Giáo viên Trung Quốc bị tước giấy phép giảng dạy do đặt câu hỏi về số người nhiễm Covid-19 chính thức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một giáo viên tiểu học Trung Quốc đã bị giam 10 ngày và bị thu hồi giấy phép giảng dạy vì đã lan truyền những “nhận xét không phù hợp” liên quan đến dịch bệnh viêm phổi (COVID-19).

Ông Song Junhong, 48 tuổi, là một giáo viên tiểu học ở Ô Đang, một huyện ở phía nam của tỉnh Quý Châu.

Vào ngày 3/2, ông Song đã viết trong một nhóm trò chuyện trên WeChat, một nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất của Trung Quốc, rằng anh không thể tin vào số ca tử vong do Coronavirus được báo cáo bởi chính quyền Trung Quốc.

Ông Song cũng viết trong một tin nhắn rằng, nhà tang lễ ở tâm dịch Vũ Hán đang hoạt động 24 giờ không ngừng nghỉ để hỏa táng thi thể và nói thêm: “Tôi không dám tưởng tượng đến số người chết”.

Trong một tin nhắn khác, ông cáo buộc các cơ quan chức năng về việc đánh giá thấp về số ca tử vong.

Ông viết: “Số người chết được báo cáo [chính thức] hoàn toàn là giả mạo. Mỗi ngày, riêng ở Vũ Hán đã có khoảng 500 người chết, đấy là chưa kể cả nước”.

Sau đó, ông Song đã xóa những nhận xét đó.

Vào ngày 2/3, ông Song nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng, vào khoảng 11h tối ngày hôm đó (ngày 3/2), cảnh sát địa phương đã tìm đến nhà ông và đưa ông về đồn cảnh sát để thẩm vấn. Cảnh sát cho ông xem lại bức ảnh chụp màn hình tin nhắn của ông được chụp bởi một người khác trong nhóm trò chuyện, và buộc tội ông đã lan truyền tin đồn.

Sau đó, cảnh sát ra lệnh bắt giam ông Song 10 ngày vì “hành vi bịa đặt gây rối trật tự công cộng”. Tội danh này được ghi trong một tài liệu do cảnh sát cung cấp khi ông Song được thả ra.

Thông báo thả ông Song tại Quý Châu, Trung Quốc, vào ngày 14/2/2020. (Được cung cấp bởi Song Junhong)
Thông báo thả ông Song tại Quý Châu, Trung Quốc, vào ngày 14/2/2020. (Được cung cấp bởi Song Junhong)

Ba ngày sau khi được thả ra, ông Song được thông báo rằng, phòng giáo dục địa phương đã triệu tập một cuộc họp và quyết định tước giấy phép giảng dạy của ông. Ông sẽ được coi là một công nhân hậu cần chứ không phải là một nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp, điều này sẽ làm tiền lương hàng năm của ông bị giảm 60.000 Nhân dân tệ (200 triệu VNĐ).

Ông Song cũng bị chỉ trích công khai ở quận Ô Đang và sẽ bị loại khỏi danh sách đánh giá chuyên môn năm nay. Trong cuộc họp của ủy ban giáo dục, một số quan chức, bao gồm cả bí thư phòng giáo dục và hiệu trưởng của trường tiểu học nơi ông Song làm việc, đã phải tự phê bình hoặc bị khiển trách vì những tin nhắn của ông. Để chứng minh điều này, ông Song cung cấp bức ảnh chụp ghi chú buổi họp cho The Epoch Times.

Ghi chú chụp từ cuộc họp của ủy ban giáo dục về tin nhắn của anh Song, tại Quý Châu, Trung Quốc, vào ngày 7/2/2020. (Được cung cấp bởi Song Junhong)
Ghi chú chụp từ cuộc họp của ủy ban giáo dục về tin nhắn của ông Song, tại Quý Châu, Trung Quốc, vào ngày 7/2/2020. (Được cung cấp bởi Song Junhong)

The Epoch Times đã nói chuyện với ông Song qua điện thoại vào ngày 2/3, nhưng cuộc phỏng vấn bị gián đoạn vì cảnh sát nhắc nhở.

Ông nói trước khi đột ngột kết thúc cuộc gọi: “Một thông báo của cảnh sát vừa gửi đến. Họ không cho phép tôi được phỏng vấn”.

Kiểm duyệt thông tin

Chính quyền và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo rằng người dân có thể bị trừng phạt vì phát tán “tin đồn” về dịch bệnh COVID-19.

Điều 291 của luật hình sự Trung Quốc tuyên bố rằng những người truyền bá “thông tin giả mạo” về các thảm họa và dịch bệnh trên Internet hoặc phương tiện truyền thông xã hội có thể phải đối mặt với án tù 7 năm.

