Hù dọa người dân: Bắc Kinh dán cáo thị 'phòng không', Thượng Hải diễn tập sơ tán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tháng 7 năm nay, 2 tàu sân bay của Mỹ đã tổ chức hai cuộc tập trận chung ở Biển Đông, ngoài ra còn có các cuộc tập trận chung với Úc, Nhật Bản và Ấn Độ. Máy bay trinh sát và máy bay chống tàu ngầm của Mỹ cũng thường xuyên tiếp cận Thượng Hải và Phúc Kiến, đây là động thái chưa từng có. Vào thời điểm nhạy cảm này, Bắc Kinh đã đưa ra các thông báo phòng không, Thượng Hải đã tổ chức diễn tập sơ tán và tái định cư người dân khi lâm chiến. Những động thái quân sự bất thường của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý của ngoại giới.

Hôm 27/7, một người dân đại lục nói trên Weibo rằng, Văn phòng Phòng không quận Hải Điến thành phố Bắc Kinh đã có một động thái lớn vào ngày hôm đó, họ dán các thông báo hướng dẫn phòng không lên các nơi công cộng, như "Làm thế nào để nhanh chóng trốn vào công trình phòng không nhân dân khi nghe thấy báo động", "Kiến thức về phòng không nhân dân", v.v. Trên Internet cũng lan truyền một video cho thấy, chính quyền treo bảng tuyên truyền phòng không trên cổng hàng rào sắt, v.v.

Chính quyền treo bảng tuyên truyền phòng không trên cổng hàng rào sắt. (Ảnh trên mạng)

Có không ít cư dân hoảng loạn vì những khẩu hiệu như vậy, nghĩ rằng Không quân Mỹ sẽ tấn công Bắc Kinh. Một số cư dân mạng cũng cho biết: "Bây giờ toàn là dùng công nghệ kỹ thuật cao để xác định mục tiêu cần loại bỏ hay chặt đầu, mấy cái này chẳng liên quan gì đến tôi".

Ông Ngô, một người dân Bắc Kinh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng chính quyền đang khiến cư dân sợ hãi và khơi dậy lòng nhiệt tình yêu nước của họ: "Họ (chính phủ) làm vậy để kích động người dân, kêu gọi mọi người làm tốt công tác chuẩn bị cho chiến tranh, ý muốn bảo là Hoa Kỳ sẽ gây chiến với chúng tôi. Thực tế, họ cũng biết là không thể đánh nhau được, bởi vì hễ đánh là thua. Việc đánh nhau không liên quan gì đến người dân hết, nhưng chính phủ tuyên truyền như vậy khiến người dân rất lo lắng".

Ông Tôn Tân (Sun Bin), học giả chính trị Trung Quốc, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng ông đã thấy tuyên truyền tương tự ở các thành phố khác. Ví dụ, một số nơi dọc theo bờ biển phía đông nam đã bắt đầu dán (thông báo yêu cầu) một số sĩ quan hải quân, không quân đã giải ngũ, bao gồm cả người nhà của họ, phải lên Ủy ban Khu dân cư để báo danh. Điều đó có nghĩa là những người này có thể phải trở lại quân đội bất cứ lúc nào.

Theo kênh truyền thông đại lục đưa tin, quận Tùng Giang và quận Trường Ninh ở thành phố Thượng Hải đã tổ chức "Diễn tập sơ tán và bố trí tái định cư khi lâm chiến" vào ngày 22/7, còn quận Thanh Phố và quận Tĩnh An tổ chức vào ngày 23/7.

Máy bay quân sự của Hoa Kỳ tiếp cận Thượng Hải và Phúc Kiến, Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông

Khoảng 12h trưa ngày 26/7, quân đội Hoa Kỳ đã phái máy bay chống tàu ngầm P-8A đi tuần tra vùng biển gần bờ biển phía đông của đại lục, cùng lúc đó tàu khu trục USS Rafael Peralta cũng đang đi trên vùng biển này.

Theo tài khoản Twitter của hệ thống “Nhận biết tình hình chiến lược Biển Đông" (SOUTH CHINA SEA STRATEGIC SITUATION PROBING INITIATIVE) của Viện nghiên cứu Hải dương trực thuộc Đại học Bắc Kinh, hôm 26/7, một máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8A của Hoa Kỳ đã từ Nhật Bản bay về phía tây nam, và sau khi đến khu vực nhận dạng phòng không Đài Loan lúc 1h50 chiều, nó đã chuyển hướng bay sang Trung Quốc và tuần tra ở khu vực bờ đông đại lục gần Thượng Hải. Đồng thời, tàu khu trục Peralta cũng đang đi trong cùng vùng biển.

Vào lúc 2h chiều, chiếc P-8A này chỉ cách đường cơ sở lãnh hải nơi giao giới của tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến khoảng 41,3 hải lý (khoảng 76,5 km), sau đó quay trở lại. Khoảng cách này là khoảng cách gần nhất mà một máy bay quân sự Mỹ gần đây đã đến gần Trung Quốc để trinh sát.

