Tài liệu nội bộ của ĐCS Trung Quốc tiết lộ đường dây rửa tiền đằng sau chiến dịch phỉ báng đức tin ở Canada

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tài liệu nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà The Epoch Times có được đã tiết lộ hoạt động của các đặc vụ thuộc một tổ chức ĐCSTQ khét tiếng. Các đặc vụ này được phái đi để thực hiện một nhiệm vụ ở Canada, và dấu vết rửa tiền hé lộ đằng sau một chiến dịch phỉ báng do một nhà xuất bản Montreal thực hiện trong gần 2 thập kỷ nhằm phục vụ lợi ích của chính quyền Bắc Kinh.

Tài liệu này là một bản báo cáo thường niên do Ủy ban Tư pháp và Chính trị của quận Phòng Sơn (Fangshan) thuộc thành phố Bắc Kinh công bố vào năm 2018. Đây là một cơ quan của ĐCSTQ có nhiệm vụ giám sát Văn phòng 610 cấp quận - một tổ chức bí mật hoạt động dưới dạng mật vụ, bị cáo buộc đã giúp ĐCSTQ thực hiện chiến dịch đàn áp tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Bản báo cáo cho biết, các đại diện của Phòng 610 quận Phòng Sơn đã đến các thành phố Montreal, Toronto và Ottawa với mục đích thực hiện các phiên họp để nói xấu các dạng “tôn giáo dị giáo”, cụm từ mà ĐCSTQ dùng để ám chỉ đến Pháp Luân Đại Pháp. Tài liệu này khẳng định, các hoạt động của Phòng 610 ở Canada được thực hiện thể theo các yêu cầu của Đảng ủy Trung ương và Đảng ủy thành phố thuộc ĐCSTQ.

Tài liệu trên nêu rõ: “Các hội thảo tôn giáo chống dị giáo được tổ chức với cộng đồng [người Trung Quốc] của 3 thành phố, để công khai các luật và quy định liên quan của Trung Quốc nhằm đối phó với các tôn giáo dị giáo, và [cung cấp] kiến ​​thức cơ bản về các tôn giáo chống dị giáo”.

Tài liệu cho biết thêm rằng nhiệm vụ này có được hiệu quả như dự định.

“Các công dân địa phương [cần] có hiểu biết rõ ràng về Pháp Luân Công và các tổ chức tôn giáo dị giáo khác. Họ cần [phải]bày tỏ rằng họ sẽ không tin, không quảng bá và không tham gia vào các hoạt động tôn giáo này”.

Hai sĩ quan cảnh sát Trung Quốc bắt giữ một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 10/1/2000. (Chien-Min Chung / Ảnh AP)
Hai sĩ quan cảnh sát Trung Quốc bắt giữ một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 10/1/2000. (Chien-Min Chung / Ảnh AP)

Các cơ quan tình báo, các nhà nghiên cứu và các đặc vụ của ĐCSTQ từ lâu đã ghi chép và công khai thảo luận về việc Bắc Kinh sử dụng người di cư để phục vụ lợi ích của mình ở nước ngoài, đặc biệt là ở Canada. Nhưng tài liệu này cho thấy sự tham gia trực tiếp của một tổ chức cảnh sát bí mật thuộc ĐCSTQ ở Canada, cũng như một liên kết trực tiếp giữa ĐCSTQ và một ấn phẩm tiếng Trung tại Canada chuyên phục vụ cho lợi ích của chính quyền này.

Ấn phẩm đó là Les Presses Chinoises - một tờ báo tiếng Trung có trụ sở tại ở Montreal. Theo tài liệu trên, công ty chủ quản của ấn phẩm này đang hợp tác với Phòng 610 của quận Phòng Sơn để xuất bản nội dung phản đối Pháp Luân Đại Pháp và phát tờ rơi phỉ báng pháp môn tu luyện này.

Bản báo cáo cho biết: “42 số báo và 62 bài báo đã được xuất bản, và 400.000 tờ truyền đơn chống tôn giáo đã được in. Tài liệu còn bổ sung rằng 48 số báo tiếp theo sẽ được xuất bản vào cuối năm 2018, mỗi số có một phần đặc biệt gồm các bài viết bôi nhọ Pháp Luân Đại Pháp.

Tài liệu nói rằng “tất cả các chi phí đã được thanh toán” cho năm 2018.

Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, là một pháp môn tu luyện bao gồm các bài tập thiền tịnh cho cả thân và tâm ,dựa trên nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn. Các học viên Đại Pháp đã phải chịu đựng một chiến dịch đàn áp tàn bạo trên quy mô toàn diện của ĐCSTQ kể từ năm 1999.

Pháp Luân Đại Pháp được Toà án Nhân quyền Ontario phán quyết là “một tín ngưỡng được bảo vệ” bởi luật pháp Canada.

Chiến thuật mới

Chuyên gia về Trung Quốc Yiyang Xia cho biết, việc chi nhánh Văn phòng 610 địa phương đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc, thậm chí gửi cả các đặc vụ đến Canada để thực hiện nhiệm vụ phá hoại Pháp Luân Đại Pháp trên đất Canada quả đã khiến mọi người phải “mở rộng tầm mắt”.

Ông Xia nhận định: “Các hoạt động trực tiếp của văn phòng 610 cấp thành phố tại các thành phố của Canada dường như là một chiến thuật mới trong việc xuất khẩu cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp ra nước ngoài. Trước đây, chúng tôi chỉ biết đến nỗ lực từ các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc nhằm mở rộng một cách có hệ thống cuộc đàn áp để tẩy chay và phỉ báng các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở các nước phương Tây”.

Ông Xia hiện là giám đốc nghiên cứu và chính sách cấp cao của Tổ chức Luật Nhân quyền có trụ sở tại Washington.

Ông Xia nói rằng ông có biết về một chi nhánh khác của Văn phòng 610 tài trợ cho các hoạt động chống Pháp Luân Đại Pháp ở Flushing, New York, trong nhiều năm. Theo thông tin từ một bài báo trước đây của The Epoch Times, chi nhánh đứng sau các hoạt động ở Flushing là Văn phòng 610 Thiên Tân.

Động thái mới nhất này ở Canada cho thấy một kế hoạch bất thường, có thể việc Văn phòng 610 cấp quận thuộc Bắc Kinh phối hợp các hoạt động ở nước ngoài là một mô hình mới.

“Cách thức xâm nhập vào các quốc gia khác này của ĐCSTQ không thật sự gây chú ý, nhưng các hoạt động này có khả năng liên quan đến nhiều đại diện Văn phòng 610 cấp thành phố can thiệp vào xã hội ở các quốc gia ngoài Trung Quốc, như Hoa Kỳ và Canada”, ông nói.

“Đây không chỉ là sự vi phạm trắng trợn vào chủ quyền của các nước phương Tây, mà còn làm suy yếu quyền lập hiến của người dân về tự do tín ngưỡng tôn giáo. Nó còn hủy hoại các quyền tự do ở các quốc gia này”.

Luật sư David Matas chuyên tư vấn về di trú và nhân quyền tại Winnipeg nói rằng, nếu các đặc vụ của Phòng 610 tiết lộ mục đích thực sự của họ là thực hiện chỉ thị diệt trừ Pháp Luân Đại Pháp của ĐCSTQ khi đến Canada, họ sẽ không được cấp thị thực vì “họ đã nhập cư với mục đích kích động lòng thù hận”.

Ảnh của luật sư David Matas (Hình ảnh Woody Wu / AFP / Getty)
Ảnh của luật sư David Matas (Hình ảnh Woody Wu / AFP / Getty)

Luật sư Matas cho biết: “Tôi đoán là họ đã không tiết lộ mục đích chuyến đi của mình khi làm đơn xin thị thực và đó sẽ là một sự vi phạm pháp luật ngay tại đây khi họ đưa ra những lý do ngụy tạo và chắc chắn sẽ có những cuộc điều tra kỹ lưỡng khi họ nhập cảnh”.

Can thiệp từ nước ngoài

Chuyên gia tình báo David Harris nói rằng giới chức Canada nên điều tra các hoạt động của Phòng 610 và cũng như các mật vụ của tổ chức này tại Canada.

Giám đốc của chương trình tình báo tại Inisgnis Strategic Research ở Ottawa, ông Harris nhận định: “Các báo cáo về những biến thể tiếp theo của Bắc Kinh nhằm xâm nhập và gây ảnh hưởng tới người dân Canada là vô cùng đáng lo ngại, một phần vì chúng dường như thể hiện sự bành trướng trong các hoạt động gây ảnh hưởng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện trên khu vực lãnh thổ thuộc chủ quyền Canada”.

