Học giả: Người Đài Loan cự tuyệt 'chế độ Trung Quốc', thừa nhận 'văn hóa Trung Hoa'

Giúp NTDVN sửa lỗi

50 năm trước, các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cùng tuyên bố lập trường "Một Trung Quốc" trong “Thông cáo chung Thượng Hải”. Sau nửa thế kỷ, "vấn đề Đài Loan" bị bỏ qua hồi đó vẫn là một vấn đề nhạy cảm. Mặc dù ĐCSTQ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của nó, nhưng người dân Đài Loan ngày càng không tán đồng và thậm chí từ chối thống nhất. Các học giả chỉ ra rằng, người Đài Loan từ chối thể chế chính trị của ĐCSTQ, nhưng họ thừa nhận văn hóa Trung Hoa.

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), nhóm nghiên cứu do bà Shelley Rigger, Giáo sư Chính trị học tại trường Davidson College của Mỹ, dẫn đầu đã tiến hành một cuộc khảo sát với 1.000 người Đài Loan vào tháng 5/2021. Đến ngày 7/2 vừa qua, nhóm đã đăng bài viết trình bày kết quả khảo sát trên trang web của Viện Brookings, một tổ chức tư vấn ở Washington.

Một số học giả cho biết, lý do người Đài Loan không hoan nghênh việc "thống nhất" là vì họ "không thích hệ thống chính trị và các chính sách riêng biệt của ĐCSTQ". Không chỉ vậy, họ còn cho rằng ĐCSTQ là một lực lượng gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội Đài Loan. Hầu hết người Đài Loan (86,8%) ủng hộ việc duy trì hiện trạng, trong khi chỉ có 1,4% ủng hộ việc mau chóng thống nhất.

Nhóm nghiên cứu kết luận, "Khi các chính sách và hành động của ĐCSTQ đối với Đài Loan ngày càng trở nên hung hăng, nó sẽ chỉ càng đẩy người dân Đài Loan ra xa hơn và họ [sẽ càng] không tự nguyện thừa nhận bản thân là người Trung Quốc. Điều này cũng khiến quan hệ hai bờ eo biển trở nên khó khăn hơn".

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, bất kể người Đài Loan thừa nhận loại văn hóa nào, họ cũng đều tự coi bản thân là “một thể chế dân chủ tự do, một chính quyền dân chủ do chính người Đài Loan thiết lập và duy trì”. Có 62,3% người Đài Loan tự nhận bản thân là “người Đài Loan”, và chỉ có 2,8% tự nhận mình là "người Trung Quốc".

Ông Trần Phương Ngung (Chen Fangyu), một trợ lý giáo sư tại Khoa Chính trị thuộc Đại học Đông Ngô (Soochow University) của Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, những kết luận trên là "thường thức" đối với những người sống ở Đài Loan. Kết quả điều tra này sẽ giúp nhiều người không nói tiếng Trung trên thế giới hiểu rõ hơn về suy nghĩ của người Đài Loan.

Đối với người Đài Loan, ‘văn hóa Trung Hoa’ và ‘văn hóa Trung Quốc’ mang nội hàm khác nhau

Nhóm nghiên cứu cho biết, hơn một nửa (56%) số người được hỏi cho rằng, văn hóa Đài Loan tương đồng với văn hóa Trung Hoa. Kết quả này đã thách thức quan niệm sai lầm lâu nay của ngoại giới khi cho rằng người dân Đài Loan từ chối thống nhất là vì họ cảm thấy "văn hóa Đài Loan khác với văn hóa Trung Hoa".

Ông Trần Phương Ngung cho biết, xã hội Đài Loan vốn có mức độ đồng nhất cao về văn hóa Trung Hoa. Một cuộc khảo sát trước đây của Academia Sinica – viện hàn lâm quốc gia của Đài Loan – cho thấy có 60 đến 70% người Đài Loan khó phân biệt văn hóa Đài Loan và văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên, “văn hóa Trung Hoa” được nhắc đến ở đây có điểm khác biệt so với “văn hóa Trung Quốc” dùng trong nghiên cứu của các chuyên gia Mỹ.

Ông nói thêm rằng, trong nghiên cứu của các học giả Mỹ, họ sử dụng cụm từ “Chinese culture”, dịch ra tiếng Trung là "văn hóa Trung Quốc", nhưng nhìn chung người Đài Loan dễ chấp nhận cụm từ “văn hóa Trung Hoa” hơn. Hai cụm từ này mang hàm nghĩa khác nhau, bởi vì người Đài Loan không bài xích "văn hóa Trung Hoa", nhưng họ sẽ cho rằng từ "Trung Quốc" trong “văn hóa Trung Quốc" có nhiều khả năng mang hàm ý "Trung Quốc về mặt chính trị" (ý chỉ ĐCSTQ và văn hóa của ĐCSTQ). Đó là lý do tại sao Đài Loan có thể chấp nhận cái tên "Đài Bắc Trung Hoa" trong Thế vận hội Olympic và các sự kiện quốc tế khác, nhưng không thể chấp nhận bị gọi là "Đài Bắc Trung Quốc".

Ông Trần nói rằng, không phải chính quyền ĐCSTQ không biết rằng Đài Loan không bài xích văn hóa Trung Hoa. Trong 20 đến 30 năm qua, chế độ Trung Quốc đã lợi dụng ‘sức mạnh mềm’ của văn hóa, dùng thủ đoạn “củ cà rốt và cây gậy” để khiến người dân Đài Loan có xu hướng thống nhất, nhưng hiệu quả lại không tốt lắm.

"Điều mà ai cũng thấy là nếu chúng ta muốn xích lại gần Trung Quốc hơn về [phương diện] hệ thống chính trị, hoặc muốn thống nhất vào một ngày nào đó trong tương lai, thì chúng ta sẽ mất đi phương thức sinh sống như bây giờ. Đây là điều mà người Đài Loan hiện nay ngày càng trân trọng, và ai cũng biết rằng bây giờ Trung Quốc [đại lục] không có cuộc sống tự do như chúng ta”, ông nói.

Khác với ĐCSTQ, nền văn hóa chính trị ở Đài Loan tôn trọng dân chủ và nhân quyền

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Michael Fonte, Giám đốc Văn phòng Đảng Dân tiến (DPP) của Đài Loan tại Mỹ, nhấn mạnh rằng người Đài Loan vốn luôn gần gũi với văn hóa Trung Hoa. Các quan niệm văn hóa truyền thống như lòng hiếu thuận, tôn ti trật tự, v.v. vẫn ăn sâu vào ngôn từ mà người dân sử dụng.

Ông Fonte nói, "Lý do người dân Đài Loan có thể đoàn kết và cự tuyệt thứ văn hóa chính trị của Trung Quốc (ĐCSTQ), đó là vì nền văn hóa chính trị của Đài Loan dung hợp cả lòng quyết tâm về dân chủ và sự tôn trọng đối với nhân quyền. Đài Loan đã phải trường kỳ đấu tranh thì mới đạt được sự dung hợp này".

Ông Fonte nói thêm rằng, ngoài những người "Hoklo" (những di dân thời đầu đến từ Phúc Kiến), Hakka, và những thổ dân gốc Đài Loan, tham gia cuộc đấu tranh này còn có "những người ngoại tỉnh" đến từ Trung Quốc đại lục, họ đã cùng nhau lật đổ thể chế chuyên quyền rồi thiết lập một nền văn hóa tôn trọng dân chủ và nhân quyền.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Học giả: Người Đài Loan cự tuyệt 'chế độ Trung Quốc', thừa nhận 'văn hóa Trung Hoa'