‘Hồng nhị đại’ tiết lộ về tầng lớp đặc quyền và bổ nhiệm quan chức trong ĐCS Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), được biết đến với biệt danh "Thiên hạ đệ nhất Bộ", chuyên phụ trách việc đề bạt các quan chức cấp cao và luôn được biết đến với những "hoạt động hộp đen". Là một cựu quan chức của Bộ Tổ chức Trung ương và có quan hệ sâu sắc với gia đình nguyên lão ĐCSTQ Trần Vân, ông Diêm Hoài (Yan Huai) đã mở ra một góc của chiếc "hộp đen" này.

Ông Diêm Hoài sinh năm 1945 ở thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô. Ông theo học Khoa Vật lý Kỹ thuật của Đại học Thanh Hoa năm 1964. Đây là một trong những chuyên ngành có mức độ bảo mật cao nhất Trung Quốc lúc bấy giờ. Ông từng là thư ký cho một thứ trưởng của Bộ Công nghiệp Than. Năm 1982, ông Diêm được văn phòng của ông Trần Vân sắp xếp vào Cục Cán bộ Thanh niên, cơ quan vừa được thành lập lúc bấy giờ của Bộ Tổ chức Trung ương ĐCSTQ. Cục trưởng đầu tiên của Cục Cán bộ Thanh niên – ông Lý Nhuệ (Li Rui) – cũng là do ông Trần Vân chỉ định.

Ngay từ năm 1966 khi Đại Cách mạng Văn hóa bắt đầu, ông Diêm Hoài và ông Trần Nguyên (Chen Yuan) – con trai cả của ông Trần Vân – đã trở thành những người bạn tâm đầu ý hợp khi đang theo học tại trường Thanh Hoa. Trong nhóm bạn thân cùng trường lúc bấy giờ, còn có ông Tống Khắc Hoang (Song Kehuang) – con trai cả của Thượng tướng Tống Nhậm Cùng (Song Renqiong), và ông Lưu Trạch Bành (Liu Zepeng), cũng là con của một cán bộ. Bốn người này được biết đến với biệt danh "Tứ nhân bang Bolshevik". Vào đầu những năm 1980, khi ĐCSTQ đang cải cách mở cửa và thay mới quan chức, ông Trần Nguyên đã tiến cử ông Diêm Hoài với cha mình để gia nhập Cục Cán bộ Thanh niên.

Năm 2017, ông Diêm Hoài xuất bản cuốn hồi ký dài có tên “Gia nhập và rời khỏi Bộ Tổ chức Trung ương: Cuộc đời khác biệt của một hồng nhị đại theo chủ nghĩa lý tưởng” (‘hồng nhị đại’, hay còn gọi là ‘thế hệ Đỏ thứ hai’, là đời con cái của những công thần xây dựng ĐCSTQ từ thời kỳ đầu). Ông viết rằng, tuy có mối quan hệ sâu sắc với gia đình ông Trần Vân, nhưng cuối cùng, khác với phần lớn các hồng nhị đại khác, ông đã chọn gạt bỏ tư tưởng “thế hệ trước đấu tranh giành giang sơn, thế hệ sau bảo vệ giang sơn”.

Ông Diêm đã nghiên cứu và lập ra một kế hoạch cải cách mạnh mẽ hệ thống tổ chức nhân sự của ĐCSTQ. Kiến nghị này đã được Tổng Bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương tiếp nhận hoàn toàn và xuất hiện trong báo cáo chính trị của Đại hội ĐCSTQ lần thứ 13. Nhưng vụ nổ súng "ngày 4 tháng 6" (Thảm sát sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989) đã chôn vùi triển vọng chuyển đổi của Trung Quốc, tất cả các kế hoạch cải cách đều tan vỡ.

Cuộc thanh trừng sau “ngày 4 tháng 6” không gây nguy hiểm cho ông Diêm Hoài. Tuy nhiên, ông đã quyết định đoạn tuyệt với chính quyền dùng súng bắn vào nhân dân, bước ra hải ngoại và tham gia vào các cuộc vận động dân chủ. Về sau ông tham gia vào công việc nghiên cứu tại Pháp, Singapore và Mỹ.

Ông Dương Kế Thằng (Yang Jisheng), một học giả nổi tiếng chuyên nghiên cứu về Nạn đói lớn và Đại Cách mạng Văn hóa, tiền bối tại Đại học Thanh Hoa của ông Diêm Hoài, đánh giá rằng cuốn hồi ký "Cuộc đời khác biệt" có rất nhiều thông tin và chúng có giá trị lịch sử cao. Giá trị nhất là những việc từng trải của ông Diêm Hoài khi công tác tại Bộ Tổ chức Trung ương ĐCSTQ.

Quan chức ĐCSTQ được lựa chọn theo hình thức bổ nhiệm, tức là xét theo mối quan hệ thân thiết chứ không đánh giá đạo đức hay tài năng của họ. Đây cũng là cách để loại trừ những người bất đồng chính kiến. Nó là một lối đi tắt cho những kẻ chuyên xu nịnh muốn trèo lên cao. Những người có tính cách độc lập, cho dù có năng lực mạnh, phẩm chất tốt, thì cũng khó mà được bổ nhiệm. Hệ thống này khiến cấp dưới phụ thuộc vào tầng tầng cấp trên, còn cấp trên kiểm soát cấp dưới, và các bè phái, phe cánh cũng sinh ra từ đây.

Theo Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI), ông Diêm Hoài đã nhiều lần nhắc đến câu nói của ông Trần Nguyên rằng: "Giai cấp thống trị phải có ý thức cai trị". Trước đây mọi người vẫn thường cho rằng, nhóm đặc quyền trong ĐCSTQ chỉ “làm giàu trong im lặng”, nhưng câu nói này của ông Trần Nguyên cho thấy, họ có “ý thức giai cấp” rõ ràng. Với "ý thức giai cấp" này, họ có thể tạo ra mọi đặc quyền mà chẳng cần kiêng kị bất cứ điều gì.

Ông Diêm Hoài còn tiết lộ rằng, ông Trần Nguyên từng nói: "Xuất phát điểm của chính sách đối với con em cán bộ phải là lợi ích giai cấp, nó là một phần của chính sách giai cấp". Không khó để lý giải tại sao từ sau Đại Cách mạng Văn hóa, con em của các quan chức ĐCSTQ lại được hưởng hết thảy đặc quyền: Vào quân đội, cử đi học đại học, đề bạt làm quan, được nhà nước đài thọ đi du học... Họ dựa vào quyền lực và mối quan hệ của cha mẹ, dễ dàng nắm giữ quyền cao chức trọng và trở nên vô cùng giàu có. Tại sao Trung Quốc có rất nhiều sự việc bất công nhưng lại không thể ngăn chặn? Chính vì “ý thức thống trị của giai cấp thống trị” đã bảo vệ “lợi ích giai cấp” của họ một cách mạnh mẽ.

Học giả Dương Kế Thằng nói rằng, ông rất bất ngờ trước "tính tự giác về giai cấp" của ông Trần Nguyên. Theo ông, giá trị cuốn sách của ông Diêm Hoài nằm ở chính tiết lộ này.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

‘Hồng nhị đại’ tiết lộ về tầng lớp đặc quyền và bổ nhiệm quan chức trong ĐCS Trung Quốc