Hồi kết cho giấc mơ chip bán dẫn của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã có giấc mơ muốn thống trị ngành chip bán dẫn toàn cầu. Họ liên tục dùng các thủ đoạn phi pháp để nhằm đạt được mục đích này. Gần đây Hoa Kỳ đã có các biện pháp để chống lại dã tâm này bằng việc ban hành các lệnh cấm liên quan đến chip bán dẫn lên các công ty công nghệ Trung Quốc. Dưới đây là phân tích của Tiến sĩ Cheng Xiaonong về giấc mơ sắp đến hồi kết này.

Truyền thông phương Tây gần đây đã đưa tin rằng Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc có thể phải chịu các lệnh trừng phạt thương mại của Hoa Kỳ. Tình hình nghiêm này trọng như thế nào? Hãy để tôi giải thích: lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với SMIC sẽ giết chết kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chip đầy tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Không chỉ công nghệ chip của Trung Quốc sẽ ngày càng tụt hậu so với phần còn lại của thế giới, mà Trung Quốc sẽ sớm nhận thấy công nghệ quân sự quan trọng của họ cũng đã lỗi thời và sẽ khiến họ gặp bất lợi trong các lĩnh vực như chiến tranh không gian và chiến tranh kỹ thuật số với Hoa Kỳ.

Trong thời đại internet, ngành công nghiệp điện tử của một quốc gia đóng vai trò là cơ sở hạ tầng của ngành thông tin liên lạc đại chúng và là cứu cánh của quân đội. Linh kiện bán dẫn là cốt lõi của tất cả các sản phẩm điện tử.

Ngay từ những năm 1960, các nước phát triển đã bắt đầu lắp ráp các mạch điện tử trên các mảnh phẳng nhỏ được gọi là mạch tích hợp, hoặc IC. Các IC từ đó trở nên nhỏ hơn nhiều, thường được gọi là chip. Và tốc độ của chúng cũng được tăng cường đáng kể. Chip hiện được sử dụng phổ biến trong tất cả các loại sản phẩm điện tử, từ máy bay, tên lửa, tàu thuyền và vệ tinh, đến ô tô dân dụng, máy tính, điện thoại di động và các thiết bị gia dụng.

Ngành công nghiệp vi mạch là ngành công nghiệp điện tử tiên tiến nhất. Khởi đầu là giai đoạn thiết kế vi mạch đòi hỏi công nghệ phức tạp nhất. Trung Quốc chỉ có thể thiết kế các vi mạch cơ bản. Giai đoạn tiếp theo là sản xuất chip. Mặc dù không phức tạp để sản xuất chip với kỹ thuật đồng chỉnh, nhưng việc sản xuất bộ đồng chỉnh lại tương đối khó khăn. Trung Quốc hiện phụ thuộc vào bộ đồng chỉnh nhập khẩu. Sau đó, giai đoạn cuối cùng của ngành là kiểm tra và đóng gói chip được sản xuất, đây là công việc dễ dàng nhất.

Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực để phát triển công nghệ đồng chỉnh. Năm 1990, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Trung Quốc và Cục Cơ điện đã đầu tư 2 tỷ nhân dân tệ (293,6 triệu USD) vào Dự án 908 Chip để phát triển năng lực dân sự, đồng thời sáp nhập Nhà máy Thiết bị Vô tuyến Jiang Nan và Viện Điện tử số 24 để thành lập Công ty TNHH Điện tử Wuxi Huajing. Cuối cùng, sau bảy năm đối mặt với thủ tục giấy tờ quan liêu, hoạt động sản xuất đã bắt đầu vào năm 1997, và công nghệ của công ty đã bị tụt hậu bốn hoặc năm thế hệ so với mức phổ biến toàn cầu. Trong năm đầu tiên, công ty lỗ 240 triệu nhân dân tệ (35,2 triệu USD).

Đây là sự sụp đổ của các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc: các dự án do chính phủ khởi xướng và các công ty do chính phủ tài trợ được thuê để nghiên cứu không thể bắt kịp công nghệ quốc tế. Công nghệ thấp và chi phí cao ngăn cấm chip Trung Quốc cạnh tranh trên thị trường, vì vậy Trung Quốc chỉ có thể dựa vào chip thương mại nhập khẩu và giá nhập khẩu bao gồm chi phí bản quyền.

