Tà ác vô độ | I - 5: Giang Trạch Dân bất tài và tự phụ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2004, Giang Trạch Dân từ chức vị trí chính thức cuối cùng của ông ta là Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Có một vài điều nổi bật trong sự nghiệp của họ Giang cho thấy sự nông cạn, bỉ ổi và ám muội của ông ta. Tại đây, chúng ta hãy thảo luận về 3 điều: (1) học thuyết “3 đại diện”, (2) những lần xuất hiện trước truyền thông và các chức sắc nước ngoài và (3) cách dàn xếp để người nước ngoài viết tiểu sử về Giang Trạch Dân.

Đọc toàn chuyên đề: Tà ác vô độ - Triều đại hủ bại của Giang Trạch Dân ở Trung Quốc

Chương I: Sự trỗi dậy của Giang Trạch Dân

Phần 5: Giang Trạch Dân bất tài và tự phụ

Học thuyết '3 đại diện'

Đầu tháng 03/2000, tờ Nhân dân Nhật báo (人民日报 - People’s Daily) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - đã giới thiệu rầm rộ một bài xã luận. Bài này nói về một học thuyết mới của ĐCSTQ được gọi là “3 đại diện”. Học thuyết nêu rõ: "ĐCSTQ phải luôn đại diện cho các yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất tiên tiến của Trung Quốc, cho định hướng phát triển nền văn hóa tiên tiến của Trung Quốc và cho lợi ích cơ bản của đại đa số người dân Trung Quốc”.

Tất nhiên, câu trích dẫn này là lý thuyết của chủ nghĩa Marx phiên bản Trung Quốc. Lý thuyết về “3 đại diện” là những từ ngữ sáo rỗng. Tuy vậy, Giang Trạch Dân cảm thấy ông ta cần một cái gì đó để củng cố vị trí của mình với tư cách là người đứng đầu "cơ quan lý luận [của ĐCSTQ] thế hệ thứ ba". Vậy nên ông ta muốn có một học thuyết mới làm di sản của mình, từ đó có được địa vị sánh ngang Mao Trạch Đông (Mao Zedong) và Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping).

Tác giả ban đầu của “3 đại diện” là Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), làm việc tại Văn phòng Nghiên cứu Chính sách của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Trước đây, ông Vương là Giáo sư khoa Chính trị Quốc tế tại Đại học Phúc Đán. Khi Giang Trạch Dân trở thành Bí thư Thành ủy Thượng Hải, họ Giang đã sao chép rất nhiều bài báo của Vương Hỗ Ninh.

Ngày 25/02/2000, tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo tỉnh Quảng Châu ở nhà khách Châu Đảo (Quảng Châu), Giang Trạch Dân tuyên bố rằng học thuyết “3 đại diện” là tác phẩm của riêng ông ta. Ngay sau đó, toàn Trung Quốc tiến hành chiến dịch quảng bá rầm rộ cho “3 đại diện”, dẫn đầu bởi bài xã luận của Nhân dân Nhật báo vào đầu tháng 03/2000.

Trong thời gian quảng bá thuyết “3 đại diện”, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã có nhiều chương trình đặc biệt phát sóng hàng ngày với các cuộc phỏng vấn người dân từ mọi tầng lớp xã hội. Một lão nông nói: "Chúng tôi đã xây dựng một cây cầu trong làng, nhờ thuyết '3 đại diện'”. Một người phụ nữ nói: “Con dâu tôi đã sinh được một bé trai mũm mĩm, nhờ thuyết '3 đại diện'”. Ở một vùng nông thôn, có một bảng quảng bá lố bịch trên tường của một lò mổ với nội dung: “'3 đại diện' dẫn dắt công việc giết mổ của chúng tôi”.

Tại một nhà tù, các tù nhân được giao nhiệm vụ tập hợp những cuốn sách khiêu dâm. Những cuốn sách này sau đó được bán để tạo doanh thu cho nhà tù. Trong thời gian đó, “3 đại diện” đã trở thành câu thần chú trong hệ thống pháp luật nhạy cảm về mặt chính trị ở Trung Quốc; mọi thứ đều phải được liên kết với “3 đại diện”. Khi một số tù nhân vượt quá hạn ngạch tập hợp sách khiêu dâm của họ, họ phải nói rằng họ đạt được thành tích này là nhờ sự hướng dẫn của thuyết “3 đại diện”.

Sự ca ngợi dành cho “3 đại diện” đã đạt đến mức phi lý. Tuy nhiên, rất ít người, cả trong và ngoài ĐCSTQ, tôn trọng thuyết “3 đại diện” của Giang Trạch Dân.

Bào Đồng (Bao Tong) - cựu Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Cải cách Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ - từng nói rằng thuyết “3 đại diện” đóng vai trò như một tấm gương ma thuật; bởi lẽ, “luôn luôn đại diện cho đa số nhân dân” là lời nói suông, “luôn luôn đại diện cho nền văn hóa tiên tiến” là dối trá, và “luôn đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến” là sự cấu kết và đồng lõa giữa các quan chức ĐCSTQ với doanh nghiệp.

Những người chỉ trích “3 đại diện” cho biết: lời khẳng định rằng thuyết này đại diện cho “lợi ích cơ bản của đại đa số mọi người” hoàn toàn là một lời nói dối. Nhiều người trong “đại đa số” nông dân phải kiếm sống bằng cách bán máu, thận, hoặc chính bản thân họ. Khi họ mắc bệnh AIDS, không ai hỏi han hay quan tâm đến họ. Hơn 30 triệu công nhân, được ĐCSTQ gọi là “những người anh cả”, đã bị mất việc làm. Giang Trạch Dân chưa bao giờ nghĩ đến việc đại diện cho họ.

Sau đó, cuốn sách “Tuyển tập tư tưởng quân sự của Giang Trạch Dân” dự kiến ​​xuất bản trước Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Đại hội 16 ĐCSTQ, đã bị xếp vào kho. Nguyên nhân là hơn 10 vị tướng lĩnh quân đội cấp cao - bao gồm Trương Chấn (Zhang Zhen), Hồng Học Trí (Hong Xuezhi) và Dương Bạch Băng (Yang Baibing) - đã viết đơn phản đối cuốn sách. Họ nhận định rằng Giang Trạch Dân đã đặt ông ta vào một vị trí không thích hợp. Dương Bạch Băng thậm chí còn nói trước công chúng rằng “3 đại diện” chỉ là thứ rác rưởi.

‘Giang hề’

Người dân Thượng Hải luôn cảm thấy thích thú khi chế nhạo Giang Trạch Dân. Khi họ Giang phụ trách Thượng Hải trong những năm 1980, ông ta được người dân địa phương gọi là “gấu trúc khổng lồ” hay “cóc lớn”, vì ông đeo một cặp kính đen dày và luôn nghĩ về bản thân nhưng không làm nên tích sự gì. Sau này, với tư cách là Tổng Bí thư ĐCSTQ, họ Giang đã biến những lần xuất hiện trước công chúng của ông ta thành các buổi biểu diễn sân khấu; do vậy, ông ta được gọi là “Giang hề”.

Giang Trạch Dân đến thăm Tây Ban Nha vào tháng 06/1996. Vua Tây Ban Nha Juan Carlos đã mời họ Giang duyệt Đội danh dự quân đội. Tại buổi lễ, Giang Trạch Dân bất ngờ lấy ra một chiếc lược và tự chải chuốt. Vào buổi tối trong bữa tiệc nhà nước, khi ngồi cạnh Nữ hoàng Sofia, họ Giang chải tóc ngay trước ống kính của giới truyền thông. Ngày 25/06/1996, tờ báo lớn nhất của Tây Ban Nha El Pais và nhiều tờ báo khác đã đăng bức ảnh này trên trang nhất với chú thích: “Vua Carlos ngắm Giang Trạch Dân chải tóc”. Ngay sau đó, câu chuyện được báo chí khắp thế giới truyền tải.

Trước đó, trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 8 được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 03/1993, là người ngồi giữa sân khấu, Giang Trạch Dân đã lấy lược ra và chải chuốt đầu tóc của mình. Nhiếp ảnh gia Agence France Presse ghi lại được khoảnh khắc này. Ngày 24/10/1995, Giang Trạch Dân cũng làm như vậy khi đang có bài phát biểu ngay trước chân ống kính của Liên Hợp Quốc.

Trong chuyến thăm Philippines vào tháng 06/1996, tại một bữa tiệc cấp nhà nước trên du thuyền, Giang Trạch Dân đã chộp lấy chiếc micrô và đột ngột trình diễn bài "Love Me Tender" của Elvis Presley. Màn trình diễn dường như nhắm đến vị Thượng nghị sĩ duyên dáng Gloria Macapagal Arroyo (sau này được bầu làm nữ Tổng thống Philippines vào năm 2001), người mà họ Giang vừa mới gặp gỡ khi đó.