“Nhìn sâu hơn, chúng ta thấy bóng ma của Bắc Kinh đang thao túng người Canada, phương tiện truyền thông và thậm chí cả chính phủ của họ. Điều này là không thể chấp nhận được đối với bất kỳ quốc gia nào, chứ đừng nói đến một nền dân chủ tự do coi trọng quyền lập hiến của tất cả các công dân của mình, bao gồm cả những người có thể là học viên tập Pháp Luân Công”.

Ông Harris nói thêm rằng chính phủ Canada nên điều tra vấn đề này dựa trên “các bằng chứng đã xuất hiện”, và đưa ra “những hành động phù hợp, quyết đoán, cả về ngoại giao và chính trị đối với Bắc Kinh”.

Luật sư Matas khẳng định đây là một trường hợp rõ ràng nước ngoài đang can thiệp vào nội bộ ở Canada.

Ông lý giải: “Nếu [ĐCSTQ] đã chi số tiền đó một cách công khai thông qua Đại sứ quán và đây là một ấn phẩm của Đại sứ quán, đó sẽ là hoạt động ngoại giao không phù hợp. Đây sẽ là sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của Canada và những người chịu trách nhiệm cho một ấn phẩm như vậy sẽ bị trục xuất khỏi Canada với tư cách là người không được hoan nghênh”

Luật sư Matas cũng cho biết, vấn đề của Canada là nước này thiếu chế tài cần thiết để đối mặt với vấn đề can thiệp nước ngoài một cách hiệu quả hơn.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng khi bất kỳ cơ quan nước ngoài nào đang bơm tiền vào Canada cho các mục đích vận động hành lang, cần có một yêu cầu đăng ký cho sự vận động đó. Nó không nên được che giấu như hiện tại”.

Trong một số khu vực tài phán như Úc, có luật pháp yêu cầu các thực thể thay mặt chính phủ nước ngoài đăng ký công khai tên của họ.

Ông Matas nhận định: “Tôi nghĩ rằng [vấn đề về] Les Presses Chinoises và kê khai tài chính của tờ báo này là một ví dụ kinh điển cho việc chúng ta thiếu sự phòng vệ chống lại sự thao túng này”.

Phòng 610

Văn phòng 610, được đặt tên theo ngày nó được thành lập vào ngày 10/6/1999, được giao nhiệm vụ phối hợp các nguồn lực để tiêu diệt Pháp Luân Đại Pháp - pháp môn tu luyện đã trở nên quá phổ biến ở Trung Quốc và bị ĐCSTQ coi là gây đe dọa cho sự chuyên quyền của chế độ độc tài này. Thống kê của chính phủ Trung Quốc cho thấy, có khoảng 70 đến 100 triệu người ở Trung Quốc đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào những năm 1990, sau khi pháp môn này được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992.

Phòng 610 trực thuộc ĐCSTQ được thành lập dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Giang Trạch Dân - lãnh đạo ĐCSTQ và là người khởi xướng chiến dịch đàn áp chống Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999, với mục đích xóa sổ hoàn toàn pháp môn này.

Sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đứng bảo vệ tại Bắc Kinh. (Hình ảnh Saul Loeb / AFP / Getty)
Sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đứng bảo vệ tại Bắc Kinh. (Hình ảnh Saul Loeb / AFP / Getty)

Phòng 610 được trao cho các quyền lực đứng trên pháp luật, vượt qua quyền lực hành chính ở các cấp thẩm quyền khác nhau nhằm điều phối tất các mọi nguồn lực của chiến dịch nhằm loại bỏ Pháp Luân Đại Pháp, thông qua việc đàn áp các học viên tu luyện theo pháp môn này. Các biện pháp đàn áp thường được áp dụng bao gồm bắt giữ, tra tấn, giết chóc và tuyên truyền thông tin vu khống về pháp môn này để lèo lái dư luận chống lại Pháp Luân Công.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, cựu sĩ quan Hao Fengjun của Phòng 610 đã trốn sang Úc năm 2005 cho biết, ở mỗi cấp của ĐCSTQ đều có các chi nhánh của Phòng 610, từ Ủy ban Trung ương cho đến tỉnh, thành phố và địa phương, chi hội cấp huyện.

Mặc dù đã có báo cáo về một số thay đổi trong cấu trúc của Phòng 610, chuyên gia Xia về Trung Quốc nói rằng không có thay đổi nào tác động đến nền tảng của tổ chức này. Ông cho biết, sự thay đổi đáng kể duy nhất là kể từ tháng 3/2018, tổ chức ĐCSTQ chuyên giám sát hoạt động của Văn phòng 610 đã được đổi thành Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương ĐCSTQ.

