Tà ác vô độ | II - 3: Hối lộ, chủ nghĩa thân hữu và tham ô

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thời gian cai trị, Giang Trạch Dân đã để nạn hối lộ, thân hữu và tham ô hoành hành khắp Trung Quốc; qua đó ông ta kết bè kết phái nhằm củng cố vị thế và thu về nguồn tiền khổng lồ. Nhờ cài cắm thân tín vào những vị trí cấp cao trong các tổ chức pháp lý và tư pháp Trung Quốc, thân quyến và tay chân của Giang Trạch Dân được bao che để lộng hành mà không cần kiêng dè điều gì.

Đọc toàn chuyên đề: Tà ác vô độ - Triều đại hủ bại của Giang Trạch Dân ở Trung Quốc

Chương II: Nạn hồng thủy tham nhũng thời Giang Trạch Dân

Phần 3: Hối lộ, chủ nghĩa thân hữu và tham ô

Vụ bê bối của Tập đoàn Viễn Hoa

Tháng 11/2000, các phương tiện truyền thông lớn của phương Tây đồng loạt đưa tin về một vụ bê bối buôn lậu trị giá hàng tỷ USD ở thành phố cảng Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Hơn một chục quan chức chính quyền đã nhận án tử hình; nhiều người hơn nữa bị kết tội tham nhũng, buôn lậu và các tội danh khác. Doanh nhân Lại Xương Tinh (Lai Changxing) bị cáo buộc đã xây dựng một đế chế buôn lậu các mặt hàng gồm ô tô, dầu mỏ, đồ điện tử, thuốc lá và hàng xa xỉ trị giá hơn 6 tỷ USD kể từ năm 1996. Tập đoàn Viễn Hoa của Lại Xương Tinh đã thực hiện vô số vụ buôn lậu quy mô lớn trong những năm cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khiến Trung Quốc mất hàng tỷ USD tiền thuế quan.

Cuộc điều tra bắt đầu vào tháng 03/1999, khi Thủ tướng Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) nhận được một nguồn tin ẩn danh về vụ bê bối. Khi ông Chu Dung Cơ tuyên bố sẽ điều tra vụ án từ tầng thấp nhất đến tận tầng cao nhất, bất kể ai có liên quan, Giang Trạch Dân cũng bày tỏ rằng ông ta sẽ không khoan nhượng với bất cứ ai phạm tội. Tuy nhiên ngay sau đó, khi những người xung quanh Giang Trạch Dân - chẳng hạn như Giả Đình An (Jia Tingan) và Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin) - bị liên lụy, thái độ của họ Giang lập tức thay đổi.

Một năm sau, năm 2000, một tổ chuyên trách đặc biệt được thành lập để xử lý vụ án và được cho là đã hoàn thành một cuộc điều tra toàn diện. Trong quá trình này, hơn 600 người đã bị điều tra và khoảng 300 người bị buộc tội hình sự. Năm 2001, các tòa án Trung Quốc ra bản án đối với 269 bị cáo trong 167 vụ án liên quan đến bê bối tại Tập đoàn Viễn Hoa. Tháng 07/2001, ngay cả trước khi vụ án khép lại, một số người đã bị xử tử.

Cách làm việc sơ sài như vậy cho thấy Giang Trạch Dân mong muốn kết thúc cuộc điều tra càng sớm càng tốt để người của ông ta không bị phát hiện có liên quan đến vụ bê bối.

Đối với bất kỳ vụ án nào có quy mô tương tự, việc xử tử đồng phạm ngay cả trước khi toàn bộ vụ án khép lại đều cho thấy một nỗ lực che đậy các bằng chứng. Vụ bê bối của Tập đoàn Viễn Hoa đến giờ vẫn là một ví dụ điển hình cho một vụ án bị điều tra vội vàng. Lý do là vụ án này liên quan đến người dưới trướng Giang Trạch Dân. Trong khi đó, các vụ tử hình lại được họ Giang sử dụng để làm thành tích khoe khoang với giới truyền thông.

Giả Đình An là thân tín của Giang Trạch Dân, là thư ký của họ Giang khi ông ta làm việc tại Bộ Công nghiệp và Điện tử từ năm 1982 đến 1985. Giả Đình An đi cùng Giang Trạch Dân đến Thượng Hải năm 1985 và đến Bắc Kinh năm 1989. Giả Đình An là thư ký và cố vấn quan trọng nhất của Giang Trạch Dân. Khi họ Giang là Tổng Bí thư ĐCSTQ, Giả Đình An trở thành Chủ nhiệm Văn phòng Tổng Bí thư từ năm 1989 đến 2002. Năm 2004, Giang Trạch Dân bổ nhiệm ông ta làm Chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy Trung ương của ĐCSTQ, đồng thời đề xuất thăng cấp cho ông ta từ quân hàm Thượng tá lên Trung tướng. Mặc dù đề xuất đó đã bị các quan chức quân sự gạt sang một bên nhưng nó đã tiết lộ mối quan hệ giữa Giang Trạch Dân và Giả Đình An.

