh dự và xóa bỏ những ảnh hưởng phụ diện do tuyên án sai gây ra cho ông.

Vụ án oan dẫn đến việc ông Trương Ngọc Hoàn bị buộc tội là kẻ giết người, gia đình ông cũng phải chịu đựng sự sỉ nhục và phân biệt đối xử như ‘gia đình của kẻ sát nhân’. Trong 27 năm qua, cha thì qua đời, mẹ thì tóc đã bạc, nhưng ông Trương vẫn chưa một lần được báo hiếu cha mẹ mình; vợ ông sau đó mắc trọng bệnh và tái hôn, không thể làm tròn đạo nghĩa vợ chồng; khi bị kết án, hai con trai của ông mới 3 và 4 tuổi, phải trưởng thành trong hoàn cảnh thiếu thốn trách nhiệm của người cha. Trong đơn, ông Trương cũng bày tỏ, mặc dù sau khi được tuyên án vô tội nhưng ông vẫn luôn sống trong nỗi sợ hãi, những cơn ác mộng liên tục kéo đến từng ngày, tinh thần cũng phải chịu đựng sự kích động và dày vò rất lớn.

Bi kịch của ông Trương xảy ra vào tháng 10/1993, khi thi thể hai cậu bé mất tích trong làng được tìm thấy tại một hồ chứa nước nhỏ ở địa phương. Giấy chứng nhận pháp y của cảnh sát cho thấy cho thấy ông Trương là kẻ giết người. Hai ngày sau, ông bị cảnh sát xác định là nghi phạm và bị bức cung nhận tội.

Tháng 1/1995, Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Nam Xương đã tuyên án tử hình ông Trương Ngọc Hoàn về tội cố ý giết người và kéo dài thời hạn thi hành trong 2 năm. Tòa án Nhân dân cấp cao tỉnh Giang Tây đa lấy lý do “Không rõ sự thật, chứng cứ không đủ” để xét xử lại vụ án.

Tuy nhiên, sau khi xét xử lại vào tháng 1/2001, Tòa án Nhân dân Trung cấp Nam Xương vẫn tuyên án tử hình đối với ông Trương về tội cố ý giết người và kéo dài thời hạn thi hành trong 2 năm.

Sau đó, ông Trương Ngọc Hoàn lại kháng cáo lên Tòa án cấp cao tỉnh Giang Tây. Nhưng lần này, Tòa án đã bác đơn kháng cáo và giữ nguyên bản án tử hình đối với ông vì ông không có luật sư bào chữa.

Dưới sự hỗ trợ của mẹ, anh trai, em gái, vợ cũ và các thành viên khác trong gia đình cùng bạn bè, ông Trương đã liên tục kêu oan trong nhiều năm. Tháng 3/2019, Tòa án cấp cao tỉnh Giang Tây quyết định phúc thẩm vụ án Trương Ngọc Hoàn cố ý giết người. Ngày 9/7/2020, Tòa án cấp cao tỉnh Giang Tây đã mở phiên xét xử lại vụ án, đến ngày 4/8, ông Trương được tuyên bố trắng án và được ra tù.

Tòa án cấp cao tỉnh Giang Tây đã chỉ ra trong bản tuyên án rằng, ngoài lời thú tội do bị ép cung của ông Trương ra thì không tìm được bằng chứng trực tiếp nào chứng minh ông Trương giết người. Ngoài ra, lời thú tội của ông Trương cũng thiếu tính ổn định và tính xác thực nên không thể dùng làm căn cứ để kết tội.

Theo BBC, một số kênh truyền thông đại lục đưa tin người cảnh sát tham gia bức cung và chịu trách nhiệm vụ án của ông Trương năm đó (sau này đảm nhiệm chức vụ cảnh sát trưởng) đã bị ‘ngã ngựa’ vào hồi tháng 5/2019 vì nghi ngờ có liên quan đến một số sai phạm nghiêm trọng.

Bài báo cũng đề cập đến vụ việc của ông Tô Vinh, người giữ chức vụ cấp phó quốc gia Trung Quốc và là cựu Chủ tịch tỉnh Giang Tô. Sau khi ông này “ngã ngựa” vào năm 2014 cùng một loạt dư chấn khác trong chốn quan trường tỉnh Giang Tây, các vụ án oan của người dân mới được lật lại.

Vào năm 2011, ông Châu Kiến Hoa, cựu Giám đốc Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân thành phố Tân Dư, tỉnh Giang Tây đã tố cáo hành vi tham những của các quan chức đồng cấp, không ngờ trong số đó cũng có cả vợ của ông Tô Vinh.

Sau đó, ông Châu Kiến Hoa đã bị buộc tội tham nhũng và bị đối xử tương tự như ông Trương Ngọc Hoàn. Sau khi bị bắt, ông Châu bị cảnh sát ép cung cực hình. Vợ, em vợ, con trai, em trai, cháu trai, vợ cũ của ông cũng lần lượt bị bắt.

Cuối cùng ông Châu Kiến Hoa bị tuyên án tử hình sau khi bị ép cung nhận tội và kéo dài thời hạn thi hành trong 2 năm, bị tước quyền lợi chính trị suốt đời và bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân. Dưới sự giúp đỡ và kiên trì kháng cáo của bạn bè cùng người thân, mãi đến khi ông Tô Vinh ‘ngã ngựa’, ông Châu Kiến Hoa mới được minh oan.

Bài báo cũng dẫn lời một số người trong ngành tư pháp Trung Quốc cho rằng cần phải suy ngẫm về những khiếm khuyết của hệ thống tư pháp hiện tại, đặc biệt là vấn đề cấm ép cung tra hỏi.

Tờ The New York Times dẫn lời các nhà phê bình cũng chỉ ra rằng, vụ án nổi tiếng này ám chỉ những sai sót nghiêm trọng trong hệ thống tư pháp của Đảng cộng sản Trung Quốc, ví dụ như: chính trị hóa cơ quan tư pháp hay việc gây áp lực ép phạm nhân nhận tội trong các vụ án lớn của cảnh sát và tòa án. Những nhà phê bình cho rằng, các tòa án hình sự của Trung Quốc rất hiếm khi thả nghi phạm và cũng rất hiếm khi trừng phạt những cảnh sát sử dụng hình thức tra tấn, ép cung bắt nghi phạm nhận tội.

Một thống kê cho thấy, tỷ lệ buộc tội của chính quyền Trung Quốc năm 2019 lên đến 99,9%.

Đối với vụ án của ông Trương Ngọc Hoàn, nhà quan sát xã hội Trung Quốc - ông Diêm Tiêu Phong cũng chia sẻ với China Newsweek rằng, cần xây dựng môi trường tư pháp thẩm phán độc lập. Tuy nhiên, Chánh án Tòa án Tối cao Trung Quốc Châu Cường lại nói rằng, phải kiên quyết ngăn chặn và chĩa mũi kiếm về phía nền tư pháp độc lập của phương Tây.

Ngọc Trân

Theo Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Được thả sau 27 năm tù oan, người đàn ông Trung Quốc vẫn sống trong sợ hãi, lo âu từng ngày