Gần 1,2 triệu người đăng ký thi tuyển công chức ở Trung Quốc, nhưng lại 'né' chức vụ công an

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kỳ thi công chức, còn được gọi là "Kỳ thi quốc gia" ở Trung Quốc đại lục, rất được người dân quan tâm. Có gần 1,2 triệu người đã đăng ký trong 8 ngày, tăng 310.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các vị trí trong hệ thống thực thi pháp luật tuyến đầu lại bị ‘đối xử lạnh nhạt’, kể cả với các vị trí ở cấp cơ sở thuộc Bộ Công an. Theo phân tích của chuyên gia, người dân không muốn trở thành công an có lẽ vì họ lo lắng về sự thanh trừng chính trị và các nhân tố nguy hiểm khác.

Theo số liệu thống kê do Công ty Giáo dục Trung Công (Offcn Education) cung cấp, tính đến 10 giờ sáng ngày 22/10, có tổng cộng 1.994.600 người đã nộp đơn đăng ký tham gia kỳ thi công chức năm 2022 của Trung Quốc, tăng 310.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ “chọi” là 30:1.

Vị trí nóng nhất vẫn là nhân viên quản lý cấp 1 của Cục quản lý bưu chính Địa khu Ngari thuộc khu tự trị Tây Tạng và các vị trí phía dưới, tỷ lệ cạnh tranh hiện tại là 3143:1.

Xếp thứ hai là vị trí nhân viên quản lý cấp 1 của Công đoàn Máy móc, Luyện kim và Vật liệu Xây dựng Trung Quốc và các vị trí xếp sau đó, với tỷ lệ 2.684 chọi 1.

Tính đến 10 giờ sáng ngày 22/10, vẫn còn 254 vị trí chưa có ai đăng ký. Những vị trí ‘bị ghẻ lạnh’ này tập trung trong các hệ thống thực thi pháp luật tuyến đầu như công an đường sắt, v.v.

Tính đến 10 giờ sáng ngày 22/10, vẫn còn 254 vị trí công chức chưa có ai đăng ký. (Ảnh chụp màn hình Internet)
Tính đến 10 giờ sáng ngày 22/10, vẫn còn 254 vị trí công chức chưa có ai đăng ký. (Ảnh chụp màn hình Internet)

Vị trí công an ‘rủi ro cao’

Về việc các vị trí tiền trạm của ngành công an bị lạnh nhạt, ông Triệu Viễn Minh (Zhao Yuanming), một chuyên gia cao cấp về luật của Trung Quốc, cựu giảng viên Khoa Luật Đại học Công an, đã phân tích với The Epoch Times rằng, do rất nhiều gia đình Trung Quốc đều chỉ có 1 người con.

Ông nói: "Những người này (công an) thường nắm quyền thực thi pháp luật trong tay, xác suất phạm sai lầm cũng khá cao. Hơn nữa còn liên quan đến tài sản cá nhân và thậm chí cả tính mạng. Có rất ít người nộp đơn làm loại công việc này. Tôi đoán [tình trạng này] sẽ không thể thay đổi trong một thời gian ngắn".

Ông nói rằng điều này cũng liên quan đến việc thanh trừng chính trị hiện nay trong nội bộ công an, bởi vì ở Trung Quốc, công an được coi là con dao và quân đội là khẩu súng. Nếu con dao hướng vào trong, nó sẽ liên quan đến các tranh chấp chính trị.

"Bạn thấy đấy, trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, có rất nhiều công an biến mất bí ẩn. Bởi vì họ (công an) tham gia vào các cuộc đấu tranh đường lối và tranh giành quyền lực trong ĐCSTQ, vì họ thường là người nắm con dao này, nên họ luôn bị nguy hiểm rình rập".

