Khó tìm việc trong nước, thanh niên Trung Quốc bị lừa sang Myanmar, nhiều người mất liên lạc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiện tại, Trung Quốc đại lục đang có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 60 năm qua, và những người trẻ tuổi rất khó tìm được việc làm. Gần đây, truyền thông nước này đã tiết lộ nhiều trường hợp người Trung Quốc bị mất tích sau khi bị lừa sang Myanmar. Có nạn nhân nhắn tin về nước cầu cứu và ám chỉ rằng bản thân “đang bị giam cầm và quản chế”.

Mới đây, học sinh sinh viên tại một số trường ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy nhận được thông báo cảnh giác bị lừa ra nước ngoài. Thông báo nhắc tới trường hợp sau: Trong thời gian thực tập, 4 học sinh trường dạy nghề ở Hợp Phì đã tin vào lời dụ dỗ “ra nước ngoài làm việc 3 tháng là giàu” và bị lừa sang Myanmar rồi mất liên lạc. Vào ngày 20/3, truyền thông chính thống Trung Quốc cho biết, thông qua điều tra và lần theo nhiều manh mối, Ủy ban Tư pháp Bang Wa ở Myanmar đã tìm thấy ba người mất tích.

Ngay sau đó truyền thông Trung Quốc tiếp tục đưa tin, tại thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây lại phát hiện thêm 4 thanh niên mất tích tại Myanmar. Theo lời kể của phụ huynh các em, trong số 4 em có hai em 18 tuổi, một em 19 tuổi và một em 17 tuổi. Bốn em này rời nhà vào ngày 13/3 và 14/3 với lý do đi làm việc hoặc du lịch.

Trong số những người mất tích nói trên, có hai em đã nhắn tin qua ứng dụng WeChat và xin gia đình 200 - 300 nhân dân tệ (680 nghìn - 1 triệu VND) vào hôm 16/3 và 17/3. Một em đề cập trong tin nhắn WeChat rằng "cảm giác như bị bán cho công ty", "bị lừa đảo", "đang ở Myanmar", “cảm thấy quá nguy hiểm, muốn tìm cách chạy trốn”, v.v. Sau đó, tất cả các em đều mất liên lạc.

Ngoài hai vụ mất tích ở Myanmar kể trên, có nhiều gia đình khác cũng thông báo với các kênh truyền thông hoặc đăng trên Internet rằng con họ đã mất tích kể từ khi sang Myanmar.

Sau khi mất liên lạc một thời gian, một nam thanh niên ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây lại thỉnh thoảng liên lạc với gia đình nhưng đột nhiên lại gửi tin nhắn bằng tiếng Anh khiến gia đình rất bối rối.

Một thanh niên ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc và người em họ xa của mình đã mất liên lạc vào cuối tháng 1 năm nay. Anh này nhiều lần nói với gia đình qua WeChat rằng họ đang "ở Myanmar", "đừng nhắn linh tinh, họ đang bị theo dõi". Cảnh sát phát hiện rằng tài khoản WeChat này không được đăng ký bằng tên thật.

Vì muốn đòi lại khoản tiền 170.000 nhân dân tệ (580 triệu VND) từ khách hàng, anh Lý Vĩ (Li Wei), người Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, đã bị lừa đến Vân Nam vào cuối năm ngoái. Kết quả, khách hàng thì không thấy đâu, còn anh lại bị bắt cóc và bị uy hiếp phải vượt biên sang Myanmar. Cuối cùng anh bị bán cho một công ty lừa đảo viễn thông.

Trần Lượng (Chen Liang) ở thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây, cũng là một nạn nhân. Anh bị thu hút bởi quảng cáo tuyển dụng vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng với mức lương "3.000 tệ (10 triệu VND) mỗi ngày, làm trong 10 ngày". Sau đó anh đã chủ động vượt biên sang Myanmar và cuối cùng phải tham gia mạng lưới lừa đảo viễn thông.

Ngày 21/3, Tiểu Đặng (Xiao Deng), 20 tuổi đến từ Côn Minh, Vân Nam, đã chia sẻ trải nghiệm đau thương về việc người anh trai 22 tuổi của mình bị lừa sang Myanmar. Tiểu Đặng kể rằng, anh trai là người môi giới bất động sản, hôm 15/3 anh nói rằng sẽ đến Quý Châu để dự đám cưới của một người bạn, sau đó mất liên lạc.