Quân đội Trung Quốc tuyên bố rằng từ ngày 25/7 đến ngày 2/8, họ sẽ tập trận bắn đạn thật ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu. Hôm 26/7, CCTV News đã phát sóng hình ảnh một lữ đoàn binh chủng phòng không - không quân hải quân thuộc chiến khu Nam Bộ của Trung Quốc đã tiến hành huấn luyện bắn đạn thật ở Biển Đông trong nhiều ngày. Nội dung đoạn phát sóng là các máy bay chiến đấu bay trên biển ở độ cao cực thấp và thực hiện các cuộc tấn công liên tục vào các mục tiêu trên biển.

4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hoa Kỳ biến mất một cách bí ẩn, 60 máy bay ném bom hạng nặng sẵn sàng đợi lệnh

Theo hãng tin ITAR-TASS của Nga đưa tin ngày 22/7, các vệ tinh trinh sát của quân đội Nga đã phát hiện ra rằng 4 chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo chiến lược lớp “Ohio" (Ohio-class submarine) đang ở trong một căn cứ tàu ngầm ở Mỹ đột nhiên biến mất. Theo nguồn tin, tàu ngầm hạt nhân chiến lược nói trên rất có khả năng mang theo tên lửa đạn đạo hạt nhân và đang ẩn nấp ở một vùng biển sâu nào đó rất khó phát hiện, để làm phương án cuối cùng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Ngoài ra, Không quân Hoa Kỳ cũng công khai tuyên bố rằng hơn 60 máy bay ném bom chiến lược hạng nặng của Không quân Hoa Kỳ bao gồm “Bóng ma" B-2 (B-2 Ghost), “Pháo đài tầng bình lưu” B-52H (B-52H Stratofortress), “Kỵ binh bom" B-1B (B-1B Lancer), v.v. cũng đang sẵn sàng đợi lệnh tại 6 căn cứ không quân của Hoa Kỳ. Điều này cho thấy quân đội Mỹ đã thực hiện tất cả các bước chuẩn bị cho một cuộc xung đột cục bộ quy mô lớn.

Đài phát thanh Sputnik International - Chinese trích dẫn một báo cáo phân tích của một chuyên gia quân sự cao cấp trong Viện nghiên cứu Vấn đề Quốc tế của Nga, cho biết rằng trong vòng 1 tháng, Hải quân Hoa Kỳ đã tập kết ít nhất 4 tàu sân bay lớn và hơn 50 chiếc tàu tác chiến trên biển ở vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong đó bao gồm tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường Aegis, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Aegis, tàu ngầm hạt nhân tấn công, tàu tiếp tế lớn và tàu đổ bộ tấn công, v.v. Ngoài ra còn có hơn 300 chiến đấu cơ vận chuyển các loại và hơn 16.000 lính thủy đánh bộ thiện chiến trong các hoạt động đổ bộ. Chuyên gia quân sự này thẳng thắn nói rằng, quy mô chiến cơ và tàu chiến mà quân đội Mỹ đã thiết lập trong vùng biển này đủ để đánh bại hải quân của bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.

Liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Úc - Ấn Độ khiến ĐCSTQ e sợ

Theo Asia Times đưa tin, tuần trước, Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự với các đối tác và đồng minh dân chủ là Úc và Nhật Bản ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; trong tuần đó, Mỹ và Ấn Độ cũng tiến hành các cuộc tập trận chung. Bốn quốc gia này đã hợp tác thành một "bộ tứ" quốc phòng, cũng chính là thiết lập một “vòng cung dân chủ" (arc of democracy) ở châu Á nhằm bao vây Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bài báo cho biết, Bắc Kinh cũng cho rằng liên minh bốn nước này được thành lập để bao vây và ngăn chặn tham vọng trên biển và trên toàn cầu của ĐCSTQ, và Hải quân Hoa Kỳ là đòn bẩy hợp tác cho liên minh mới nổi này.

USS Nimitz (phải) và USS Reagan (trái) đã tiến hành bốn cuộc tập trận ở Biển Đông và Ấn Độ Dương trong vòng 20 ngày, thể hiện sức mạnh quân sự của họ và của liên minh quân sự Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Bức ảnh do Hải quân Hoa Kỳ công bố hôm 7/7/2020. (Keenan Daniels / US NAVY / AFP)

Cùng với việc tình hình chiến sự ở Biển Đông ngày càng leo thang, nguy cơ đối đầu ở biên giới Trung - Ấn cũng tăng cao. Hôm 22/7, kênh truyền thông Ấn Độ WION đưa tin, một bài phân tích gần đây có tiêu đề “Bản tin của các nhà khoa học Nguyên tử” (Bulletin of the Atomic Scientists) chỉ ra rằng: “Chiến lược hạt nhân của Ấn Độ từ trước tới giờ luôn tập trung vào Pakistan, nhưng hiện giờ họ dường như chú trọng vào Trung Quốc hơn, và Bắc Kinh hiện nằm trong tầm bắn tên lửa của Ấn Độ. Bây giờ, mục tiêu chính của tên lửa Agni (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) là Trung Quốc".

