Hậu quả kinh hoàng khi nói ra sự thật trái với ý của ĐCS Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở Trung Quốc, người ta sợ phải nói, nhất là nói ra sự thật. Tác giả Tiền Định Dung đã lấy ví dụ về Nạn đói lớn để phân tích và chỉ ra hậu quả của việc không được phép nói ra sự thật ở Trung Quốc.

Số người chết ở Trung Quốc trong Nạn đói lớn 1959-1962

Gần đây, trên mạng xuất hiện báo cáo về "Những cái chết bất thường trên toàn quốc từ 1959 - 1962". Theo nguồn tin, vào tháng 9/2005, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra quyết định sau hai lần thảo luận, đó là dỡ bỏ niêm phong một phần tài liệu lịch sử về Nạn đói lớn 1959-1962. Nhưng vì một lý do nào đó, các tài liệu được dỡ niêm phong lại bị nghiêm cấm công khai và chỉ có một số quan chức cấp cao nhất định mới được phép tiếp cận các tài liệu này.

Ví dụ, quy định các cơ quan chuyên môn phải trao đổi trực tiếp với nhau, sau đó phải được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, rồi đến Văn phòng Thông tin của chính quyền tỉnh và bộ phận nhân sự phê duyệt; không được sử dụng tài liệu này cho mục đích tin tức thời sự, chính luận, tuyên truyền; còn quy định các sở, ban, ngành và viên chức được phép thẩm duyệt những tài liệu này phải đăng ký và lập hồ sơ, v.v.

Sau đây là tóm tắt về dân số chết đói và chết bất thường trên toàn Trung Quốc được công bố trong tài liệu:

  • Năm 1959, có 5,22 triệu người chết ở 17 tỉnh trên cả nước, trong đó hơn 958.000 người là dân thành thị.
  • Năm 1960, có tổng số 11,55 triệu người chết ở 28 tỉnh trên cả nước, trong đó có hơn 2,72 triệu người ở thành thị.
  • Năm 1961, tổng cộng có 13,27 triệu người chết trên toàn Trung Quốc, trong đó thành thị hơn 2,177 triệu người.
  • Năm 1962, tổng cộng có 7,518 triệu người chết trên toàn Trung Quốc, trong đó có hơn 1,078 triệu người ở thành thị.

Theo thống kê trên, "ba lá cờ đỏ" (ý chỉ: Đường lối chung xây dựng chủ nghĩa xã hội của ĐCSTQ, Đại nhảy vọt và Công xã nhân dân) đã gây ra tổng cộng 37,558 triệu cái chết. Con số này rất gần với ước tính về số người chết đói mà ông Dương Kế Thừng (Yang Jisheng) đưa ra trong cuốn sách "Tombstone: The Great Chinese Famine, 1958-1962" (tạm dịch: “Bia mộ: Nạn đói lớn ở Trung Quốc, 1958-1962”) - ít nhất 36 triệu người.

Ông Dương Kế Thừng là một phóng viên nhiều thâm niên của Tân Hoa Xã. Năm 1959, cha của ông Dương đã chết đói trong thảm họa đó. Hốc mắt trũng sâu và đôi bàn tay khô khốc trước khi cha trút hơi thở cuối cùng là nỗi đau muôn thuở trong lòng ông, đó cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến ông nảy ra ý định làm rõ về thảm họa năm đó. Về sau, ông Dương đã dành hơn chục năm điều tra và nghiên cứu, để rồi cuối cùng hoàn thành tác phẩm lớn dài khoảng 1 triệu chữ tên là “Bia mộ: Nạn đói lớn ở Trung Quốc, 1958-1962”. Tuy nhiên, cuốn sách này không được xuất bản ở đại lục mà xuất bản ở Hong Kong vào năm 2008.

Có thông tin rằng, nửa tháng trước khi ông Triệu Tử Dương - cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ qua đời, ông đã đọc xong cuốn sách này trên giường bệnh và nhận xét rằng: "Cuốn sách này có sức nặng và cách tường thuật rất công bằng. Ghi chép về cuộc phỏng vấn với tôi rất chính xác. Tôi lo lắng cho sự an toàn của tác giả".

Về vấn đề này, năm 2010 tác giả bài viết cũng đã thực hiện hai phép tính [1]. Tính toán dựa trên dữ liệu về tổng dân số của Trung Quốc từ năm 1949-1989 được xuất bản bởi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc năm 1990. Tính toán đầu tiên cho thấy, tổng dân số giảm 22 triệu người từ năm 1959-1960 và 15 triệu người khác từ năm 1960-1961. Tổng dân số giảm 37 triệu người trong hai năm đó, con số này vừa khớp với số liệu thống kê của ông Dương Kế Thừng và số liệu thống kê được tài liệu được dỡ bỏ niêm phong kể trên.

