Học giả Bắc Kinh: Ước chừng hiện nay có tới 54 triệu thanh niên Trung Quốc thất nghiệp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Một học giả ở Bắc Kinh chỉ ra rằng, số liệu thống kê tỷ lệ thất nghiệp do chính quyền công bố đã bị bóp méo, trong 3 năm xảy ra dịch bệnh vừa qua, ước tính có khoảng 54 triệu thanh niên (từ 16 - 40 tuổi) không có việc làm.

Vào ngày 1/6, tài khoản WeChat công chúng "Caijing Shiyi Ren” (Tài chính Kinh tế Thập nhất Nhân) ở Trung Quốc đã đăng một bài viết có tiêu đề "Rốt cuộc có bao nhiêu thanh niên thất nghiệp" của ông Vương Minh Viễn (Wang Mingyuan), một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển và Cải cách Bắc Kinh.

Bài viết chỉ ra rằng, số liệu thống kê tỷ lệ thất nghiệp hiện nay ở Trung Quốc đã bị bóp méo và tồn tại ba vấn đề sau:

Thứ nhất, Trung Quốc đã đặt tiêu chuẩn “việc làm” quá thấp. Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Quốc tế, trong một tuần tiến hành điều tra, một người phải làm công việc đó trong 10 giờ thì mới được coi là có việc làm, ở Hoa Kỳ là 15 giờ, ở Pháp là 20 giờ, nhưng ở Trung Quốc chỉ có 1 giờ, thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, thu nhập trong một giờ làm việc này không đủ giải quyết nhu cầu cuộc sống;

Thứ hai, mặc dù cuộc điều tra thất nghiệp ở thành thị cũng bắt đầu tính cả cư dân có hộ khẩu nông thôn, nhưng rất khó để thống kê số lao động ngoại tỉnh thất nghiệp này vì họ thường chọn trở về quê hương do không đủ khả năng chi trả cho phí sinh hoạt cao ở thành phố. Vậy nên số lao động ngoại tỉnh thất nghiệp sẽ không được phản ánh trong tỷ lệ thất nghiệp;

Thứ ba, Trung Quốc hiện có tới 200 triệu "lao động linh hoạt", chiếm khoảng 40% dân số có việc làm ở thành thị, cho nên làm thế nào để thống kê tình trạng việc làm thực tế của họ cũng là một vấn đề rất khó. Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia BHXH của những người này chưa đến 20%, nên cũng rất khó để có thể quan sát tình hình việc làm thực tế của họ thông qua các số liệu như đăng ký thất nghiệp và nhận bảo hiểm thất nghiệp.

Vào ngày 16/5 năm nay, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố dữ liệu kinh tế tháng Bốn, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên 20,4%, đạt mức cao kỷ lục. Theo dữ liệu từ Bộ Tài nguyên Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, số sinh viên tốt nghiệp đại học vào mùa hè năm 2023 sẽ là 11,58 triệu người, tăng 820.000 người so với năm ngoái.

Bài viết chỉ ra rằng, không thể chỉ dựa vào số liệu thống kê của chính quyền để đánh giá tình hình thất nghiệp thực tế, mà còn cần dựa vào các manh mối thống kê khác. Hiện nay, có nhiều kênh truyền thông cho rằng, so với tỷ lệ thất nghiệp trong toàn bộ nhóm thanh niên thì tỷ lệ thất nghiệp 20,4% ở nhóm tuổi 16 - 24 mà Cục Thống kê Quốc gia công bố vào tháng trước là không hợp lý.

Vậy có bao nhiêu sinh viên mới ra trường không tìm được việc làm? Bài viết cho hay, sau đại dịch, số lượng việc làm mới được tạo ra hàng năm bắt đầu giảm mạnh. Cụ thể, số lượng việc làm mới năm 2022 ít hơn 1,48 triệu so với năm 2019. Trong hai năm 2020 và 2021, mỗi năm có khoảng 2 triệu tân cử nhân không tìm được việc làm, chiếm khoảng 15% tổng số; số cử nhân thất nghiệp năm 2022 sẽ tiếp tục tăng lên hơn 4 triệu, và năm nay sẽ tăng lên hơn 5 triệu, chiếm khoảng 30% tổng số.

Có bao nhiêu người đi làm đã thất nghiệp? Bài viết cho biết, trong 3 năm trở lại đây, trung bình các công ty niêm yết cổ phiếu A đã cắt giảm 11,9% nhân viên, tỷ lệ hủy hợp đồng vào năm ngoái của các công ty là khoảng 10%.

Bài viết kết luận, trong 3 năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát, có khoảng 15 triệu sinh viên mới tốt nghiệp các trường trung cấp kỹ thuật và cao đẳng, đại học chưa tìm được việc làm. Đồng thời, khoảng 10% lao động trong các doanh nghiệp cũng bị mất việc, tương đương với khoảng 25 triệu người, và bộ phận này là những người trẻ tuổi từ 16 - 40 tuổi.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Giáo sư Lư Phong (Lu Feng) của Đại học Bắc Kinh, trong ba năm qua có ít nhất 23 triệu lao động nhập cư đã trở về quê hương vì thất nghiệp, nếu 60% trong số họ là thanh niên, thì con số này cũng là khoảng 14 triệu.

Vậy thì kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc có thêm khoảng 54 triệu thanh niên thất nghiệp.

Bài viết chỉ ra rằng, ước tính một cách thận trọng thì số thanh niên thất nghiệp hoàn toàn hiện nay đã tăng khoảng 25 - 30 triệu so với trước khi xảy ra dịch bệnh, tương đương với 6,2 - 7,5% tổng lực lượng lao động tham gia thị trường lao động trong độ tuổi này (402 triệu), hoặc tương đương với 2,8 - 3,4% tổng dân số Trung Quốc trong độ tuổi lao động (880 triệu).

Bài viết cho biết, cùng với việc quy mô tuyển sinh đại học và tuyển sinh sau đại học tiếp tục gia tăng, tình hình khó tìm việc ở lứa cử nhân và thạc sĩ sẽ trở nên trầm trọng hơn. Trong vài năm tới, Trung Quốc không chỉ phải giải quyết tình trạng thất nghiệp trong ba năm qua mà còn phải đối mặt với thực tế rằng nhu cầu việc làm ở thành thị đã đạt đến đỉnh cao nhất trong lịch sử.

Trước vấn đề việc làm ngày càng nghiêm trọng, trong một bức thư trả lời gửi sinh viên đại học vào đầu tháng 5 năm nay, ông Tập Cận Bình đã nêu rõ rằng thanh niên Trung Quốc trong thời đại mới nên về nông thôn và có tinh thần "tự mình chịu khổ". Có học giả cho rằng ông Tập Cận Bình đã không thể vực dậy nền kinh tế sa sút, không thể ổn định đội quân thất nghiệp, nên chỉ có thể dùng lại chiêu bài trong thời Cách mạng Văn hóa của cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông, đó là khuyến khích thanh niên “lên núi về quê”.

Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 1/6 rằng đề xuất những người trẻ tuổi nên "tự mình chịu khổ" và "lên núi về quê" của ông Tập Cận Bình là đang quay ngược bánh xe lịch sử. "Những người cầm quyền đã làm loạn quốc gia, nay lại để cho những người trẻ tuổi phải tự chịu khổ. Việc này chẳng khác nào bức họ lên Lương Sơn".

Ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một nhà văn Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ, đã nói trong chương trình cá nhân rằng, trong cuộc "Cách mạng Giấy trắng" xảy ra vào cuối năm ngoái, việc những người trẻ tuổi kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc bước xuống đã khiến các nhà chức trách lo sợ. Thư trả lời của ông Tập Cận Bình rõ ràng là muốn đưa thế hệ thanh niên này về nông thôn, đây là một tín hiệu rất đáng ngại cho toàn bộ giới trẻ Trung Quốc.

Ông Bạch (Bai), hiện đang làm việc trong một công ty luật ở Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng do suy thoái kinh tế hiện nay và môi trường việc làm nói chung kém, sinh viên sau đại học rất khó tìm được việc làm, xu thế bây giờ của giới trẻ là “nằm thẳng”.

"Nằm thẳng" là một thuật ngữ phổ biến trên Internet Trung Quốc từ năm 2021. Trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh thi hành chính sách Zero Covid cực đoan khiến nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, người dân bị cùm chân không thể đi lại làm ăn, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao… “nằm thẳng” là cách để những người trẻ tuổi thuộc thế hệ 9x và 2000 bày tỏ thái độ thất vọng với hiện thực, thay vì kiên trì phấn đấu và chạy theo kỳ vọng của xã hội.

"Nằm thẳng" được coi là một cách để chống lại vòng xoáy của xã hội, cụ thể là họ không mua nhà, không mua xe, không yêu đương, không kết hôn, không sinh con, tiêu dùng ở mức thấp, duy trì mức sống tối thiểu.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Học giả Bắc Kinh: Ước chừng hiện nay có tới 54 triệu thanh niên Trung Quốc thất nghiệp