Kỷ niệm 5 năm Tòa trọng tài ra phán quyết về Biển Đông, Hoa Kỳ và Philippines kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 11/7, Hoa Kỳ đã kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông nhân kỷ niệm năm năm ngày phán quyết mang tính bước ngoặt của một tòa trọng tài bác bỏ các yêu sách lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc trong khu vực.

“Không có nơi nào mà trật tự hàng hải dựa trên luật lệ lại bị đe dọa như ở Biển Đông. Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa tiếp tục cưỡng ép và đe dọa các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á, đe dọa tự do đi lại trên tuyến đường toàn cầu quan trọng này.”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố hôm 12/7.

Chúng tôi kêu gọi CHND Trung Hoa tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành vi khiêu khích và từng bước tái bảo đảm với cộng đồng quốc tế rằng nước này cam kết tuân theo trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, tôn trọng quyền của mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ”.

Ngày 9/7, Trung Quốc, vốn tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết các vùng biển nằm trong cái gọi là đường phân giới chín đoạn mà Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam tranh chấp, nhắc lại rằng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết năm 2016 của Tòa án quốc tế tại The Hague, Hà Lan.

Trong một tuyên bố ngày 12/7, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. nói, phán quyết của Tòa trọng tài giống như "Vì Sao Bắc Đẩu sẽ giúp chúng ta đi đúng hướng trong hiện tại và là kim chỉ nam đưa chúng ta trở lại đúng hướng trong tương lai".

Philippines “kiên quyết bác bỏ các nỗ lực phá hoại phán quyết hoặc xóa nó khỏi hệ thống luật pháp, lịch sử và ký ức tập thể”, ông nói, đồng thời nói thêm rằng, phán quyết là “cuối cùng” và nó tạo thành “một cột mốc quan trọng trong kho tài liệu của luật pháp quốc tế”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken cũng lặp lại cảnh báo với Trung Quốc rằng một cuộc tấn công vào các lực lượng vũ trang của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt hiệp định phòng thủ kéo dài 70 năm giữa Hoa Kỳ và quốc gia này.

Ông nói trong tuyên bố của mình: “Chúng tôi cũng tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang của Philippines, tàu Mỹ hoặc máy bay Mỹ ở Biển Đông sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ theo Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines năm 1951”.

Một phần Điều khoản của hiệp ước nói, “mỗi Bên thừa nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang ở khu vực Thái Bình Dương đối với một trong hai Bên sẽ gây nguy hiểm đến hòa bình và an toàn của chính mình và tuyên bố rằng mình sẽ hành động để đối phó với những nguy hiểm chung phù hợp với các quy trình lập hiến”.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cũng kêu gọi ĐCSTQ “chấm dứt hành vi khiêu khích và thể hiện sự tôn trọng đối với quyền của mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ”.

Kể từ năm 2016, Philippines đã 128 lần phản đối ngoại giao trước các hoạt động của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp và lực lượng bảo vệ bờ biển và cục tàu cá đã tiến hành các cuộc tuần tra “có chủ quyền” trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, kéo dài 200 hải lý từ bờ biển của nước này.

Vào ngày 11/7, trên chương trình phát thanh hàng tuần của mình, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo cho biết, Philippines phải tiếp tục bảo vệ chủ quyền trong bối cảnh Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của đất nước.

Theo Manila Bulletin, bà nói: “Có nhiều tác động đối với chúng tôi, nhưng bị ảnh hưởng nhiều nhất là những ngư dân nhỏ, những người dựa vào biển để sinh kế trong vùng biển của chúng tôi. “Họ đang làm việc trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước mình, nhưng họ lại cảm thấy mình bị xua đuổi và có nguy cơ bị bắt”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao và Phát triển Thương mại Canada cho biết trong một tuyên bố rằng, họ đặc biệt quan ngại về “các hành động leo thang và gây bất ổn” của Trung Quốc trong khu vực.

“Điều bắt buộc là tất cả các bên trong khu vực phải kiềm chế và tránh hành động đơn phương, vì điều này sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng và đe dọa sự ổn định của khu vực”, tuyên bố viết.

Ngoại trưởng Blinken nói: “Tự do biển cả là lợi ích lâu dài của mọi quốc gia và có tầm quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng toàn cầu”.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Kỷ niệm 5 năm Tòa trọng tài ra phán quyết về Biển Đông, Hoa Kỳ và Philippines kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế