Tà ác vô độ | II - 4: Giang Trạch Dân ghi hận, báo thù các đối thủ chính trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dùng tội danh tham nhũng để đối phó, xử lý, triệt hạ các đối thủ chính trị là ý tưởng ​​lớn của Giang Trạch Dân.

Đọc toàn chuyên đề: Tà ác vô độ - Triều đại hủ bại của Giang Trạch Dân ở Trung Quốc

Chương II: Nạn hồng thủy tham nhũng thời Giang Trạch Dân

Phần 4: Giang Trạch Dân ghi hận, báo thù các đối thủ chính trị

Vụ án Chen Xitong (Trần Hy Đồng) được đề cập ở chương I là ví dụ điển hình; mặc dù điều này không nhất thiết có nghĩa là ông Trần không tham nhũng. Sau đó, vụ bê bối tại Tập đoàn Viễn Hoa đã mang đến cho Giang Trạch Dân một cơ hội hoàn hảo. Tấn công hay bảo vệ các quan chức có liên quan - điều này tùy thuộc vào mối quan hệ cá nhân giữa các quan chức đó với họ Giang.

Giang Trạch Dân hạ bệ con trai của một anh hùng cách mạng

Một lãnh đạo cấp cao trong Đảng và nhà nước Trung Quốc có liên quan đến vụ án Viễn Hoa là Đô đốc Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing) - từng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (QUTW). Đô đốc Lưu là đối thủ mạnh của Giang Trạch Dân. Vì vậy, như sẽ được giải thích chi tiết dưới đây, không có gì ngạc nhiên khi con gái Lưu Siêu Anh (Liu Chaoying) và con dâu Trịnh Lị (Zheng Li) của Lưu Hoa Thanh đều bị bắt với tội danh buôn lậu liên quan đến Tập đoàn Viễn Hoa.

Khi Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) đưa họ Giang vào vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Chủ tịch QUTW, nhiều người đã bày tỏ lo ngại rằng Giang Trạch Dân chưa từng phục vụ trong quân đội, thiếu hiểu biết về chiến lược quân sự cũng như về vũ khí. Vì vậy, Đặng Tiểu Bình đã bố trí hai quan chức quân sự cấp cao - Đô đốc Lưu Hoa Thanh và Tướng Trương Chấn (Zhang Zhen) - làm Phó Chủ tịch QUTW để giám sát Giang Trạch Dân.

Khi Giang Trạch Dân dần củng cố quyền lực, ông ta bắt đầu đưa người của mình vào quân đội bằng cách thăng chức cho một số sĩ quan trẻ. Chẳng bao lâu sau, họ Giang trực tiếp can thiệp các sự vụ trong quân đội. Để bày tỏ lòng bất bình với việc Giang Trạch Dân nhúng tay vào quân đội, Đô đốc Lưu Hoa Thanh và Tướng Trương Chấn liên tục khẳng định rằng quân đội phải được lãnh đạo bởi một người hiểu rõ quân đội. Người ta thậm chí còn nói rằng Lưu Hoa Thanh thường chỉ tay vào Giang Trạch Dân để khuyên răn ông ta tại các cuộc họp của Bộ Chính trị. Đô đốc Lưu cho rằng ông ấy có được sự ủng hộ từ Đặng Tiểu Bình và do đó, hiển nhiên là ông ấy có thể đối đầu với Giang Trạch Dân - người không hề có kinh nghiệm trên chiến trường. Lưu Hoa Thanh chắc hẳn đã không nhận ra rằng Giang Trạch Dân rất dễ tự ái - ông ta sẽ không chấp nhận bất kỳ lời chỉ trích nào, bất kể phải trái trắng đen.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 15 của ĐCSTQ (năm 1997), Trương Chấn nghỉ hưu và Đặng Tiểu Bình cũng qua đời. Lúc đó, Giang Trạch Dân đang tích cực mở rộng quyền lực trong quân đội. Ông ta cho rằng thời điểm thích hợp để trừng phạt Lưu Hoa Thanh đã đến. Một cơ hội để xử lý Đô đốc Lưu cuối cùng cũng xuất hiện, và Giang Trạch Dân đã tận dụng triệt để nó.

