Không dám qua đêm ở Hong Kong: Ông Tập Cận Bình chưa nắm chắc được Hong Kong từ phe Giang?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến đi thăm Hong Kong hôm nay, ngày 1/7, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày đặc khu này trở về Trung Quốc, thành "một quốc gia, hai chế độ". Những điều kỳ lạ trong chuyến đi cho thấy những lo sợ lớn hơn của ông Tập về an ninh ở nơi này. Dường như ông Tập vẫn chưa nắm chắc được Hong Kong dù Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 đang cận kề...

Theo bản tin của CCTV, lễ thượng cờ kỷ niệm 25 năm Hồng Kông được bàn giao chủ quyền sẽ được tổ chức tại Quảng trường Bauhinia Vàng lúc 8 giờ sáng thứ Sáu ngày 1/7. Chiều 30/6, Tập Cận Bình đi đường sắt cao tốc từ Thâm Quyến đến nhà ga đường sắt cao tốc Tây Cửu Long ở Hong Kong, sau đó lên một chiếc "xe limousine chống đạn" vào thành phố, tham gia tiệc tối của chính quyền Hong Kong tổ chức, sẵn sàng cho buổi lễ sáng ngày thứ Sáu.

Tuy nhiên, ông Tập đã không qua đêm ở Hong Kong, có thông tin rằng tiệc tối chào mừng do chính quyền Hong Kong dự kiến tổ chức ban đầu đã tạm thời hủy bỏ.

Để duy trì an ninh cao cho Tập Cận Bình, công tác chuẩn bị cho phong tỏa đã được thực hiện xung quanh ga Tây Cửu Long kể từ nửa đêm ngày 28/6. Các khu vực mà ông Tập Cận Bình có thể ở, thăm và đi qua được xem là khu vực an ninh cốt lõi, được bảo vệ chặt chẽ từ ngày 29/6. Theo tin từ truyền thông và người dân Hong Kong, khu vực Wanchai North đã bị đóng cửa trên diện rộng, Trạm triển lãm và Hội nghị MTR cũng đóng cửa từ sáng sớm ngày 30/6. Đồng thời, cứ cách 10 đến 20 mét, các chốt gác được thiết lập tại ga Kowloon và các đường phố lân cận.

Về hành trình kỳ lạ của Tập Cận Bình, nhà báo Akio Yaita, giám đốc chi nhánh Đài Bắc của trang Sankei Shimbun, Nhật Bản, phân tích rằng Tập Cận Bình không dám qua đêm ở Hong Kong, không chỉ vì sợ dịch bệnh Covid-19 mà còn sợ phản kháng. Điều này cho thấy ông Tập chưa hoàn toàn kiểm soát được Hong Kong; đây dường như vẫn thuộc về phe đối thủ chính trị lớn nhất của ông: tập đoàn chính trị Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.

Kể từ khi bùng phát bệnh viêm phổi Vũ Hán, Tập Cận Bình đã không hề rời khỏi đại lục trong suốt 2 năm. Đây là điều hiếm ở các lãnh đạo quốc gia khắp toàn cầu. Câu hỏi là tại sao ông Tập Cận Bình lại không ra ngoài? Đó là sợ lây nhiễm Covid-19? Sợ bị ám sát? Hay là sợ hãi đảo chính trong nước sau khi rời khỏi Nam Trung Hải?

Trong giới quan sát chính trị, lễ kỷ niệm 25 năm ngày bàn giao chủ quyền của Hong Kong cho Bắc Kinh là vô cùng quan trọng; đặc biệt trong bối cảnh Hong Kong đang trong thời gian sóng gió, bất ổn, đầy bạo động vì Luật An ninh mạng trong suốt 2 năm qua.

Nhà báo Yaita bình luận: "Các nhà lãnh đạo tiền nhiệm trước Tập Cận Bình đều không bỏ qua các lễ kỷ niệm quan trọng ở Hong Kong. Nếu ông Tập không đi, một số người sẽ nói rằng ông ấy không chú ý đến Hong Kong. Vì lý do này, ông Tập có thể bị tấn công bởi những kẻ thù chính trị".