Nhưng với tất cả các mục đích thực tế, không có gì thay đổi đối với người tham gia, và Phòng 610 tiếp tục sứ mệnh diệt trừ Pháp Luân Đại Pháp, có lẽ dưới một cái tên khác, ông Xia nói.

Tờ báo ‘Les Presses Chinoise’

Các tài liệu nội bộ cho thấy các liên kết về tài chính giữa Phòng 610 và Les Presses Chinoises - nơi đã xuất bản nhiều nội dung chống lại Pháp Luân Đại Pháp trong nhiều năm qua.

Các tài liệu lưu trữ trực tuyến của Les Presses Chinoises cho thấy hầu hết các bài báo hàng tuần được xuất bản trong nhiều năm liên tiếp đều có phần có tên là “The Truth of Justice” (Sự thật của Công lý), chuyên nhại lại những lời phỉ báng và lên án của ĐCSTQ về Pháp Luân Đại Pháp và các học viên, vốn được chính quyền này truyền bá rộng rãi ở Trung Quốc. Các nội dung bôi nhọ này thường kéo dài 2 trang, không chứa quảng cáo hoặc bất kỳ bài viết tin tức điển hình nào.

Les Presses Chinoises thuộc sở hữu của ông Crescent Chau. The Epoch Times đã liên lạc với ông Chau để bình luận nhưng không nhận được phản hồi.

Tờ báo này đã xuất bản phiên bản đặc biệt đầu tiên về chủ đề Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 11/2001, trong đó có một bản kiến ​​nghị yêu cầu cộng đồng người Trung Quốc ở Canada phải “đoàn kết” với nhau để “tố cáo Pháp Luân Công”.

4 công an mặc thường phục đang bắt giữ một học viên Pháp Luân Công vào ngày 20/12/2000, ở MaCau - Trung Quốc.
4 công an mặc thường phục đang bắt giữ một học viên Pháp Luân Công vào ngày 20/12/2000, ở MaCau - Trung Quốc. (Getty)

Ấn phẩm đặc biệt này thực tế là một bản cáo trạng về Pháp Luân Đại Pháp, và nội dung hoàn toàn nhại lại từng câu chữ từ những lời tuyên truyền đầy thù hận của ĐCSTQ chống lại pháp môn tu luyện vốn rất phổ biến ở Trung Quốc này.

Giáo sư lịch sử Đại học Montreal là ông David Ownby đã nghiên cứu về Pháp Luân Đại Pháp, và gọi các bài báo này là “sự bẩn thỉu vô căn cứ trên những trang giấy”. Ông nói rằng những nội dung này chẳng có lời nào là sự thật.

Một nhóm các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã đưa ông Chau ra tòa, và vào tháng 12/2001, 3 tuần sau khi phiên bản đặc biệt đầu tiên được phát hành, tòa án đã ra lệnh yêu cầu Crescent Châu ngừng xuất bản các nội dung chống lại Pháp Luân Công.

Vào tháng 2/2002, bất chấp lệnh cấm của tòa án, ông Chau đã cho phát hành một trang bìa đặc biệt thứ 2 chống lại Pháp Luân Công, tuyên bố các học viên Pháp Luân Đại Pháp là “ác quỷ” và là “kẻ thù của nhà nước”, cùng nhiều tuyên bố vu khống vô căn cứ khác.

Bằng cách nào đó, ông Chau đã giành được khoản tài trợ để in 100.000 bản cho một ấn bản đặc biệt chống lại Pháp Luân Đại Pháp, dài 32 trang phát hành trên toàn quốc trong cả tháng 8/2006 và tháng 7/2007, trong nỗ lực tuyên truyền những lời phỉ báng của ĐCSTQ chống lại Pháp Luân Đại Pháp vốn đã lan rộng ở khắp Trung Quốc đại lục. Các ấn bản được phát hành ở các thành phố Montreal, Toronto và Ottawa và thậm chí lan tới cả phía tây Canada như thành phố Vancouver. Một lần nữa, phiên bản đặc biệt này không có bài quảng cáo này và được phát hoàn toàn miễn phí. Các ấn bản định kỳ của tờ báo có số lượng lưu hành từ 3.500 đến 4.000 tờ ở Montreal, được bán với giá 60 cent (khoảng 10.220 VNĐ).

Tờ Nhân dân Nhật báo trực thuộc ĐCSTQ đã phát hành một bài báo ca ngợi những nỗ lực của ông Chau sau khi các ấn bản của ông được lưu hành trên toàn Canada.