đánh cắp công nghệ, họ vẫn không thể tạo ra chip cao cấp. Ảnh minh họa chip cao cấp. (Tomohiro Ohsumi/Bloomberg via Getty Images)
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại nổi tiếng của Hoa Kỳ, đã chỉ ra trong báo cáo năm 2019 rằng, ĐCSTQ đã cố gắng thống trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, để đạt được lợi thế về tình báo, quân sự và thương mại. Nhưng sau 40 năm đầu tư, gián điệp và

Năm 2001, nguyên Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Lam Thanh lại đặt tâm huyết phát triển ngành công nghiệp vi mạch của đất nước và để đạt được mục đích, ông đã dùng chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế. Năm 2002, chính quyền Trung Quốc đã đưa hoạt động sản xuất kỹ thuật đồng chỉnh vào Sáng kiến ​​Công nghệ Chủ chốt 863. Bộ Khoa học và chính quyền thành phố Thượng Hải đã hợp nhất nhiều công ty để thành lập Công ty TNHH (Tập đoàn) thiết bị điện tử vi mạch Thượng Hải (SMEE) để sản xuất camera stepper 100nm. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn không đem lại sự phát triển đáng kể nào kể cả sau khi ĐCSTQ thay đổi chiến lược và nhập khẩu các thiết bị đồng chỉnh để sản xuất chip.

Năm 2014, một lần nữa ĐCSTQ lại cố gắng và đặt mục tiêu đạt được trình độ công nghệ sản xuất vi mạch tiên tiến toàn cầu vào năm 2030. Mục đích của họ là xây dựng một số công ty lãnh đạo ngành công nghiệp toàn cầu thông qua “phát triển nhảy vọt” hoặc “vượt góc”. Để vượt trội mà không cần tốn sức, ĐCSTQ đặt hy vọng vào hai cách tiếp cận. Thứ nhất là mua công nghệ đồng chỉnh từ các quốc gia khác và sử dụng dịch vụ của các công ty nước ngoài để bảo trì máy móc nhập khẩu như mô hình tập đoàn SMIC. Cách tiếp cận nữa là đánh cắp nhân tài từ các quốc gia khác để “thâu tóm” công nghệ cốt lõi từ các doanh nghiệp nước ngoài. Công ty Fujian Jinhua của Trung Quốc bị bắt quả tang ăn cắp bí mật thương mại từ nhà sản xuất chip nhớ Micron của Hoa Kỳ và bị truy tố vào năm 2018. Hai chiến lược này kết hợp thành mô hình tăng trưởng của ngành công nghiệp vi mạch Trung Quốc.

Công ty Fujian Jinhua phạm tội gián điệp

Công ty sản xuất con chip Trung Quốc Fujian Jinhua Integrated Circuit là một trong ba nhà sản xuất chip lớn trong kế hoạch của ĐCSTQ. Khi công ty này nhận thấy không còn hy vọng có thể tự thiết kế công nghệ đồng chỉnh, họ đã cố gắng sử dụng gián điệp để đánh cắp công nghệ, nhưng bất thành. Một trong số các bài báo về vấn đề này trên The Epoch Times là bài báo có tiêu đề: “Thất bại có hệ thống và thất bại chiến lược: Mặt trận vi mạch trong Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ” đăng ngày 4/12/2018, đã trình bày chi tiết về vụ việc. Bản án gần đây của một tòa án Đài Loan đã khiến Jinhua chính thức không còn cửa để tồn tại.

DRAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động) rất quan trọng đối với chip thương mại, vì vậy, năm 2014, ĐCSTQ đã đầu tư 100 tỷ đô la để thành lập ba công ty phát triển công nghệ, trong đó Jinhua chịu trách nhiệm sản xuất chip nhớ phổ thông.

Đầu tiên, Jinhua thuê giám đốc điều hành từ các công ty công nghệ Đài Loan, sau đó thực hiện hành vi gián điệp chống lại Micron Technology, nhà sản xuất DRAM có trụ sở tại Idaho bằng cách chiêu dụ giám đốc điều hành và các nhân viên khác của Micron, những người mang đến hơn 900 tài liệu bằng sáng chế và công nghệ bí mật.