Ngoài ra, sau khi Luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong được thực thi, các phương tiện truyền thông và nhiều chính trị gia trong quốc hội đã bị đàn áp. Một số lượng lớn các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã bị bắt, các chính trị gia ủng hộ Trung Quốc đắc cử. Trung Quốc tuyên truyền mạnh mẽ rằng "những người yêu nước quản lý Hong Kong".

Dù đã 'dọn dẹp' Hong Kong bằng bạo lực trên diện rộng như vậy, điều đáng ngạc nhiên là ông Tập vẫn không dám qua đêm ở Hong Kong, thậm chí còn hủy tiệc tối.

"Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ông Tập Cận Bình không dám qua đêm ở Hong Kong, thậm chí còn hủy tiệc tối. Tối nay ông ấy sẽ về Thâm Quyến và ngày mai sẽ đi Hong Kong. Thực tế, lý do không khó suy đoán. Thứ nhất là ông ấy sợ nhiễm Covid - 19, thứ hai là sợ phản kháng".

Nhà báo Akio Yaita cho rằng Tập Cận Bình đặc biệt sợ các cuộc biểu tình, bởi vì ông cũng biết rằng những gì ĐCSTQ đã làm ở Hồng Kông trong những năm gần đây đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

"Nhiều người trẻ bị bỏ tù hoặc mất tích, cha mẹ họ phải nghĩ đến việc đòi ông Tập Cận Bình cho một lời giải thích", ông Yaita nói.

Ông Yaita cũng tin rằng mặc dù chính quyền Hong Kong và cảnh sát sẽ hợp tác toàn diện để ngăn chặn biểu tình có thể xảy ra. Nhưng không giống như ở Trung Quốc, chính quyền Hong Kong không thể hành động như một cánh tay nối dài của quan chức ở Trung Nam Hải. Rõ ràng, ông Tập thấy yên tâm hơn khi quay trở về Thâm Quyến.

Động thái này cho thấy ông Tập Cận Bình dường như chưa yên tâm với đội ngũ chính trị gia Hong Kong 'yêu nước' mới được bổ nhiệm. Điều này cũng cho thấy Hong Kong chưa hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của ông Tập.

Trên thực tế, nhiều nhà quan sát cho rằng quyền lực gần đây của Tập Cận Bình đã bị thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài, khiến ông phải đề phòng một vụ ám sát hoặc một cuộc đảo chính giành chính quyền trong trường hợp ông Tập không có mặt tại đất nước.

Ông Fan Shiping, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính trị tại Đại học Sư phạm Đài Loan, đã chỉ ra rằng cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về các vấn đề ở Hồng Kông là "Nhóm lãnh đạo công việc ở Hồng Kông và Macao".

Trong nhóm này, dù ông Tập Cận Bình đã nhậm chức lãnh đạo vào năm 2007 nhưng không có thực lực. Vào năm 2012 - 2018, lãnh đạo nhóm này là ông Trương Đức Giang, thuộc phe cánh Giang Trạch Dân. Người hiện đang lãnh đạo nhóm này là ông Han Zheng, cựu bí thư Thành ủy Thượng Hải. Phe Giang còn được gọi là "Băng đảng Thượng Hải", mối quan hệ của ông Han và Giang rất khó hiểu.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự Sump nói với Đài Á Châu Tự do rằng Tập Cận Bình đã mạo hiểm đến Hồng Kông với vợ là bà Bành Lệ Viên "để chứng tỏ rằng ông nắm quyền trước Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20. Ông Tập muốn chứng minh rằng ông không sợ cũng như không có rủi ro”, ông Tập cũng cần chứng minh rằng mình đã toàn quyền kiểm soát Hong Kong.

Quang Nhật

(Theo Vision Times)



BÀI CHỌN LỌC

Không dám qua đêm ở Hong Kong: Ông Tập Cận Bình chưa nắm chắc được Hong Kong từ phe Giang?