Kinh tế Trung Quốc: Phục hồi trên nền ‘cát lún’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ẩn sau những số liệu, báo cáo kinh tế phục hồi của Trung Quốc là “nền cát lún”, là những lỗ đen có thể tiêu huỷ các thành tựu kinh tế của nước này bất cứ lúc nào. Các lỗ đen trong nền kinh tế này đều đã tồn tại và được nhận thức từ lâu nhưng không cách nào giải quyết, vì nhóm cực quyền sẽ chịu tổn thất lớn về lợi ích và chính trị nếu chúng bị động vào...

Nền kinh tế Trung Quốc đã đưa ra những tín hiệu trái chiều về sự phục hồi của nó trong hơn một tuần qua, khi doanh số bán lẻ tăng nhẹ sau những dấu hiệu trước đó về nhu cầu yếu.

Nhìn bề ngoài, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang tăng nhanh

Hôm thứ Ba (ngày 15/9), Cục Thống kê Quốc gia (NBS) đã báo cáo kết quả khả quan về doanh số bán lẻ trong tháng 8/2020 với mức tăng 0,5% so với một năm trước, đánh dấu mức tăng hàng tháng đầu tiên của năm 2020.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2020 cũng được cải thiện, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đầu tư tài sản cố định (FAI) vào các hạng mục lâu dài như nhà cửa và máy móc tiếp tục tụt hậu, giảm 0,3% trong giai đoạn 8 tháng, chỉ tăng nhẹ so với mức lỗ 1,6% cho đến tháng 7/2020.

Nhìn bề ngoài, sự phục hồi của Trung Quốc đang tăng nhanh, buộc các nhà phân tích phải điều chỉnh lại kết quả của họ về sự phục hồi từ cuộc khủng hoảng dịch viêm phổi Vũ Hán.

Vào ngày 6 tháng 9, Tổng cục Hải quan (GAC) cũng báo cáo kết quả trái chiều đối với thương mại trong tháng 8 khi xuất khẩu đứng đầu dự báo với mức tăng 9,5% tính theo đồng đô-la Mỹ.

Tuy nhiên, sự suy yếu của nhập khẩu cũng vượt quá kỳ vọng về mặt giảm điểm, giảm 2,1% tính theo đồng đô-la Mỹ, giảm từ mức giảm 1,4% trong tháng 7/2020.

Số liệu mâu thuẫn khi nhu cầu thực đang giảm

Hoạt động nhập khẩu kém được coi là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu nguyên vật liệu và cầu đầu vào cho sản xuất đang yếu đi, cầu tiêu dùng cũng vậy. Số liệu này hoàn toàn mâu thuẫn với số liệu và tuyên truyền của Trung Quốc về sự phục hồi ngoạn mục đối với sản lượng công nghiệp và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội.

Theo số liệu của NBS, tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 7/2020 dường như chững lại với mức tăng hàng tháng là 0,85% sau khi tăng 0,83% vào tháng 6/2020. Ngay cả sự cải thiện nhỏ đó cũng có thể đã dựa vào số ngày nhiều hơn (1 ngày) trong tháng 7 so với tháng 6/2020.

Nhìn bề ngoài, sự phục hồi của Trung Quốc đang tăng nhanh (Ảnh: Feng Li/Getty Images)
Nhìn bề ngoài, sự phục hồi của Trung Quốc đang tăng nhanh (Ảnh: Feng Li/Getty Images)

Xu Hongcai, Phó Giám đốc Ủy ban Chính sách Kinh tế tại Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc, cho biết: “Sự phục hồi của Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, nhưng không còn mạnh nữa”.

“Mọi người đều lo lắng về việc làm, và thu nhập ngày càng giảm nên mọi người không dám tiêu nhiều tiền”, ông Xu nói.

Sự yếu kém trong nhập khẩu và bán hàng đang diễn ra, bất chấp việc Trung Quốc nhập khẩu dầu thô kỷ lục trong tháng 6 và tháng 7/2020, cũng như sự thúc đẩy để đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của Trung Quốc với Hoa Kỳ trước cuối năm nay. Như vậy, nếu loại trừ đi khoản mục dầu thô nhập khẩu kỷ lục trong hai tháng liên tiếp vừa qua, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc thực tế còn thấp hơn nhiều.

