Hoa Kỳ sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 21/5, Tổng thống Donald Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục áp đặt luật an ninh quốc gia mới tại Hồng Kông. Giới phê bình cho rằng động thái này của Trung Quốc sẽ dần phá hủy quyền tự trị của Hồng Kông, và cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp những quan điểm bất đồng dưới cái cớ bảo đảm an ninh.

Vào tối ngày 21/5, ông Trương Nghiệp Toại (Zhang Yesui), người phát ngôn của Quốc hội ĐCSTQ, thông báo rằng cơ quan này sẽ đề xuất một dự luật nhằm “kiến lập và cải thiện cho hệ thống tư pháp và cơ chế thực thi để đảm bảo an ninh quốc gia tại Đặc khu Hành Chính Hồng Kông”.

Tổng thống Trump sau đó đã trả lời với phóng viên trước khi rời khỏi Nhà Trắng rằng: “Nếu điều này xảy ra, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này một cách cực kỳ quyết liệt”.

Ông Trương Nghiệp Toại bổ sung thêm rằng chi tiết của dự luật sẽ được công bố vào ngày hôm sau (22/5). Các kênh truyền thông Hồng Kông trích dẫn các nguồn tin nội bộ, báo cáo rằng dự luật này sẽ cấm sự ly khai, khủng bố, can thiệp từ nước ngoài và các can thiệp bên ngoài khác có thể đe dọa đến quyền lực của ĐCSTQ. Dự luật sẽ có thể được thông qua sau cuộc bỏ phiếu chính thức vào ngày 28/5 tới và có hiệu lực vào tháng 8/2020.

Dự luật này cho phép ĐCSTQ bỏ qua cơ quan lập pháp của Hồng Kông, và chắc chắn sẽ được thông qua. Quốc hội Trung Quốc sau đó sẽ được phép trực tiếp phê chuẩn các chỉ thị do ĐCSTQ ban hành áp dụng lên Hồng Kông.

Các nhà lập pháp và các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông đã lên án động thái trên của Bắc Kinh, và họ khẳng định sẽ có các hành động phản kháng.

Tại cuộc họp báo vào tối ngày 21/5, khi đề cập đến cơ cấu chính trị mà Bắc Kinh đã cam kết sau khi Anh trả lại Hồng Kông cho Trung Quốc từ năm 1997, ông Dennis Kwok, một nhà lập pháp địa phương, đã nói: “Đây là sự kết thúc của Hồng Kông. Đây là sự kết thúc của [cái gọi là] ‘Một Quốc gia, Hai Chế độ’”.

Ông Kwok tiếp tục: “Không sai đâu, tôi đoán chắc rằng vị thế quốc tế của Hồng Kông sẽ chỉ còn là một ‘thành phố’, còn ‘thành phố quốc tế’ sẽ sớm biến mất thôi. Đó là điều chắc chắn khi Bắc Kinh đã đi ngược lại lời hứa với người dân Hồng Kông”.

Những người biểu tình ủng hộ dân chủ thắp nến trong buổi cầu nguyện bên ngoài trung tâm mua sắm Pacific Place, tại khu vực Kim Chung ở Hồng Kông vào ngày 15/5/2020. (Anthony Wallace/AFP qua Getty Images)
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ thắp nến trong buổi cầu nguyện bên ngoài trung tâm mua sắm Pacific Place, tại khu vực Kim Chung ở Hồng Kông vào ngày 15/5/2020. (Anthony Wallace/AFP qua Getty Images)

Hồng Kông trước đó đã bác bỏ những đề xuất để ban hành Điều 23 của Luật Cơ bản, là một dự luật chống lật đổ, sau khi người dân Hồng Kông kháng nghị rằng dự luật đó sẽ cho phép Bắc Kinh dần xóa bỏ quyền tự trị của thành phố và đe dọa đến sự tự do của công dân Hồng Kông.

Lần đầu được đề xuất năm 2003, Điều 23 đã bị trì hoãn vào tháng 7 năm đó, sau khi hàng trăm ngàn người đã đổ ra đường biểu tình. Dần dần sau thời gian, những nhà lập pháp Hồng Kông thân Bắc Kinh đã một lần nữa đề xuất lại dự luật.

Thành phố Hồng Kông hiện vẫn đang chao đảo vì những cuộc biểu tình quy mô lớn từ năm ngoái. Cuộc biểu tình nhằm chống lại dự luật dẫn độ cho phép chính quyền Trung Quốc đưa người về xét xử tại các toà án do ĐCSTQ kiểm soát.

Trong vài tuần qua, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ hơn 200 người biểu tình ủng hộ dân chủ. Trong khi đó, trước mối lo ngại chính quyền đang ra sức thắt chặt kiểm soát toàn thành phố, những cuộc tranh cãi giữa các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ và ủng hộ Bắc Kinh đã nổ ra trong cơ quan lập pháp.

Các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ và ủng hộ Bắc Kinh xô xát tại cuộc bầu cử ủy ban Hạ viện do nhà lập pháp thân Bắc Kinh, ông Chan Kin Por chủ trì tại Hội đồng lập pháp Hồng Kông, vào ngày 18/5/2020. (Anthony Kwan/Getty Images)
Các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ và ủng hộ Bắc Kinh xô xát tại cuộc bầu cử ủy ban Hạ viện do nhà lập pháp thân Bắc Kinh, ông Chan Kin Por chủ trì tại Hội đồng lập pháp Hồng Kông, vào ngày 18/5/2020. (Anthony Kwan/Getty Images)

Nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng, anh Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), viết trên Twitter rằng: “Mặc dù luật pháp rất gây tranh cãi ở Hồng Kông và phản ứng dữ dội đã nổ ra khi [chính phủ Hồng Kông] đề xuất luật [Điều 23] vào năm 2003, [đến tận] bây giờ Bắc Kinh vẫn cố ý ép buộc Điều luật này phải được thông qua, bằng cách hoàn toàn phớt lờ mong muốn của người dân Hồng Kông”.

Anh cho rằng động thái này có thể dẫn đến kết quả “thực sự đáng sợ” và nhìn nhận rằng nó chính là một hành động đáp trả trực tiếp đến các hoạt động biểu tình vào năm ngoái.

Wong nói: “Bắc Kinh đang cố gắng làm im lặng những tiếng nói chỉ trích của người Hồng Kông bằng vũ lực và [bằng cách kích động] sự sợ hãi”.

Cảnh sát đang ngăn cản người biểu tình trong một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nhằm kêu gọi sự độc lập của thành phố, tại một khu mua sắm ở Hồng Kông vào ngày 16/5/2020. (Isaac Lawrence/AFP qua Getty Images)
Cảnh sát đang ngăn cản người biểu tình trong một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nhằm kêu gọi sự độc lập của thành phố, tại một khu mua sắm ở Hồng Kông vào ngày 16/5/2020. (Isaac Lawrence/AFP qua Getty Images)

Ông Johnny Patterson, giám đốc của nhóm vận động dân chủ ‘Hong Kong Watch’ có trụ sở tại Anh, đã đồng ý với lo ngại rằng các cáo buộc anh ninh quốc gia không rõ ràng có thể cho phép chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền và đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Ông nói: “Liệu các tổ chức phi chính phủ hay các tổ chức như Tổ chức Ân xá Quốc tế hay Hong Kong Watch có trở thành bất hợp pháp? Phe đối lập chính trị sẽ bị buộc tội lật đổ? Chúng ta biết rằng khi điều luật này được giải thích rõ ràng, sẽ là dấu hiệu cho sự kết thúc của Hồng Kông”.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ hiện cũng đang lên án mạnh mẽ động thái này.

Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn viết trên Twitter rằng: “Trung Quốc đã đồng ý thỏa thuận cho phép Hồng Kông duy trì quyền tự trị của họ cho đến năm 2047. Giờ đây, họ lại tìm cách kiểm soát người dân Hồng Kông”.

Vào năm ngoái, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông với số phiếu thuận áp đảo và được ký thành luật. Theo đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải chứng nhận hàng năm liệu Hồng Kông có “đầy đủ quyền tự trị hay không”, để bảo đảm quyền thương mại đặc biệt của Hoa Kỳ nhằm phân biệt với Trung Quốc đại lục. Khi đề cập đến sự kiện này, bà Blackburn cho biết “bất kể sự xâm phạm quyền tự trị nào của Hồng Kông sẽ dẫn đến hậu quả [về thương mại]”.

Vào ngày 6/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết ông đã trì hoãn việc đưa ra báo cáo về Hồng Kông để xem xét kỹ lưỡng các động thái của Quốc hội Trung Quốc.

Thượng nghĩ sĩ Josh Hawley cho biết ông sẽ đưa ra một nghị quyết cho Thượng viện vào cuối ngày (21/5) để “ngăn chặn hành động đó và kêu gọi các quốc gia tự do ủng hộ Hồng Kông”.

Ông đã đăng trên Twitter: “Trung Quốc nói họ muốn ‘cải thiện’ Hồng Kông bằng cách tước bỏ tất cả quyền và tự do của người dân. Đó chính xác là cách mà Trung Quốc muốn ‘cải thiện’ thế giới. Hoa Kỳ sẽ nói KHÔNG [với điều đó]”.

Quang Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông