Học giả Trung Quốc tiết lộ ‘nhiều cơ quan của nước này giống như xã hội đen nắm quyền’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, học giả Trung Quốc Lý Nghị (Li Yi) một lần nữa trở thành tâm điểm khi tuyên bố rằng, “Rất nhiều cơ quan ở Trung Quốc giống như xã hội đen nắm quyền” và “các ngành các nghề trong xã hội đều muốn ‘tiêu diệt sạch’ nhân tài”. Phát ngôn này của ông Lý đã khiến ngoại giới thảo luận sôi nổi.

Ông Lưu Hiểu Nguyên (Liu Xiaoyuan), cựu Luật sư của Công ty Luật Phong Nhuệ Bắc Kinh, người hỗ trợ cung cấp pháp lý và tư vấn cho các nhóm yếu thế trong một thời gian dài, đã đăng một đoạn video về ông Lý Nghị lên mạng xã hội Twitter vào ngày 2/7. Trong video, ông Lý Nghị chỉ ra nền giáo dục của Trung Quốc lạc hậu, và rằng dưới sự cai trị của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhân tài ở Đại Lục không được coi trọng, thậm chí còn bị tấn công.

Ông Lý Nghị lấy ví dụ về các tiến sĩ du học ở Mỹ, nói rằng: "40 năm trước, tôi chưa từng nghe nói đến việc tấn công các tiến sĩ du học ở Mỹ, bây giờ thì chuyện đó quá phổ biến. Vì đơn vị nào cũng có vấn đề về địa vị, tôi thua kém bạn, bạn đến rồi, tôi sống thế nào đây? Bạn không nên đến, đến rồi thì phải ‘tiêu diệt’ bạn trước. Hiện tượng này rất phổ biến ở Trung Quốc, do đó những tiến sĩ du học ở Mỹ thường không về nước".

“Tôi nói thật với bạn, trong số 100 người thì 92 người sẽ không về nước”. Ông Lý cảm khái chỉ ra: “Đất nước chúng tôi hiện nay không tuyển dụng nhân tài, mà là đẩy nhân tài ra bên ngoài. Trung ương đảng, Quốc vụ viện, Quân ủy Trung ương, đều muốn ‘khai thác’ nhân tài từ Mỹ, nhưng chính sách này không thể thực hiện được. Sau khi xuống đến từng địa điểm, cơ quan cụ thể thì toàn là muốn ‘diệt sạch’ nhân tài nước ngoài, nhân tài Trung Quốc. Không phải [những nhân tài này] không có trình độ, mà là không có lợi. Họ không nói đến lợi ích quốc gia, không nói đến lợi ích dân tộc, mà chỉ nói đến lợi ích cá nhân và còn có các luật của xã hội đen".

Ông Lý giải thích thêm rằng, "Rất nhiều cơ quan ở Trung Quốc chúng tôi giống như xã hội đen nắm đang nắm quyền”.

Đoạn video trên do ông Lưu Hiểu Nguyên công bố không ghi rõ thời gian, địa điểm cụ thể, nhưng hiện đã khiến người dân thảo luận sôi nổi.

Cư dân mạng đưa ra nhiều bình luận khác nhau:

“Thì ra ông ta là người hiểu chuyện, thậm chí là hiểu rõ hơn bất kỳ ai”.

“Tôi thật không ngờ Lý Nghị mà cũng có thể nói ra được một chút lời thật như vậy".

“Đây chính là bản chất! Một tập đoàn xã hội đen”.

Trước đó, ông Lý Nghị từng trở nên nổi tiếng trên mạng khi có phát ngôn “máu lạnh” rằng, 4.000 người Trung Quốc chết vì dịch bệnh "cũng tương đương với chẳng có người nào chết".

Cụ thể, tại "Diễn đàn Vịnh Thâm Quyến" hôm 16/10/2020, ông Lý vừa cười vừa nói rằng: "Coronavirus mới là thứ bất lợi nhất với Âu Mỹ, [nhưng] nó lại có lợi nhất với Triều Tiên và Trung Quốc. Chúng ta đã chết 4.000 người, đúng không? Nhưng so với 220.000 người chết ở Mỹ, thì 4.000 người cũng tương đương với chẳng có người nào chết! Thiếu chút nữa là số ca nhiễm bệnh của chúng ta gần như bằng 0, số ca tử vong bằng 0”. Bởi vì “1,4 tỷ dân mà chết có 4.000 người, thì cơ bản cũng bằng như chẳng có ai nhiễm bệnh, chẳng có ai chết cả".

 

Ngoài ra vào ngày 6/6, tài khoản Weibo "Thống nhất bằng vũ lực" đã đăng tải một đoạn video, trong đó ông Lý Nghị đang “thao thao bất tuyệt” nói về chủ đề "Thống nhất Đài Loan bằng vũ lực" trong một bữa tiệc. Vụ việc cũng khiến dư luận dậy sóng.

Ông Lý tuyên bố rằng, "Đại Lục phải chuẩn bị tốt cuộc chiến tranh hạt nhân để thống nhất Đài Loan", sau đó gửi cho Đài Loan "Hiệp định thống nhất hòa bình hai bên eo biển" một ngày trước khi đánh và buộc Đài Loan phải đầu hàng. Ông Lý còn dự đoán rằng, Đài Loan sẽ đồng ý ký "Hiệp định thống nhất" trước khi xảy ra chiến tranh.

Theo thông tin, ông Lý Nghị là một học giả sống lâu năm tại Mỹ, nguyên là Nhà nghiên cứu, Giáo sư của Viện Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân Dân Trung Quốc, cũng là cựu Giám đốc Viện nghiên cứu Đài Loan thuộc Đại học Phúc Châu, Phúc Kiến.

Mai Hạ

Theo Vision Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Học giả Trung Quốc tiết lộ ‘nhiều cơ quan của nước này giống như xã hội đen nắm quyền’