Phép tính thứ hai dựa vào những thay đổi trong tỷ lệ sinh, và kết quả cho thấy tổng dân số giảm 22,36 triệu người từ năm 1959-1960, từ năm 1960-1961 giảm 17,11 triệu người và từ năm 1961-1962 giảm 1 triệu người. Vậy tổng dân số giảm đi 40,48 triệu trong vòng ba năm. Con số này không những vượt quá thống kê của ông Dương, mà còn vượt cả thống kê của các tài liệu chính thức.

Quy mô của 40,48 triệu người là bao nhiêu? Chúng ta hãy xem xét ba dữ liệu sau:

Thứ nhất, từ năm 1931-1945, quân dân Trung Quốc đã chiến đấu trường kỳ suốt 14 năm, toàn dân tộc kháng chiến gian khổ, tiêu diệt hơn 1,33 triệu quân Nhật và cuối cùng đã giành thắng lợi. Người Trung Quốc đã phải trả một giá đắt cho việc này: tổng số binh lính và dân thường Trung Quốc bị thương và thiệt mạng trong cuộc chiến là khoảng 35 triệu người [2].

Thứ hai, tội ác diệt chủng của Đức Quốc xã bị cả thế giới đồng lòng lên án đã giết chết khoảng 6 triệu người Do Thái.

Thứ ba, dân số của Ba Lan là 38 triệu người, Romania có 19,58 triệu người và Hà Lan có 17,08 triệu người.

Thật là khiến người ta phải bàng hoàng, trong 3 năm hòa bình - từ năm 1959-1962, vì những chính sách hoang đường mà số người chết bất thường (chết đói) trên toàn Trung Quốc đã vượt xa số người chết trong 14 năm trường kỳ kháng chiến! Con số này cũng cao gấp 6 lần số người Do Thái chết trong cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã, hay tương đương với việc xóa sổ một quốc gia ở giữa châu Âu - Ba Lan, hoặc xóa sổ toàn bộ dân số của Romania và Hà Lan!

Hậu quả của việc nói ra sự thật ở Trung Quốc

Tại Hội nghị Lư Sơn vào tháng 7/1959, ông Bành Đức Hoài - 1 trong 10 nguyên soái của ĐCSTQ đã gửi một bức thư cho ông Mao Trạch Đông và viết về các vấn đề khách quan tồn tại lúc bấy giờ, nêu rõ quan điểm, kinh nghiệm và bài học rút ra của ông về những sai lầm của khuynh hướng cách mạng tả khuynh kể từ năm 1958, bao gồm cả những điều mắt thấy tai nghe trong thời gian ông nghiên cứu và điều tra ở các vùng nông thôn. Tất cả đều là những lời nói chân thật.

Tuy nhiên, ông Mao Trạch Đông là người không thể nghe những ý kiến bất đồng, cho rằng ông Bành Đức Hoài và những kẻ cơ hội hữu khuynh khác đang ráo riết tấn công đảng và các cơ quan lãnh đạo của đảng. Ông ta lập tức chống lại phe cánh hữu trong toàn đảng và cả nước, kêu gọi tiếp tục giương cao “ba ngọn cờ đỏ”, tiếp tục áp dụng điên cuồng trên con đường sai lầm dẫn đến cái chết của hàng chục triệu người dân Trung Quốc trong Nạn đói lớn. Sau đó, Nguyên soái Bành Đức Hoài bị đình chỉ mọi chức vụ, bị theo dõi và quản chế tại nhà riêng tại Thành Đô, Tứ Xuyên.

Năm đó tác giả bài viết đang học Khoa Vật lý của Đại học Phúc Đán. Sau kỳ nghỉ hè, ông trở lại trường và phát hiện ra rằng, trong buổi báo cáo học tập chính trị hàng tuần của trường, ông Vương Linh - Bí thư đảng ủy của trường khi đó đã nhấn mạnh vào việc đi theo “ba lá cờ đỏ” với một ngữ khí khác thường. Trong các cuộc họp sau đó, các bí thư chi bộ của các Khoa và các Khóa trong trường cũng thi nhau hô “Ba lá cờ đỏ vạn tuế, vạn vạn tuế!” đến khản cả cổ. Các bí thư chi bộ còn nói với mọi người rằng, đồng chí Vương Linh đã quay cuồng mấy ngày liền để quán triệt thực hiện nghị quyết của Hội nghị Lư Sơn, không nghỉ ngơi đủ nên đã ngất xỉu trên mặt đất khi cúi xuống lấy chậu nôn. “Ba lá cờ đỏ” có vạn tuế được hay không thì chỉ cần hét khản cổ như vậy là đủ sao? Về vấn đề này, những sinh viên sống ở thành phố như tác giả không thể hiểu nổi.

