Hồng Kông không cho phép Úc tiếp cận công dân Úc bị giam giữ: Vi phạm luật quốc tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành Luật an ninh quốc gia Hồng Kông vào năm 2020, Hồng Kông không còn công nhận hai quốc tịch, không thừa nhận tư cách công dân nước ngoài. Do đó, chính quyền Hồng Kông cho hay, công dân gốc Hoa sinh ra tại Hồng Kông hoặc Trung Quốc đại lục, dù mang quốc tịch nước ngoài, cũng không được các nước khác bảo vệ lãnh sự.

Các quan chức của Canberra xác nhận hôm 8/2 rằng, Úc đã bị từ chối quyền tiếp cận một công dân nước mình — vốn bị bắt ở Hồng Kông vì tội “lật đổ chính quyền”, theo Luật an ninh quốc gia Hồng Kông hà khắc mà Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành vào năm 2020.

Cá nhân này hiện đang chờ xét xử và có thể bị bỏ tù chung thân nếu bị kết tội.

Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết, họ đã được thông báo về vụ bắt giữ người này vào tháng 1 năm ngoái, nhưng đã bị từ chối nhiều lần quyền tiếp cận của lãnh sự, với lý do Hồng Kông không còn công nhận hai quốc tịch nữa.

Tờ South China Morning Post (SCMP) xác định người này là Gordon Ng Ching-hang, 42 tuổi, công dân Úc cư trú tại Hồng Kông. Ông là một trong 47 nhà hoạt động và chính trị gia đối lập bị bắt tại Hồng Kông vào ngày 6/1 năm ngoái, trong khuôn khổ một cuộc đàn áp toàn thành phố theo Luật an ninh quốc gia Hồng Kông. Ông lại bị bắt vào ngày 1/3 và bị buộc tội lật đổ chính quyền.

Người phát ngôn của Canberra cho biết: “Cá nhân này được coi là công dân Trung Quốc theo luật quốc tịch của Trung Quốc, vốn không công nhận hai quốc tịch”, và thêm rằng, các quan chức lãnh sự Úc đã tham dự các phiên tòa nhưng đã bị từ chối tiếp cận ông Gordon, dù đã cố gắng nhiều lần.

Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết vào tháng 2 năm ngoái rằng, Hồng Kông sẽ không công nhận hai quốc tịch, theo tờ SCMP đưa tin. Tuyên bố này đã khiến cả Úc và Anh sau đó thay đổi lời khuyên về du lịch đến Hồng Kông.

Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga phát biểu với giới truyền thông về Luật an ninh quốc gia mới được áp dụng cho thành phố, trong cuộc họp báo hàng tuần của bà ở Hồng Kông vào ngày 07/07/2020. (Isaac Lawrence / AFP, qua Getty Images)

Bà Lâm nói rằng, cư dân Hồng Kông gốc Hoa sinh ra ở lãnh thổ này hoặc ở Trung Quốc đại lục đều được coi là công dân Trung Quốc, và do đó không được các nước khác bảo vệ lãnh sự. Bà cũng nói thêm rằng, chính phủ của bà sẽ "thực thi nghiêm túc" chính sách này.

Bà Lâm cũng cho biết, theo chính sách mới, chỉ có công dân nước ngoài mới được bảo vệ lãnh sự theo Công ước Viên về Quan hệ Lãnh sự — một hiệp ước quốc tế xác định và bảo vệ quan hệ lãnh sự giữa các quốc gia có chủ quyền.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông HK01 của Hồng Kông vào tháng 3/2021, Tổng lãnh sự Úc tại Hồng Kông là Elizabeth Ward đã kêu gọi chính quyền Hồng Kông tôn trọng các quyền và tự do của con người được quy định trong hiệp ước quốc tế và Luật cơ bản của Hồng Kông.

Bà Ward chỉ ra rằng, chính quyền Hồng Kông đã đơn phương thay đổi thông lệ lâu đời vào năm ngoái, vốn cho phép các quan chức lãnh sự nước ngoài đến gặp người dân Hồng Kông có quốc tịch khác.

Vụ việc đã làm dấy lên thảo luận trên các mạng xã hội của Hồng Kông. Nhiều người đã kêu gọi những người có quốc tịch nước ngoài rời khỏi Hồng Kông vì lý do an toàn.

Hồng Kông, từng được coi là pháo đài của quyền tự do ngôn luận trong lòng Trung Quốc độc tài, đã biến chất bởi Luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt vào năm 2020, nhằm trấn áp những người bất đồng chính kiến ​​sau các cuộc biểu tình dân chủ lớn. Hơn 160 người đã bị bắt theo luật này, bao gồm các nhà hoạt động và nhà báo từ các hãng tin ủng hộ dân chủ, theo tin từ tờ Taipei Times.

Các nghi phạm thường bị từ chối tại ngoại, và nhiều người đã bị giam giữ trong thời gian dài trước khi xét xử.

Bộ Ngoại giao Úc cho hay, “Úc và nhiều quốc gia khác đã bày tỏ lo ngại về sự xói mòn các quyền tự do và tự chủ cơ bản ở Hồng Kông, và đã kêu gọi chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền của họ”. Đồng thời cho biết thêm rằng, các quan chức của Úc có thể tham dự các phiên tòa và “thường xuyên liên lạc với luật sư của cá nhân đó”.

Joseph Cheng một giáo sư khoa học chính trị đã nghỉ hưu tại Đại học Thành phố Hồng Kông chia sẻ với tờ Epoch Times rằng, trước tháng 6/2020, thời điểm mà luật an ninh quốc gia được ban hành, thì Bắc Kinh vẫn luôn “làm ngơ” trước những người Hồng Kông có quốc tịch nước ngoài.

Tuy nhiên, Luật An ninh Quốc gia hà khắc hiện coi cư dân Hồng Kông mang hộ chiếu nước ngoài chỉ là công dân Trung Quốc, không thừa nhận tư cách công dân nước ngoài của họ.

Nhà khoa học chính trị Hồng Kông Benson Wong chia sẻ với tờ Epoch Times rằng, ông tin rằng chính sách chống lại hai quốc tịch ở Hồng Kông rõ ràng hiện nay sẽ thúc đẩy người dân di cư ra nước ngoài.

Ông Wong cho hay: “Một số người Hồng Kông [có quốc tịch nước ngoài] ở lại thành phố để làm việc, vì nghĩ rằng quốc tịch nước ngoài có thể bảo vệ họ, nhưng sự việc này sẽ khiến nhiều người rời Hồng Kông”.

Cao Dương

Theo The Epoch Times

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Hồng Kông không cho phép Úc tiếp cận công dân Úc bị giam giữ: Vi phạm luật quốc tế