Trong vụ Tập đoàn Viễn Hoa, Giả Đình An từng bí mật cung cấp thông tin nhạy cảm cho Lại Xương Tinh, người đứng đầu Tập đoàn Viễn Hoa. Bản thân ông Lại cũng tiết lộ rằng ông ta có mối quan hệ thân thiết với 3 trong số 5 thư ký của Giang Trạch Dân, trong đó có Giả Đình An. Theo Thịnh Tuyết (Sheng Xue), tác giả của cuốn sách “Bức màn sắt về Vụ án Viễn Hoa” (The Iron Curtain of Yuanhua Case), Lại Xương Tinh có ý định "tài trợ" tiền cho Quân ủy Trung ương - một hình thức hối lộ - và thư ký của Giang Trạch Dân sẽ báo cáo những khoản tài trợ này với họ Giang. Lại Xương Tinh từng nói rằng Giang Trạch Dân “lẽ ra phải biết tôi là người bạn tốt của thư ký của ông ta”.

Giả Khánh Lâm là một thân tín khác của Giang Trạch Dân có liên quan đến vụ bê bối Viễn Hoa.

Vụ bê bối của Tập đoàn Viễn Hoa liên quan tới 70 tỷ nhân dân tệ (CNY) và liên lụy tới hơn 250 quan chức cấp địa phương, cấp tỉnh và cấp cao nhất. Họ bị kết tội: nhận hối lộ hàng triệu USD để tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn lậu các sản phẩm như ô tô, nhiên liệu, nguyên liệu thô, máy móc hạng nặng và hàng xa xỉ từ nước ngoài đến Trung Quốc qua cảng Hạ Môn từ năm 1994 đến 1999. Từ năm 1993 đến 1996, Giả Khánh Lâm là Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến và Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Phúc Kiến. Đây là lý do thực sự mà Giang Trạch Dân không muốn vụ án Viễn Hoa bị điều tra quá kỹ lưỡng.

Trong những năm đầu sự nghiệp chính trị, cả Giả Khánh Lâm và Giang Trạch Dân đều làm việc trong Bộ Công nghiệp Cơ giới thứ nhất và họ Giang là cấp trên của tay Giả. Nhờ đó mà Giả Khánh Lâm trở nên thân thiết với Giang Trạch Dân. Giả Khánh Lâm đã trở thành Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến vào năm 1985 và được đề bạt làm Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến vào cuối năm 1993. Năm 1996, Giang Trạch Dân đã tiêu diệt thành công kẻ thù chính trị Trần Hy Đồng (Chen Xitong). Người thay thế vị trí ông Trần với tư cách là Thị trưởng Bắc Kinh là Giả Khánh Lâm. Họ Giả sau đó đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Bắc Kinh và Ủy viên Bộ Chính trị.

Năm 2003, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia (NAO) thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã lật tẩy vụ bê bối kinh tế lớn trong nhiệm kỳ của Giả Khánh Lâm ở Phúc Kiến. Một báo cáo kiểm toán do NAO đệ trình vào tháng 01/2003 cho thấy vào năm 1993, Tỉnh ủy Phúc Kiến đã phân bổ 2 tỷ CNY (340 triệu USD) để xây dựng Sân bay Quốc tế Trường Lạc Phúc Châu. Đến đầu năm 1997, dự án đã bội chi 1,2 tỷ CNY (140 triệu USD). Giả Khánh Lâm bị phát hiện biển thủ và tham ô tiền xây dựng sân bay trong nhiệm kỳ 1993-1996 của ông ta với tư cách là Chủ tịch tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến.

Báo cáo của NAO xác minh rằng Tỉnh ủy Phúc Kiến và chính quyền tỉnh đã lấy đi 1,3 tỷ CNY (150 triệu USD), phần lớn trong số đó được sử dụng để phục vụ lợi ích của các quan chức cấp cao. Từ năm 1998 - khi sân bay được xây dựng xong - đến năm 2002, khoản lỗ lũy kế trong 5 năm hoạt động đã lên tới 1,55 tỷ CNY (190 triệu USD). Nguyên nhân là quy mô công trình vượt xa nhu cầu sử dụng, với lưu lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa hiện tại chỉ đạt 30% công suất thiết kế. Báo cáo kiểm toán cũng tiết lộ rằng trong quá trình xây dựng, Giả Khánh Lâm và Hạ Quốc Cường (He Guoqiang) - cấp phó của họ Giả vào thời điểm đó - đã biển thủ 1,2 tỷ CNY trong quỹ đặc biệt dành cho việc sử dụng đất, dùng để chi trả các khoản chi vượt ngân sách khi xây dựng sân bay. Báo cáo của NAO cũng khẳng định rằng một phần của số tiền tham ô đã được 230 quan chức cấp cao hám lợi sử dụng để xây hoặc mua 570 biệt thự sang trọng ở Phúc Châu, Hạ Môn, Chu Hải, Đại Liên, Thanh Đảo, Vô Tích, Hàng Châu và Bắc Kinh.