Nhưng khi ngẫm nghĩ lại, tác giả đã phát hiện ra một số chi tiết. Trong kỳ nghỉ đông cuối năm 1958, một vài bạn học sống ở các tỉnh lân cận như An Huy, Giang Tây... đã về quê ăn Tết. Lúc quay lại trường học là đầu năm 1959. Gặp nhau ai nấy đều rất phấn khởi và muốn biết về “hoàn cảnh tốt đẹp” ở vùng nông thôn như chính phủ tuyên truyền - “phanh áo hở bụng ngồi ăn cơm, bụng căng rồi lao vào sản xuất”. Tuy nhiên, những sinh viên từ quê ra đều cúi đầu im lặng, dáng vẻ lo lắng, bọn họ hoặc là nói sức khỏe của bản thân không tốt, hoặc là sức khỏe của cha mẹ không tốt nên không có đi ra ngoài, không biết tình hình bên ngoài ra sao. Tuyệt nhiên chẳng có chút không khí vui vẻ nào như trong tuyên truyền. Vấn đề này khiến tác giả phân vân và mơ hồ cảm thấy rằng tình hình có thể không tốt như những gì được quảng cáo. Nhưng tác giả đã ngay lập tức ngăn mình lại: đây là một ý tưởng nguy hiểm, nếu nói ra sẽ là một kẻ hữu khuynh và phải chịu nỗi khổ vô bờ.

Cùng lúc đó, trong khuôn viên trường Phúc Đán, cách khu ký túc xá sinh viên không xa là Viện Vật lý Kỹ thuật của Học viện Khoa học Trung Quốc, có một cô học giả đến từ thành phố Vô Tích cũng về quê ăn Tết. Sau khi trở ra, cô ấy thở dài nói: “Mọi người ăn không đủ no, gầy gò, phù thũng”. Nhất là nhìn thấy cảnh các em bé giành giật thức ăn trong bát của nhau khiến cô rất xót xa. Lưu vực Thái Hồ được mệnh danh là 'quê hương của cá và gạo', ấy vậy mà mọi người lại ăn không đủ no.

Cô học giả ngây thơ ấy nói trong buổi họp chính trị tập thể: “Những thứ mới có hiệu quả hay không, trước tiên phải chọn một chương trình thí điểm, không thể dùng 600 triệu người làm vật thí nghiệm được”. Vài năm sau, trong cuộc vận động Đại Cách mạng Văn hóa, chính câu nói này đã khiến cô thân bại danh liệt. Cô bị chụp mũ phản cách mạng. Vì không chịu nổi những lời chỉ trích, một phụ nữ yếu ớt đã dám nhảy từ tầng 5 xuống. Do bị đập vào tường rồi mới bật xuống đất, cô bị gãy nhiều xương và nội thương nặng khi tiếp đất, nhưng không chết ngay lập tức.

Các đồng nghiệp vội vàng đưa cô đến bệnh viện. Cô liên tục rên rỉ dọc đường đi: "Đau quá, tôi không muốn chết nữa". Nhưng vì là phần tử “phản cách mạng” nên bệnh viện đã từ chối cấp cứu, họ đứng nhìn bệnh nhân khóc ngất dần cho đến khi mất tiếng, cô đành vĩnh biệt chồng (giáo sư trường Phúc Đán) và con trai (một cậu bé kháu khỉnh, đáng yêu). Cô ấy đã trở thành một ‘tấm gương lớn’ cho mọi người: Nhìn đi, đó là hậu quả của việc nói ra sự thật.

Nếu ông Mao Trạch Đông lắng nghe ý kiến ​​của ông Bành Đức Hoài và những người khác tại Hội nghị Lư Sơn vào tháng 7/1959, hoặc tiến hành các cuộc thảo luận để đưa ra quyết sách phù hợp, ngay lập tức đình chỉ đường lối cực tả và có các biện pháp cứu trợ, thì sẽ không gây ra những cái chết bất thường (chết đói) trong những năm đó! Tiếc rằng không có chữ "nếu", mà chỉ có một "Mao Chủ tịch" dẫn dắt một đảng ‘vĩ đại, quang vinh, chính xác’.

