Hành động khiêu chiến của Trung Quốc tại vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các hành động khiêu chiến của Trung Quốc tại vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ đã đem đến những quan ngại, khiến các nhà phân tích đặt câu hỏi về thời điểm và lý do đụng độ giữa lực lượng biên phòng của hai nước tại hai địa điểm trong vài tuần qua.

Nhiều cuộc đụng độ bạo lực đã xảy ra gần đây dọc theo khu vực biên giới tranh chấp dài 2.167 dặm, được gọi là Đường Kiểm soát Ấn Độ - Trung Quốc (LAC) trên lãnh thổ Ladakh phía Đông Himalaya và Sikkim, miền Trung Himalaya của Ấn Độ giáp giới với Bhutan.

Trung tướng Gurmit Singh, cựu Phó tổng tư lệnh quân đội Ấn Độ đã nghỉ hưu sau 40 năm phục vụ cho biết, những cuộc xung đột gần đây giữa lực lượng tuần tra biên giới của Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra vào ngày 5/5 và 9/5 tại khu vực hồ Pangong Tso, cận kề với Tây Tạng.

Phản hồi với The Epoch Times từ New Delhi, ông Singh cho biết: “Ngày 5/5 đã xảy ra đụng độ. Lính biên phòng hai nước đấm đá xô đẩy nhau. Vào ngày 9/5, có một cuộc đụng độ khác ở khu vực phía Bắc Sikkim. Họ dẫm đạp lên nhau. Bảy binh sĩ Trung Quốc và bốn binh sĩ Ấn Độ đã bị thương”.

“Kể từ đó, mức độ căng thẳng gia tăng ở thung lũng Galwan, phía Bắc của khu vực hồ Pangong Tso và phía Đông Ladakh”, ông Singh nói. Ông cho biết những tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc là do hai quốc gia có mâu thuẫn về nhận thức đối với Đường kiểm soát LAC.

Kể từ khi mâu thuẫn bắt đầu, Trung Quốc đã xây dựng 80 đến 100 doanh trại, trang bị xe hạng nặng và vũ khí hạng nặng, và đã bắt đầu xây dựng các hầm trú ẩn tại thung lũng Galwan.

Đồng thời, Ấn Độ đã triển khai binh lính trong khu vực. Song song với các kênh ngoại giao khác, một đường dây nóng được mở giữa Tư lệnh quân đội Trung Quốc và Tư lệnh quân đội Ấn Độ ở phía Đông Ladakh, ông Singh cho biết.

Ông cũng nói rằng quân đội Ấn Độ gửi lời cảnh báo: “Họ đã chuẩn bị sẵn sàng”.

Theo hãng thông tấn Press Trust của Ấn Độ cho biết, Trung Quốc đổ lỗi cho Ấn Độ gây ra mâu thuẫn, nói rằng Ấn Độ xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ phủ nhận điều này.

Hình ảnh của một người lính Trung Quốc (trái) và một người lính Ấn Độ đang đứng gác ở địa phận Trung Quốc tại đèo Nathula - ranh giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Sikkim. (Hình ảnh Diptendu Dutta / AFP / Getty Images)
Hình ảnh của một người lính Trung Quốc (trái) và một người lính Ấn Độ đang đứng gác ở địa phận Trung Quốc tại đèo Nathula - ranh giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Sikkim. (Hình ảnh Diptendu Dutta / AFP / Getty Images)

Chiến thuật của Trung Quốc: ‘Tranh cãi về lãnh thổ, liên tục gây sức ép’

Aparna Pande, nhà nghiên cứu và là giám đốc của Sáng kiến ​​về Tương lai của Ấn Độ và Nam Á của Học viện Hudson ở Washington, nói với The Epoch Times rằng hành động xây dựng các khu vực trú ẩn của chính quyền Trung Quốc dọc theo lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ ở Ladakh là một chiến thuật mà họ đã áp dụng với nhiều quốc gia láng giềng khác.

Bà Pande nói: “Đây là chiến thuật của họ: Tranh cãi về lãnh thổ, liên tục gây sức ép và ‘nắn gân’ đối phương, sau đó xây dựng khu vực trú ẩn cố định rồi đóng quân ở đó. Rồi sau một thời gian, tiến tiếp về phía trước”. Bà Pande cũng nói rằng Trung Quốc đã áp dụng đường lối hung hăng tương tự với Nhật Bản, Nga, Myanmar, Việt Nam và Philippines.

“Chúng ta thấy rồi, Trung Quốc cũng hành động như vậy trên vùng biển đảo, xây dựng đảo nhân tạo và tuyên bố lãnh thổ. [Chính quyền Trung Quốc] đưa ra những yêu sách lãnh thổ hoang đường”.