"[Làm] công an tuyến đầu, bạn thực sự sẽ phải động thủ. Đôi khi bản thân bạn có thể không biết chính xác câu chuyện bên trong, vì bạn là cán bộ cơ sở. Nhưng đợi đến khi sự việc bại lộ, thì bạn chính là một trong số họ, mặc dù bạn không rõ ngọn nguồn".

Ông Triệu nói rằng công an ĐCSTQ thường sử dụng các biện pháp thực thi pháp luật bạo lực, vi phạm pháp luật, nhưng về sau thì đó có thể sẽ là cái cớ để bị trừng phạt. “Khi đó thì biểu dương bạn, nhưng có thể 3 hay 5 năm sau sẽ lôi ra tính sổ, đây không còn là điều gì lạ lẫm trong lịch sử ĐCSTQ”.

"Tôi đoán hiện giờ mọi người đã rút ra bài học, bởi vì các cuộc vận động chính trị tương tự đã tạo cho mọi người ấn tượng xấu".

Ngành bưu điện hầu như không có nguy hiểm

Về việc làm ở bưu điện trở nên hấp dẫn, chuyên gia luật Triệu Viễn Minh cho rằng, hiện nay có nhiều hoạt động mua sắm trực tuyến được thực hiện thông qua bưu điện. Các bưu cục thường tính phí rẻ hơn so với chuyển phát nhanh.

“Công việc làm ăn của bưu điện càng ngày càng tốt, tiền lương thưởng theo đó mà tăng lên. Hơn nữa làm bưu điện thì căn bản không nguy hiểm, cho nên có thể trở thành một công việc tương đối hot”. Ông ​​Triệu cũng nói: “Bởi vì bưu điện là ngành do nhà nước quản lý, thuộc sở hữu nhà nước, nói một cách tương đối thì nó là một bát cơm ăn chắc mặc bền”.

ĐCSTQ cai trị đất nước bằng bạo lực và cảnh sát

Ông Chu (Zhu) là một cựu nhân viên tài chính cấp cao ở Thượng Hải, ông hiểu rõ về các vấn đề chính trị và kinh doanh ở Trung Quốc đại lục.

Ông nói với The Epoch Times rằng, mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay, của sự cạnh tranh khốc liệt trong các ngành và phân bổ của cải xã hội bất công ở Trung Quốc, sẽ được thể hiện trực tiếp qua việc săn đón các vị trí công chức.

Ông nói: “Bởi vì đây là ‘điểm đến tốt đẹp và nơi trú ẩn an toàn’ mà người dân thông thường có thể hiểu và nhìn thấy, nhưng cách hiểu này thường là sai lầm. Bởi vì thực tế bây giờ xã hội đang trong cơn khủng hoảng và gần tới ngưỡng bùng nổ. Mọi người không muốn làm công an chính bởi vì xã hội hỗn loạn, các vụ việc bạo lực ngày một gia tăng, quyền lợi không tăng mà giảm. Đây thực chất là một dấu hiệu trước sự tan rã của chính quyền vô đạo đức cai trị đất nước bằng bạo lực và cảnh sát".

Trang Mạng Quang minh (Guangming Net) của ĐCSTQ từng đưa tin, trước khi Liên Xô biến động, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã tiến hành một cuộc khảo sát và kết quả là, 4% người được hỏi cho rằng Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) đại diện cho công nhân, 7% cho rằng CPSU đại diện cho toàn thể người dân, 11% cho rằng CPSU đại diện cho toàn thể đảng viên, và có tới 85% cho rằng CPSU đại diện cho các cán bộ quan chức, nhân viên công tác trong cơ quan nhà nước.

Ông Chu nói, "Có một câu nói cổ ở Trung Quốc: Người có tay nghề không bao giờ chết đói trong năm mất mùa. Trong thời kỳ khó khăn, chỉ những người thực sự thành thạo một kỹ năng và có thực học thực tài thì mới càng có khả năng sống sót".

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Gần 1,2 triệu người đăng ký thi tuyển công chức ở Trung Quốc, nhưng lại 'né' chức vụ công an