Khởi động phiên toà xét xử việc dẫn độ Giám đốc tài chính Huawei

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Hai (20/1), các phiên điều trần chính thức về việc dẫn độ, quyết định số phận của Giám đốc điều hành tập đoàn Huawei, bà Mạnh Vãn Châu đã khởi động tại Vancouver. Sự kiện bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu cách đây một năm khiến Bắc Kinh phẫn nộ và đã cho thấy thách thức của Trung Quốc đối với trật tự chính trị thế giới.

Bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của Huawei là con gái của nhà sáng lập tập đoàn - ông Nhậm Chính Phi, đã xuất hiện phía sau hai lớp kính chống đạn tại phòng xử án lớn với bảo mật cao của khu phức hợp Tòa án tối cao British Columbia vào thứ Hai.

Các công tố viên liên bang của Mỹ cáo buộc bà Mạnh đã lừa dối ngân hàng tại Hoa Kỳ về các giao dịch kinh doanh của công ty tại Iran, dẫn đến việc các ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Họ cho biết bà đã nói dối đại diện ngân hàng về mối quan hệ của Huawei với một công ty Iran, nhưng thực tế đây là một công ty con của Huawei.

Việc xét xử có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm mới đưa ra được kết luận.

Vụ việc của bà Mạnh đã gây ra căng thẳng ngoại giao leo thang giữa Canada và Trung Quốc. Vài tuần sau khi bà bị bắt, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ nhà cựu ngoại giao người Canada Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor về tội gián điệp để trả thù. Bắc Kinh còn tiến hành chặn nhập khẩu hạt cải và các sản phẩm nông nghiệp khác của Canada.

Bà Mạnh hiện đang được tại ngoại ở Canada. Bà cho biết mình vô tội và sẽ phản kháng việc dẫn độ vì hành vi bà bị cáo buộc không phải phi pháp ở Canada.

’Tội phạm kép’

Giai đoạn đầu của phiên tòa xét xử, được tổ chức tại Tòa án tối cao British Columbia, dự kiến ​​sẽ kéo dài ít nhất bốn ngày, tập trung vào vấn đề ‘tội phạm kép’: nghĩa là các công tố viên sẽ cần phải chứng minh rằng hành vi phạm tội của bà Mạnh bị Hoa Kỳ cáo buộc cũng là hành vi cấu thành tội phạm ở Canada.

Các công tố viên Canada dựa trên cáo buộc rằng năm 2013 bà Mạnh đã nói dối đại diện ngân hàng HSBC về mối quan hệ của Huawei với Skycom, một chi nhánh của công ty kinh doanh tại Iran. Bà Mạnh nói với HSBC rằng Skycom là đối tác của Huawei nhưng trên thực tế nó là một công ty con của Huawei, khiến ngân hàng này phải xóa các giao dịch vi phạm lệnh trừng phạt Iran.

Theo các công tố viên, hành vi của bà Mạnh khiến HSBC có nguy cơ thua lỗ tài chính, vì thế nó đủ để cấu thành lập tội lừa đảo ở Canada.

“Việc thúc đẩy một ngân hàng mở rộng các dịch vụ tài chính bằng cách nói dối là phạm tội”, công tố viên nói.

Tuy nhiên, luật sư của bà Mạnh cho rằng cáo buộc lừa đảo không cấu thành phạm tội ở Canada bởi vì không giống như Hoa Kỳ - Canada không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty kinh doanh với Iran.

“Nếu không có luật trừng phạt của Hoa Kỳ, liệu chúng ta có cần có mặt ở đây không? Câu trả lời của chúng tôi là không, luật sư bào chữa của bà Mạnh - ông Richard Peck nói tại phiên tòa vào ngày 20/1.

Ông Leo Adler - luật sư và trợ lý giáo sư luật quốc tế Đại học York có trụ sở tại Toronto nói với The Epoch Times rằng vấn đề chính là có hay không việc cấu thành hành vi lừa đảo. Việc Canada không có chế tài trừng phạt đối với Iran không phải là yếu tố chính trong cuộc điều tra này. “Nếu các công tố viên có thể thuyết phục được thẩm phán việc bà Mạnh đã nói dối ngân hàng về mối quan hệ của Huawei với Skycom, và nó đã xảy ra trong quá trình đàm phán, thì tôi nghĩ rằng công tố viên hoàn toàn đi đúng hướng và chứng minh tội phạm kép cấu thành. Nếu lời nói dối có thể gây ra mối nguy hiểm cho HSBC, thì đó là một vụ lừa đảo. Ở Hoa Kỳ, bạn có thể gọi đó là hành vi vi phạm lệnh trừng phạt, còn ở Canada thì đó là hành vi lừa đảo”.

Các chuyên gia luật cho biết vụ việc này có thể mất nhiều năm mới đưa ra được quyết định cuối cùng, vì hệ thống tư pháp Canada cho phép kháng cáo với nhiều quyết định.

Vụ kiện ở Canada cũng diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng cường giám sát tập đoàn Huawei. Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa tập đoàn này vào danh sách đen các công ty kinh doanh với Hoa Kỳ vì lý do an ninh quốc gia. Chính quyền Hoa Kỳ đang xem xét bổ sung thêm hạn chế các công ty Hoa Kỳ kinh doanh với Huawei.

Các quan chức và chuyên gia Hoa Kỳ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng thiết bị Huawei được chính quyền Trung Quốc sử dụng để theo dõi hoặc phá rối các mạng truyền thông. Mối lo ngại xuất phát từ việc tập đoàn này có liên kết với quân đội Trung Quốc, cũng như việc luật pháp Trung Quốc buộc các công ty phải hợp tác với các cơ quan tình báo khi được yêu cầu. Huawei phủ nhận các cáo buộc này.

Tuy Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Reuters vào tháng 12/2018 rằng ông sẽ can thiệp vào vụ việc của bà Mạnh nếu nó phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ hoặc giúp khép lại thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng vấn đề này không có trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước tuần trước.

Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nói với CNBC rằng các vấn đề xung quanh Huawei không được đề cập tới trong đàm phán thương mại với Bắc Kinh, nhưng “là một phần của cuộc đối thoại an ninh quốc gia đang diễn ra”.

Nhóm luật sư của bà Mạnh hiện chỉ có kế hoạch đưa ra bằng chứng vào tuần cuối của tháng 4; và giai đoạn thứ 2 của phiên tòa sẽ bắt đầu vào tháng 6 tập trung vào việc lạm dụng quy trình và liệu các quan chức Canada có tuân thủ luật pháp trong khi bắt giữ bà Mạnh hay không. Việc kết thúc tranh tụng dự kiến sẽ diễn ra trong tuần cuối cùng của tháng 9 và tuần đầu tiên của tháng 10.

Minh Thanh



BÀI CHỌN LỌC

Khởi động phiên toà xét xử việc dẫn độ Giám đốc tài chính Huawei