Nikkei Asian Review đưa tin, Trung Quốc cũng đang bổ sung vào kho dự trữ các mặt hàng khác như thực phẩm và nguyên liệu khai thác, vốn đang có nguy cơ bị tăng giá đột biến do thiếu hụt nguồn nhập khẩu từ nước ngoài hoặc các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nikkei cho biết: “Bắc Kinh muốn giữ lượng dự trữ của mình ở mức cao để tránh tình trạng thiếu hụt có thể gây ra sự bất mãn trong nước”.

Nếu không có sự gia tăng dự trữ đó, sự sụt giảm nhập khẩu của Trung Quốc sẽ còn tồi tệ hơn.

Đó là chưa kể những nỗ lực từ nhiều phía của chính phủ nhằm kích thích nhu cầu trong nước bằng các chính sách nới lỏng cho vay, giảm thuế, trợ cấp và phiếu giảm giá địa phương.

Các dấu hiệu về cầu tiêu dùng yếu đi, trái ngược hoàn toàn với báo cáo liên tục của truyền thông nhà nước Trung Quốc về việc công chúng quay trở lại trường học, nhà máy và rạp chiếu phim, tham gia mua sắm… khi các hạn chế về dịch bệnh được nới lỏng.

Ngoài ra, thực trạng kinh tế Trung Quốc (trong các báo cáo công bố bởi nhà nước Trung Quốc) vẫn chưa phản ánh tác động tiêu cực của hai tháng lũ lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều năm ở vùng trải dài rộng lớn của lưu vực sông Dương Tử, với những cơn bão tấn công các khu vực ven biển đến tận khu công nghiệp đông bắc.

Sự lạc quan ‘giả tạo’

Một số nhà phân tích cho rằng các báo cáo về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã đi quá xa so với thực tế.

“Chúng tôi tin rằng các thị trường có phần quá lạc quan vào sự tăng trưởng của Trung Quốc trong nửa cuối năm”, Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, nói với Morning Post hôm 14/8.

Tháng trước, Anjani Trivedi, chuyên mục quan điểm của Bloomberg đã viết rằng “ngày càng khó để nói tình trạng thực sự của nền kinh tế Trung Quốc là như thế nào. Các con số tản mát không khớp nhau”.

Theo Tổng cục thống kê Trung Quốc, doanh số bán hàng rong tuần này đã có những kết quả tích cực hơn, mặc dù chúng chưa đủ để nói lên sự phục hồi.

Trung Quốc hồi sinh nền kinh tế bằng cách... thúc đẩy thị trường bán hàng rong? (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)
Trung Quốc hồi sinh nền kinh tế bằng cách... thúc đẩy thị trường bán hàng rong? (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

“Dữ liệu hoạt động mạnh hơn mong đợi trong tháng 8/2020, hỗ trợ quyết định gần đây của chúng tôi là tăng quý III và quý IV/2020 lên lần lượt là 5,2% (theo năm) và 5,7%”, chuyên gia kinh tế Lu của Nomura cho biết trong một nghiên cứu, được CNBC trích dẫn vào ngày 14/9.

Nhưng ông Lu tiếp tục cảnh báo về những bất ổn bao gồm sức mạnh của nhu cầu bị dồn nén và “căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, (điều đó) có thể làm giảm xuất khẩu và đầu tư sản xuất của Trung Quốc”.

Trong một loạt các tín hiệu trái chiều, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chọn một thời điểm “gây tò mò” để công bố hai sáng kiến ​​mới, thể hiện kỳ ​​vọng việc Trung Quốc muốn lấp các “lỗ đen” rắc rối kinh tế trong giai đoạn tới.

Khẩu hiệu mới nhất của ông Tập cho chiến lược kinh tế, được gọi là “lưu thông kép”, được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông vào cuối tháng 7/2020. Phương thức phức tạp này đã hạ thấp tầm quan trọng của xuất khẩu đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nâng tiêu dùng nội địa lên vị trí động lực chính.

Hai phân khúc này sẽ cho phép “thị trường trong và ngoài nước (thúc đẩy) lẫn nhau”, về cơ bản là mong muốn nhận bất kỳ lợi ích nào có thể nhận được từ thương mại.

Tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán

Năm ngoái, chi tiêu tiêu dùng chiếm 57,8% tăng trưởng GDP, theo NBS, nhưng đó là trước khi COVID-19 đưa nền kinh tế chững lại. Vào ngày 7/9, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra một cảnh báo muộn màng về sự suy yếu của tiêu dùng và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết: “COVID-19 đã tạo ra tác động lớn đến tiêu dùng”, trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp điều hành của Hội đồng Nhà nước cấp nội các Trung Quốc.

