‘Giết người giàu’ hay chia lại miếng bánh kinh tế béo bở? ĐCSTQ đang ‘giết chính mình’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyền thông Bắc Kinh lờ đi mọi thông tin về chuyến đi thị sát tình hình Trịnh Châu sau thảm họa của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Chỉ có ông Tập Cận Bình duy nhất tỏa sáng trên truyền thông như một hoàng đế ở Tây Tạng. Dấu hiệu nội bộ bất hòa chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong chính trường Bắc Kinh, đặc biệt khi chiến lược “thịnh vượng chung” và “giết người giàu” đang được ông Tập ráo riết thi hành. Trung Quốc đang tự đẩy mình đến bờ vực thẳm.

Một tháng sau trận lụt ở Trịnh Châu vào ngày 20/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến thị sát tình hình địa phương này sau thảm họa. Nhưng các kênh truyền thông Trung Quốc hoàn toàn không đưa tin gì về chuyến đi trên, chỉ có trang web chính phủ của Quốc vụ viện đưa tin. Điều này cho thấy, ông Tập Cận Bình không đi, nhưng cũng không để ông Lý Khắc Cường “tỏa sáng”. Bộ Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể đã phong tỏa thông tin chuyến đi của ông Lý. Loại quan hệ tổ chức này chỉ có trong các quốc gia độc đảng, ngay cả việc ngụy tạo “đoàn kết chống giặc” cũng là điều không cần thiết.

Lục đục nội bộ

Điều kỳ lạ hơn nữa là, khi Trịnh Châu xảy ra lũ lụt, ông Tập đã đến Tây Tạng thay vì đến Trịnh Châu; ông Lý Khắc Cường đến Trịnh Châu, còn ông Uông Dương - Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đến Tây Tạng để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày ĐCSTQ tiến quân vào Tây Tạng.

Việc hai vị của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ liên tiếp đi Tây Tạng trong vòng một tháng là điều chưa từng có trước đây, thậm chí một năm cũng cũng không có. Hơn nữa, năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Vương Nghị cũng đột ngột đi Tây Tạng. Bí ẩn của những chuyến đi Tây Tạng này đến nay vẫn chưa được tiết lộ.

Ông Uông Dương, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, bất ngờ tham dự cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương ĐCSTQ sau cuộc họp ở Bắc Đới Hà. Điều này cho thấy xu hướng ông Uông sẽ thay thế ông Lý Khắc Cường.

Nhiều người nghĩ rằng ông Uông có tư tưởng khá mở cửa. Nhưng sự thật có phải vậy? Trong cuộc họp lần này, ông Uông đã đưa ra cái gọi là "giết người giàu" để hợp lý hóa với chính sách “thịnh vượng chung” mà ông Tập Cận Bình đã thúc đẩy trong cuộc họp ở Bắc Đới Hà.

Giết người giàu nhưng có người giàu nào ở Trung Quốc mà không có quan hệ sâu sắc với quan chức của Bắc Kinh?

Ví dụ, chỉ liên quan đến vụ việc của Alibaba. Cuộc đàn áp tập đoàn công nghệ tư nhân này đã dẫn tới việc Bắc Kinh “đả” 4 con hổ lớn ở Chiết Giang.

Ủy ban Giám sát Nhà nước thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc thông báo vào ngày 21/8 rằng, ông Châu Giang Dũng (Zhou Jiangyong), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang kiêm Bí thư Thành ủy Hàng Châu, bị tình nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật, hiện đang bị giám sát điều tra.

Trước khi “đả” con hổ lớn của Chiết Giang này, 3 quan chức Chiết Giang khác đã ngã ngựa.

Cũng giống như các thông báo điều tra khác, Ủy ban Giám sát Nhà nước không nêu bất kỳ nội dung nào về vụ án; trong lý lịch của ông Châu, ngoài các chức vụ trong đảng và chính quyền, không có đề cập đến gia đình hay các mối liên hệ cá nhân khác.

Tuy nhiên, các kênh truyền thông nhà nước đã sử dụng WeChat để đưa ra một thông điệp, nói rằng chính quyền trung ương cảnh báo Chiết Giang, đặc biệt là các quan chức Hàng Châu, ngay lập tức cắt đứt quan hệ với nhóm lợi ích doanh nghiệp. Chiết Giang đã ngay lập tức phát động quan chức "tự kiểm tra và tự sửa sai", có tới 30.000 quan chức đương nhiệm và đã nghỉ hưu phải tham gia.

Sự thật này cho thấy chính sách này không phải là “diệt thổ hào” đơn thuần, mà chính là phân chia lại miếng bánh kinh tế tư nhân (nền kinh tế thân hữu với các quan chức các cấp của ĐCSTQ) đã nở to sau nhiều năm trong nội bộ của ĐCSTQ mà thôi.