Sau khi phát hiện hành vi trộm cắp, Micron đã kiện Jinhua ở Đài Loan vào năm 2017. Năm 2018, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thụ lý đơn kiện hành vi gián điệp của công ty Jinhua và liên lạc viên thuộc United Microelectronics Corp (UMC) của Đài Loan vì đã đánh cắp bí quyết trị giá ước tính 8,75 tỷ đô la; đồng thời phát lệnh bắt ba nhân viên của họ. Tất cả các bên đều bị buộc tội liên quan đến âm mưu đánh cắp, chuyển tải và sở hữu bí mật thương mại bị đánh cắp và phải đối mặt với khoản tiền phạt tối đa hơn 20 tỷ USD. Cuối cùng năm đó, Bộ Thương mại đã đưa Jinhua vào danh sách các thực thể không được mua linh kiện, phần mềm và hàng hóa công nghệ từ các công ty Hoa Kỳ.

Khi xảy ra vụ việc này, Jinhua vừa nhận được một số thiết bị mua từ Hoa Kỳ và đang lắp đặt và thử nghiệm thiết bị. Ngay sau khi lệnh cấm được công bố, tất cả các nhà cung cấp thiết bị, linh kiện và phần mềm có liên quan của Hoa Kỳ đã ngừng mọi hỗ trợ kỹ thuật cho Jinhua. Trong khi đó, Cục Ngoại thương Đài Loan đã ban hành một bản tin cho các công ty trong nước về việc kinh doanh với công ty Jinhua phù hợp với lệnh cấm của chính phủ Hoa Kỳ. Công ty UMC sau đó cũng ngừng hợp tác với Jinhua.

Theo trang tin tức của Đài Loan UTN.com, vào ngày 12/6/2020, Tòa án quận Đài Trung, Đài Loan đã kết án ba kỹ sư Đài Loan liên quan đến vụ án Micron. Họ bị kết tội vi phạm Đạo luật Bí mật Thương mại, bị kết án từ 4,6 đến 6,5 năm tù và bị phạt hàng trăm đô la. UMC được lệnh nộp phạt 3,45 triệu USD. Vụ kiện của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đối với ba bị đơn vẫn đang được tiếp tục.

Do đó, nỗ lực sử dụng gián điệp của công ty Jinhua đã thất bại hoàn toàn và công ty đang có kế hoạch bán nhà máy của mình vì họ không thể vận hành thiết bị đã mua. Công ty này đã sụp đổ cùng với các điệp viên của mình.

SMIC đối mặt với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ

SMIC được thành lập bởi Richard Chang Ru-gin quốc tịch Đài Loan. Anh từng học tại một trường đại học Đài Loan, sau đó làm việc cho Texas Instruments Inc. trong 20 năm. Vào tháng 4/2004, Chang thành lập SMIC tại Thượng Hải và là Giám đốc điều hành của công ty. Anh rời công ty vào tháng 11/2009.

Trong một hội nghị vào tháng 8/2020, ông Chang nhận xét rằng khi thành lập doanh nghiệp, chính quyền Tổng thống Bush đã nới lỏng một số hạn chế đối với Trung Quốc, cho phép SMIC nhập khẩu công nghệ, thiết bị và sản phẩm 0,18 và 0,13 micromet từ Hoa Kỳ.

Sau đó, chính quyền Tổng thống Clinton tiếp tục nới lỏng giới hạn xuất khẩu thiết bị và công nghệ chip sang Trung Quốc. Kết quả là SMIC đã có thể nhập khẩu thiết bị sản xuất chip 90, 65, 45 và 32 nanomet có thể hoạt động ở mức 28 nanomet. Kể từ đó, SMIC đã sử dụng các thiết bị đồng chỉnh này để sản xuất chip.

Tổng Văn phòng Hội đồng Nhà nước của ĐCSTQ đã ban hành Thông báo số 4, có tiêu đề “Các chính sách nhằm khuyến khích hơn nữa sự phát triển phần mềm và ngành công nghiệp vi mạch tích hợp”. Vào tháng 6/2014, Quốc vụ viện đã ban hành “Đề cương về tăng tốc ngành công nghiệp vi mạch tích hợp của Trung Quốc” và thành lập các quỹ vi mạch quốc gia, còn gọi là Grand Funds. Đề cương nêu rõ rằng các thành phần chủ chốt của ngành công nghiệp vi mạch phải đạt được các tiêu chuẩn tiên tiến toàn cầu và một số doanh nghiệp Trung Quốc cần được thành lập như những công ty cấp một trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Ưu tiên hàng đầu của đề cương là sản xuất chip và 63% Grand Funds đã được lên kế hoạch đầu tư vào đó. SMIC đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch này.

