‘Hồ sơ Pandora’ tiết lộ bí mật của Tập đoàn Alibaba

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 3/10, "Hồ sơ Pandora" - do Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố - đã tiết lộ về ông Joseph Tsai (Thái Sùng Tín), Phó chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn Alibaba Trung Quốc. Ông này nắm giữ cổ phần của Alibaba thông qua các công ty nước ngoài và đảm nhiệm các hoạt động về IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng).

“Hồ sơ Pandora” (Pandora Papers) là cuộc điều tra có sự tham gia của hơn 600 nhà báo tại hơn 140 tổ chức truyền thông thuộc 117 quốc gia. Trong đó tiết lộ gần 12 triệu hồ sơ về các tài sản bí mật, hành vi trốn thuế và rửa tiền của giới giàu có và quyền lực trên toàn cầu.

Theo “Hồ sơ Pandora”, ông Joseph Tsai, người Canada gốc Đài Loan, là cổ đông lớn thứ hai của Tập đoàn Alibaba. Ông là người Canada giàu thứ 2 trên "Bảng xếp hạng Forbes".

Tài liệu cho biết cái tên Joseph Tsai đã xuất hiện trong danh sách các thành viên hội đồng quản trị hoặc cổ đông của ít nhất 12 công ty offshore (nước ngoài, ngoài khơi) ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, Quần đảo Cayman, v.v.

Trong những năm gần đây, ông Tsai đã mua đội bóng rổ Brooklyn Nets của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA), và chi 157 triệu USD cho căn hộ tầng thượng (penthouse) ở Manhattan, New York. Những lần chi tiền này khiến ông càng trở nên nổi tiếng. Doanh nhân người Canada gốc Đài Loan này có tổng tài sản ước tính trị giá 14,5 tỷ USD, chủ yếu là đến từ cổ phần của ông trong Alibaba - gã thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc.

"Hồ sơ Pandora" cũng tiết lộ rằng, chính quyền Trung Quốc hạn chế đầu tư nước ngoài vào các công ty Trung Quốc, nhưng các công ty Trung Quốc như Alibaba đã thành lập chi nhánh tại các thiên đường thuế thông qua “mô hình sở hữu đặc biệt VIE” (Variable Interest Entity), để mở cửa hậu cho đầu tư nước ngoài. Trong luật pháp Trung Quốc, cấu trúc VIE nằm trong vùng xám.

Ông Joseph Tsai là cổ đông lớn thứ hai của Tập đoàn Alibaba. (YE AUNG THU/AFP qua Getty Images)
Ông Joseph Tsai là cổ đông lớn thứ hai của Tập đoàn Alibaba. (YE AUNG THU/AFP qua Getty Images)

Ông Joseph Tsai cũng được coi là cánh tay phải của ông Jack Ma - người đồng sáng lập Alibaba

Theo Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI), một đơn vị tham gia và đưa tin về cuộc điều tra của ICIJ là Toronto Star đã mời bà Doris Fischer, Trưởng khoa Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Würzburg ở Đức, đến xem xét và đánh giá về các tài liệu liên quan. Bà Fischer cho rằng, mặc dù ông Joseph Tsai là cổ đông lớn thứ hai của Alibaba, nhưng Trung Quốc quy định vốn nước ngoài không được đầu tư trực tiếp vào các ngành như công nghệ, truyền thông, hơn nữa ông Tsai còn là công dân Canada nên chỉ có thể nắm giữ cổ phần trong các công ty con đã đăng ký ở các thiên đường thuế của Alibaba.

Bà Fischer đánh giá rằng, các tài liệu cho thấy ông Tsai đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc kinh doanh phức tạp ở nước ngoài của Alibaba. “Rõ ràng là ông ấy đang sử dụng các cấu trúc này và các cơ hội được cung cấp bởi các thiên đường thuế để hoàn thành nhiệm vụ IPO cho Alibaba”.

Một đơn vị truyền thông khác cũng tham gia vào cuộc điều tra "Hồ sơ Pandora" là Stand News của Hong Kong cho biết thêm, ông Tsai nắm giữ hàng triệu cổ phiếu của Alibaba thông qua các công ty offshore, và một trong số đó là MFG Limited được đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh vào năm 1999, Tập đoàn Alibaba cũng được thành lập trong cùng năm.

Bài báo cho biết, vào tháng 12/2003, ông Tsai đã chuyển nhượng hơn 3 triệu cổ phiếu Alibaba mà MFG Limited nắm giữ cho PMH Holding bằng hình thức quà tặng. PMH Holding cũng là một công ty đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh. Hai năm sau, ông này trở thành thành viên hội đồng quản trị duy nhất của PMH Holding. Năm năm sau, vào năm 2010, MFG lại mua lại gần như cùng một lượng vốn cổ phần từ PMH.

Theo Stand News, ông Craig Geoffrey, Giáo sư Khoa Tài chính tại Đại học Toronto, cho rằng số cổ phần này là khoản thù lao cho các cổ đông của Tập đoàn Alibaba, bao gồm cả chính ông Tsai; và ông Tsai rõ ràng đã xử lý nhiều giao dịch cho Alibaba thông qua các công ty offshore, bao gồm cả kế hoạch niêm yết.

Jack Ma cũng vận hành khối tài sản thông qua các công ty offshore

Ví dụ, vào ngày 13/11/2019, Alibaba đã đệ trình “Tập dữ liệu sau điều trần” (bản cáo bạch) lên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong. Bản cáo bạch cho thấy, thông qua việc nắm giữ 70% cổ phần của APN Limited (một công ty tại Quần đảo Cayman), Jack Ma đã nắm giữ được 280 triệu cổ phiếu của Alibaba.

Cayman là một trong bốn địa điểm tài chính offshore lớn nhất thế giới, là trung tâm ngân hàng offshore lớn nhất thế giới. Không có kiểm soát ngoại hối ở Quần đảo Cayman và các quỹ có thể tự do ra vào. Các loại thuế ở quần đảo này chỉ bao gồm thuế giao dịch đất đai, thuế trước bạ, thuế lưu trú du lịch và phí cấp giấy phép kinh doanh.

Thuế trước bạ chủ yếu được đánh vào bất động sản. Mọi chuyển nhượng hoặc thế chấp bất động sản ở Cayman đều phải chịu thuế trước bạ. Ở đây không đánh thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp, không có bất kỳ thuế lãi suất, thuế tăng vốn, thuế tài sản hay thuế thừa kế nào. Vì vậy mà Quần đảo Cayman được coi như một thiên đường thuế thực sự. Quần đảo này nhận được một sắc lệnh của hoàng gia Anh vào năm 1978. Sắc lệnh này quy định rằng Quần đảo Cayman có thể được miễn thuế vĩnh viễn, và nó vẫn có hiệu lực cho đến ngày nay.

Vì vậy, ông Jack Ma đã lập kế hoạch thuế thông qua việc thành lập công ty ở Cayman. Các công ty đăng ký tại Quần đảo Cayman sẽ không phải chịu thuế thu nhập và thuế tăng vốn. Họ đã khéo léo tránh được thuế thu nhập cá nhân ở Trung Quốc.

Liệu “Hồ sơ Pandora” có gây sóng gió trước Đại hội đảng 20?

Gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tăng cường giám sát vốn của các doanh nghiệp tư nhân. Trong thời gian vừa qua, Jack Ma và Alibaba đã trở thành mục tiêu bị thanh trừng. Nhiều kênh truyền thông nước ngoài tiết lộ rằng, các quan chức cấp cao thuộc phe Giang Trạch Dân và gia đình của họ nắm giữ một lượng lớn cổ phần trong công ty của Jack Ma thông qua một cấu trúc VIE phức tạp và các công ty offshore.

Có nhà phân tích chỉ ra rằng, khi "Hồ sơ Pandora" tiếp tục tiết lộ nhiều tin tức hơn, có khả năng sẽ dẫn đến một mạng lưới quan chức và doanh nhân liên quan dày đặc hơn. Hiện tại khi cuộc chiến chính trị trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 20 đang diễn ra gay gắt, các tài liệu này có khả năng sẽ tác động rất lớn đến chính trường Trung Quốc.

Ông Hàn Sơn Bích (Han Shanbi), một nhà viết truyện ký và là cựu Chủ tịch Nhóm văn học của Hội đồng Phát triển Nghệ thuật (ADC) Hong Kong, nói với kênh truyền thông Voice of Hope rằng, “Tất cả các công ty lớn ở Trung Quốc đại lục ấy, về cơ bản là chính phủ và doanh nghiệp cấu kết với nhau, vì vậy tình hình ở Hong Kong cũng giống như vậy. Nếu bạn là một doanh nhân, bạn không có quan hệ với chính quyền, bạn hoàn toàn không kiếm được tiền".

Ông Hàn nói, "Nếu đó là một cú xung kích, thì nó không đánh vào ông Tập Cận Bình, mà có lẽ là phe Giang. Nếu tiếp tục điều tra kỹ lưỡng, e là một số thành viên phe Giang sẽ bị lộ".

Và tháng 4/2016, ICIJ cũng từng công bố "Hồ sơ Panama", trong đó tiết lộ rằng số tài sản được chuyển ra nước ngoài của các gia đình quyền lực trong ĐCSTQ là con số thiên văn (ý chỉ những con số rất lớn từ hàng trăm triệu trở lên).

Trong đó, danh sách tầng lớp đặc quyền trốn thuế và rửa tiền thông qua các công ty offshore bao gồm: Giả Lệ Thanh - con dâu của Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa 18 (2012 - 2017) Lưu Vân Sơn; Lý Thánh Bát - con rể của Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa 18 Trương Cao Lệ; Đặng Gia Quý - anh rể của ông Tập Cận Bình, Lý Tiểu Lâm - con gái của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, Lý Tử Đan (Jasmine Li) - cháu gái của Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa 17 (2007 - 2012) Giả Khánh Lâm, và Cốc Khai Lai - vợ của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, v.v.

Vào thời điểm đó, "Hồ sơ Panama" là một cú đánh vào Trung Nam Hải trước thềm Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19, vậy nên tin tức về tập tài liệu này đã nhanh chóng bị chặn ở Trung Quốc.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

‘Hồ sơ Pandora’ tiết lộ bí mật của Tập đoàn Alibaba