Hậu quả của việc không được phép nói ra sự thật là thảm họa

Lý do dẫn đến thảm kịch như vậy nằm ở chế độ độc tài toàn trị. Nó không cho phép người ta nói, nhất là nói ra sự thật, mọi việc phải nghe theo người đứng đầu. Quyền lực tập trung trong tay một người, Hiến pháp chỉ là vật trang trí. Một khi người đó mắc sai lầm thì không ai được chỉnh trị họ. Người đó sẽ dẫn nhân dân cả nước đi vào ngõ cụt và dẫn đến thảm họa. Liệu chế độ ấy đã nhớ bài học đau thương này chưa?

Trên thực tế, mọi người dân Trung Quốc đều hiểu rằng có những vấn đề không thể, không dám truy cứu, vì nếu truy đến cùng thì sẽ chạm vào ‘lằn ranh đỏ’ của chính quyền Trung Quốc, cũng chính là vấn đề tính hợp pháp của tổ chức này.

Kỳ thực, 71 năm ĐCSTQ thống trị cũng là 71 năm người dân Trung Quốc phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực. ĐCSTQ không ngừng phát động các cuộc vận động chính trị, những năm 50, 60 thì có Tam phản, Ngũ phản, Phản cánh hữu, Đại Cách mạng Văn Hóa, gần đây nhất thì có sự kiện Lục Tứ - vụ thảm sát sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn hay cuộc đàn áp Pháp Luân Công - môn tu luyện theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, v.v. để gieo giắc nỗi sợ hãi và ép buộc người dân phải bày tỏ quan điểm chính trị của mình.

Sống trong hoàn cảnh luôn phải dè chừng lẫn nhau khiến người dân Trung Quốc sinh ra tâm lý đề phòng cao độ để bảo vệ bản thân, họ không dám bày tỏ ý kiến cá nhân, càng không dám nói ra sự thật. Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên là: Điều mà ĐCSTQ sợ nhất không phải là các thế lực thù địch nước ngoài, mà chính là người dân Trung Quốc.

Hồi cuối tháng Sáu, tờ The News Lens của Đài Loan đã xuất bản một bài báo với tiêu đề "Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ nhất điều gì?", điểm trúng bản chất yếu nhược của chế độ này: ĐCSTQ sợ người dân không còn sợ hãi nó nữa.

Bài báo chỉ ra rằng, nếu như suy nghĩ kỹ một chút thì sẽ hiểu tại sao chính phủ Trung Quốc lại cấm Pháp Luân Công - một môn khí công tu luyện ôn hòa bị đàn áp chưa từng thấy kể từ sự kiện ngày 4/6 tại Quảng trường Thiên An Môn. Đơn giản là vì Pháp Luân Công không sợ hãi và chùn bước trước những bức hại vô lý của chính phủ. ĐCSTQ coi việc này là mối uy hiếp đối với sự tồn tại của nó.

Tại sao ĐCSTQ lại kị việc người Đài Loan tự gọi mình là "người Đài Loan", nhưng không kị người Thượng Hải, người Hồ Nam và người Quảng Đông tự gọi mình là người Thượng Hải, người Hồ Nam và người Quảng Đông? Đó là vì mỗi lần người dân Đài Loan tự gọi mình là "người Đài Loan", chính là họ đang phủ nhận chính quyền ĐCSTQ.

Ví dụ điển hình gần đây nhất là đại dịch virus Viêm phổi Vũ Hán. ĐCSTQ che giấu dịch bệnh khiến toàn thế giới có 36,8 triệu người nhiễm virus và 1,07 triệu người tử vong (số liệu ngày 10/10). Số phận của những người dám nói ra sự thật giờ ra sao? Bác sĩ Lý Văn Lượng đã mất, các nhà báo công dân như Trần Thu Thực, Phương Bân… thì bị bắt giữ. Hỏi có mấy người như Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng dám rời quê hương đến nơi xứ người vì để báo cáo sự thật về virus Corona Vũ Hán?

Hãy ghi nhớ bài học đau thương này: Hậu quả của việc không dám nói ra sự thật là thảm họa. Đó là thảm họa cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ.

Liệu người dân Trung Quốc có còn phải đối mặt với một thảm họa nữa hay không? “Cầu xin Thần Phật phù hộ cho chúng con” - đây có lẽ là câu mà ai ai cũng nghĩ đến khi rơi vào hoàn cảnh bất lực.

Ghi chú:

[1] http://qian-dingrong.hxwk.org/2015/08/07/

[2] https://k.sina.cn/article_6264218989_17560656d00100i8yg.html

Tác giả: Tiền Định Dung

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Đông Phương

Theo Secretchina.com & NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Hậu quả kinh hoàng khi nói ra sự thật trái với ý của ĐCS Trung Quốc