Học giả: ĐCS Trung Quốc lợi dụng Phật giáo để thực hiện mặt trận thống nhất ở nước ngoài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, tại một cuộc hội thảo tổ chức tại Đại học Georgetown, Hoa Kỳ, một số học giả nghiên cứu về Phật giáo Trung Quốc đã chỉ ra rằng, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang âm thầm lợi dụng Phật giáo như một công cụ tuyên truyền trong các hoạt động ở nước ngoài để bành trướng “quyền lực bén” (Sharp power) ra quốc tế.

Theo bài báo của Đài Á Châu Tự Do (RFA), gần đây, các học giả nghiên cứu Phật giáo vừa tổ chức một cuộc hội thảo tại Đại học Georgetown. Nhà nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc David L. Wank và học giả Nhật Bản Yoshiko Ashiwa đã chỉ ra tại hội thảo rằng, các hoạt động tôn giáo của các tổ chức Phật giáo Trung Quốc ở nước ngoài đang bị chính quyền ĐCSTQ lợi dụng và đã trở thành công cụ mở rộng ảnh hưởng chính trị ra nước ngoài của chính quyền này.

Trong bài phát biểu của mình, ông David L. Wank chỉ ra rằng, ngay từ những năm 1980, chính quyền ĐCSTQ đã bắt đầu sử dụng Phật giáo như một công cụ trong chính sách đối ngoại. Ví dụ như để các nhân vật có sức ảnh hưởng trong Phật giáo Trung Quốc thuyết phục các doanh nhân Hoa kiều đầu tư vào Trung Quốc và cho Hoa kiều thấy rằng ĐCSTQ "đã từ bỏ chính sách tả khuynh".

Sau sự kiện "Thảm sát ngày 4 tháng 6" năm 1989, hình ảnh quốc tế của chính quyền ĐCSTQ đã bị tổn hại vì phát động cuộc thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn. Chính quyền Trung Quốc đã lợi dụng người của Phật giáo để tô son trát phấn cho nó trong các hoạt động ở nước ngoài, cũng như lợi dụng các tôn giáo khác để giúp nó thúc đẩy chính sách "Một Trung Quốc" trong các hoạt động trao đổi giao lưu.

Học giả David L. Wank cũng chỉ ra rằng, khi ông Hồ Cẩm Đào làm lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, ông ta đã từng đưa ra khẩu hiệu "xã hội hài hòa", thực chất là sử dụng giáo lý "hài hòa" của Phật giáo.

Ông tiết lộ thêm rằng, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc do chính quyền ĐCSTQ kiểm soát, đã chính thức đưa chương trình “Quảng bá Phật giáo trên toàn cầu” vào “Kế hoạch 5 năm” năm 2015. “Họ kêu gọi các Phật tử Trung Quốc xuất hành và đi đến các quốc gia trên thế giới để ‘kể những câu chuyện tốt đẹp về Trung Quốc’ ”. Hơn nữa, để hỗ trợ các hoạt động liên quan, chính quyền Trung Quốc thậm chí còn bắt đầu đổ lượng lớn tài nguyên vào cho Phật giáo.

Hai học giả David L. Wank và Yoshiko Ashiwa cho biết, họ đã từng theo dõi và điều tra việc ĐCSTQ lợi dụng Phật giáo để áp dụng các chiến lược khác nhau nhằm vào các quốc gia khác nhau. Họ phát hiện ra rằng đối với các quốc gia có đa số dân theo đạo Phật như Sri Lanka, Myanmar và Lào, chính phủ Trung Quốc sẽ thiết lập các "Hiệp hội hữu nghị" song phương, thiết lập mạng lưới truyền thông Phật giáo rồi kết hợp cùng tổ chức các nghi lễ văn hóa và tôn giáo để lôi kéo người theo đạo, hoặc thành lập các chi nhánh của Phật giáo Trung Quốc ở những quốc gia này. Hơn nữa những tổ chức như vậy thường thành lập "Công viên Văn hóa" (Chinese Buddhist Cultural Park) và bị chính quyền ĐCSTQ bí mật lợi dụng.

Đối với những quốc gia hoặc khu vực có xung đột địa chính trị với Trung Quốc, chính quyền ĐCSTQ cũng có các đối sách khác.

Ông David L. Wank nói rằng, vào năm 2017, Học viện Phật giáo Nam Hải của Trung Quốc bắt đầu tuyển sinh ở Ấn Độ. Kỳ thực, những hành động kiểu như vậy là chiến lược của ĐCSTQ nhằm giành được tiếng nói trong Phật giáo trên phạm vi toàn thế giới. Và mục đích thực sự của nó là biến tiếng Trung thành ngôn ngữ chính trong toàn thể Phật giáo toàn cầu, và dần dần dẫn Phật giáo đi theo hướng phù hợp với những yêu cầu của chính quyền Trung Quốc.

Ông Wank tuyên bố rằng, dưới sự chỉ đạo của ĐCSTQ, việc quảng bá "Phật giáo Trung Quốc" ra thế giới chính là đang mở rộng ảnh hưởng có lợi cho ĐCSTQ. Mặc dù "Phật giáo Trung Quốc" vẫn là một “người mới” ở Hoa Kỳ, nhưng ông tin rằng các tổ chức Phật giáo ở nước này đang giúp đỡ các tổ chức núp dưới vỏ bọc tôn giáo của ĐCSTQ thâm nhập vào xã hội Hoa Kỳ.

Ông Wank nói thẳng: "Các hoạt động của Phật giáo ở nước ngoài đã xây dựng một mạng lưới ở nước ngoài cho Trung Quốc. Đây là một trong những chiến lược chính của mặt trận thống nhất (ĐCSTQ)". Ông chỉ ra rằng mạng lưới này bao gồm các Phật tử Trung Quốc, các nhân vật nổi tiếng trong Phật giáo ở nước ngoài, Trưởng các ban văn hóa nước ngoài, v.v.

Còn học giả Nhật Bản Yoshiko Ashiwa chỉ ra rằng, những giáo lý của Phật giáo Trung Quốc đều nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ và những điều này cũng có thể có gây ra các ảnh hưởng ngày càng sâu sắc đến thế giới.

Ông Ashiwa lo ngại rằng, việc quảng bá Phật giáo như vậy sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của các Phật tử ở Trung Quốc và hải ngoại.

Cả hai học giả đều nhận định rằng, quy mô quảng bá Phật giáo trên toàn cầu như cách mà ĐCSTQ làm là chưa từng có. Và rốt cuộc kế hoạch quảng bá này có hiệu quả thực tế như thế nào thì là điều rất đáng để nghiên cứu và cảnh giác.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Học giả: ĐCS Trung Quốc lợi dụng Phật giáo để thực hiện mặt trận thống nhất ở nước ngoài