Ngày 24/10/1999, trong chuyến thăm Bảo tàng Pháp, Giang Trạch Dân đã nắm lấy tay Đệ nhất phu nhân Pháp Bernadette Chirac và bắt đầu nhảy điệu valse khi Tổng thống Jacques Chirac ngạc nhiên đứng nhìn. Sau đó họ Giang giữ tay phu nhân Bernadette và bắt đầu cười lớn.

Ngày 19/04/2000, tại chuyến thăm của Giang Trạch Dân tới Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Süleyman Demirel chuẩn bị trao huy chương quốc gia cho Giang Trạch Dân. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, họ Giang bước tới và tự tay đeo huy chương vào người.

Ngày 21/02/2002, Giang Trạch Dân tổ chức tiệc chiêu đãi Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, với hơn 100 khách VIP. Không hẹn trước, Giang đã hát “O sole mio”. Sau đó, ông ta tóm lấy Đệ nhất phu nhân Laura Bush để khiêu vũ; tiếp đó lại khiêu vũ với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Condoleezza Rice và vợ của Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc - bà Sarah Randt. Cùng năm đó, giữa bữa tiệc cấp nhà nước ở Iceland, Giang Trạch Dân bất ngờ đứng lên và hát, khiến người dẫn chương trình và khách mời hoàn toàn choáng váng. Trước những người có mặt, Vương Dã Bình (Wang Yeping), vợ của họ Giang, trông cực kỳ xấu hổ.

Ngày 27/10/2000, trong một cuộc họp báo ở Hong Kong, Giang Trạch Dân đã mất bình tĩnh và gầm gừ với một nhà báo Hong Kong là cô Sharon Cheung, vì một câu hỏi liên quan đến việc tái đắc cử của ông Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-Hwa) - Trưởng đặc khu đầu tiên của Hong Kong. Theo như trong video đăng tải trực tuyến được nhiều người xem, họ Giang đã nổi cơn thịnh nộ trước các phóng viên Hong Kong.

Phóng viên: Chủ tịch Giang, ông có nghĩ rằng việc tái đắc cử của ông Đổng là tốt không?

Giang Trạch Dân: Có!

Phóng viên: Trung ương Đảng có ủng hộ ông ấy không?

Giang Trạch Dân: Tất nhiên!

Phóng viên: Ông có lo lắng điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền tự chủ của Hong Kong không?

Giang Trạch Dân: Điều tôi nói không phải là tôi đã tự tay chọn ông ấy. Cô hỏi tôi liệu tôi có ủng hộ ông ấy không. Tôi nói: "Có”. Tôi cần phải nói rõ với cô. Tôi nghĩ rằng tờ báo của cô cần phải học hỏi nhiều hơn. Cô đã học được rất nhiều về phong cách làm việc của phương Tây. Nhưng cô còn quá non trẻ, cô hiểu không? Hãy để tôi nói cho cô biết, tôi là người chịu khó chiến đấu và đã phải đối mặt với tất cả mọi thứ. Không có một quốc gia phương Tây nào mà tôi chưa từng đến. Cô biết nhà báo người Mỹ Mike Wallace không? Anh ấy có năng lực hơn cô rất nhiều. Tôi có thể nói chuyện với anh ấy một cách tự nhiên. Các phương tiện truyền thông nên trau dồi kiến ​​thức nhiều hơn nữa, cô không biết sao! Cô giỏi một điều là ở bất cứ đâu và đối với bất cứ điều gì, cô đều chạy đến đó nhanh hơn nhiều so với các phóng viên phương Tây. Nhưng câu hỏi của cô quá đơn giản và đôi khi ngây ngô. Cô có hiểu tôi nói gì không? Là một người lớn tuổi, tôi đã thấy rất nhiều. Hãy để tôi cho cô một lời khuyên. Người Trung Quốc có câu nói: "Ngậm miệng dựng cơ đồ". Lý ra tốt nhất là tôi không nói bất cứ điều gì. Nhưng vì cô quá thiển cận, sẽ không tốt nếu tôi không nói điều gì đó. Nếu cô đưa tin khác với những gì tôi vừa nói, cô sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đó.

Giang Trạch Dân kết thúc câu trả lời của mình bằng cách hét lên: “Các người thật ngờ nghệch! Tôi đang rất tức giận!".

