Học viện Khổng Tử vẫn xâm nhập vào các trường Đại học Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những thập kỷ qua, thật đáng tiếc khi các trường đại học có uy tín ở Hoa Kỳ lại thúc đẩy các việc chống lại giá trị của nước Mỹ. Từ việc dẹp bỏ quyền tự do ngôn luận học đường đến việc phản đối các hành động và chính sách của Mỹ, nhiều nhà quản lý và giáo sư đã vẽ một bức chân dung xấu xí về “chủ nghĩa Mỹ” để tiêm nhiễm giới sinh viên và tuyên truyền cho các giá trị “tốt hơn” của các xã hội khác.

Và một thực tế là, chính phủ Trung Quốc đang lôi kéo các nhà lãnh đạo các trường đại học Hoa Kỳ vào nỗ lực đáng lo ngại này.

Theo tờ Politico, Trung Quốc đang âm thầm thâm nhập vào các trường đại học của Hoa Kỳ, tuyên truyền tư tưởng của ĐCSTQ thông qua chương trình có tên gọi là ‘Học viện Khổng Tử’. Các nhà quản lý của các trường đại học muốn phủ nhận hoặc có thể không nhận thấy động cơ nham hiểm của chương trình này. Vì vậy, họ lập luận rằng nó có thể giúp sinh viên trở thành công dân toàn cầu.

Theo một thông cáo báo chí, Đại học Bắc Carolina tại Charlotte là một trong những trường vừa mới mở chi nhánh Học viện Khổng Tử. Theo đó Hoa Kỳ hiện tại có gần 100 cơ sở và thế giới có hơn 500 cơ sở học viện này. Bà Nancy Gutierrez, trưởng khoa Khoa học và Nghệ thuật Tự do của Đại học UNC-Charlotte, tin rằng chương trình này sẽ “mở rộng phạm vi của trường, hỗ trợ giảng dạy ngôn ngữ cũng như tăng cường các cơ hội văn hóa trong cộng đồng trường tại Charlotte”.

Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Trung Quốc đã công khai thừa nhận, và thậm chí còn khoe khoang về bản chất lừa đảo của chương trình.

Như ông Lý Trường Xuân (Li Changchun), ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đánh giá: “Học viện Khổng Tử là một thương hiệu hấp dẫn để quảng bá nền văn hóa Trung Hoa ở nước ngoài. Nó đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện sức mạnh mềm của Trung Quốc. Thương hiệu ‘Khổng Tử” có sức lôi cuốn và chương trình giảng dạy tiếng Trung Quốc là để hợp thức hóa và đem lại tính logic cho các hoạt động của viện”.

Theo tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc năm 2010, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương của Bộ chính trị Trung Quốc Lưu Vân Sơn nói rằng việc thành lập thêm nhiều Viện Khổng Tử là “để phối hợp nỗ lực tuyên truyền trong và ngoài nước, [và] tiếp tục kiến tạo một môi trường quốc tế thuận lợi cho [Trung Quốc]”.

Hơn nữa, lãnh đạo cao nhất của chương trình này chịu sự chi phối của các quan chức chính phủ Trung Quốc, bao gồm các đại diện từ Ban tuyên giáo của Trung Quốc.

Có nhiều chỉ trích về việc Viện Khổng Tử “bịt miệng” các vấn đề về nhân quyền thông qua các biện pháp kiểm soát cá nhân và can thiệp trực tiếp. Sau khi được thành lập, các lãnh đạo viện này báo cáo rằng đã đạt được một ảnh hưởng sâu rộng và nhanh chóng đối với các hoạt động trong khuôn viên trường.

Nhiều hiệp hội sinh viên và giáo sư đã đứng lên phản đối sự tồn tại và những ảnh hưởng của Viện Khổng Tử. Tuy nhiên, chương trình này vẫn tiếp tục lây lan như một loại virus, sống bằng sự mong mỏi phát triển kinh tế cũng như mục đích phát triển đa dạng và toàn diện một cách hời hợt của trường đại học.

Các trường đại học đã và đang trao quyền cho các chương trình “giảng dạy ngôn ngữ” và “hội nhập văn hóa” dẫn dắt theo con đường của ĐCSTQ. Và cái giá phải trả là sự hy sinh các giá trị và nguyên tắc tự do của nước Mỹ để dần dần “đồng hóa” với con đường này.

Số lượng các Viện Khổng Tử trên cả nước Mỹ tăng đều đặn theo thời gian, có lúc tăng lên khoảng 100 vào lúc cao điểm. Cơ cấu của những viện như vậy khác nhau, nhưng thường có một giám đốc phụ trách, thường là giảng viên hoặc nhân viên từ trường đại học chủ nhà. Và một đồng giám đốc người Trung Quốc, người báo cáo trực tiếp cho Bắc Kinh và giám sát giáo viên người Trung Quốc. Bộ Giáo dục Trung Quốc thường cung cấp tài trợ khởi nghiệp hàng năm, tuyển dụng giáo viên ngôn ngữ từ Trung Quốc, cung như cung cấp tài liệu và chương trình giảng dạy.

Được coi là một chương trình được thiết kế để mở rộng ảnh hưởng của chế độ ĐCS Trung Quốc ở nước ngoài, ngày càng có nhiều tai tiếng của Viện Khổng Tử trong những năm gần đây. Vào tháng 9 năm 2014, Đại học Chicago đã từ chối gia hạn hợp đồng với Viện Khổng Tử, sau một bản kiến ​​nghị từ hơn một trăm giảng viên. Họ mô tả Viện Khổng Tử là “một sáng kiến ​​mơ hồ về mặt học thuật và chính trị”, vốn tìm cách thúc đẩy lợi ích của nước ngoài [của Trung Quốc], trên tổn thất về sự độc lập học thuật của trường đại học chủ nhà. Vào tháng 6 cùng năm, Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ (AAUP) đã kêu gọi các trường đại học Mỹ đóng cửa các Viện Khổng Tử của mình. Hiệp hội cáo buộc những Viện này thúc đẩy một chương trình nghị sự của nhà nước [Trung Quốc] “trong việc tuyển dụng và kiểm soát nhân viên học thuật, trong việc lựa chọn chương trình giảng dạy và trong việc hạn chế [tự do] tranh luận”.

Vào tháng 2 năm 2019, Tiểu ban Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ về Điều tra đã vạch trần các hoạt động lật đổ của Viện Khổng Tử trong một báo cáo, bày tỏ mối quan ngại về tính minh bạch và kiểm duyệt. Tiểu ban tuyên bố rằng các chủ đề được coi là có tính gây tranh cãi tới chế độ Trung Quốc, như vấn đề độc lập của Đài Loan hay thảm sát Thiên An Môn năm 1989, đã không được thảo luận tại những trường học Mỹ vì có sự hiện diện của Viện Khổng Tử tại đây.

Báo cáo viết: “Tài trợ của Học viện Khổng Tử đi kèm với những sợi dây trói có thể ảnh hưởng đến tự do học thuật”.

“Các giáo viên Trung Quốc ký hợp đồng với chính phủ Trung Quốc với cam kết họ sẽ không làm tổn hại lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Những nỗ lực hạn chế như vậy nhằm xuất khẩu kiểm duyệt của ĐCS Trung Quốc về tranh luận chính trị và ngăn chặn thảo luận về các chủ đề nhạy cảm chính trị”.

Thu Hường



BÀI CHỌN LỌC

Học viện Khổng Tử vẫn xâm nhập vào các trường Đại học Hoa Kỳ