Hội nghị Chính Hiệp Trung Quốc xuất hiện nhiều đề xuất ‘kỳ lạ’, không ai dám nêu ý kiến làm mất lòng chính quyền?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc họp của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (sau đây gọi tắt là Ủy ban Chính Hiệp) luôn được mệnh danh là "bình hoa chính trị". Gần đây, một số ủy viên của Ủy ban này đã đưa ra các đề xuất “kỳ cục” gây nhiều tranh luận. Tuy nhiên, dưới sự chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có rất ít ủy viên dám đưa ra những đề xuất và ý kiến ​​làm mất lòng chính quyền này.

Trong phiên họp năm nay, các ủy viên Ủy ban Chính Hiệp Trung Quốc đã đưa ra một số đề xuất gây nhiều tranh cãi như bỏ tiếng Anh khỏi môn học bắt buộc ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, hạ độ tuổi kết hôn, đưa giáo dục hôn nhân và tình yêu vào đại học làm môn bắt buộc...

Hôm 4/3, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng, ông Hứa Tiến Kiến (Xu Jinjian), ủy viên của Ủy ban Chính Hiệp đã đề xuất "bỏ tiếng Anh khỏi môn học chính trong các trường tiểu học và trung học cơ sở". Một ủy viên khác thì đề xuất "bỏ hoàn toàn bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, đẩy giờ tan học của cấp tiểu học xuống bằng với giờ tan làm của phụ huynh, để học sinh làm xong bài tập ở trường rồi mới về nhà".

Ông Lỗ Hiểu Minh (Lu Xiaoming), ủy viên Ủy ban Chính Hiệp và là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tài chính Quảng Đông, nói với báo chí rằng ông sẽ đề xuất sửa đổi các quy định của "Bộ luật Dân sự" để giảm tuổi kết hôn xuống 18 tuổi đối với cả nam và nữ nhằm ứng phó với vấn đề già hóa dân số đang rất nghiêm trọng ở Trung Quốc. Hiện tại, độ tuổi kết hôn quy định ở Trung Quốc là tròn 22 tuổi đối với nam và tròn 20 tuổi đối với nữ.

Một ủy viên khác là bà Vu Hân Vỹ (Yu Xinwei) nói rằng, hiện tại, giáo dục về hôn nhân và tình yêu dành cho những người tới độ tuổi kết hôn ở Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn sơ bộ, và hầu hết các khóa học về tình yêu ở các trường cao đẳng và đại học là các khóa học tự chọn. Bà đề nghị rằng, giáo dục hôn nhân và tình yêu nên được coi là một khóa học bắt buộc đối với sinh viên đại học, thông qua việc giảng dạy trên lớp và các bài giảng chuyên đề, v.v. để tiến hành giáo dục hôn nhân và tình yêu cho các sinh viên đại học, đồng thời biên soạn tài liệu giáo trình giáo dục hôn nhân và tình yêu dựa trên các trường hợp thực tế.

Ngoài ra, còn có người đưa ra đề xuất nhằm lấy lòng lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ. Ví dụ, một ủy viên của Ủy ban Chính Hiệp là ông Thi Vệ Đông (Shi Weidong), Hiệu trưởng của Đại học Nam Thông, đã đề xuất đưa những sự tích về Trương Kiển (Zhang Jian) vào sách giáo khoa được biên soạn cho các trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn Trung Quốc. Về vấn đề này, tờ Apple Daily của Hong Kong nói rằng đề xuất này là để “xu nịnh” ông Tập.

Trương Kiển là trạng nguyên thời mạt Thanh, ông là một nhà tư bản công nghiệp, chính trị gia và nhà giáo dục thời cận đại của Trung Quốc. Ông chủ trương “phát triển công thương nghiệp để cứu nước”. Vào giữa tháng 11 năm ngoái, khi Ant Group và Alibaba của Jack Ma (Mã Vân) bị chính quyền chỉnh đốn, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Bảo tàng Nam Thông ở Giang Tô và thăm triển lãm về cuộc đời của ông Trương Kiển. Sau đó, ông Tập đã yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân học hỏi chủ trương “phát triển công thương nghiệp để cứu nước” của ông Trương Kiển. Có phân tích cho rằng, việc ông Tập Cận Bình tán dương ông Trương Kiển chính là đang cảnh báo Jack Ma và các chủ doanh nghiệp tư nhân khác phải "dùng tiền cứu đảng".