SMIC hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất ở Trung Quốc, nhưng chỉ vài năm trước đây, công ty này chỉ chiếm 20% thị trường, trong khi Hãng sản xuất chất bán dẫn Đài Loan chiếm khoảng 50% thị phần. Datang Telecom, một trong những cổ đông lớn nhất của SMIC, cũng có ghế trong hội đồng quản trị của SMIC. Datang, một trong những khách hàng của SMIC, chuyên cung cấp thiết bị liên lạc bằng sợi quang và vi sóng cho quân đội Trung Quốc. Điều này có nghĩa là SMIC cũng phục vụ quân đội Trung Quốc.

Sự phát triển ngành công nghiệp chip của Trung Quốc đóng vai trò là nền tảng công nghệ quan trọng cho sự phát triển của sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Việc Trung Quốc nhanh chóng nâng cấp các nhà sản xuất chip đồng nghĩa với việc nâng cấp vũ khí, khả năng chiến tranh không gian và chiến tranh kỹ thuật số của quân đội ĐCSTQ. Là nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, SMIC đã cố gắng sản xuất bộ xử lý và bộ nhớ 14 nanomet, cả hai loại chip phổ thông cao cấp đều là mặt hàng được sử dụng rất nhiều trong quân đội.

Trong một bài báo của Reuters ngày 4/9, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói rằng chính phủ Hoa Kỳ đang hợp tác với các tổ chức khác để đánh giá sự cần thiết phải thực hiện các hành động chống lại SMIC. Nếu điều này xảy ra, các nhà cung cấp ở Hoa Kỳ sẽ hầu như không có cơ hội bán hàng cho SMIC, điều này sẽ kết thúc sự tồn tại của SMIC.

Trong năm nay, Trung Quốc có gần 10.000 công ty đã chuyển sang sản xuất chất bán dẫn, thậm chí trong đó có một số công ty mà mảng kinh doanh chính của họ chẳng liên quan gì đến chất bán dẫn. (SAM YEH/AFP/Getty Images)
Trong năm nay, Trung Quốc có gần 10.000 công ty đã chuyển sang sản xuất chất bán dẫn, thậm chí trong đó có một số công ty mà mảng kinh doanh chính của họ chẳng liên quan gì đến chất bán dẫn. (SAM YEH/AFP/Getty Images)

Giấc mơ chip của ĐCSTQ đã thất bại

Chip IC có thể được chia thành hai loại: chip phổ thông và chip đặc biệt. Trong lĩnh vực chip đặc biệt, Trung Quốc có rất ít công ty đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu và họ chủ yếu dành riêng cho các sản phẩm thương mại như những sản phẩm được sử dụng trong TV box, hệ thống giám sát và bộ định tuyến của Huawei. Đối với chip phổ thông cao cấp, khả năng của Trung Quốc tụt hậu đáng kể so với toàn cầu, một điểm yếu chính của ngành bán dẫn của ĐCSTQ. Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia khác về chip phổ thông cao cấp và hơn 70% tổng kim ngạch nhập khẩu chip trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc là chip xử lý và chip nhớ. SMIC đã không thể sản xuất chip 14 nanomet, một thành phần quan trọng trong việc nâng cấp năng lực quân sự. Nó sẽ không thể sử dụng thiết bị và công nghệ của Hoa Kỳ để tạo ra loại chip này trong tương lai.

Mặc dù không rõ các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ nghiêm khắc đến mức nào, nhưng người ta ước tính rằng các biện pháp trừng phạt đó có thể bao gồm ba khía cạnh.

Đầu tiên, Hoa Kỳ có thể cấm bán các thiết bị sản xuất chip mới hơn như thiết bị đồng chỉnh cho SMIC, như đã nhấn mạnh trong báo cáo của Reuters. Nếu điều này trở thành sự thật, Trung Quốc sẽ không có cách nào để nâng cấp nhà máy sản xuất chip của mình.

Thứ hai, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể được yêu cầu ngừng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật trên thiết bị hiện tại của SMIC. Vì SMIC phụ thuộc hoàn toàn vào Hoa Kỳ trong việc bảo trì thiết bị, lệnh cấm như vậy sẽ dẫn đến việc thiết bị của SMIC bị trục trặc nghiêm trọng, điều này sẽ làm giảm đáng kể hoặc thậm chí xóa sổ hoàn toàn năng lực sản xuất chip chất lượng của SMIC.