Khi báo cáo kiểm toán được đệ trình cho Giang Trạch Dân, ông ta chỉ đưa ra một chỉ thị ngắn gọn và nói rằng các vấn đề, chẳng hạn như sân bay Trường Lạc, không có gì bất thường; và nếu có thì vấn đề nằm ở việc quản lý. Báo cáo sau đó được trả lại cho Quốc vụ viện. Những chỉ đạo sơ sài của Giang Trạch Dân về sân bay Trường Lạc là một ví dụ điển hình về cách mà ông ta xử lý các vụ tham ô khác: nói rằng vấn đề là thường xuyên xảy ra và chỉ đơn giản do yếu tố quản lý, sau đó trả lại báo cáo điều tra cho Quốc vụ viện.

Tháng 03/2003, thời điểm chuẩn bị diễn ra Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 10 và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, dưới áp lực từ vụ bê bối ở sân bay Trường Lạc, Giả Khánh Lâm dự định từ chức Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Giang Trạch Dân sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Họ Giang nói với Giả Khánh Lâm rằng, nếu tay Giả từ chức thì họ Giang sẽ chấm hết. Rõ ràng, Giang Trạch Dân đã lợi dụng Giả Khánh Lâm, yêu cầu tay Giả bảo vệ vị thế của họ Giang.

Đổi lại, các quan chức tham nhũng, như Giả Khánh Lâm, Hoàng Cúc (Huang Ju) và Trần Lương Vũ (Chen Liangyu), đều được Giang Trạch Dân ra tay che chở.

Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương ĐCSTQ trở thành cơ quan quyền lực của Đảng

Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương (CPLAC) là một tổ chức trực thuộc Ủy ban Trung ương ĐCSTQ phụ trách các vấn đề pháp lý. Trước năm 1998, Ủy ban này không phải là cơ quan đáng chú ý của Đảng và không có nhiều thực quyền. Tất cả chức năng liên quan đến pháp luật do lực lượng cảnh sát, viện kiểm sát và tòa án chịu trách nhiệm. Năm 1997, Nhậm Kiến Tân (Ren Jianxin), khi đó là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, đã kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban.

Tháng 09/1997, La Cán (Luo Gan) được đề bạt vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư của Ủy ban Trung ương. Năm kế tiếp, La Cán kế nhiệm Nhậm Kiến Tân ở vị trí Chủ tịch CPLAC. Bắt đầu từ nhiệm kỳ của La Cán, quyền lực của CPLAC dần được tăng cường. Từ năm 1997 đến 2002, trong nhiệm kỳ đầu tiên của La Cán, Giang Trạch Dân đã loại bỏ các vị trí Phó Chủ tịch, để người đứng đầu Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nhà nước đều là thành viên của CPLAC và là cấp dưới của La Cán. CPLAC giám sát tất cả các cơ quan thực thi pháp luật, bao gồm cả lực lượng cảnh sát.

Do vai trò tích cực của La Cán trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, năm 2002, Giang Trạch Dân đã đề bạt ông ta vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Kể từ đó, CPLAC được nâng lên thành cơ quan Đảng cấp cao nhất, sát cánh cùng Ban Bí thư thuộc Ủy ban Trung ương.

Năm 2007, Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), khi đó là Bộ trưởng Bộ Công an, đã tiếp quản vị trí của La Cán để trở thành Chủ tịch CPLAC. Chu Vĩnh Khang cũng là người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân. Quyền lực của CPLAC trong nhiệm kỳ của Chu Vĩnh Khang đã lên đến đỉnh điểm.

Trên thực tế, chính nhờ Giang Trạch Dân mà CPLAC mới có thể trở thành một cơ quan quyền lực trong Đảng. Việc thao túng các tổ chức pháp lý và tư pháp Trung Quốc đã giúp giảm thiểu giám sát nhà nước đối với thân quyến và tay chân của Giang Trạch Dân, qua đó tạo điều kiện cho những kẻ này dễ bề tham nhũng.

Đọc tiếp: Chương II - Phần 4: Giang Trạch Dân ghi hận, báo thù các đối thủ chính trị



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tà ác vô độ | II - 3: Hối lộ, chủ nghĩa thân hữu và tham ô