Một số nhà bình luận cho rằng, những đề xuất "tuyệt vời" như vậy năm nào cũng có, điều này không chỉ phản ánh trình độ và chất lượng của một bộ phận ủy viên Ủy ban Chính Hiệp, mà còn cho thấy những người này đến tham dự Lưỡng Hội chỉ vì danh tiếng và coi đây như “hội làng" mỗi năm một lần. Sở dĩ những người này dám nói lung tung và không sợ làm mất lòng nhân dân là vì không ai có thể bãi nhiệm họ trừ Ủy ban thường vụ của Ủy ban Chính Hiệp.

Hôm 9/3, VOA đã thống kê một số ủy viên Ủy ban Chính Hiệp Trung Quốc bị “tính sổ” sau khi đưa ra các đề xuất trái ý chính quyền.

La Phú Hòa: Đề xuất nới lỏng quản lý mạng Internet

Ông La Phú Hòa (Luo Fuhe) là Phó Chủ tịch thứ nhất của Hiệp hội Thúc đẩy Dân chủ Trung Quốc (China Association for Promoting Democracy). Ông từng là một trong hơn 20 Phó Chủ tịch Ủy ban Chính Hiệp và cũng từng là đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ĐCSTQ trong ba khóa.

Tháng 3/2017, ông La nói với báo chí rằng tốc độ truy cập các trang web nước ngoài ở Trung Quốc ngày càng chậm, điều này cực kỳ bất lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội và nghiên cứu khoa học của Trung Quốc. Trong phiên họp năm đó, ông đã đệ trình "Đề xuất về cải thiện và tăng tốc độ truy cập của các trang web nước ngoài". Ông cho rằng "cần nâng cao tốc độ truy cập vào các trang web nước ngoài... để đáp ứng nhu cầu mở cửa và phát triển”.

Nhưng vì đề xuất khá ôn hòa này mà ông La đã không có tên trong danh sách 27 phó chủ tịch của Ủy ban Chính Hiệp do chính quyền công bố vào năm sau đó.

Trương Hoằng Minh: Nêu ra những vụ án nhạy cảm khiến chính quyền lúng túng

Ông Trương Hoằng Minh (Zhang Hongming), nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Ứng dụng của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, từng là ủy viên của Ủy ban Chính Hiệp.

Trong hai phiên họp ở Bắc Kinh năm 2017, trong buổi báo cáo về công tác của Toà án Nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, ông Trương đã phê bình hai cơ quan này vì cố ý không nhắc đến “Vụ án cái chết bất thường của Lôi Dương”, “Vụ án Viêm Hoàng Xuân Thu” - một tạp chí lịch sử dám xuất bản các bài viết về các chủ đề chính trị rất nhạy cảm đã bị chính quyền tiếp quản phi pháp, và “Vụ án Đặng Tương Siêu” - một giáo sư ở Đại học Kiến trúc Sơn Đông bị miễn chức và cưỡng chế nghỉ hưu vì đăng bài phê bình, chia sẻ bài phê bình về Mao Trạch Đông trên Weibo.

Ông Trương đã không được bầu lại sau khi hết nhiệm kỳ ủy viên Chính Hiệp kỳ đó.

Tưởng Hồng: Phê bình dự toán tài chính của ĐCSTQ

Ông Tưởng Hồng (Jiang Hong), Giáo sư tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, từng là ủy viên của Ủy ban Chính Hiệp trong hai kỳ.

Tại hai phiên họp của năm 2017, ông Tưởng đã yêu cầu Ủy ban Chính Hiệp xem xét lại việc bãi nhiệm Giáo sư Đặng Tương Siêu (Deng Xiangchao) của Đại học Kiến trúc Sơn Đông, nói rằng ông Đặng “chẳng qua chỉ là đưa ra quan điểm khác về Đại Cách mạng Văn hóa và một số chính sách không đúng trước kia của đảng trên Weibo, nhưng lại bị trường học miễn chức. Điều này thực sự đã gây ra thiệt hại lớn cho đất nước".

Ông cũng phê bình dự toán tài chính của ĐCSTQ là "khó hiểu", và chỉ trích ba khoản tiêu dùng công quỹ cho việc ăn uống, đi lại và xe cộ là mối nguy hại lớn cho nhân dân. Ông còn nói thằng rằng chế độ đại biểu nhân dân "giống như con dấu mộc, bản thân tôi cũng cảm nhận được".

Ông Tưởng đã không tái đắc cử sau hai phiên họp ở Bắc Kinh năm 2017.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng TrungVision Times



BÀI CHỌN LỌC

Hội nghị Chính Hiệp Trung Quốc xuất hiện nhiều đề xuất ‘kỳ lạ’, không ai dám nêu ý kiến làm mất lòng chính quyền?