Ngày hôm sau, 28/10, hầu như tất cả các tờ báo Hong Kong đều đăng bức ảnh giận dữ của họ Giang, cũng như bài trả lời phỏng vấn hoàn toàn kỳ cục này. Đây là lần đầu tiên sau khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, các phương tiện truyền thông Hong Kong đồng loạt tố cáo nguyên thủ quốc gia của Trung Quốc.

Dàn xếp công tác viết tiểu sử Giang Trạch Dân

Năm 2001, một người Mỹ là Robert Lawrence Kuhn đã đến Trung Quốc. Với sự hỗ trợ của ĐCSTQ, ông đã phỏng vấn các giáo viên và bạn bè cũ của Giang Trạch Dân. Tại một quốc gia cộng sản bị kiểm duyệt, người ta có thể tưởng tượng rằng những người Trung Quốc mà ông Kuhn phỏng vấn đã trả lời rất thận trọng. Dựa trên những cuộc phỏng vấn và thông tin do ĐCSTQ cung cấp, ông Kuhn viết một cuốn sách có tựa đề “Người đàn ông đã thay đổi Trung Quốc: Cuộc đời và di sản của Giang Trạch Dân”.

Giang Trạch Dân chắc chắn đã quen thuộc với kỹ năng tuyên truyền của ĐCSTQ trong việc sử dụng các nhân vật nước ngoài để ủng hộ các mục tiêu của Đảng. Đầu năm 2005, cuốn sách của ông Kuhn được xuất bản và quảng bá với hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung tại Trung Quốc và tại nước ngoài. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã thi nhau tuyên truyền. Ví dụ, Giải phóng Nhật báo (解放 日报 - Liberation Daily) của Thượng Hải, Văn Hối báo (文汇报 - Wenhui Daily)Tân dân Vãn báo (新民 晚报 - Xinmin Evening News) đều xuất bản đầy đủ cuốn sách. Truyền thông Trung Quốc gọi tác giả Kuhn là “Edgar Snow đương đại”. Ông Edgar Snow là một nhà báo Mỹ nổi tiếng với các cuộc phỏng vấn và các cuốn sách về lãnh đạo ĐCSTQ, bao gồm cả Mao Trạch Đông, trong những năm 1930 và sau đó.

Một điều cần lưu ý là nhiều phần trong phiên bản tiếng Anh không có trong phiên bản tiếng Trung. Các phiên bản khác nhau dành cho các đối tượng khán giả khác nhau trong và ngoài nước. Việc chỉnh sửa như vậy đặt ra câu hỏi liệu nó có được thực hiện để phù hợp với chiến lược tuyên truyền của Giang Trạch Dân hay không.

Nhà văn chuyên viết tiểu sử người Trung Quốc Diệp Vĩnh Liệt (Ye Yonglie) đã đăng một bài báo trên Tuần báo Á châu (亚洲 周刊 - Asianweek) với tiêu đề: “Bí mật giữa cuốn sách tiểu sử Giang Trạch Dân và tôi [3]”. Trong bài báo, tác giả Diệp tiết lộ một số thông tin nội bộ về những gì đã xảy ra trước và sau khi cuốn sách được viết. Ông Diệp kể rằng ông đã nhận được một cuộc điện thoại từ Bắc Kinh vào ngày 12/03/2001. Người gọi tự xưng là ông Y, đến từ một tổ chức thuộc Ủy ban Trung ương ĐCSTQ; ông Y nói có chuyện quan trọng cần thảo luận. Ông Diệp ngay lập tức đến Bắc Kinh. Hóa ra, tác giả Kuhn muốn có một đối tác Trung Quốc; và ông Diệp được ĐCSTQ xác định là ứng cử viên hàng đầu để cộng tác với cây bút Kuhn trong công tác viết tiểu sử về Giang Trạch Dân. Đây là một nhiệm vụ nhạy cảm, có tên là “Dự án 001”.

Theo bài báo của ông Diệp trên Asianweek, ông Diệp và ông Kuhn đã thảo luận về kế hoạch cho cuốn sách và về danh sách phỏng vấn trong 2 ngày. Sau khi trở về Thượng Hải, ông Diệp đã chuẩn bị ý tưởng tổng thể cho cuốn sách, một bản phác thảo dài 3.000 từ, một bản ghi chép theo thứ tự thời gian dài 15 trang về Giang Trạch Dân bao gồm một số lượng lớn tài liệu tham khảo, và một danh sách hơn 100 người được phỏng vấn. Ông Kuhn khá hài lòng.