Ông Singh nói rằng việc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa xây dựng hầm trú ẩn là vấn đề lớn vì đó không phải ở khu vực biên giới mà là trên LAC, và những chuyện tương tự đồng thời đang xảy ra trong các khu vực khác của châu Á.

Ông trích dẫn ví dụ về con đường mà Ấn Độ khánh thành vào ngày 5/5 ở bang Uttaranchal (tại khu vực biên giới của Nepal và Trung Quốc) đã bị người Nepal phản đối; và một con đập mà Pakistan đang xây dựng ở khu vực Khyber Pakhtunkhwa do Pakistan chiếm đóng thuộc vùng tranh chấp Jammu và Kashmir.

Con đập, được khánh thành vào ngày 2/5, nằm ở cùng khu vực nơi Trung Quốc và Pakistan đang xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc- Pakistan, một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc chạy từ Tân Cương đến bờ biển phía Nam Pakistan. Con đập này là công trình liên doanh của Tập đoàn vũ trụ Trung Quốc (CGGC) và công ty Descon Engineering của Pakistan.

Trong khi ông Singh nói rằng: “Cần phải liên kết tất cả các công trình này với nhau để phân tích tình hình”, bà Pande cho rằng chính quyền Trung Quốc đang sử dụng Pakistan và Nepal để gây sức ép lên Ấn Độ.

Các binh sĩ Trung Quốc tại khu vực đèo Nathula ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc thuộc bang Sikkim miền Đông Bắc của Ấn Độ. (Hình ảnh STR / AFP / Getty Images)
Các binh sĩ Trung Quốc tại khu vực đèo Nathula ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc thuộc bang Sikkim miền Đông Bắc của Ấn Độ. (Hình ảnh STR / AFP / Getty Images)

Hoa Kỳ sẵn sàng giúp hòa giải tranh chấp biên giới

Bà Pande cho biết, sự gây hấn với Ấn Độ ở khu vực biên giới của chính quyền Trung Quốc là nhằm mục đích bẻ lái dư luận thế giới khỏi đại dịch viêm phổi Vũ Hán do họ gây ra.

Bà nói: “Trong những năm qua, Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới. Tuy chậm hơn, nhưng Ấn Độ cũng đã xây dựng rất nhiều đường băng cũng như những con đường sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết, v.v”.

“Các hành động hiếu chiến của Trung Quốc là nỗ lực để ngăn chặn Ấn Độ củng cố biên giới phía họ. Bắc Kinh đang hy vọng chuyển hướng chú ý của thế giới khỏi đại dịch viêm phổi Vũ Hán”, bà nói thêm.

Ngày 27/5, Tổng thống Donald Trump cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng đứng ra hòa giải giữa Ấn Độ và Trung Quốc để giúp họ giải quyết vấn đề tranh chấp.

Tổng thống Trump viết trên Twitter: “Chúng tôi đã thông báo cho cả Ấn Độ và Trung Quốc rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng, đầy thiện chí và có thể hòa giải hoặc phân xử tranh chấp biên giới giữa họ".

Mặc dù cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không tìm kiếm bất kỳ sự can thiệp nào từ Hoa Kỳ hoặc cộng đồng quốc tế, nhưng Trung Quốc sẽ bị thất vọng bởi lời đề nghị của Tổng thống Trump, bà Pande cho hay.

“So với Delhi, Bắc Kinh sẽ khó chịu hơn về lời đề nghị này của Tổng thống Trump bởi vì như thế có nghĩa là Hoa Kỳ đang đánh đồng Ấn Độ và Trung Quốc và đó là điều Bắc Kinh chưa bao giờ chấp nhận”, bà nói.

Theo ông Singh, có thể có nhiều lý do đằng sau sự khiêu chiến gần đây của Trung Quốc ở biên giới. Có thể là do tình hình chính trị nội bộ bên trong Trung Quốc, áp lực toàn cầu đối với chính quyền Trung Quốc về trách nhiệm trước đại dịch, hoặc đó có thể là vì sự bùng nổ của cuộc chiến tranh lạnh Mỹ - Trung.

Ông cũng nói, nguyên nhân gây hấn cũng có thể là do vào ngày 22/5, Ấn Độ được nhận vai trò lãnh đạo với tư cách là chủ tịch Ban điều hành Tổ chức Y tế Thế giới WHO; hoặc cũng có thể là do có nhiều quốc gia ủng hộ Đài Loan trở thành quan sát viên của WHO.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hành động khiêu chiến của Trung Quốc tại vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