Giáo sư đại học Trung Quốc công khai kêu gọi ông Tập từ chức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, một bức thư ngỏ từ giáo sư Lãnh Kiệt Phủ (Leng Jiefu) của Đại học Nhân dân Trung Quốc được lan truyền trên mạng, gây chấn động dư luận.

Bức thư của Giáo sư Lãnh Kiệt Phủ, nguyên chủ nhiệm khoa chính trị Đại học Nhân dân, được ký vào ngày 29/4/2020. Tiêu đề bức thư là "Thư ngỏ gửi chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Uông Dương, đề xuất Chủ tịch Tập Cận Bình từ chức mọi chức vụ trong đảng, chính phủ và quân đội".

Phóng viên của Epoch Times đã phỏng vấn chính Giáo sư Lãnh vào ngày 16/9. Ông xác nhận rằng mình đã viết bức thư lan truyền trên Internet này và đưa ra lời giải thích thêm.

Giáo sư Đại học Nhân dân khuyên ông Tập Cận Bình từ chức

Giáo sư Lãnh đã đưa ra ba gợi ý chính trong bức thư. Đầu tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương - ông Uông Dương nên triệu tập cuộc họp, tiến hành tham vấn chính trị và đề xuất kiến ​​nghị ông Tập từ chức. Trước tình hình hiện tại, ông Tập Cận Bình phải từ bỏ mọi chức vụ và "lùi để tiến, đây là sách lược tốt nhất để đối phó với khủng hoảng".

Bức thư chỉ ra rằng lý do cho đề xuất này là vì nhiều quốc gia yêu cầu Chủ tịch ĐCSTQ phải "chịu trách nhiệm" về dịch bệnh và đã yêu cầu bồi thường 350 nghìn tỷ USD.

Ông nói: "Hậu quả của việc quy trách nhiệm quá nghiêm trọng và khó lường. Vậy chúng ta phải giải quyết như thế nào? Chúng ta chống lại cả thế giới? Chúng ta quyết không chịu bất cứ trách nhiệm nào? Chúng ta cứ cứng đầu rằng ta không sợ chiến tuyến thống nhất của thế giới?".

Bức thư chỉ ra rằng những người truyền thông cực tả đã hành động một cách thô lỗ, thậm chí dùng cái gọi là ‘chủ nghĩa yêu nước’ để bắt cóc 1,4 tỷ người Trung Quốc, và chiến đấu đến cùng với cộng đồng quốc tế, cho đến khi 1,4 tỷ người Trung Quốc bị lôi vào một cuộc chiến tranh hạt nhân? Nếu các lãnh đạo cao nhất của Trung ương Đảng cũng nghĩ như vậy thì quả là quá ngây thơ và quá vô trách nhiệm với nhân dân và đất nước. Điều này là do Trung Quốc bị cô lập, phải đối mặt với thách thức của toàn thế giới! Chúng ta không có lấy một người bạn, chỉ có gánh nặng Triều Tiên.

Hơn nữa, hiện ĐCSTQ không có đủ thực lực. Nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, ĐCSTQ sẽ không thể chiếm được ưu thế, e rằng ‘vạn kiếp bất phục’.

"Vì vậy, tôi nghĩ: đối đầu cực tả không phải là một chiến lược tốt, chưa nói đến chiến tranh. Chiến lược tốt nhất của chúng ta là để Chủ tịch Tập Cận Bình từ bỏ tất cả các chức vụ với lý do sức khỏe và tạm thời tránh đối đầu", ông Lãnh nói.

Khuyến nghị Trung Quốc thực hiện chế độ liên bang

Kiến nghị thứ hai là Trung Quốc nên thực hiện một “chế độ liên bang" để giải quyết các vấn đề về thống nhất Đài Loan, các dân tộc thiểu số và Hong Kong.

Về Đài Loan, thư ngỏ chỉ ra rằng do có sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Trump nên việc thống nhất Đài Loan càng ngày càng không khả thi.

Giáo sư Lãnh nói: "Thành thật mà nói, sự ủng hộ của Tổng thống Trump đối với Đài Loan dân chủ trên thực tế là ủng hộ sự nghiệp dân chủ của nhân dân Trung Quốc. Hoa Kỳ không phải là kẻ thù của chúng ta, mà là người bạn tốt nhất của chúng ta. Hoa Kỳ đã giúp đỡ Trung Quốc nhiều nhất và chưa bao giờ xâm lược một tấc đất của chúng ta. Tổng thống Trump là tổng thống vĩ đại nhất trên thế giới. Sẽ là một sai lầm lịch sử khi coi Hoa Kỳ như kẻ thù. Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này với sự sáng suốt về chính trị và chúng ta phải cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ đã bảo vệ Đài Loan".

“Vì sự thống nhất của dân tộc, cần sáng lập “Liên bang Hợp chủng quốc Hoa Nam”. Việc thay thế hai chế độ bằng một chính phủ liên hiệp là một sự thống nhất đối đẳng và rất hợp lý”.

