Hai ‘chiến lang’ ngoại giao hàng đầu Trung Quốc sắp hết tuổi, ai sẽ kế nhiệm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo quy ước bất thành văn về độ tuổi “67 lên, 68 xuống” của lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai quan chức ngoại giao cấp cao nhất là ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương, và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đều được cho là sẽ giải nhiệm nghỉ hưu. Ngoại giới đang suy đoán về những người kế nhiệm hai vị trí này.

Theo bài báo đăng ngày 6/7 của Nikkei Asia, dựa trên nguyên tắc nhân sự "bảy lên tám xuống", tức là 67 tuổi thăng chức, 68 tuổi hạ chức, của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Dương Khiết Trì năm nay 72 tuổi và ông Vương Nghị hiện cũng đã 68 tuổi đều nằm trong độ tuổi bị ảnh hưởng. Hệ thống đối ngoại của Trung Quốc sắp đón nhận một cuộc biến động nhân sự cấp cao lớn nhất trong thập kỷ qua.

Nikkei Asia cho rằng, kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn và đề cao lòng tự tôn dân tộc. Ngoài tích cực mở rộng các căn cứ quân sự ở nước ngoài, chính sách "Ngoại giao chiến lang" – dùng lời lẽ dữ dội để đáp trả các nước – cũng trở thành chính sách đối ngoại chủ yếu của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Ai sẽ thay thế Dương Khiết Trì?

Tờ Nikkei Asia cho rằng, cùng với cuộc chiến Nga - Ukraine gây tác động đến trật tự toàn cầu và tình hình ngày càng căng thẳng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, người thay thế ông Dương Khiết Trì, cũng là vị trí đầu tàu ngoại giao của Trung Quốc, đã trở thành tâm điểm chú ý của ngoại giới. Theo Nikkei Asia, ông Tập Cận Bình có thể bỏ qua nguyên tắc "bảy lên tám xuống" và để ông Vương Nghị 68 tuổi thay thế ông Dương, nhưng vì ông Vương không phải là thân tín của ông Tập nên khả năng này không lớn.

Có suy đoán khác cho rằng, ông Tập Cận Bình có thể trực tiếp hủy bỏ vị trí hiện tại của ông Dương Khiết Trì trong Bộ Chính trị để gạt đi rắc rối tìm người kế nhiệm. Nhưng Nikkei Asia cho rằng điều đó khó xảy ra, vì cách làm đó sẽ đi ngược lại xu hướng trong những năm gần đây của ông Tập Cận Bình là nâng cao địa vị của cơ quan ngoại giao trong đảng.

Theo phân tích của Nikkei Asia, dựa trên lý lịch và tư cách, ông Tống Đào (Song Tao), 67 tuổi, cựu Trưởng Ban liên lạc đối ngoại Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, người từng làm việc ở Phúc Kiến trong một thời gian dài, là có thể người kế nhiệm. Tuy nhiên, vào tháng 5 vừa qua, nội bộ ĐCSTQ lại lan truyền thông tin ông Tống đã được chuyển sang một chức vụ khác và sắp nghỉ hưu. Điều đó cho thấy rằng ông có thể sẽ mất chức Ủy viên Trung ương và Trưởng Ban liên lạc đối ngoại.

Sau khi loại bỏ khả năng của ông Tống Đào, ứng cử viên sáng giá nhất hiện giờ là ông Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi), Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Đài Loan của Quốc vụ viện. Ông Lưu sẽ tròn 65 tuổi vào tháng 12 năm nay, không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn tuổi tác, ông còn được kỳ vọng sẽ nâng cao ảnh hưởng của Trung Quốc trong các tổ chức và môi trường quốc tế. Do trước đó ông từng là Đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Phó trưởng Ban liên lạc đối ngoại Trung ương, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, v.v.

Tờ Nikkei Asia giải thích thêm rằng nếu ông Lưu Kết Nhất thực sự đảm nhiệm chức vụ của ông Dương Khiết Trì, nó có nghĩa là ông Tập cho rằng quan hệ hai bờ eo biển đang xấu đi, vấn đề Đài Loan phải được đặt lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, và phía Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh tốc độ thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Nikkei Asia cũng cho rằng, cho dù Lưu Kết Nhất không trở thành người kế nhiệm Dương Khiết Trì, ông vẫn là một ứng cử viên nặng ký cho chức Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tiếp theo.

Người kế nhiệm Vương Nghị

Nikkei Asia cho rằng, ba Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đương nhiệm là các ông Mã Triêu Húc, Tạ Phong và Đặng Lệ đều có cơ hội cạnh tranh vị trí Bộ trưởng. Trong đó, ông Mã Triêu Húc 58 tuổi là người có tiếng nói nhất. Ông trước đây từng là Đại sứ Trung Quốc tại Úc, Đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Văn phòng Liên Hợp Quốc ở Geneva, Đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Với kinh nghiệm dày dặn trong các cuộc đàm phán đa phương, ông được cho là sẽ giúp Trung Quốc nâng cao vị thế quốc tế.

Ngoài ra, ông Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng), cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, vốn được cho là sẽ cạnh tranh vị trí này, nhưng gần đây đã được chuyển sang làm Phó cục trưởng Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Nhà nước, nên ứng viên này có thể loại bỏ. Nikkei Asia cho rằng ông Lạc là một chuyên gia về các vấn đề Nga, lẽ ra nên được trọng dụng trong cuộc chiến Nga - Ukraine, nhưng một số nhà bình luận tiết lộ rằng phản ứng chậm chạp ban đầu của Trung Quốc đối với cuộc chiến này dường như đã đẩy lên ông Lạc không ít tai tiếng.

Tờ Nikkei Asia cũng phải thừa nhận rằng, ông Tập Cận Bình vẫn có khả năng sẽ không tuân theo quy ước ngầm và trực tiếp chỉ định các thân tín trong ban lãnh đạo cấp cao tiếp quản hai vị trí trên. Ông Lưu Hải Tinh (Liu Haixing), 59 tuổi, Phó chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương, và ông Đặng Hồng Ba (Deng Hongbo), 57 tuổi, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương, cũng có thể nằm trong danh sách ứng cử viên.

Đông Phương

Theo Vision Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Hai ‘chiến lang’ ngoại giao hàng đầu Trung Quốc sắp hết tuổi, ai sẽ kế nhiệm?