Thứ ba, các công ty Hoa Kỳ và các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng thiết bị và dịch vụ của Hoa Kỳ có thể bị cấm bán chip tầm trung và chip cao cấp cho Trung Quốc. Trong trường hợp này, Trung Quốc sẽ không thể sản xuất cũng như mua chip và do đó sẽ không thể nâng cấp chip để mở rộng khả năng quân sự. Lệnh trừng phạt tiềm tàng đã cảnh báo khu vực tài chính phương Tây rất nhiều. Một người cho vay toàn cầu có hơn 200 triệu đô la tín dụng chưa thanh toán với SMIC đang đánh giá rủi ro gia tăng của khoản vay.

Ngày nay, công nghệ sản xuất chip của Trung Quốc đang tụt hậu ít nhất hai thế hệ so với tiêu chuẩn quốc tế. Trên toàn thế giới, công nghệ chip 28-14 nanomet đã rất phát triển, đồng thời, có một số công ty đã sản xuất hàng loạt chip 14-10 nanomet. Intel, Samsung và TSMC đều đang sản xuất hàng loạt chip 10 nanomet và đang đầu tư vào dây chuyền sản xuất chip 7 nanomet và 5 nanomet. Ngược lại, trước năm 2015, ở Trung Quốc, SMIC chưa thể bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 28 nanomet bằng thiết bị của riêng mình. Nếu Hoa Kỳ thông qua lệnh cấm công nghệ và dịch vụ, thì SMIC có thể không duy trì được việc sản xuất chip của mình, chứ chưa nói đến nâng cấp.

Công nghệ sản xuất chip trở nên lỗi thời rất nhanh. Cứ sau 18 đến 24 tháng, số lượng bóng bán dẫn có thể lắp trên chip tăng gấp đôi. Do đó, các nhà sản xuất chip cần thường xuyên nâng cấp công nghệ nano của họ. Ví dụ, TSMC nâng cấp toàn bộ dây chuyền sản xuất của họ vài năm một lần và thậm chí còn thường xuyên hơn trong những năm gần đây. Sau khi sản xuất hàng loạt chip 10 nanomet vào năm 2017, TSMC sẽ thực hiện sản xuất hàng loạt chip 7 nanomet trong năm nay. Trong khi các công ty dẫn đầu thị trường toàn cầu liên tục nâng cấp, SMIC và các công ty Trung Quốc khác vẫn dậm chân tại chỗ để chứng kiến khoảng cách giữa họ và thể giới ngày càng tăng theo thời gian. Điều này có nghĩa là sự lỗi thời về công nghệ và thiết bị của Trung Quốc sẽ sớm bộc lộ trong các cuộc đối đầu quân sự với Hoa Kỳ.

Cơn ác mộng hiện tại của Huawei có thể trở thành cơn ác mộng trong tương lai của SMIC. Nguồn cung chip của Huawei đã bị cắt giảm sau khi Hoa Kỳ leo thang lệnh trừng phạt vào ngày 17/8. Do đó, sản lượng điện thoại thông minh của Huawei sẽ giảm 80% so với con số 240 triệu của năm 2019 và sản xuất linh kiện TV sẽ giảm từ 30 đến 40%.

ĐCSTQ đã mắc nhiều sai lầm trong quá trình theo đuổi “tham vọng trỗi dậy” và trong cuộc chiến tranh lạnh chống lại Hoa Kỳ. Một trong những sai lầm lớn nhất của họ trong lĩnh vực công nghệ cao là họ đã tưởng tượng rằng họ có thể xây dựng lợi thế quân sự và công nghệ so với Hoa Kỳ bằng cách sử dụng chính thiết bị và dịch vụ của Hoa Kỳ. Một ảo tưởng phi thực tế rõ ràng đã khiến họ thách thức Hoa Kỳ. Các biện pháp đối phó của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ cao là hệ quả tất yếu của xung đột quân sự và kinh tế giữa hai nước.

Tiến sĩ Cheng Xiaonong là một học giả về chính trị và kinh tế Trung Quốc tại New Jersey. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Nhân Dân và Tiến sĩ ngành Xã hội học tại Đại học Princeton. Tại Trung Quốc, ông Cheng là nhà nghiên cứu chính sách và là trợ lý của cựu lãnh đạo Đảng, cựu Thủ tướng Triệu Tử Dương. Ông Cheng đã từng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Gottingen và Princeton, và là tổng biên tập của tạp chí Nghiên cứu về Trung Quốc Hiện đại. Các bài bình luận và chuyên mục của ông thường xuyên xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Hồi kết cho giấc mơ chip bán dẫn của Trung Quốc