Mặc dù bản thân ông Lưu trong sạch, con gái Lưu Siêu Anh của ông - khi đó là Trung tá và Phó Cục trưởng Cục Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu của QUTW - lại dính vào một vụ bê bối liên quan đến chiến dịch bầu cử tại Mỹ.

Thượng cấp trực tiếp của Lưu Siêu Anh là Thiếu tướng Cơ Thắng Đức (Ji Shengde). Thiếu tướng Cơ từng là Cục trưởng Cục Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA); ông này có quan hệ với Lại Xương Tinh (Lai Changxi) - nhân vật trung tâm trong vụ bê bối buôn lậu tại Tập đoàn Viễn Hoa. Trước khi vụ bê bối Viễn Hoa vỡ lở, Cơ Thắng Đức bị cáo buộc là người cung cấp 300.000 USD cho Lưu Siêu Anh; bà Lưu đã dùng số tiền này để quyên góp cho chiến dịch tái tranh cử năm 1996 của Tổng thống Bill Clinton and Phó Tổng thống Al Gore của Mỹ. Thiếu tướng Cơ cuối cùng cũng được tuyên vô tội, nhưng đã bị điều chuyển sang các vị trí buồn tẻ, ‘ngồi chơi xơi nước’.

Tuy nhiên, Giang Trạch Dân cực kỳ không thích việc Cơ Thắng Đức ‘thoát nạn’. Người ta nói rằng Giang Trạch Dân từng bị ông Cơ lớn tiếng chế nhạo vì họ Giang chưa bao giờ dám sử dụng súng khi giữ vị trí người đứng đầu QUTW. Đây là sự sỉ nhục mà Giang Trạch Dân không thể nào quên. Vì vậy, ông ta đã kích hoạt cuộc điều tra về Cơ Thắng Đức thông qua một ủy ban điều tra của ĐCSTQ, mà không phải qua ủy ban điều tra của quân đội. Lần này, Thiếu tướng Cơ bị vướng vào những cáo buộc liên quan đến vụ bê bối buôn lậu tại Tập đoàn Viễn Hoa. Tháng 10/2000, Cơ Thắng Đức bị xét xử tại một tòa án quân sự, nhưng những người chịu trách nhiệm khởi tố vụ án lại không phải người trong quân đội. Cơ Thắng Đức là con trai của Cơ Bằng Phi (Ji Pengfei) - nhà ngoại giao cấp cao của ĐCSTQ, từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao khi Tổng thống Mỹ Nixon đến thăm Trung Quốc năm 1972 và được ca ngợi là một anh hùng cách mạng. Bất chấp xuất thân cao quý, Tướng Cơ vẫn bị kết án 15 năm tù vì tội biển thủ 200 triệu nhân dân tệ (CNY) từ công quỹ, theo thông tin từ bài viết của cây bút James Mulvenon do Viện Hoover xuất bản năm 2003 [6]. Một số nguồn tin khác nói rằng Cơ Thắng Đức bị tuyên án tử hình, sau đó được giảm xuống 20 năm tù giam [7]. Vụ việc này đã cho thấy thế đối đầu căng thẳng giữa (i) phe các sĩ quan cấp cao tham nhũng của PLA và (ii) phe dân sự gồm các điều tra viên và công tố viên chống tham nhũng của Giang Trạch Dân.

Đô đốc Lưu không thể bảo vệ con gái

Chung Dục Hãn (Johnny Chung), một người Mỹ gốc Đài Loan, nói với FBI vào năm 1998 rằng ông ấy gặp Lưu Siêu Anh lần đầu tiên vào tháng 06/1996 tại Hong Kong. Thời điểm đó, Lưu Siêu Anh không chỉ là Trung tá trong PLA mà còn là quản lý cấp cao tại công ty TNHH Cổ phần Hàng không Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc (China Aerospace International Holdings Ltd). Công ty này là một doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vệ tinh, mua bán tên lửa và dịch vụ phóng tên lửa. Lưu Siêu Anh phụ trách mảng thương mại quốc tế. Chung Dục Hãn thừa nhận rằng ông ấy đã nộp đơn xin thị thực và lấy thị thực Hoa Kỳ cho Lưu Siêu Anh vào tháng 07/1996. Sau đó, Lưu Siêu Anh và Chung Dục Hãn đã mua một tấm vé trị giá 25.000 USD để tham dự bữa tối gây quỹ tại Tòa Bạch Ốc. Đêm đó, Lưu Siêu Anh gặp gỡ và chụp ảnh cùng Tổng thống Mỹ Clinton. Lưu Siêu Anh đã đưa cho Chung Dục Hãn tấm séc 100.000 USD - đây là khoản quyên góp cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Clinton.