Hãng thông tấn Tân Hoa xã cho biết: “Tiêu dùng… đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi COVID-19 trong năm nay và trở thành lực cản đối với sự phục hồi kinh tế”.

“Để Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng tích cực trong năm nay, việc thúc đẩy tiêu dùng là cực kỳ quan trọng”, ông Li nói.

Từ ‘lưu thông kép’ đến ‘đĩa sạch’ - Những chiến dịch ‘mâu thuẫn’

Cho đến nay, các con số về doanh số bán lẻ và thương mại cho thấy điều ngược lại với dự báo “lưu thông kép” đang diễn ra, do xuất khẩu vượt quá kỳ vọng và nhu cầu nội địa giảm.

Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu chính phủ có thực hiện sai chính sách của mình hay không, hay liệu nền kinh tế có nhiều điểm yếu hơn không. Trong cả hai trường hợp, “lưu thông kép” hầu như không phải là một khẩu hiệu hấp dẫn hoặc một công cụ tạo dựng niềm tin kinh tế.

Tương tự, chiến dịch về an ninh lương thực của ông Tập, cũng được thúc đẩy mạnh mẽ vào cuối tháng 7/2020, dường như phản ánh sự lo ngại của chính phủ về các mối đe dọa phục hồi.

Một bài bình luận của Tân Hoa xã cho biết: “Trong nửa đầu năm, sản xuất nông nghiệp và cày cấy vụ xuân của Trung Quốc gặp phải những thất bại do khó khăn trong vận chuyển, lưu thông và chế biến ngũ cốc”.

Tân Hoa Xã cho biết: “Việc hạn chế xuất khẩu lương thực và việc hoảng loạn tích trữ ở một số quốc gia và khu vực, và (các) châu chấu sa mạc tràn lan, đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất lương thực”.

Cảnh báo này nhanh chóng trở thành một chiến dịch “đĩa sạch”, nhằm giảm lãng phí thực phẩm trên khắp Trung Quốc từ các nhà sản xuất nông nghiệp đến nhà hàng và trường học.

Tuy nhiên, sự leo thang đột ngột của sáng kiến ​​này đã gây ra phản ứng khẩn cấp và thúc đẩy người dân áp dụng biện pháp thắt lưng buộc bụng trước đây, trái ngược với tuyên bố của chính phủ về sự phục hồi kinh tế nhanh chóng trong nửa cuối năm.

Kết luận trái ngược

Tháng trước, tờ China Daily (kênh thông tấn chính thức bằng tiếng Anh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã trích dẫn một báo cáo “tô hồng rực rỡ” của Ni Yuefeng - Bộ trưởng của GAC, gọi Trung Quốc là “nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới chứng kiến sự phục hồi lớn về sản xuất sau cú sốc do coronavirus”.

Ni nói: “Khả năng sống sót sau những cú sốc lớn và khả năng cạnh tranh của ngành thương mại Trung Quốc tiếp tục tăng lên”.

“Thị phần của Trung Quốc có thể tăng hơn nữa khi hoạt động kinh doanh (toàn cầu) tiếp tục. Đó là điều đáng chú ý”, Ni nhận xét với Morning Post Tân Hoa xã.

Nhưng Derek Scissors, một nhà kinh tế châu Á và là học giả thường trú tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, đã đưa ra kết luận ngược lại về dữ liệu thương mại khác nhau, và liệu Trung Quốc có đang dẫn đầu thế giới về phục hồi kinh tế hay không.

Scissors cho biết: “Dữ liệu thương mại tháng 8/2020 cho biết sự phục hồi nhu cầu toàn cầu đang vượt xa Trung Quốc”.

“Nền kinh tế Trung Quốc dựa vào trợ cấp nhà nước cho các công ty với chi phí mà các hộ gia đình phải gánh chịu. Kích cầu của Trung Quốc hỗ trợ sản xuất hơn là tiêu dùng. Nguồn cung dư thừa sau đó sẽ đổ gánh nặng sang phần còn lại của thế giới”, ông nói.

Đồng quan điểm, Giáo sư Michael Pettis tại Đại Học Bắc Kinh, chuyên gia hàng đầu về kinh tế Trung Quốc nhận định trên tờ Financial Times:

“Nói cách khác, sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc (và trên thế giới, nói chung) đòi hỏi sự phục hồi của nhu cầu, kéo theo đó là sự phục hồi của nguồn cung. Nhưng đó không phải là những gì đang xảy ra. Thay vào đó, Bắc Kinh đang đẩy mạnh nguồn cung, chủ yếu là vì nước này phải giảm tỷ lệ thất nghiệp càng nhanh càng tốt. Chính lực đẩy từ phía cung này đang kéo theo cầu”.