Tiểu Đặng cho biết, sau đó anh trai đã gửi tin nhắn cầu cứu và nói rằng: "Đừng gửi tin nhắn cho anh ấy, hãy giả vờ như không nhìn thấy".

Công ty tuyển dụng lương cao, đưa người qua Thái rồi bán sang Myanmar

Gần đây, báo chí Trung Quốc đưa tin về một chiêu trò mới: Các công ty này được đăng ký tại Trung Quốc, tuyển người bình thường, hoạt động bình thường, trả lương bình thường, sau nửa năm có được lòng tin của nhân viên thì ông chủ mời mọi người đi du lịch Thái Lan, sau đó bị lừa tới Myanmar làm lừa đảo viễn thông.

Theo tờ The Cover của Trung Quốc, một công ty trả lương cao ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc bị cáo buộc đã dụ 80 người đến Myanmar để làm công việc lừa đảo viễn thông. Sau khi đưa hơn 80 người đến Thái Lan, họ lên kế hoạch đưa nhóm người này đến Myanmar, hứa hẹn sẽ làm việc 8 giờ một ngày và kiếm được mức lương hàng tháng từ 19.000 nhân dân tệ (khoảng 65 triệu VND) trở lên. Một trong số những người tiên phong sang Myanmar để “tìm hiểu đường đi nước bước” đã mất liên lạc, nghi rằng người này đã bị bán cho nhóm lừa đảo người Myanmar với giá 200.000 nhân dân tệ (khoảng 680 triệu VND).

Trước đó, cũng từng có đại gia Trung Quốc bị lừa sang Thái Lan và bán sang Myanmar.

Với 142 chi nhánh trên khắp đất nước và tài sản ròng trị giá hàng chục triệu nhân dân tệ, ông Hạnh Vệ Lâm (Xing Weilin), người sáng lập Công ty Du lịch Quốc tế Shitong (Thị Thông) Quý Châu, đã gặp một "đồng nghiệp trong ngành du lịch" trong một chuyến công tác và được nhiệt tình giới thiệu cho các dự án du lịch ở Thái Lan. Xét thấy Thái Lan sắp mở cửa vào ngày 1/10, ông Hạnh đánh giá rằng phát triển du lịch nước ngoài chắc chắn sẽ là một bước đi khôn ngoan. Ông quyết định sang Thái Lan để khảo sát.

Không ngờ vừa xuống máy bay ở Bangkok, ông đã đánh mê rồi bị bắt cóc bán đến điểm dừng chân cuối cùng của đường dây buôn người ở Đông Nam Á - thị trấn biên giới Myawaddy thuộc Myanmar. Tại thị trấn này, ngoài tổ hợp KK Park khét tiếng, còn có 13 tổ hợp khác tham gia đường dây lừa đảo.

Vào một buổi sáng sớm của hai tháng sau, ông Hạnh Vệ Lâm đã nhảy xuống từ bức tường cao 5 mét và bị gãy xương nhiều chỗ, nhưng vẫn bị dân làng, hắc cảnh và sĩ quan quân đội địa phương sang tay bán lại nhiều lần. Trong suốt quá trình ‘vượt ngục’, ông Hạnh đã tiêu tốn gần 200.000 nhân dân tệ (khoảng 680 triệu VND), cuối cùng đã vượt sông ở biên giới và tới được Cục Di dân Thái Lan. Sau khi trải qua một đợt ‘tống tiền’ khác, ông được tại ngoại vào ngày cuối cùng của năm 2022 – ngày 31/12, rồi bay từ Bangkok về Côn Minh vào ngày 5/1/2023.

Hôm 13/3, cô Viên (Yuan), một cư dân mạng Trung Quốc, đã đăng một đoạn video cho biết: Bạn của cô là Âu Dương Lộ (Ouyang Lu) bay đến Thái Lan vào ngày 10/2 để du lịch, nhưng đã mất liên lạc kể từ ngày 2/3. Cô Viên nói rằng Âu Dương Lộ và bạn trai đi du lịch cùng nhau, cả hai được người "em họ" của bạn trai mời sang chơi và "bao mọi chi phí ăn, ở, vui chơi".