Thịnh vượng chung - Màn phân chia lại quyền lực, tài sản giữa các quan chức trong ĐCSTQ

Đề xuất chính sách “thịnh vượng chung” của ông Tập trên bề mặt là vì “thúc đẩy công bằng chính nghĩa trong xã hội”, nhưng thực chất đó chính là màn “tái hiện” lịch sử cướp bóc mà ĐCSTQ vẫn cho là đương nhiên kể từ khi lên nắm quyền. Nhưng khác với quá khứ, màn cướp bóc này sẽ phần lớn cướp của chính các quan chức trong nội bộ. Thanh trừng nội bộ sẽ trầm trọng hơn nhiều.

Từ việc "đánh thổ hào, phân ruộng đất", "đánh thổ hào, phân tài sản"Tĩnh Cương Sơn - nơi sinh ra Hồng quân ĐCSTQ và là cái nôi của "cách mạng Trung Quốc", đến tịch thu tư sản quan liêu và ruộng đất của địa chủ, cải tạo xã hội chủ nghĩa, tịch thu tài sản, tư hữu hoá, v.v. tất cả đều là những tên gọi trá hình khác nhau mà ĐCSTQ đặt ra cho hành vi cướp bóc của họ tại các thời kỳ khác nhau.

Tuy nhiên, tình hình xã hội hiện nay ở Trung Quốc khác với việc đóng cửa (ngăn sông cấm chợ) và tự cung tự cấp trong quá khứ. Chính sách này rõ ràng là hành vi tự sát.

Trong những ngày đầu cải cách mở cửa, Đặng Tiểu Bình không sai khi nói rằng “hãy để một số người làm giàu trước”, sai ở chỗ là không nên dựa vào quyền lực để làm giàu.

Gốc rễ sai lệch của đường lối kinh tế của ĐCSTQ chính là nằm ở chế độ độc đảng. Việc chính quyền tấn công cướp đoạt tài sản của các doanh nghiệp tư nhân hiện nay, là được học từ việc "càn quét băng đảng" của Bạc Hy Lai, từ đó tạo cớ để tịch thu tài sản của các doanh nghiệp tư nhân.

ĐCSTQ cần tiền để tập quyền hay tự sát?

Chính quyền ĐCSTQ sẽ phân phối số tài sản này cho người dân? Không, nó sẽ được dùng để phát triển vũ khí, lấy dự án “Một vành đai, Một con đường” để mua chuộc các quốc gia khác và nhân cơ hội tham ô. Trong cơ cấu kinh tế của Trung Quốc, doanh nghiệp tư nhân là linh hoạt và hiệu quả nhất. Như vậy, việc tấn công doanh nghiệp tư nhân chính là đánh vào GDP của Trung Quốc.

Việc cấm dạy thêm cũng được tuyên bố là vì công bằng xã hội: con cái của những người giàu có (chủ yếu là tầng lớp trung lưu) được đi học thêm, được học hành tử tế, sau đó tiến vào tầng lớp xã hội thượng lưu. Còn con cái của những người nghèo sẽ luôn trở thành tầng lớp dân trí thấp.

Lẽ ra ĐCSTQ phải khuyến khích, tạo điều kiện cho những con em người nghèo được học hành tử tế, nhưng họ đã không làm vậy. Ở đâu có việc cấm dạy thêm để con em nhà nghèo không có cơ hội nâng cao tri thức?

Hiện nay nhiều nơi ở Đại Lục đã hạn chế dạy hoặc hủy bỏ môn tiếng Anh khỏi chương trình giáo dục. Đó chẳng phải là tự hạ thấp trình độ học vấn của cả nước hay sao? Có phải vì ông Tập lo sợ rằng, tiếng Anh sẽ khiến người dân Trung Quốc tiếp xúc được với ngoại giới nhiều hơn, hoặc đọc được nhiều sự thật hơn từ truyền thông quốc tế, từ đó đe dọa đến quyền lực trong tay ông ta?

Ông Tập Cận Bình đang khôi phục chủ nghĩa bình quân tuyệt đối của Mao Trạch Đông. Năm 1958, ĐCSTQ đã phá hủy nền kinh tế Trung Quốc bằng chính sách bình quân tuyệt đối của Mao, dẫn đến nhiều nạn đói trên cả nước và lấy đi tính mạng của hàng chục triệu người dân Trung Quốc vô tội.

Như vậy, Mỹ không cần nỗ lực để tách ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình hiện nay, ĐCSTQ đã đang tự làm điều đó. Ông Tập muốn “tự sát” là việc của cá nhân ông ta, nhưng đáng thương nhất chính là những người dân Trung Quốc vô tội sẽ phải chết cùng ông ta.

Mai Hạ

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

‘Giết người giàu’ hay chia lại miếng bánh kinh tế béo bở? ĐCSTQ đang ‘giết chính mình’