Ông Chau là một người thường xuyên tham gia tại Diễn đàn Truyền thông Trung Quốc Thế giới, diễn ra 2 năm một lần tại Trung Quốc do chính phủ và Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất trực thuộc ĐCSTQ thực hiện. Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất là tổ chức thuộc ĐCSTQ, chuyên chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo và gây ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài. Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Chau nói rằng Bắc Kinh “nên tăng cường kết nối với cộng đồng người Hoa ở nước ngoài”.

Tờ The Epoch Times bản tiếng Trung đã đăng một loạt các báo cáo điều tra vào năm 2007 về ông Chau và cho rằng ông có thể là một đặc vụ của ĐCSTQ.

Các báo cáo bao gồm các cuộc phỏng vấn với Chen Yonglin, một nhà cựu ngoại giao Trung Quốc làm việc cho một đơn vị chuyên diệt trừ Pháp Luân Đại Pháp. Ông Chen hiện đã đào thoát sang Úc.

Nhà cựu ngoại giao Chen nói rõ rằng Les Presses Chinoises “đã trở thành tay sai và công cụ tuyên truyền cho ĐCSTQ”. Ông cũng cho biết, “rất có thể chi phí in ấn” cho tờ báo này đã được chính quyền Bắc Kinh chi trả.

Ông Chen khẳng định: “Các nội dung [của tờ báo này] dường như hầu hết được sản xuất và cung cấp bởi ĐCSTQ”.

Các học viên Pháp Luân Công diễu hành từ Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ đến Đài tưởng niệm Washington kỷ niệm 20 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, tại Washington vào ngày 18 tháng 7 năm 2019. (The Epoch Times)
Các học viên Pháp Luân Công diễu hành từ Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ đến Đài tưởng niệm Washington kỷ niệm 20 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, tại Washington vào ngày 18 tháng 7 năm 2019. (The Epoch Times)

Ông Chau đã kiện tờ The Epoch Times vì ​​tội phỉ báng, nhưng vụ kiện đã bị thẩm phán thuộc Tòa án Tối cao Catherine Mandeville bác bỏ vào tháng 4/2010. Thẩm phán Mandeville nhận xét: “Đây là một trường hợp điển hình của kẻ “vừa ăn cắp vừa la làng”. Cả ông Chau và La Presse Chinoise chắc chắn là những người chống Pháp Luân Công và ủng hộ [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa]”. La Presse Chinoise là tên của công ty in ấn phẩm Les Presses Chinoises.

Bà nói, việc gọi [ông Chau] là một đặc vụ Bắc Kinh không phải là một cuộc “tấn công không công bằng”, mà là một “nhận định chuẩn xác”.

"Ông Chau tin rằng đó là một phần trách nhiệm của ông ấy trong việc bảo vệ vị thế của chính phủ Trung Quốc. Các bài báo của [The Epoch Times] cho thấy, không chỉ ý kiến ​​của ông về Pháp Luân Công mà cả về Tây Tạng và nhiều chủ đề khác đều giống hệt với những luận điệu của chính phủ PRC”, bà Mandeville nói.

Thẩm phán Mandeville cũng cho biết những lời giải thích của ông Chau về cách ông chi trả cho các chi phí của các phiên bản đặc biệt tố cáo Pháp Luân Đại Pháp là “những lời nói mơ hồ”, theo cách nói giảm nhẹ nhất.

Trong quá trình tố tụng tại tòa, ông Chau thừa nhận rằng ông không phỏng vấn các học viên Pháp Luân Đại Pháp về nội dung ông đã xuất bản và đã đọc các giáo lý của Pháp Luân Đại Pháp. Ông nói rằng ông khao khát tiêu diệt Pháp Luân Đại Pháp.

Ông Chau sau đó đã kháng cáo quyết định của tòa án sơ thẩm nhưng không thành công. Ba thẩm phán tòa phúc thẩm đã tái khẳng định vào năm 2012 rằng việc gọi ông Chau và công ty báo chí của ông là “các đại diện thúc đẩy các ý tưởng của một chính phủ không thể bị coi là tội phỉ báng”.

Ông Chau đã cố gắng đưa vụ án lên tòa án tối cao, nhưng không thành công.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tài liệu nội bộ của ĐCS Trung Quốc tiết lộ đường dây rửa tiền đằng sau chiến dịch phỉ báng đức tin ở Canada