Ông nói rằng nếu ĐCSTQ muốn tiếp tục chế độ độc tài độc đảng, điều đó sẽ làm mất đi các cơ hội lịch sử. "Nghe có vẻ không hay, nhưng nếu tiếp tục chế độ độc tài độc đảng, thì chỉ có một cách là đợi Hoa Kỳ đưa ĐCSTQ xuống mồ".

Lá thư ngỏ nói về bản chất tiên tiến của hệ thống dân chủ Đài Loan từ các khía cạnh chính trị và kinh tế. Về kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của Đài Loan gấp 5 lần Đại lục; phúc lợi xã hội của Đài Loan đứng thứ hai trên thế giới và phúc lợi xã hội của Đại lục đứng thứ 159 trên thế giới. Về mặt chính trị, "Đảng Cộng sản đã thiết lập một chế độ độc tài lạc hậu thông qua cuộc nội chiến. Điều này không phải là vô lý sao?"

Về vấn đề dân tộc thiểu số, thư ngỏ chỉ ra xung đột sắc tộc ngày càng nghiêm trọng, vấn đề nằm ở hai khía cạnh. Một là vấn đề tự chủ. ĐCSTQ nói là tự trị, nhưng trên thực tế không có tự trị, đó là sự lãnh đạo tuyệt đối của ĐCSTQ, bởi vì người đứng đầu khu tự trị, bí thư thành ủy, đều là người Hán, đây không thể gọi là tự trị.

Thứ hai, là khi xung đột nổ ra, ĐCSTQ thường sử dụng các biện pháp bạo lực, bắn và trấn áp. Các thủ đoạn đàn áp ngày càng trở nên gay gắt hơn, đặc biệt là đối với người Duy Ngô Nhĩ, đã giết hại quá nhiều người, khiến quốc tế lo ngại. Xung đột sắc tộc ngày càng gay gắt cho thấy phương thức quản lý khu tự trị kiểu này đã hoàn toàn thất bại và phải đổi mới và tìm ra mô hình quản lý mới.

Thư ngỏ cho rằng giải pháp cho các xung đột sắc tộc hoặc khu vực trên thế giới về cơ bản là đi theo con đường của chủ nghĩa liên bang, và chủ nghĩa liên bang đã thành công. Các khu vực tự trị dân tộc của ĐCSTQ là một thất bại, cần phải chấm dứt và thay thế bằng chế độ liên bang.

Về vấn đề Hong Kong, bức thư cho rằng "chế độ liên bang là giải pháp chính trị khôn ngoan nhất".

"Vì lợi ích chiến lược của đại lục, ‘chế độ liên bang’ sẽ tốt hơn một quốc gia, hai chế độ". Giáo sư Lãnh nói, bởi vì một quốc gia, hai chế độ là "sản phẩm lóe lên" của Đặng Tiểu Bình nhằm giải quyết vấn đề lấy lại Hong Kong, nhưng nó đã để lại nhiều mâu thuẫn khi hai hệ thống xã hội dung hợp trong một chính phủ với những bản chất hoàn toàn khác nhau.

"Để cai trị Hong Kong, cần chấm dứt một quốc gia hai chế độ, thay thế nó bằng chế độ liên bang và bãi bỏ Điều 23 của Luật Cơ bản. Người Hong Kong sẽ thành lập" Chính phủ tự trị lâm thời Liên bang Hong Kong". Trước tiên, độc lập, xây dựng "Hiến pháp lâm thời Hồng Kông" và khôi phục diện mạo của cảng tự do trước đây. Để đạt được mục tiêu này, chỉ có một cách duy nhất là đi đến chế độ Liên bang", Giáo sư Lãnh nói.

Gợi ý thứ ba là: Nhiệm vụ hàng đầu của kinh tế Trung Quốc hiện nay là phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đề xuất đã hết hạn, thời gian không còn kịp

Kể từ sau đại dịch, ĐCSTQ kiểm soát chặt hơn nữa dư luận công chúng, trong đó bao gồm việc điều tra thế hệ ‘hồng nhị đại’ Nhậm Chính Cường (Ren Zhiqiang), khai trừ đảng giáo sư Thái Hà (Cai Xia) của trường Trung ương Đảng, giáo sư tại Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ và giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) của Đại học Thanh Hoa, v.v., đã khiến ngoại giới lo ngại về an toàn của giáo sư Lãnh.

Về vấn đề này, Giáo sư Lãnh Kiệt Phủ trao đổi với Epoch Times rằng với tư cách là một học giả trong thể chế ông chỉ là đưa ra một gợi ý cho chính quyền. Xuất phát điểm là một điều tốt. Nếu ý kiến ​​của ông được thông qua vào thời điểm đó, nó không chỉ có lợi cho ông Tập Cận Bình mà còn cho đất nước. Hơn nữa, "lá thư không có lời nào thể hiện sự không tôn trọng".

Nhưng ông cho biết hiện tại kiến nghị của ông đã lỗi thời, "Lá thư của tôi không được tính nữa, thời gian đã quá muộn, sự tình đã phát triển đến mức này, đến Liên bang cũng có thể không lập được".

Minh Thanh

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Giáo sư đại học Trung Quốc công khai kêu gọi ông Tập từ chức