Ông Tập Cận Bình đi thị sát máy bay không người lái tác chiến, yêu cầu tăng cường thực chiến

Sự kiện Hoa Kỳ buộc Lãnh sự quán Trung Quốc đóng cửa đã đánh dấu sự tách rời trong mối quan hệ Trung - Mỹ. Hai bên rất có thể sẽ chuyển từ chiến tranh lạnh sang chiến tranh nóng. Trong thời kỳ nhạy cảm này, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đi thị sát Đại học Hàng không Không quân Trung Quốc vào ngày 23/7. Điều đáng chú ý là trong quá trình đi kiểm tra, ông Tập đã đặc biệt đến phòng thí nghiệm máy bay không người lái (UAV) để kiểm tra các cơ sở giảng dạy kiểm soát UAV và nắm được tình hình đào tạo UAV.

Theo báo cáo, ông Tập Cận Bình nói rằng, bây giờ xuất hiện lượng lớn các loại máy bay không người lái và các hoạt động tác chiến của UAV đang thay đổi bộ mặt chiến tranh. Ông nhấn mạnh cần phải phải tăng cường nghiên cứu các hoạt động tác chiến bằng UAV, đẩy mạnh thiết kế chuyên nghiệp cho UAV, tăng cường huấn luyện đào tạo thực chiến, và đẩy nhanh việc bồi dưỡng các nhân tài có thể sử dụng và chỉ huy UAV.

Một số nhà phân tích cho rằng, gần đây, quân đội Hoa Kỳ đã gia tăng áp lực quân sự đối với ĐCSTQ, việc máy bay không người lái của Hoa Kỳ thường xuyên tiếp cận đại lục, thêm vào đó là hai tướng lĩnh Iran đã bị tiêu diệt khiến Trung Nam Hải kinh sợ. Vào ngày 3/1 năm nay, Qassem Soleimani, một đồng minh của ĐCSTQ và là chỉ huy của quân đội Iran, đã nhanh chóng bị giết bởi một máy bay không người lái của Mỹ. Theo kênh Al-Arabiya đưa tin ngày 21/7, Israel đã sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Hoa Kỳ chế tạo để tiến hành hai cuộc không kích liên tiếp, một vị tướng Iran lại bị chặt đầu.

Nguồn tin cho biết, để ngăn chặn "hành động chặt đầu" của Hoa Kỳ, mức độ bảo đảm an ninh của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã được nâng lên "mức cao nhất trong lịch sử".

Theo các tài liệu, Đại học Hàng không Không quân Trung Quốc là một trường quân sự cấp cao chuyên đào tạo các phi công chuyên nghiệp, và là trường học trọng điểm được xây dựng theo “Dự án 2110” của quân đội do Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc phê duyệt.

Trước đó hôm 22/7, ông Tập Cận Bình cũng đã đến tỉnh Cát Lâm và thăm "Bảo tàng Tưởng niệm Chiến dịch Tứ Bình" - chiến dịch xảy ra trong cuộc nội chiến của ĐCSTQ. Dụng ý sâu xa của ông Tập là hô hào mọi thành viên trong đảng “nhất định phải trấn giữ vững vàng".

Trước đó, Tập Cận Bình cũng đã đăng một bài báo trên tạp chí đảng, mô tả chính quyền ĐCSTQ là "chúng tinh phủng nguyệt" (trăng sao vây quanh, ý nói được mọi người vây quanh, được mọi người truy phủng), và một lần nữa nhấn mạnh phải "kiên trì đi theo sự lãnh đạo của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ". Một số nhà phân tích nói rằng: Ông Tập đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ nội bộ đảng thông qua bài viết này; chính quyền ĐCSTQ đang đối mặt với một tình cảnh khốn khó chưa từng thấy. Ông Tập đã mất hết sự tự tin và đang cảnh báo nội bộ đảng phải ủng hộ ông, nếu không tất cả sẽ chết chung.

Hiện nay, ĐCSTQ từ đối nội đến đối ngoại đều gặp muôn vàn khó khăn. Gần đây nhất là sự kiện Trung - Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán của nhau. Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, ông Winston Lord nói với VOA rằng việc đóng cửa lãnh sự quán là chưa từng có và sự leo thang căng thẳng Trung - Mỹ có thể dẫn đến xung đột quân sự.

Ông Trương Gia Đôn (Zhang Jiadun), một tiến sĩ học về luật pháp Hoa Kỳ, cho rằng việc Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc "là một việc mà Hoa Kỳ đã làm rất tốt". Ông chỉ ra rằng đây là hậu quả của ĐCSTQ, và Hoa Kỳ không có lựa chọn nào khác ngoài việc “phải ngăn chặn các hành vi nguy hiểm, hiếu chiến và gây hại của ĐCSTQ”.

Đông Phương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hù dọa người dân: Bắc Kinh dán cáo thị 'phòng không', Thượng Hải diễn tập sơ tán