Financial Times: Vượt qua phố Wall, JPMorgan được chấp thuận cho kinh doanh chứng khoán tại Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, lần đầu tiên, đã phê chuẩn cho JPMorgan quyền kinh doanh chứng khoán mà ngân hàng này chiếm sở hữu đa số. Thương chiến khiến dòng vốn ngoại trực tiếp và gián tiếp tháo chạy khỏi Trung Quốc, việc nới lỏng chính sách cho thấy Trung Quốc rất cần thu hút trở lại dòng vốn ngoại…

Lần đầu tiên Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc nới lỏng rào cản chính sách cho nhà đầu tư ngoại quyền kinh doanh chứng khoán trên thị trường tài chính của họ

Vượt qua các đối thủ phố Wall, JPMorgan đã được cho phép thành lập công ty kinh doanh chứng khoán tại Trung Quốc với tỷ lệ sở hữu đa số thuộc ngân hàng này. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc nới lỏng rào cản chính sách cho nhà đầu tư ngoại quyền kinh doanh chứng khoán trên thị trường tài chính của họ.

JPMorgan cho biết họ sẽ mở một công ty mới chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính bao gồm môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư, bảo lãnh và tài trợ, và đã nhận được sự chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc.

Quyết định chính sách này đã khiến JPMorgan trở thành ngân hàng đầu tiên của Hoa Kỳ đạt được sự chấp thuận để mở một công ty liên doanh chứng khoán thuộc sở hữu đa số nước ngoài tại Trung Quốc, kết thúc một quá trình đàm phán dài từ hồi tháng 5 năm 2018.

Ngân hàng này không tiết lộ chi tiết cổ đông thiểu số Trung Quốc sẽ là ai. Trung Quốc là “một thị trường quan trọng đối với nhiều khách hàng trong nước và toàn cầu của chúng tôi”, ông Jamie Dimon, chủ tịch và giám đốc điều hành của JPMorgan cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và hỗ trợ đầy đủ cho hoạt động kinh doanh của mình tại quốc gia này”.

Theo Financial Times, các tổ chức tài chính phương Tây từ lâu đã muốn mở rộng sự hiện diện của họ trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng cho đến gần đây, các ngân hàng nước ngoài vẫn có nghĩa vụ phải hợp tác với các doanh nghiệp quốc nội Trung Quốc.

Để ngăn xu hướng tháo chạy của dòng vốn, thu hút thêm vốn ngoại, Trung Quốc đã nới lỏng quy định sở hữu nước ngoài trong kinh doanh chứng khoán…

Tuy nhiên, trong bối cảnh thương chiến leo thang, xu hướng tháo chạy của các dòng vốn ngoại trực tiếp và gián tiếp có thể là nguyên nhân khiến Bắc Kinh nới lỏng quy định và tăng cường tiếp cận với thị trường vốn nước ngoài.

Vào tháng 7 năm 2019, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố rằng các giới hạn đối với quyền sở hữu nước ngoài của các doanh nghiệp chứng khoán và công ty quản lý quỹ sẽ bị bãi bỏ từ năm 2020. Nomura đã nhận được sự chấp thuận chính thức vào tháng 11 để điều hành một công ty liên doanh cổ phần, còn Goldman Sachs đã nộp đơn xin phép vào tháng 8 vừa qua.

Sau khi ngân hàng đầu tư Goldman liên doanh với một doanh nghiệp chứng khoán Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 2004, quyền kiểm soát phần lớn của các doanh nghiệp này đã bị cấm cho đến tận gần đây. HSBC đã được phép nắm phần lớn cổ phần trong một công ty liên doanh mới vào năm 2017, và vào năm ngoái, UBS đã trở thành công ty đầu tiên thành công nắm giữ 51% cổ phần trong một công ty liên doanh chứng khoán địa phương. Trước sự thay đổi quy tắc của PBoC, vào tháng 10, Citigroup đã tuyên bố rằng họ đã tháo gỡ liên doanh hiện có với Công ty Chứng khoán Phương Đông, nơi họ nắm giữ 33% cổ phần, và sẽ sớm tìm cách sở hữu toàn bộ một doanh nghiệp chứng khoán ở Trung Quốc vào năm sau.

Chi phí bỏ ra để có thể thâm nhập vào ngành ngân hàng đầu tư và chứng khoán Trung Quốc là một hành trình dài và đầy khó khăn đối với các ngân hàng đầu tư nước ngoài. Goldman và UBS đã có quyền kiểm soát hoạt động của các công ty liên doanh này trong nhiều năm, giúp họ có được sự khởi đầu thuận lợi so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác, những người chưa bao giờ thực sự điều hành một doanh nghiệp chứng khoán mà họ chiếm sở hữu phần đa ở Trung Quốc.

Thanh Hương (biên dịch)

Theo Financial Times



BÀI CHỌN LỌC

Financial Times: Vượt qua phố Wall, JPMorgan được chấp thuận cho kinh doanh chứng khoán tại Trung Quốc