Việc hợp tác diễn ra suôn sẻ cho đến khi ông Diệp phát hiện rằng bản duyệt nêu tên ông Kuhn là tác giả, ông Diệp là người phỏng vấn và nghiên cứu chính. Theo ông Diệp, với tư cách là một nhà văn chuyên nghiệp có quan hệ với Hiệp hội Nhà văn Thượng Hải, với trách nhiệm bảo vệ phẩm giá của các nhà văn Trung Quốc, ông ấy và ông Kuhn là những cộng sự bình đẳng và ông ấy không phải là “tay viết thuê”. Ông Diệp đã từ chối ký vào bản duyệt này; sự hợp tác giữa họ kết thúc. Sau đó, những người thân cận với nguồn tin nói với ông Diệp rằng sự dàn xếp này đến từ phía trên và đó không phải là mong muốn của ông Kuhn. “Cơ quan phụ trách dự án ở trên tin rằng tốt hơn hết là để một người nước ngoài viết tiểu sử Giang Trạch Dân, họ cũng khuyên rằng ông Diệp không nên khăng khăng đòi quyền đồng tác giả”.

Ông Diệp nhớ lại cuộc thảo luận với ông Kuhn sau đó. Ông Kuhn nói với ông ấy rằng những gì ông Diệp làm đã giúp ích rất nhiều; lý do khiến cả hai không thể tiếp tục cộng tác rất phức tạp và nằm ngoài tầm kiểm soát của ông Kuhn. Theo lời kể của ông Diệp, ông Kuhn đã thở dài và nói: Trung Quốc là một “hộp đen”. Ông Kuhn cũng bày tỏ rằng ông Diệp rất hữu ích đối với việc vận hành hộp đen đó. Ông Kuhn nói thêm lý do khiến họ không thể tiếp tục hợp tác không phải vì ông ấy, mà là do hộp đen.

Điều quan trọng trong khi viết tiểu sử Giang Trạch Dân là phong trào Thiên An Môn ngày 04/06 và cố Tổng bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) - người mà nhóm viết nên phỏng vấn. Triệu Tử Dương sống tại số 6 ngõ Phú Cường ở Bắc Kinh sau khi ông bị cách chức. Việc gặp gỡ ông Triệu khi ấy là một điều rất dễ dàng, bởi ông Triệu đã là một người thảnh thơi nhàn rỗi. Tuy nhiên, ông Kuhn đã không phỏng vấn Triệu Tử Dương. Hơn nữa, ông Kuhn cũng không phỏng vấn mẹ của nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn - bà Đinh Tử Lâm (Ding Zilin) - hoặc bất kỳ nhà bất đồng chính kiến ​​hoặc nhà bảo vệ nhân quyền nào. Bức hại Pháp Luân Công là vấn đề hàng đầu trong sự nghiệp của Giang Trạch Dân, nhưng ông Kuhn cũng không phỏng vấn bất kỳ học viên Pháp Luân Công bị bức hại nào.

Theo các nguồn tin từ ngành công an, bài báo trên Asianweek đã gây ra một cơn bão chính trị. Giang Trạch Dân vô cùng tức giận. Ông Diệp Vĩnh Liệt đã bị thêm vào danh sách đen nội bộ để theo dõi. “Ông Y, đến từ một tổ chức thuộc Ủy ban Trung ương ĐCSTQ,” hóa ra là Phó Giám đốc Văn phòng Thông tin của Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện: ông Dương Dương (Yang Yang). Nơi đây còn được gọi là Văn phòng Truyền thông Quốc tế của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Đây là phòng công vụ của ĐCSTQ, có nhiệm vụ quảng bá và quản lý hình ảnh của các nhà lãnh đạo Đảng.

Đọc tiếp: Chương II - Phần 1: Thời kỳ thuận lợi cho đại tham nhũng hoành hành ở Trung Quốc

[3] Ye, Yonglie. (2005, ngày 06 tháng 03). Secrets Between the Book of Jiang Zemin Biography and Me (Bí Mật Giữa Cuốn Sách Tiểu Sử Giang Trạch Dân Và Tôi). Asianweek. http://www.yzzk.com/cfm/content_archive.cfm?id=1368156844262&docissue=2005-10.



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tà ác vô độ | I - 5: Giang Trạch Dân bất tài và tự phụ