Lâu đài xây trên nền cát lún

Tốc độ tăng sản lượng sản xuất cao hơn nhiều so với tốc độ tăng tiêu dùng sau Covid-19, do dân số thu nhập thấp (140 USD/tháng) chiếm tới hơn 2/3 dân số nước này (Nguồn: Financial Times)

Đồ thị cho thấy, đường màu hồng, biểu thị cho tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã đảo chiều so với tổng cung. Tức là tăng trưởng sức mua của người dân Trung Quốc trước Covid-19 luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của sản lượng đầu ra trong sản xuất.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đảo lộn tất cả, sức mua của người dân Trung Quốc bị đánh quỵ, thấp hơn nhiều so với sức tăng của sản xuất, thậm chí khoảng cách giữa sức mua của người dân và sức tăng của sản xuất đang giãn cách ngày một lớn.

Chiến lược này nhất thiết phải làm tăng khoảng cách giữa tổng cầu và tổng cung bền vững, như biểu đồ chỉ ra rõ ràng. Sự bất cân đối này có thể giải quyết theo hai cách.

Thứ nhất, Trung Quốc có thể giải quyết phần cung dư thừa trong nước bằng cách tăng xuất khẩu (tăng thặng dư thương mại). Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc giảm do tổng cầu thế giới đều giảm mạnh, bản thân chuỗi cung ứng tại Trung Quốc bị phá vỡ, dòng tiền ngoại quay đầu tháo chạy, vậy nên Trung Quốc khó có thể theo đuổi sách lược này. Khi xuất khẩu khó khăn, làn sóng vỡ nợ trái phiếu ngoại của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ lớn hơn và mạnh hơn trong năm 2020 và 2021.

Thứ hai, Trung Quốc có thể kích thích tiêu dùng và sản xuất trong nước thông qua tăng đầu tư công vào cơ sở hạ tầng. Nhưng do đầu tư công của Trung Quốc phần lớn không hiệu quả, việc này tiếp tục làm gia tăng gánh nặng nợ công tại Trung Quốc vốn đã rất lớn, dù chưa được thống kê đầy đủ.

Và đây chính xác là những gì chúng ta đã thấy trong dữ liệu. Đầu tư tài sản cố định tăng, dẫn đầu là đầu tư khu vực công thậm chí còn tăng nhanh hơn và thặng dư thương mại của Trung Quốc, hiện đạt khoảng 4-5% GDP.

Như vậy, số liệu vĩ mô và cả lý thuyết kinh tế tại Trung Quốc chứng minh rằng “sự phục hồi” của Trung Quốc không dựa vào xuất khẩu, cũng không hề dựa vào tiêu dùng trong nước khi cầu trong nước suy giảm mạnh, gần 1 tỷ dân có thu nhập ở mức đói nghèo (chỉ vào khoảng 140 USD/tháng), mà đơn thuần được bơm phồng thêm bởi đầu tư công.

Điều đáng nói là “diệu dược” cho nền kinh tế Trung Quốc lúc này không phải là đầu tư công, mà phải là nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Nhưng điều đó đòi hỏi quá lớn về mặt chính trị, khi ĐCSTQ phải chấp nhận sự chuyển dịch của cải giữa các giai tầng xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc ĐCSTQ phải hi sinh đặc quyền, đặc lợi về kinh tế (thậm chí cả chính trị) của của đảng viên, thân hữu với chính quyền, thì mới có thể tạo ra một môi trường với cơ hội việc làm, kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, sáng tạo.

Lúc đó, khoảng cách giàu nghèo và thu nhập giữa các tầng lớp mới có thể được thu hẹp.

Sự phục hồi này sẽ không bền vững nếu không có sự chuyển đổi đáng kể của nền kinh tế, và trừ khi Bắc Kinh nhanh chóng thực hiện phân phối lại thu nhập trong nước, nếu không tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm hơn của các đối tác thương mại, hoặc cuối cùng là đảo ngược tăng trưởng trong nước bởi nợ tại Trung Quốc đã quá lớn.

Cát có thể lún trước khi nền kinh tế Trung Quốc kịp phục hồi...

Thiện Nhân



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Trung Quốc: Phục hồi trên nền ‘cát lún’