Cô Viên đăng một đoạn video nói rằng bạn thân của cô là Âu Dương Lộ đã mất liên lạc sau khi đến Thái Lan. (Ảnh chụp màn hình)

Trùng hợp là vào ngày 21/3, truyền thông Thái Lan đưa tin rằng "ba sĩ quan cảnh sát Thái Lan bị bắt vì bắt cóc một người đàn ông Trung Quốc: một đồng phạm khác đang chạy trốn". Thông tin này đã thu hút nhiều sự chú ý. Theo bài báo, vào cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan đã chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tra tin đồn về sự an toàn khi du lịch trên đất Thái.

Người may mắn trở về kể lại câu chuyện bi thương

Một người được giải cứu kể lại rằng: Ở Myanmar, họ phải làm việc 11 tiếng mỗi ngày. Trong quỹ thời gian còn lại, ngoại trừ việc ăn với ngủ thì chỉ biết trò chuyện với những người bị lừa đảo khác. "Ở đây, con người bị đối xử như con vật, chỉ là công cụ kiếm tiền. Những người bị lừa qua đây đều muốn bỏ trốn nhưng đều cùng đường bí lối". Những người trốn đi mà bị bắt lại đều bị còng tay, rồi bị đấm đá trước mặt những người khác, ít nhất cũng bị tàn tật một nửa cơ thể; hoặc bị bắn chết, bị giam cầm trong nhà lao dưới nước; hoặc lựa chọn nhảy lầu tự tử.

Là người đã trốn thoát khỏi công ty lừa đảo viễn thông ở miền bắc Myanmar, anh Lý Vĩ kể lại với truyền thông Trung Quốc về trải nghiệm khó quên trong đời như sau: Tầng một của tòa nhà đó là khu vực trừng phạt thể xác, có nhà ngục dưới nước, giá treo cổ… anh từng trông thấy một người đàn ông quấn băng đầy người mà vẫn bị đánh đập. Tầng 2 là khu vực văn phòng, có khoảng 70 nhân viên nam đang cùng lúc “chat” với cư dân mạng, trên bàn làm việc mỗi người có một máy tính và 15 chiếc điện thoại di động. Một số người bị thương, một số đang làm việc trong tình trạng còng tay.

Một tuần trước, anh Lý Vĩ nhận được tin rằng một "đồng nghiệp cũ" ở Myanmar đã bị giết trong khi bỏ trốn. Cha của người nọ nhận được cuộc điện thoại từ nước ngoài và được thông báo rằng: "Con trai ông uy hiếp người quản lý của chúng tôi và muốn trốn thoát, đã bị bắn hai phát từ phía sau và tử vong". Theo Lý Vĩ nhìn nhận, đó là một người lính đã xuất ngũ và có nhân phẩm chính trực, nên chắc chắn sẽ không chịu làm công việc lừa đảo viễn thông.

Vào ngày thứ ba bị giam giữ, Lý Vĩ và những người đồng cảnh ngộ đã lựa chọn bỏ trốn. Họ xé các tấm trải giường thành các dải và nối chúng lại với nhau, sau đó ném chúng ra khỏi cửa sổ trên tầng 7 và trượt xuống theo sợi dây. Có người đã trượt xuống đất thành công nhưng bị bắt trở về công ty, còn Lý Vĩ không cẩn thận rơi từ tầng 5 xuống, anh bị thương nặng rồi hôn mê. Sau đó, nhân lúc hai lính canh đang ngủ, Lý Vĩ chống nạng trốn khỏi bệnh viện, sau nhiều lần đổi xe, anh đến được cửa khẩu Thanh Thủy ở Quảng Tây và trở về nước.

Theo những người được phỏng vấn, có một câu nói lan truyền trong ngành như sau: "Nếu vào miền bắc Myanmar, phản kháng sẽ bị đánh đập dã man, chạy trốn lại càng là điều không thể”. Hơn nữa, nếu vào làm mà không có thành tích, sẽ bị bán lại cho công ty khác, hoặc bị bán đi “mổ lấy nội tạng”, bị vắt kiệt tới mức chẳng còn chút giá trị gì.

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Khó tìm việc trong nước, thanh niên Trung Quốc bị lừa sang Myanmar, nhiều người mất liên lạc