Vào ngày 1/3, một quy định mới của Cục Quản lý Không gian mạng, văn phòng chính về kiểm duyệt Internet của chính quyền Trung Quốc, đã có hiệu lực. Quy định này cấm người dùng Internet truyền bá bất cứ điều gì có thể “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia như tiết lộ bí mật quốc gia, phá hoại quyền lực nhà nước và làm rối loạn sự thống nhất quốc gia”.

Quy định trên cũng kêu gọi các nhà sản xuất nội dung Internet chủ động ngăn chặn “những bình luận không phù hợp về thảm họa, bao gồm cả thiên tai và đại họa”, cũng như “bất kỳ nội dung nào khác có thể có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái Internet”.

Những biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh cố gắng thắt chặt kiểm soát thông tin về Coronavirus được chia sẻ trên Internet. Chính quyền đang tìm cách cho thế giới thấy rằng dịch bệnh đang được kiểm soát ở Trung Quốc.

Vào tháng 1, Lý Văn Lượng, một trong những bác sĩ Trung Quốc đầu tiên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vụ dịch này, đã bị cảnh sát địa phương triệu tập và cảnh cáo. Sau đó, bác sĩ Lượng đã qua đời vì virus ở tuổi 33. Ít nhất 3 nhà báo công dân, Fang Bin, Chen Qiushi và Li Zehua, đã biến mất ở Vũ Hán sau khi chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc những video trực tiếp ghi lại cuộc khủng hoảng.

“Nên có nhiều hơn một tiếng nói trong một xã hội lành mạnh”, bác sĩ Lý Văn Lượng nói với truyền thông Trung Quốc từ giường bệnh của mình ngay trước khi anh qua đời vào tháng 2.

Kể từ ngày 15/2, tỉnh Hồ Bắc đã thuê ít nhất 1.600 nhân viên kiểm duyệt trực tuyến. Những người này sẽ làm việc 24/7 để xóa thông tin nhạy cảm trên Internet.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Trung Quốc phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington đã ghi nhận 254 trường hợp bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ trong tuần từ ngày 22/1 đến ngày 28/1. Những người này sẽ bị trừng phạt dưới hình thức phạt tiền, cảnh cáo bằng lời nói, buộc tội hoặc buộc phải “giáo dục” do lan truyền tin đồn trên Internet về Coronavirus.

Người điều khiển tàu nhìn tàu dừng tại ga đường sắt Vũ Hán vào ngày 4/3/2020. (Noel Celis / AFP qua Getty Images)
Người điều khiển tàu nhìn tàu dừng tại ga đường sắt Vũ Hán vào ngày 4/3/2020. (Noel Celis / AFP qua Getty Images)

Các trường hợp nhiễm COVID-19 đã không được báo cáo

The Epoch Times trước đó đã báo cáo về bằng chứng cho thấy các nhà chức trách đã đánh giá thấp số lượng người bị nhiễm và tử vong do Coronavirus ở một số khu vực.

Một tài liệu bị rò rỉ của các nhà chức trách ở phía đông của tỉnh Sơn Đông cho thấy từ ngày 9/2 đến ngày 23/2 với số lượng ca nhiễm bệnh thực tế cao hơn 1,36 lần đến 52 lần so với con số báo cáo chính thức.

Vào đầu tháng 2, một quan chức cao cấp của nhà hỏa táng lớn ở Vũ Hán đã mô tả sự gia tăng đột biến số lượng thi thể hàng ngày được chuyển vào cơ sở này kể từ hôm 22/1.

Vị quan chức trên nói với The Epoch Times rằng, vào ngày 3/2, cùng ngày ông Song bị bắt, nhà tang lễ đã tiếp nhận tới 127 thi thể. Ông nói rằng số lượng thi thể này gấp năm lần so với mức bình thường.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 4/2, một công nhân Nhà tang lễ Caidian, một nhà tang lễ khác ở Vũ Hán cho biết, 90% công nhân ở đây đã làm việc suốt ngày đêm kể từ ngày 28/1. Một công nhân có tên là Yun, cho biết nhà tang lễ này cần ít nhất 100 túi đựng thi thể mỗi ngày. Do áp lực cao, các công nhân chỉ có thể ngồi trên ghế và ngủ trưa bất cứ khi nào có thể.

Anh Yun nói: “Tất cả các phòng hỏa táng tại Vũ Hán cũng đang hoạt động 24 giờ [một ngày]”.

Văn Thiện
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Giáo viên Trung Quốc bị tước giấy phép giảng dạy do đặt câu hỏi về số người nhiễm Covid-19 chính thức