Hậu duệ Nguyên soái Diệp Kiếm Anh lên tiếng về vụ 'bà mẹ 8 con Từ Châu'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cháu gái của ông Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying), một trong Thập đại Nguyên soái dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mới đây đã lên tiếng trên Weibo về vụ việc "người phụ nữ bị xích" ở Từ Châu. Bà nói rằng, "huyện Phong chắc chắn chỉ là phần nổi của tảng băng trôi".

Vào ngày 21/2, bà Diệp Tĩnh Tử (Ye Jingzi, Maggie Ip), Chủ tịch của Công ty TNHH Tập đoàn Văn hóa Tinh Tế Hong Kong (Brilliant Culture Group Limited), đăng một thông báo trên tài khoản Weibo cá nhân có dấu tick rằng: "Vào ngày 15/2, các con đường ở huyện Phong đã bị phong tỏa. Có vẻ như sự chú ý của mọi người đã gây áp lực cho khu vực địa phương. Nhưng những gì chúng tôi muốn thấy là cách giải quyết vụ việc, chứ không phải là tô vẽ vẻ thái bình trong sự cưỡng ép".

Bà nói tiếp: "Đã ngầm thừa nhận rồi thì hãy nghĩ cách giải quyết triệt để vấn đề đi, huyện Phong chắc chắn chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, còn các nơi khác thì sao? Thế kỷ 21 rồi vẫn còn những hành vi [như thời] nguyên thủy như vậy, nhân tính đi đâu mất rồi?".

Theo những hình ảnh được bà Diệp Tĩnh Tử đăng tải, vào ngày 15/2, Đội Cảnh sát Giao thông thuộc Công an huyện Phong đã ra thông báo cho biết, toàn bộ tuyến đường 301 ở huyện Phong sẽ bị chặn lại để thi công; các phương tiện bị cấm lưu thông trên đoạn đường này đến ngày 30/6/2022.

Lời ủng hộ của Ye Jingzi đối với vụ "cô gái đeo dây chuyền" ở huyện Phong, Từ Châu trên Weibo đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Lời ủng hộ của bà Diệp Tĩnh Tử đối với vụ "người phụ nữ bị xích" ở huyện Phong, Từ Châu trên Weibo đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng. (Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình trang web)

Ngoại giới quan sát thấy rằng, trước đó, bà Diệp cũng từng chia sẻ một phóng sự có tên "Tội nhân", và nói rằng đó là một "bi kịch nhân gian". Bài phóng sự kể lại trải nghiệm cá nhân nhiều năm trước tại một nhà ga của Lao Phu, cựu Giám đốc Trung tâm Bảo hiểm Xã hội thuộc Cục Đường sắt Tây An và cũng từng là trưởng bộ phận tàu:

Cặp vợ chồng Giáo sư Mạc đến từ Viện hóa học Thượng Hải cùng cảnh sát Thượng Hải đến Từ Châu giải cứu cô con gái bị bắt cóc đem bán, khi ấy cô đang học nghiên cứu sinh. Kết quả là bị trưởng thôn đưa hơn 100 người đến nhà ga xe lửa chặn đường. Hai vợ chồng và cảnh sát không còn cách nào khác là phải trả tiền để chuộc con gái. Nhưng sau khi trở về Thượng Hải, con gái bà đã chết sau một thời gian dài bị hành hạ. Trước khi chết, cô gái đã kể lại lần lượt từng chuyện đã xảy ra trong những năm bị bức hại, từ việc bị cả làng theo dõi để ngăn cô chạy trốn, đến việc bị người bỏ tiền ra mua cô về lột sạch quần áo rồi cưỡng hiếp. Sau đó, vợ của giáo sư Mạc đã tự sát, còn ông thì đến ngôi làng kia đầu độc một nửa người trong làng rồi đi tự thú.

Về gia tộc họ Diệp trong ĐCSTQ

Bà Diệp Tĩnh Tử sinh năm 1975 tại Bắc Kinh, có gia thế hiển hách. Ông nội của bà là Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, một trong những lãnh đạo thế hệ thứ hai của ĐCSTQ. Cha của bà là Trung tướng Diệp Tuyển Ninh (Ye Xuanning), từng là Cục trưởng Liên lạc thuộc Tổng bộ Chính trị Giải phóng quân, Ủy viên Thường vụ Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Chồng bà là ông Vương Kinh Dương (Wang Jingyang), cháu trai của Thượng tướng Vương Chấn (Wang Chen) – một trong bát đại nguyên lão của ĐCSTQ.

Gia tộc họ Diệp là một trong những gia tộc có sức ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc đương đại, có mối quan hệ rộng rãi trong giới quân sự và chính trị của ĐCSTQ. Ông Diệp Kiếm Anh đã có những đóng góp to lớn trong việc đập tan "Bè lũ bốn tên", ủng hộ sự trở lại của ông Đặng Tiểu Bình, và có những đóng góp cho nhà họ Tập. Sau sự sụp đổ của "Bè lũ bốn tên" vào tháng 10/1976, ông Diệp Kiếm Anh đã giúp ông Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), cha của ông Tập Cận Bình, người khi đó vẫn đang bị cải tạo lao động ở Lạc Dương, khôi phục công tác. Còn ông Diệp Tuyển Ninh đóng vai trò là "sĩ quan liên lạc" cho cả hai bên tại thời điểm đó.

Ông Diệp Tuyển Ninh còn được coi là "lãnh tụ tinh thần" của tầng lớp đặc quyền “hồng nhị đại” trong ĐCSTQ. “Hồng nhị đại”, hay còn gọi là “thế hệ Đỏ thứ hai”, là đời con cái của những công thần xây dựng ĐCSTQ từ thời kỳ đầu (tương tự, thế hệ con cái của ‘hồng nhị đại’ được gọi là ‘hồng tam đại’). Truyền thông Hong Kong tiết lộ rằng để giúp ông Tập Cận Bình củng cố địa vị, ông Diệp Tuyển Ninh đã từng giao 3.000 quân mai phục ở nước ngoài cho ông Tập, đồng thời còn giao giấy chứng nhận tiền gửi ngân hàng ở nước ngoài của các chức sắc ĐCSTQ cho ông Tập, v.v.

Liệu tiếng nói của tầng lớp đặc quyền có thể giúp chân tướng vụ việc hiển lộ?

Nhà bình luận về vấn đề thời sự người Hoa, ông Tần Bằng (Qin Peng) nói rằng việc bà Diệp Tĩnh Tử bày tỏ quan điểm có mang ý nghĩa tích cực, đó là nó sẽ có thể gây áp lực khiến các quan chức ĐCSTQ cần bảo đảm sự công bằng ngay chính trong khi xử lý vụ việc “người phụ nữ bị xích cổ”; và sẽ tạo ra áp lực để xóa sạch hiện tượng buôn bán phụ nữ tồn tại bấy lâu nay ở Trung Quốc.

Trước việc “hồng tam đại” Diệp Tĩnh Tử lên tiếng về vụ "người phụ nữ bị xích", có cư dân mạng bày tỏ rằng: "Chị Tĩnh Tử, hãy quan tâm hơn và nói cho các nhân vật lớn xung quanh chị biết. Đây thực sự là một sự việc nghiêm trọng".

Cũng có cư dân mạng nhắc nhở: "Chủ tài khoản Weibo cẩn thận bị khóa. Bây giờ đi đâu cũng bị bịt miệng. Năm 2022 rồi mà còn thấy chuyện cả người và Thần đều phẫn nộ".

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Hậu duệ Nguyên soái Diệp Kiếm Anh lên tiếng về vụ 'bà mẹ 8 con Từ Châu'