Lưu Siêu Anh là con gái út của Lưu Hoa Thanh. Sau khi con gái bị bắt, Đô đốc Lưu không thể làm gì khác hơn là trực tiếp gọi điện cho Giang Trạch Dân để xin khoan hồng. Họ Giang không đáp một lời nào và cúp máy. Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), cánh tay phải của Giang Trạch Dân, từng nói với Lưu Hoa Thanh: “Ông đối đầu với Chủ tịch Giang; tuy chúng tôi không thể động đến ông nhưng chúng tôi có thể dễ dàng bắt giữ con gái, vợ và con dâu của ông”. Khi xử lý vụ việc của gia đình Lưu Hoa Thanh, Giang Trạch Dân đã đích thân chỉ đạo và trực tiếp ra lệnh cho những người khởi tố vụ án.

Xử tử quan chức cấp cao

Một trường hợp khác là ông Thành Khắc Kiệt (Cheng Kejie). Ông Thành sinh ra ở Quảng Tây, gia nhập ĐCSTQ vào tháng 02/1954, từng nắm giữ các chức vụ cấp cao gồm Chủ tịch khu tự trị Quảng Tây và Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Phó Chủ tịch Quốc hội).

Thành Khắc Kiệt bị phát hiện có quan hệ bất chính với Lý Bình (Li Ping); hai người này đã cùng nhau thực hiện hàng loạt vụ tham nhũng lớn. Ông Thành bị điều tra về tội nhận hối lộ hơn 40 triệu CNY. Tháng 07/2000, Thành Khắc Kiệt bị kết án tử hình vì tội nhận hối lộ. Ông Thành ngay lập tức tiến hành kháng cáo nhưng bị tòa án cấp cao hơn bác bỏ. Tháng 09/2000, Thành Khắc Kiệt bị hành quyết, chỉ một tháng rưỡi sau khi tuyên án.

Thành Khắc Kiệt là quan chức cấp cao nhất từng nhận án tử hình vì tội nhận hối lộ trong lịch sử ĐCSTQ.

Một bài xã luận đăng ngày 21/09 trên một tờ báo chính thống của Trung Quốc nói rằng việc xử tử Thành Khắc Kiệt là tín hiệu chỉ ra rằng không ai có thể đứng trên luật pháp cho dù người đó có vị thế hiển hách đến đâu. "Việc xét xử Thành Khắc Kiệt cho thấy chính quyền đang làm hết mình trong đấu tranh chống tham nhũng", trích bài xã luận. Tuy nhiên, cần phải lưu ý ở đây rằng số tiền mà ông Thành tham nhũng chỉ bằng một phần nhỏ so với số tiền mà con trai của Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng) nhận hối lộ.

Theo nhiều nguồn tin, lý do thực sự khiến Thành Khắc Kiệt bị xử tử là vì ông ta đã làm mếch lòng Giang Trạch Dân. Ông Thành được cho là đã thể hiện sự quan tâm quá mức đối với ca sĩ Tống Tổ Anh (Song Zuying), một trong những người tình của Giang Trạch Dân.

Đọc tiếp: Chương II - Phần 5: Tham nhũng sinh sôi nảy nở

[6] Mulvenon, James. (2003, mùa xuân) To Get Rich Is Unprofessional, Chinese Military Corruption in the Jiang Era (Làm giàu không đúng cách, Quân đội Trung Quốc tham nhũng trong thời đại Giang Trạch Dân). China Leadership Monitor, Hoover Institution. https://www.hoover.org/research/get-rich-unprofessional-chinese-military-corruption-jiang-era

[7] Tang, Qing. (2015, ngày 19 tháng 6) China’s Communist Party Aristocracy Lines Up Behind Xi Jinping (Tầng lớp quý tộc trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng sau Tập Cận Bình). The Epoch Times. https://www.theepochtimes.com/chinas-communist-party-aristocracy-lines-up-behind-xi-jinping_1398499.html



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tà ác vô độ | II - 4: Giang Trạch Dân ghi hận, báo thù các đối thủ chính trị